Con đường đến với thời trang bền vững của các thương hiệu nội địa được “chắp nối” từ những chất liệu “rất Việt Nam” như bã cà phê, tấm bạt cũ hay đơn thuần là những miếng vải vụn. Local brand nay đã tự mày mò và có thể tái chế theo cả hai hướng recycling và upcycling. Hiểu một cách đơn giản, recycling cần đến công đoạn phá hủy hoàn toàn các nguyên vật liệu thô để biến đổi chúng thành một chất liệu mới. Upcycling lại giống như tái chế một cách sáng tạo, những đồ vật bỏ đi, ví dụ như quần áo, có thể được cắt ghép và may lại thành một thiết kế khác mà không cần xử lý công nghiệp. Thời trang tái chế đang ở rất gần chúng ta và những thương hiệu sau đây sẽ chứng minh bạn hoàn toàn có thể mặc chúng hằng ngày khi tính thẩm mỹ đã được chú trọng.
BÀI LIÊN QUAN
Môi Điên và BST Thức: Cái bắt tay với Piktina và sự thức tỉnh trên hành trình bền vững
Hơn 100 chiếc áo sơ mi cũ cùng với các vật liệu tái chế khác, Môi Điên tiếp tục thực hiện hướng đi Trashion mà thương hiệu đã đặt ra ngay từ những ngày đầu hoạt động. Bạn sẽ nhìn thấy sự tỉ mẩn và sáng tạo vô tận qua các họa tiết, đường kẻ được tạo nên từ những mảnh vải màu sắc. Môi Điên kết hợp cùng Piktina – một ứng dụng thời trang secondhand cho lần ra mắt mới này.
Khaar đi và nhặt từng tấm vải để may áo “Tết”
Áo khoác “Tết” là sản phẩm được sản xuất thủ công hơn 80% công đoạn. Bề mặt áo là cả một quá trình chắp nối, chần và lồng ghép những mảnh vải có hoa văn khác nhau. Điểm nhấn của nó chính là sự mộc mạc từ chính chất liệu. Sau khi những tấm vải vụn bị vứt bỏ, NTK Ngô Hoàng Kha tự hào biến hóa chúng thành một thiết kế đầy nghệ thuật.
Fashion4Freedom – BST Data-Min’d và trang sức từ linh kiện điện tử
Fashion4Freedom (F4F) đã đem lại sự hào nhoáng cho những món đồ cũ. Cùng với kĩ thuật chế tác trang sức điêu luyện, nghệ nhân Lê Ngọc Trí đã chiết xuất kim loại thuộc phần cứng của điện thoại, máy tính cũ rồi khiến chúng trở nên lấp lánh hơn dưới hình hài của chiếc nhẫn, chiếc trâm cài,…
Dòng Dòng Sài Gòn – Lòng vòng đi chợ với túi tote bằng bạt
Cuộc rong ruổi của Dòng Dòng cùng những tấm bạt vi vu khắp Sài Gòn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Trong số các thiết kế từ bạt, những chiếc túi tote với cái tên rất “kêu” như Chợ Ông Tám, Chợ Trời, Chợ Búa,… là dòng sản phẩm mà bạn không nên bỏ lỡ. Những tấm bạt thô sần và cũ kỹ nay lại được tiếp tục sứ mệnh hộ vệ của mình khi được hô biến thành balo hay túi xách.
BÀI LIÊN QUAN
Re.socks – Những chiếc vớ “tái xinh” từ chai nhựa
Trước TheBlueTshirt với những chiếc áo thun màu xám, Re.socks cũng sử dụng vải polyester tái chế (PET) để tạo ra những đôi tất chân muôn màu. Vỏ chai nhựa sau khi thu nhặt sẽ được làm sạch, nung chảy để tạo ra hạt nhựa, sau đó ép và dệt để tiếp tục vòng đời là vải polyester mà sau này có thể may thành bất kỳ trang phục nào. Bạn có thể ghé thăm Instagram @re.socks để ngắm nghía kĩ hơn từng mẫu mã và tận mắt chứng kiến sự “lột xác” thần kì của vỏ chai nhựa.
Archive Sashiko – “Chắp – đắp – vá” vải thừa vải vụn
Bức tranh không có điểm giới hạn ngày một được lấp đầy bởi những bộ quần áo thủ công mang âm hưởng Indigo Child đến từ local brand thời trang tái chế Archive Sashiko. Ra đời vào năm 2020, thương hiệu đã có được 5,000 followers trên Instagram dù Co-founder – anh Thành không hề chạy quảng cáo. Kĩ thuật patchwork (đắp vá) những tấm vải thừa thành một sản phẩm hoàn chỉnh đã không còn quá xa lạ nhưng sự tỉ mẩn trong từng công đoạn đã khiến các thiết kế của Archive Sashiko trở nên đặc biệt và trân quý. Những miếng vải thừa được “cưu mang” ở nhà Archive Sashiko thường có nguồn gốc từ Sapa hoặc Nhật Bản.
Biti’s Hunter Street “CÒN-GÌ-DÙNG-ĐÓ” – Bước đệm tái chế từ phế cao su
BST “Còn-Gì-Dùng-Đó” của Biti’s được tái chế từ vật tư thừa và phế cao su. Với tỉ lệ nguyên liệu tái sử dụng lên đến 60%, BST lần này đánh dấu chặng đầu trong hành trình theo đuổi “lối sống bền vững – tuổi thọ dài lâu” của Biti’s. Những đôi giày mang nhiều câu chuyện góp nhặt này sở hữu độ bền tốt và cảm giác thoải mái, hứa hẹn sẽ nâng niu bàn chân của bạn không thua kém bất cứ chất liệu xịn xò nào.
Couple TX và những chiếc áo bã cà phê
Bã cà phê cũng là một trong những nguyên liệu tiềm năng để sản xuất quần áo. Thương hiệu Couple TX đang đặt dấu chân xanh và sạch nhất cho làng mốt Việt bằng việc trao sứ mệnh mới cho một nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi. Bã cà phê ngay sau khi trải qua khâu làm sạch và tách dầu, chúng sẽ được nghiền vụn nhuyễn và đem trộn cùng nylon hoặc polyester tạo thành sợi cà phê. Loại sợi này có tính năng mềm, nhẹ, kiểm soát mùi cơ thể và đặc biệt là khả năng chống được tia UV. Bạn có biết, 3 cốc cà phê và 5 vỏ chai nhựa tương đương với một chiếc áo T-shirt tái chế này? Hãy tưởng tượng với 100 chiếc áo, ta có thể bớt bao nhiêu rác thải ra môi trường!
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Khuê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE