Thời trang / Thế giới thời trang

Lông thú nhân tạo có phải là phương án thay thế tối ưu cho lông thật?

Hưởng ứng ngày Trái Đất năm nay, cùng tìm hiểu về một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời trang: Lông thú giả liệu có phải là “người kế nhiệm” tốt nhất cho lông thú thật?

Lông thú nhân tạo đang đạt đến thời kì hoàng kim trong ngành công nghiệp thời trang khi ngày càng nhiều thương hiệu cao cấp “quay lưng” với chất liệu lông thật. Mùa mốt 2018 – 2019, giới mộ điệu có dịp chiêm ngưỡng các thiết kế từ lông giả nằm trong bộ sưu tập của những nhà mốt tên tuổi Givenchy, Gucci, Stella McCartney. Sống động và giàu tính tạo hình trên đường băng, ranh giới để phân biệt giữa chất liệu lông thật và giả dường như rất mong manh.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật
Từ trái sang phải: Các thiết kế từ lông thú nhân tạo trong bộ sưu tập Thu – Đông 2018 của Ralph Lauren, Givenchy và Stella McCartney. (Ảnh: Imaxtree)
lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 2
Gucci là một trong những nhà mốt tiên phong trong phong trào “Nói không với lông thú”. (Ảnh: models)

Khi đề cập đến chất liệu lông thú trong ngành công nghiệp thời trang, vấn đề nhân đạo và phát triển bền vững sẽ được đưa lên bàn cân đầu tiên. Trên thực tế, việc sử dụng lông thú giả sẽ giúp giải quyết bài toán về yếu tố nhân văn vì không làm hại đến các loài động vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, lông thú giả lại tác động đến môi trường nhiều hơn lông thật.

Khi ngành thời trang dần phát triển theo hướng “nói-không-với-lông-thú” thì cũng là lúc chúng ta cần suy nghĩ đáp án cho câu hỏi “Liệu lông thú nhân tạo có tốt hơn lông thật hay không?”

Lông thú nhân tạo được làm bằng gì?

Được chế tác từ sợi polymer tổng hợp như acrylic, modacrylic, polyester, lông thú giả về cơ bản là một hình thức của chất liệu nhựa. Những loại sợi trên được chiết xuất từ các hóa chất có nguồn gốc từ than đá, không khí, nước, dầu mỏ và đá vôi.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 3
Lông giả có nguồn gốc cấu tạo từ nhựa. (Ảnh: sohu)

Giải thích về quy trình tạo ra lông thú giả, Phó chủ tịch tập đoàn phân phối Sommers Plastic Product Fred Schecter cho biết: “Nguyên liệu thô dùng trong sản xuất lông giả có thể tồn tại ở dạng bột hoặc viên, sau đó được làm tan chảy và tách ra như kẹo bông. Phần sợi mỏng tiếp tục được dệt qua một lớp vải trước khi được cắt theo chiều dài mong muốn”.

Trên thực tế, việc xử lí nhựa không đúng cách sẽ dẫn đến những tác hại khủng khiếp cho môi trường, đặc biệt là các loài động vật hoang dã. Theo The Ocean Conservancy, nhựa được tìm thấy trong cơ thể của hơn 60% các loài chim biển và 100% loài rùa biển vì lầm tưởng là thức ăn. Tạp chí Forbes cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ tuyệt chủng của nhiều loài động vật.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 4
(Ảnh: Rich Carey/Shutterstock)

Lông thật hay lông giả và những ý kiến trái chiều

Chất liệu nhựa không được xếp vào các loại chất liệu “thân thiện” với môi trường vì không có khả năng phân hủy sinh học và có thể tồn tại qua hàng trăm năm. Nhiều người đồng tình với quan điểm lông động vật thật sẽ chiếm ưu thế hơn so với lông giả vì chúng xuất phát từ thiên nhiên và có khả năng phân hủy. Do đó, sử dụng lông thật sẽ thân thiện với môi trường hơn và góp phần phát triển lối sống bền vững.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 6
(Ảnh: ELLE)

Giám đốc điều hành International Fur Federation Mark Oaten chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao một sản phẩm có nguồn gốc từ hóa chất lại có thể “bền vững” hơn một sản phẩm từ thiên nhiên. Trên thị trường hiện nay có một vài loại lông thú giả đang được phát triển từ nhựa tái chế. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng bản chất vẫn là nhựa. Bên cạnh các hóa chất được sử dụng trong quá trình may mặc và nhuộm, lông thật là một sản phẩm thân thiện với môi trường”.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 14
(Ảnh: Poznan)

Tương tự lông thật, lông thú giả sẽ rụng đi trong quá trình sử dụng. Những sợi lông nhỏ khi rơi ra từ các thiết kế từ lông thú giả sẽ đến với những bãi rác của thành phố hoặc trôi ra đại dương. Hằng năm, hàng triệu tấn chất thải may mặc, trong đó có lông thú giả được tạo ra tại Mỹ. Vì vậy, nếu bạn chưa bị thuyết phục bởi lập luận lông thú giả có tác động tiêu cực đến môi trường, hãy thử hình dung ảnh hưởng của hàng triệu tấn lông giả tồn tại trong các bãi chôn lấp.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 5
Sau khi sử dụng, tất cả những bộ trang phục từ lông giả đều đến với những bãi chôn lấp hay trôi dạt ra đại dương. (Ảnh: Takepart)

Lông thú giả – phương án thay thế tối ưu cho lông thật?

Theo Joshua Katcher – nhà thiết kế và là tác giả của cuốn sách Fashion Animals: “Câu chuyện lông thật có ảnh hưởng tích cực cho môi trường hơn bởi vì chúng xuất phát từ tự nhiên là một ý tưởng nông cạn. Khi bạn nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy chất liệu lông không hề thân thiện hay bền vững.

Tạo hóa tạo ra da động vật là để phân hủy. Khi chúng chết, da và tóc sẽ thoái hóa và quay trở lại với đất. Vì vậy, họ phải thêm vào các hóa chất để ngăn quá trình tiêu biến khi sản xuất trang phục từ lông thật”.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 7
(Ảnh: Dustin Tyler Moore)

Ngành công nghiệp lông thú nhân tạo cũng không hề vô tội. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào phân tích những sai lầm của cả hai phương thức kinh doanh này, chúng ta cần ưu tiên tìm kiếm các giải pháp cho tương lai. Hiện nay, nhiều cải tiến công nghệ đang được nghiên cứu có thể mang lại những lựa chọn thay thế dành cho lông và da thú giả.

Các công ty như Piñatex và Modern Meadow đang trong quá trình sử dụng vật liệu tự nhiên để sản xuất chất liệu da giả “thuyết phục” hơn. Parley For The Oceans hướng đến việc tạo ra những đôi giày thể thao từ rác thải nhựa ngoài đại dương. Vì vậy, bài toán về môi trường và phát triển bền vững của lông thú sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 11
Piñatex tạo nên vải từ sợi lá dứa. (Ảnh: Piñatex)
lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 10
Modern Meadow nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững. (Ảnh: Modern Meadow)

“Cuộc chiến” giữa lông thú nhân tạo và lông thật vẫn chưa có hồi kết. Lông thú giả có thể tác động tiêu cực đến môi trường, tuy nhiên, chúng lại không trực tiếp dẫn đến cái chết của các loài động vật. Vì vậy, giữa hai trường phái, vẫn rất khó để phân định đúng – sai hay chất liệu nào thì tốt hơn.

Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu thể hiện sự ủng hộ cho cả hai lập luận về lông thật và lông giả. Tuy nhiên, lông thú giả về cơ bản vẫn có nguồn gốc từ nhựa và chúng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường khi không được tái chế một cách phù hợp.

lông thú nhân tạo tốt hơn lông thú thật 8
(Ảnh: Imaxtree)

Phó chủ tịch Sommers Plastic Products Fred Schecter chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, lông thú giả vẫn luôn được sản xuất từ hóa dầu. Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đang trong quá trình thử nghiệm để tạo ra các sản phẩm sinh học như lông và da. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa sẵn sàng để tiếp cận công chúng”.

Điều này không đồng nghĩa chúng ta nên tránh xa trang phục làm từ lông thú nhân tạo. Điều cần làm chính là nhận thức đúng đắn về những tác động của lông giả đối với môi trường cũng như sự phát triển bền vững.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Khánh Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Huffingtonpost
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)