NTK Christian Dior từng nói: “Trong kỷ nguyên của máy móc, thời trang là nơi nương náu duy nhất cho loài người bởi tính cá nhân, không thể bị bắt chước”. Và trong tất cả, ren chính là chất liệu mang tính cá nhân vượt bậc. Hơn cả việc được ngưỡng mộ về bộ cánh trên người, đó là cảm giác khi bạn tận hưởng khoảnh khắc ren “chạy dọc” trên cơ thể, nguồn năng lượng và những rung cảm bạn tỏa ra khi mặc chúng. Hệt như vậy, những chiếc váy ren luôn mang đến những “thanh âm” bí ẩn, có lúc ngây thơ, lúc lại quyến rũ, vừa gợi cảm, vừa kín đáo, trông mỏng manh mà lại vô cùng bền bỉ. Dù nhiều thập kỷ trôi qua với đầy những chuyển biến, vẻ đẹp của vải ren như một người phụ nữ bí ẩn, vẫn luôn chờ lời giải mã cho những họa tiết cầu kỳ trên đó.
BÀI LIÊN QUAN
Xuất thân quý tộc nhưng “dễ thích nghi”
Váy ren được tạo nên từ một loại vải đặc biệt với các khoảng trống mang dáng hình hoa văn khác nhau. Những khoảng trống độc đáo này được làm ra bằng cách bện, lặp, xoắn hoặc đục lỗ trên chất liệu có sẵn. Chính sự khác biệt này đã khiến chúng dễ dàng được “nhớ mặt đặt tên” so với nhiều loại vải khác. Theo dòng chảy thời gian, vải ren ngày càng đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu cấu thành.
Trở về với cội nguồn chất liệu, ren nguyên thủy được biết đến như một loại lưới phức tạp, có thể được tìm thấy trong các nền văn hóa phát triển lưới đánh cá và được sử dụng trong may mặc từ khoảng 4000 năm trước Công nguyên. Thế nhưng, đối với loại ren được chúng ta biết đến hiện nay, cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI chính là cột mốc đánh dấu sự “tiến hóa” và phát triển của chất liệu này. Theo nhiều ghi chép, Venice là thành phố đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của vải ren. Tại đây, quyển sách đầu tiên mô tả những hoa văn trên ren với tên gọi Le Pompe được ra đời vào những năm 1550.
Đến giai đoạn 1600, nhiều loại ren cao cấp hơn được sản xuất tại các quốc gia lớn của châu Âu như Bỉ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Cũng từ đó, đầm vải ren dần “vươn mình” và thâm nhập vào quỹ đạo thời trang của giới quý tộc. Rất nhiều người phụ nữ huyền thoại nhất lịch sử đã bước vào bức tranh chân dung của mình cùng chất liệu này. Đơn cử như nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất, Hoàng hậu Catherine de Medici, Hoàng hậu Marie Antoinette, Nữ hoàng Victoria…
Những chiếc váy ren xuất hiện trong nghi lễ tôn giáo, các đám cưới xa hoa hay chuyến du ngoạn hoang đàng càng khiến xu hướng này lan truyền rộng rãi. Thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII là thời “hoàng kim” của vải ren khi chúng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và là biểu tượng cho sự cao sang, quyền quý như “nữ vương” của thế giới vải vóc. Kỳ thực, hiếm có bất kỳ loại vải nào có thể gợi nên nhiều giả thiết thị giác khác nhau đến vậy. Mặc dù những chiếc váy ren luôn chứa đựng sự nữ tính, thanh lịch, thế nhưng kết cấu và kiểu dáng của chất liệu này lại gợi lên cảm giác quyến rũ và chút gì đó “trần trụi”.
“Minh chứng” cho những khoảnh khắc quan trọng
Nhiều giả thiết cho rằng một chiếc váy ren đẹp không chỉ bởi thiết kế, sự tinh xảo từ đường kim mũi chỉ mà còn bởi “hào quang” của người phụ nữ sẽ mặc nó lên người. Không ngoa khi nói rằng những váy ren được tạo ra để khẳng định thanh thế và nâng tầm uy tín cho vị chủ nhân. Bên cạnh đó, váy ren trắng còn là biểu trưng cho sự thuần khiết, tái sinh hay một khởi đầu mới. Có phải chăng vì những điều đó mà váy ren trắng đã không ít lần xuất hiện trong những hôn lễ hoàng gia hay khoảnh khắc trọng đại của các nhân vật nữ nổi tiếng thế giới. Khi Nữ hoàng Victoria kết hôn cùng Hoàng tử Albert vào năm 1840, với mong muốn tái sinh nghề thêu ren của nước Anh, bà đã chọn loại ren Honiton trắng làm điểm nhấn cho bộ váy cưới của mình.
Tua đến thế kỷ sau đó, chiếc váy ren trắng được đính kết hàng ngàn viên ngọc trai tinh xảo của minh tinh Grace Kelly cũng trở thành một trong những chiếc váy cưới nổi tiếng nhất lịch sử. Từ đó đến nay, hình tượng cô dâu thanh lịch trong chiếc váy ren trắng vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thiết kế và hàng triệu phụ nữ trên thế giới, trong đó có thể kể đến Công nương Kate Middleton, Paris Hilton, Kitty Spencer,…
Không còn là chất liệu độc quyền của riêng áo cưới, những chiếc váy ren đã trở nên quá đỗi quen thuộc với giới mộ điệu suốt nhiều thập kỷ qua. Tại lễ trao giải Oscar năm 1954, Audrey Hepburn cũng diện chiếc váy ren trắng trong khoảnh khắc được xướng tên cho giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Chiếc váy được thiết kế bởi Edith Head và được sửa lại sau đó với phần cổ thuyền, tạo điểm nhấn bằng thắt lưng để tôn lên vòng hai nhỏ nhắn của nữ diễn viên.
Nhóm thực hiện
Bài: Mẫn Nhi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE