Live stream: Xu hướng bán hàng thời trang trực tiếp bùng nổ mạnh mẽ ở châu Á
Ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang, các tiểu thương và cá nhân tại châu Á chọn hình thức live stream để quảng cáo, bán hàng và thu lại lợi nhuận khổng lồ.
Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, tính năng live stream hay còn gọi là phát video trực tiếp được áp dụng vào mạng xã hội facebook, instagram, weibo…Nhiều người nổi tiếng sử dụng tính năng này để đưa người hâm mộ của mình trải nghiệm những khoảnh khắc đặc biệt của họ mà không phải ngày nào cũng có thể thấy. Đồng thời, một số thương hiệu thời trang, các tiểu thương bán hàng xem việc live stream như là hình thức quảng bá thương hiệu một cách tốt nhất. Đặc biệt, chúng còn là công cụ hỗ trợ đắc lực vì có thể giúp khách hàng trải nghiệm một cách chân thật nhất về sản phẩm mà người bán đang kinh doanh.
Nói về hình thức bán hàng này, live stream hay streaming là một thuật ngữ cho phép truyền phát nội dung số trên mạng, đòi hỏi phải có một thiết bị đầu vào có tác dụng quay video như máy ảnh, máy quay và các thiết bị đầu ra hỗ trợ cho việc phát các đoạn video trực tiếp.
Với một chiếc điện thoại, máy quay hay máy tính có kết nối mạng, bạn đã có thể tự phát sóng trực tiếp với tốc độ lan truyền mạnh mẽ hơn hẳn các bài viết thông thường. (Ảnh: Gevme)
Tương tác với khách hàng
Khác với khi bạn đăng những hình ảnh về quần áo, phụ kiện, giày dép như thường lệ, hình thức phát video trực tiếp mang tính chân thực và có sự tương tác lớn đối với người xem. Nếu như thông thường khách hàng bình luận về một sản phẩm phải mất một thời gian để phản hồi lại, việc sử dụng hình thức này khách hàng sẽ được phản hồi nhanh chóng hơn. Bởi người bán trực tiếp tương tác với khách hàng, các câu trả lời sẽ được đưa ra kịp thời và chi tiết hơn.
Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của hình thức live stream trong những năm gần đây đã trở thành một trào lưu bán hàng trực tiếp, có mức tăng trưởng cao hơn so với cách thức truyền thống. (Ảnh: jackshoot)
Nắm bắt được xu hướng mua bán toàn cầu, các thương hiệu thời trang lớn nhỏ cũng nhanh chân nhảy vào thị trường “béo bở” này. Song giữa nhu cầu mua hàng không ngừng gia tăng mỗi ngày trên khắp các châu lục, thị trường châu Á vẫn là điểm đến đầy tiềm năng của các ông lớn ngành thời trang và đại đa số các tiểu thương, cá nhân bán hàng qua mạng.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hình thức phát video trực tiếp bán hàng không phải là quá mới mẻ. Hình thức này đã được tổ chức hết sức chuyên nghiệp với các video được ghi hình tại trường quay, có sự tham gia của người mẫu và đã trở thành một hình thức cực kỳ thu hút ở tại nước này. Lượng khách hàng chủ yếu là phụ nữ khoảng từ 20 – 35 tuổi, sống ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.
Ảnh: scmp
Việc mua bán qua mạng bằng hình thức này không chỉ tạo ra lợi nhuận nhanh chóng cho các cửa hàng thời trang nội địa, mà còn có tác động tích cực đến những thương hiệu quốc tế ở Trung Quốc như Armani hay Victoria Secret. Theo Alibaba – chủ quản của tờ South China Morning Post, chia sẻ: “Từ khi hình thức buôn bán trực tiếp này được cập nhật vào tháng 5/2016 trên nền tảng Taobao, chúng tôi nhận được lượng tương tác lên đến 80% là nữ giới. Thời điểm từ 20 – 22 giờ mỗi ngày chính là khoảng thời gian thị trường bán hàng qua mạng tại quốc gia đông dân này trở nên sôi động hơn bao giờ hết”.
Để có thể tiếp cận được từ 20 nghìn đến 30 nghìn lượt người xem, các thương hiệu tại đây chọn một chương trình ứng dụng của WeChat, được hỗ trợ bởi Muougujie.com để phát trực tiếp theo phiên. Họ có khoảng bốn phiên như vậy trong một tuần. Mỗi phiên bán trực tiếp sẽ mang về 30% doanh thu cho người bán.
Tín đồ thời trang khá nổi tiếng ở Trung Quốc, Peter Xu chia sẻ: “Weibo là một kênh bán hàng thời trang thuận tiện và được các tiểu thương bán hàng qua mạng sử dụng nhiều nhất. Đây là một địa chỉ mà các chị em phụ nữ cập nhật mỗi ngày để theo dõi các chương trình khuyến mãi, giảm giá, trang phục mới…Tôi tin rằng với sự tương tác chân thật này, bản thân tôi cũng như những người bán hàng khác dễ dàng trả lời những câu hỏi và nhận phản hồi của khách hàng cách nhanh chóng”.
Ảnh: motherboardvice
Nhật Bản
Ngành công nghiệp thời trang là một trong những lĩnh vực đóng góp to lớn cho sự phát triển nền kinh tế Nhật Bản. Chính vì điều đó, Nhật Bản được xem là một trong những trung tâm thời trang hàng đầu của châu Á. Họ không quá phụ thuộc vào các thương hiệu quốc tế, song chính những thương hiệu danh tiếng trên thế giới chủ động xâm nhập vào thị trường Nhật Bản, bởi họ nhìn thấy tiềm năng phát triển và sức tiêu dùng của nguời dân châu Á cụ thể là tại Nhật Bản.
Thương hiệu thời trang cao cấp đầu tiên thực hiện hình thức phát video trực tiếp từ ở Nhật Bản là Burberry. Burberry đã ký hợp đồng với hãng công nghệ Nhật Bản – Line để phát trực tiếp các buổi trình diễn thời trang của mình trên điện thoại thông minh tại thị trường Nhật Bản vào năm 2016. Thỏa thuận này là thỏa thuận đầu tiên của thương hiệu hàng đầu nước Anh tại Nhật Bản, nơi nhãn hàng đang định lại hình ảnh và phân khúc thời trang của mình.
Chương trình đầu tiên được phát trực tiếp trên mạng xã hội Line là BST Thu – Đông Burberry Prorsum 2015/2016 tại tuần lễ thời trang London.
BST mùa Xuân Burberry Prorsum 2016, thương hiệu thời trang Anh quốc này cũng chọn hình thức phát trực tiếp thông qua mạng xã hội Line để tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản. (Ảnh: line/ buro24/7)
Bằng cách tận dụng những tính năng vượt trội của mạng xã hội Line, Burberry hướng tới tiếp cận hàng trăm nghìn người tiêu dùng để vừa xem buổi trình diễn BST mới trực tiếp từ Anh quốc, vừa có thể đặt mua ngay sản phẩm đó mà không cần phải tốn quá nhiều thời gian chờ đợi. Với hơn 181 triệu người dùng tại Nhật Bản, Line là một kênh bán hàng trực tiếp có ảnh hưởng rất lớn đến các thương hiệu thời trang.
Louis Vuitton cũng từng tổ chức buổi phát trực tiếp BST Louis Vuitton Cruise 2018 tại viện bảo tàng Miho, Nhật Bản cho thấy cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn ngành thời trang đến với quốc gia phát triển này.
Việt Nam
Riêng tại Việt Nam, mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ đã nhanh chóng đưa hình thức phát video trực tiếp trở thành một trong những công cụ truyền thông, bán hàng qua mạng phát triển mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại. Không giống như mạng xã hội WeChat hay Weibo của Trung Quốc, mạng xã hội Line của Nhật Bản, người tiêu dùng Việt Nam lại chuộng Facebook, Instagram hơn trong việc bán hàng qua mạng.
Trên Facebook, những cửa hàng thời trang có xu hướng chuyển mạnh sang phát video trực tiếp để giới thiệu sản phẩm, bởi mô hình này hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế, mang lại lợi ích cho cả người mua lẫn người bán. (Ảnh: blog-sapo)
Không chỉ những người người bán thông thường, nhiều người mẫu, diễn viên Việt Nam cũng nhanh chóng hòa nhịp vào xu hướng bán hàng trực tiếp xem nhanh, mua nhanh này. (Ảnh: @nguyenthimongdiep)
Nếu như trước đây, các thương hiệu thời trang phải phụ thuộc vào nhà đài để thực hiện một chương trình được phát sóng trực tiếp hay những người bán hàng chỉ có thể đăng ảnh, viết chú thích trên trang bán hàng, thì giờ đây với công nghệ phát video trực tiếp họ hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi: từ thời gian, địa điểm, nội dung chương trình mà không phải chạy theo bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào.
Song Việt Nam vẫn còn là một thị trường quá mới mẻ để các nhãn hàng danh tiếng như Chanel, Burberry hay Gucci có ý định thực hiện những buổi phát sóng trực tiếp từ Milan, London, New York hay Paris về những BST mới. Cần có thêm thời gian để người tiêu dùng Việt Nam có thể hòa nhịp vào xu hướng chung “see now, buy now” đang phủ sóng rầm rộ ở nhiều quốc gia phát triển ngành thời trang.
Mặc dù một số NTK áp dụng hình thức phát trực tuyến BST tại tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, nhưng hình thức bán trực tiếp vẫn chưa có dấu diệu xuất hiện. (Ảnh: @nguyencongtri)
Nhiều NTK Việt Nam vẫn lựa chọn hình thức diễn ra buổi trình diễn các BST, sau đó mới phát lại trên các mạng xã hội, chỉ có số ít NTK hay thương hiệu thời trang nội địa lựa chọn hình thức phát trực tiếp các bộ sưu tập của mình. Tuy vậy, mọi thứ chỉ vừa mới dừng lại ở giai đoạn chiêm ngưỡng các thiết kế in đậm dấu ấn của họ trên sàn diễn thời trang.
Người tiêu dùng Việt vẫn đang mong chờ những tín hiệu mới từ các NTK, các nhãn hàng nội địa, đặc biệt là những thương hiệu quốc tế để chính người Việt có thể vừa được xem, vừa có thể tương tác và mua hàng trực tiếp từ những buổi trình diễn thời trang hàng đầu Việt Nam và quốc tế.
Xem thêm
Thị trường thời trang thể thao Trung Quốc – “miếng bánh ngon” mang lại lợi nhuận khủng
Vải sợi lá dứa – chất liệu tiềm năng cho ngành công nghiệp thời trang xanh
Tô Mã Ngọc (Nguồn Tạp Chí Phái Đẹp ELLE/ Hình ảnh: tổng hợp)