Các local brand Việt Nam đã chuyển mình ra sao sau năm giông bão?
Các local brand Việt Nam đã có những thay đổi mang tính thức thời ra sao để vượt qua một năm 2020 nhiều thách thức và biến động?
Sau một năm nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như 2020 vừa qua, bức tranh toàn cảnh về local brand Việt Nam vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng nhớ.
Đúng như dự báo và các phân tích đánh giá, COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế tiêu dùng cả thế giới trong năm 2020. Dĩ nhiên, ngành thời trang cũng chịu chung ảnh hưởng đó. Giãn cách xã hội khiến chúng ta không còn nhiều lý do để mặc đẹp. Bên cạnh đó, tình hình chính trị, xã hội tại các thị trường lớn, điển hình là những đợt biểu tình theo phong trào Black Lives Matter diễn ra tại Mỹ và nhiều thành phố trên thế giới kéo theo hàng loạt vụ “hôi của” đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhiều thương hiệu. Những thay đổi về chiến lược sản xuất, kinh doanh, phân phối trong năm qua của nhiều tập đoàn tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… cũng phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động kinh doanh của các thương hiệu quốc tế tại thị trường nhỏ hơn như Việt Nam. Tính đến thời điểm này, nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đang trong tình trạng đáng báo động về dịch bệnh cho dù tin tức về những loại vaccine vừa được phê duyệt đã mang đến hy vọng mới.
Bóng đen Covid-19
Tháng 4/2020: Thủ tướng chỉ thị giãn cách toàn xã hội, đồng nghĩa người dân không có lý do để trưng diện, nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp thời trang ở mọi quy mô. Đường Đồng Khởi vốn tấp nập với nhiều cửa hàng thời trang quốc tế và thương hiệu trong nước nay trở nên ảm đạm, đìu hiu khi gần như tất cả các cửa tiệm đều phải “cửa đóng then cài”. Tình hình cũng không mấy khá hơn cho những cửa hàng trên nhiều con đường thuộc khu phố cổ Hà Nội vì mất đi doanh thu chính từ khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công may mặc cũng lao đao, điển hình là công ty giày da Huê Phong đã phải cắt giảm 2.000 nhân viên do khách hàng hủy bỏ đơn hàng.
Những sàn diễn hy vọng
Khi các show diễn kỹ thuật số (virtual show) được coi là giải pháp trình diễn bắt buộc trong mùa dịch cho hầu hết các nhà mốt trên thế giới, các NTK tại Việt Nam cũng không hề chậm chân. Thương hiệu Gia Studios cho ra mắt show không khán giả vào đầu tháng 10. Thương hiệu Klei của stylist Kelbin Lei cũng chào sân với một show diễn tương tự được giới thiệu trực tuyến tại Thailand Fashion Week.
Việt Nam là một trong số ít nước châu Á vẫn có thể tổ chức các show diễn vào những tháng cuối năm. Nhờ kiểm soát dịch tốt, du lịch nội địa là lựa chọn tối ưu khi những chuyến bay quốc tế là điều bất khả thi lúc này. Đây là điều kiện để nhiều show diễn truyền thống được tổ chức. Gợi nhớ đến những buổi trình diễn resort trên thế giới, NTK Adrian Anh Tuấn đã giới thiệu BST Resort 2021 tại Yên Tử trong tháng 12 vừa qua.
Sự kiện thời trang ELLE Wedding Art Gallery, Aquafina Vietnam International Fashion Week và Vietnam Runway Fashion Week đã diễn ra liên tiếp vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, thương hiệu Sixdo và Viveire cũng ra mắt trong năm qua bằng show diễn riêng.
ĐI qua giông bão
Dù phải đối đầu với những dư chấn và sự bấp bênh kéo dài do dịch bệnh, có vẻ như Covid-19 vẫn không là lý do để một số local brand hay doanh nghiệp dè chừng. Kẻ đóng, người mở, thị trường bán lẻ tại Việt Nam lại trở nên sôi động trong những tháng cuối năm 2020.
Đường Đồng Khởi từng được ví là Orchard Road của Sài Gòn với những thương hiệu quốc tế nay được thổi một luồng sinh khí mới từ những thương hiệu Việt. Boutique Thuy Design House và Cong Tri tọa lạc trên đoạn đường đẹp nhất. Cách đó không xa là boutique Lê Thanh Hòa, Hà Linh Thư và cuối đường là Gia Studios.
Chưa dừng lại ở đó, các local brand Việt Nam không ngần ngại khuếch trương kinh doanh trong năm qua. Gia Studios của NTK Lâm Gia Khang vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, hãng kính mắt phong cách tối giản Seeson đến từ Hà Nội cũng mở cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM. Tuy nhiên tốc độ mở rộng đáng kể nhất là Sixdo với dự án hàng chục cửa hàng trải dài từ Bắc chí Nam.
Không chỉ có các thương hiệu Việt, các thương hiệu quốc tế cũng có nhiều thay đổi ấn tượng, đặc biệt ở thị trường Hà Nội. Burberry vừa tân trang không gian cửa hàng tại Tràng Tiền Plaza, nơi tập trung các thương hiệu lớn khác như Versace, Christian Louboutin… Hai ông lớn Dior và Louis Vuitton cũng vừa khai trương cửa hàng hoàn toàn mới tại tòa nhà International Center. Về lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu, Labels:, một địa điểm mua sắm còn khá mới đã kịp mở thêm một cửa hàng flagship với không gian 1.400m2 trên đường Nguyễn Huệ sầm uất. Đồng thời, Labels: cũng mở rộng thêm nhánh trang phục nam, mang đến sự đa dạng về các thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Và sau tất cả…
Vì dịch bệnh, khẩu trang trở thành vật bất ly thân của tất cả mọi người, hay nói cách khác, là phụ kiện thời trang bất đắc dĩ. Nhiều thương hiệu và NTK Việt đã nhanh tay cho ra những mẫu thiết kế khẩu trang bắt mắt để đáp ứng nhu cầu mặc đẹp trong mùa dịch.
Với sự thành công của chương trình Rap Việt, nhạc rap lên ngôi, streetwear từ đó càng thêm vững mạnh. Thị trường thời trang streetwear trong nước tiếp tục phản ánh tầm ảnh hưởng sâu rộng từ sân chơi hypebeast và văn hóa Pop trên thế giới đối với thế hệ Gen Z Việt Nam.
Các địa điểm mua sắm phức hợp như The New Playground, The New District, A Zone, Lô Cô Art Market… quy tụ nhiều thương hiệu thời trang streetwear với nhiều mức giá khác nhau, tạo nên một thị trường riêng sôi động thu hút giới trẻ.
Thủy Nguyễn là NTK duy nhất trong năm 2020 tổ chức triển lãm thời trang bằng không gian trưng bày mang tên Mộng Bình Thường kỷ niệm 9 năm làm nghề của chị.
2021 sẽ tiếp tục là một bài toán khó thử thách sức bền, độ nhạy bén và sự cam kết của các NTK lẫn các local brand Việt, đặc biệt khi tâm điểm của mọi nỗ lực chắc chắn sẽ phải là những khách hàng trong nước.
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE