Thời trang / Thế giới thời trang

Lựu Đạn và “đường về nhà” của NTK gốc Việt Hùng La

Cuộc trò chuyện với Hùng La, nhà sáng lập Lựu Đạn, đã cho tôi thấy đằng sau một thương hiệu thời trang dành cho những “gã giang hồ” là sự gắn kết đặc biệt với cội nguồn cùng niềm tin mãnh liệt vào những tài năng sáng tạo của Việt Nam và châu Á.

Lần đầu tiên bạn nghe đến Lựu Đạn là khi nào? Rất có thể bạn cũng như tôi, đó là khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh Billie Eilish tại buổi tiệc hậu Met Gala trong chiếc áo khoác bomber vải dù màu đen, phần dưới màu đỏ và chữ “LỰU ĐẠN” màu vàng in to trên ngực áo. Sự tò mò đưa tôi đến trang Instagram của Lựu Đạn và tìm thấy: Các hình ảnh lookbook giới thiệu những drop mới nhất bao gồm những chiếc áo khoác da, áo sơmi in họa tiết rắn, cọp, quần jeans ngoại cỡ theo kiểu samurai Nhật Bản, jumpsuit denim đổ sơn trắng… Những trang phục trông có vẻ “ồn ào” lôi kéo sự chú ý vì kích cỡ, và vì sự pha trộn của nhiều ý niệm và kỹ thuật khác nhau, vừa streetwear vừa tailoring, vừa thủ công vừa high fashion. Xen kẽ quần áo là hình ảnh những gã gangster gốc Á tóc dài, có khi cầm súng, lái xe mô tô, poster phim Hồng Kông những năm 80, 90… Thỉnh thoảng sẽ có post chỉ toàn chữ ghi lại suy nghĩ của Hùng về cách đặt tên gọi cho những người làm sáng tạo, những trăn trở về chỗ đứng của người châu Á trong thế giới thời trang và sáng tạo, và thường kết thúc bằng câu hỏi “còn bạn nghĩ sao?”. Những gì tôi thấy trên Instagram càng khiến tôi muốn được biết nhiều hơn về người đứng sau thương hiệu này. 

NTK Hùng La. (Ảnh: @luudan_official)

Và tôi đã set up được buổi phỏng vấn cùng Hùng qua Facetime. Những chia sẻ chân thành của anh đã cho tôi hiểu vì sao Instagram của Lựu Đạn được tổ chức như thế, và vì sao tất cả đều có sự kết nối một cách mật thiết nhất với bản thân Hùng La, một NTK gốc Á mang theo nhiều trăn trở và hoài bão vì màu da, vì tài năng của những người giống mình trong cuộc chơi thời trang nhiều định kiến và phân biệt.

SỰ TỈNH THỨC VỀ CỘI NGUỒN

Không chỉ có Billie Eilish từng mặc trang phục Lựu Đạn mà còn có Justin Bieber, Tyga, Miguel, Lewis Hamilton, Edison Chen… một danh sách dài và ấn tượng đối với một thương hiệu non trẻ mới ra đời vào tháng 01/2022.

billie eilish lựu đạn
Billie Eilish diện áo khoác bomber của Lựu Đạn tại after party Met Gala 2023. (Ảnh: Getty Images)
Lewis Hamilton. (Ảnh: Getty Images)
J Balvin. (Ảnh: @jbalvin)

Hùng kể rằng trong thời gian lockdown, vì quá nhớ nhà và gia đình (hiện ở Mỹ còn anh ở London) anh đã nấu rất nhiều món Việt như bò kho, phở và nhận ra rằng mình đang ở thật xa với gia đình và quê hương. Sự việc đau buồn về George Floyd ở Mỹ, những phản ứng giận dữ trên khắp thế giới đã khiến Hùng suy nghĩ rất nhiều về sự khác biệt trong màu da và sắc tộc của chính mình. Sau đó không lâu là làn sóng Stop Asian Hate được khởi xướng ở New York tiếp tục thôi thúc anh phải lên tiếng và hành động vì con người và bản sắc châu Á.

Và thế là Lựu Đạn được khai sinh dựa trên 3 mảnh ghép chính và đó cũng là những mảng màu bạn có thể tìm thấy trên trang Instagram của Lựu Đạn. Đầu tiên, đó là hình ảnh của những tay xã hội đen, những gã trai hư hỏng. Hùng luôn thấy thích thú với hình ảnh những kẻ giang hồ, bề ngoài trông có vẻ đáng sợ nhưng mỗi người đều có một câu chuyện riêng có thể khiến bạn bất ngờ. Thậm chí, cảm hứng gangster còn đến từ người thân trong gia đình. Hùng kể về người chú của mình từng hay mặc quần jeans hơi chật, áo sơmi bằng lụa bóng, hàng nút cởi để lộ sợi dây chuyền bản lớn đeo trên cổ. Hùng nói: “Yếu tố Việt Nam nhất trong trang phục Lưu Đạn chính là thái độ, là hình ảnh những gã trai hư hỏng thích cờ bạc, chơi mạt chược, là những gì có thể còn xa lạ đối với phương Tây. Có thể họ đã thấy đâu đó trên phim ảnh, trong âm nhạc, nhưng ở thời trang thì chưa”.

Ảnh: @luudan_official

Đạo diễn Cao Trung Hiếu trong một lần ghé thăm studio của Hùng ở London, đã thử một vài bộ trang phục Lựu Đạn và chia sẻ: “Các thiết kế của Lựu Đạn cho tôi cảm giác thân thuộc. Điều đó đến từ phom dáng và chất liệu rất phù hợp với vóc dáng đàn ông Á Đông. Sự thân thuộc còn đến từ các thiết kế ca ngợi vẻ phóng khoáng, điệu đàng và đỏm dáng của người đàn ông trong thế giới “xã hội đen” mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh và đường phố châu Á thập niên 80-90… Tôi thấy mình “cool” hơn trong những chiếc áo sơmi hoa văn rất “giang hồ” và cũng thấy mình “lãng mạn” trong những lớp áo blazer oversize… Lựu Đạn không dừng lại ở một phong cách quần áo nhất định mà còn đang tạo ra cả một văn hóa mặc được truyền cảm hứng từ streetstyle Việt Nam, đó là sự thân thuộc rất đặc biệt”. 

Đúng vậy! Kể lại câu chuyện văn hóa là một phần rất quan trọng của Lựu Đạn. Ở đó, Hùng chính là người kể chuyện. Những hình ảnh behind the scene, những bộ trang phục của Lựu Đạn được thực hiện như thế nào, những người bạn, những trăn trở của Hùng về thời trang, về sáng tạo, về “định danh châu Á” đều được Hùng chia sẻ trên Instagram. Thoạt nhìn có vẻ rất ngẫu nhiên bởi những hình ảnh kiểu vintage ít chỉnh sửa, nhưng tất cả đều được chọn lọc, biên tập kỹ lưỡng để là những mảnh ghép đúng nhất với bản chất của Lựu Đạn, tất cả đều dẫn về tâm điểm mấu chốt của thương hiệu, để góp phần nuôi dưỡng cho thông điệp của Hùng. Và đó chính là một bài học đáng giá về truyền thông cho một thương hiệu thời trang trong thời điểm hiện tại, đặc biệt nếu bạn là một thương hiệu độc lập non trẻ. 

“Nếu cộng đồng cùng ủng hộ những tài năng, thương hiệu gốc Á, chắc chắn sẽ càng có nhiều tài năng được ghi nhận hơn… Tất cả đều cần thời gian, để cảm nhận và hiểu về tầm quan trọng của những đóng góp đó.”

Ảnh: @luudan_official

Mảnh ghép thứ ba làm nên Lựu Đạn là cách Hùng tìm về bản dạng, định tính và cội nguồn châu Á của chính mình. Lựu Đạn là nơi để soi rọi và vinh danh những tài năng sáng tạo gốc Á. Mong muốn này bắt nguồn từ chính câu chuyện cá nhân của Hùng, một NTK đơn độc trong thế giới thời trang phương Tây nhiều thành kiến và thiên vị. Hùng nói: “Khi lớn lên, tôi không có một một hình tượng châu Á nào để noi theo, trong thời trang lại càng không. Trong một thời gian rất dài, những tài năng của châu Á khi vươn ra phương Tây thông qua ẩm thực, âm nhạc, hay nghệ thuật rất hay bị gọi bằng một tên khác, hay được đóng gói theo một cách khác để hợp với văn hóa, khẩu vị, sở thích của người phương Tây. Chúng ta đang ở một thời điểm khác biệt và quan trọng. Tôi không muốn mình chỉ là một người thiểu số mãi đứng trong bóng tối. Với bản chất nổi loạn, tôi muốn xây dựng Lựu Đạn thành một không gian đặc biệt để phá vỡ bức trần tre (bamboo ceiling). Tôi muốn góp phần đưa hình ảnh, câu chuyện, tài năng châu Á lên phía trước. Tôi muốn tìm kiếm và kể về những tài năng thú vị từ các cộng đồng nhỏ chưa được biết đến trên thế giới”.

Lựu Đạn City Tours ở London với ban nhạc rock Bo Ningen (Ảnh: Erika Kamano)

Vì thế trên Instagram của Lựu Đạn, bạn có thể tìm thấy những nội dung như chuỗi City Tours, bắt đầu ở New York rồi đến London, nơi Hùng kết nối với những “micro influencer” gốc Á, như người chủ câu lạc bộ đêm, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp những tay lái mô tô ở New York, hay một ban nhạc rock Nhật Bản ở London, để nghe họ kể câu chuyện về màu da, và bản sắc dân tộc, về cộng đồng, về thực trạng phân biệt chủng tộc mà họ phải đối mặt mỗi ngày. “Tôi cảm thấy nổi da gà khi có thể kết nối với những người khác có cùng trăn trở như tôi về sáng tạo, và cũng từng trải qua những khó khăn giống tôi. Hãy tưởng tượng khi City Tours của Lựu Đạn đến Sài Gòn thì sẽ khác biệt như thế nào với New York. Ở Việt Nam sẽ không có vấn đề người châu Á thấy lạc lõng hay không được nhận diện, những cuộc đấu tranh hay tranh cãi có lẽ sẽ rất khác, nhưng có lẽ ai cũng muốn bản chất và khả năng của mình được ghi nhận và biết đến”.

Collection 5 của Lựu Đạn. (Ảnh: Ryan Murray)

Khi làm việc ở những thương hiệu trước đây, Hùng thường là người gốc Á duy nhất trong đội ngũ thiết kế. Lúc đó anh đã phải như một con tắc kè, phải “biến mình” để suy nghĩ giống người da trắng, nhạo báng người châu Á, cố gắng để trở thành một phần của văn hóa phương Tây. Trong ngành thời trang, người châu Á sẽ luôn có ít cơ hội hơn, gặp nhiều khó khăn và thử thách hơn nếu muốn tìm một chỗ đứng vì sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ, và cả nguồn năng lượng, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không giỏi bằng người phương Tây. Và vì thế, khi sáng lập Lựu Đạn, Hùng muốn trong đội ngũ của mình sẽ có nhiều thành viên người châu Á, và dĩ nhiên, có cả những bạn thực tập sinh đến từ Việt Nam nữa. Với Hùng, đó là một điều thật sự thú vị – một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, rồi đi học và đi làm ở nước ngoài. Khoảng cách văn hóa đối với họ có thể nhỏ đi, nhưng phía trước vẫn là những ngọn núi lớn phải vượt qua.

(Ảnh: @luudan_official)
Một post chia sẻ suy nghĩ của Hùng La về môi trường sáng tạo ở những thương hiệu lớn. (Ảnh: @luudan_official)

Hùng hiểu rõ những ngọn núi đó hơn ai hết, bởi vì chính anh cũng đã phải vượt qua và vẫn còn những ngọn núi cao hơn để chinh phục. Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều người. Từ bỏ ngành Kỹ sư vi tính để học Thời trang tại Parsons và Istituto Marangoni, Hùng lấy bằng Thạc sĩ tại Royal Academy of Fine Arts Antwerp, ngôi trường nổi tiếng và rất cạnh tranh, chỉ có 8 đến 10 sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang hằng năm, bạn đồng môn của Hùng có cả Demna Gsavalia (của Balenciaga), Glenn Martens (của Y Project), và một trong những giáo sư của Hùng là Walter Van Beirendonck – một trong 6 thành viên của nhóm Antwerp 6 lừng danh. Ở đó, bài học lớn nhất, lớn hơn cả về thiết kế là làm thế nào để sáng tạo và đắm chìm vào những thế giới rộng lớn hơn thời trang. Sau khi ra trường Hùng bắt đầu công việc đầu tiên ở Balenciaga với sự dẫn dắt của Nicolas Ghesquière, người có tầm nhìn và trí tưởng tượng không tưởng luôn thúc đẩy để phá vỡ những giới hạn trong sáng tạo, nơi những đột phá được vận dụng cùng rất nhiều kỹ thuật khác nhau. Sau Balenciaga là Celine cùng với Phoebe Philo, người dạy cho Hùng về tính thực tế, những hạn chế ràng buộc và về một tủ quần áo thực thụ của người phụ nữ. Ở Celine, Hùng cũng đã gặp người bạn đồng hương là Peter Do. Cả hai vẫn giữ liên lạc đến bây giờ để chia sẻ và cảm thấy hãnh diện vì những thành công của nhau.

(Ảnh: @luudan_official)

Trước khi bắt đầu với Lựu Đạn, Hùng cùng người bạn đời, Léa Dickely, đồng sáng lập thương hiệu womenswear cao cấp có tên Kwaidan Editions vào năm 2017. Đó là khi anh phải học để trở thành một người làm kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, đồng thời phải biết về sourcing, truyền thông… nhất là khi bạn muốn duy trì chất lượng cao cấp nhưng không có tài chính như những thương hiệu hay tập đoàn lớn. “Bạn sẽ rất dễ bị lôi kéo bởi doanh số, vì đối tác, vì chiến lược truyền thông… Để tìm thấy chỗ đứng trong thị trường nhiều cạnh tranh, hãy luôn lắng nghe tiếng nói bên trong bạn!”, Hùng nói.

GIỮ NHỮNG GÌ THẬT NHẤT VỚI CHÍNH MÌNH

Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi đã nhiều lần trao đổi về thế hệ sáng tạo tạo trẻ ở Việt Nam và hoài bão vươn ra thế giới. Tuy đã lâu không về Việt Nam, anh rất quan tâm và cập nhật về cộng đồng sáng tạo, thế giới âm nhạc, thời trang underground của giới trẻ thông qua bạn bè và cả những chia sẻ từ các bạn thực tập sinh người Việt trong đội ngũ của mình.

Hình ảnh từ lookbook BST Xuân – Hè 2024 của Lựu Đạn. (Ảnh: Jori Komulainen)
Hình ảnh từ lookbook BST Xuân – Hè 2024 của Lựu Đạn. (Ảnh: Jori Komulainen)

“Tôi có thể cảm nhận được nguồn năng lượng sáng tạo trẻ của Việt Nam, từ thời trang đến âm nhạc. Tôi biết rằng bản chất của thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp luôn hướng đến sự độc quyền, làm thế nào để tạo ra những món đồ đắt giá và quý hiếm hơn. Nhưng điều đó đang thay đổi, tính cộng đồng và sự đa dạng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Những người trẻ chắc chắn cần được nâng đỡ từ những người đi trước, nhưng tất cả cần bắt đầu ở câu chuyện của bạn là gì, làm sao để kể câu chuyện đó một cách chân thật nhất, và làm thế nào để đưa câu chuyện đó ra thế giới. Điều thú vị là lúc này, tất cả những thứ đó hoàn toàn có thể xảy ra, dù sẽ rất thử thách, nhưng nếu câu chuyện bản sắc của chính bạn đủ mạnh, hãy kể nó theo một cách thật sáng tạo, hãy đưa đến đúng người muốn nghe và bạn sẽ thành công”.

Với Hùng, định nghĩa về “thành công” khá tương đối và liên quan đến nhiều yếu tố, bởi vì sẽ luôn có người làm giỏi hơn bạn, thành công hơn bạn. “Điều quan trọng là bạn phải cảm thấy tự hào với những gì mình làm, hãy mang đến một phiên bản chân thật nhất về chính mình thông qua những thiết kế, qua cách bạn làm truyền thông, qua mạng xã hội… Khán giả, khách hàng sẽ luôn nhận biết được sự chân thành, và sẽ phản hồi lại bằng sự chân thành của họ. Hãy luôn nuôi dưỡng tâm hồn trong những gì bạn làm. Và nếu muốn đi xa hơn, hay nghĩ thêm câu chuyện của bạn sẽ có ý nghĩa như thế nào khi bạn đưa nó đến những nước khác”.

lựu đạn
Hình ảnh từ lookbook BST Xuân – Hè 2024 của Lựu Đạn. (Ảnh: Jori Komulainen)
lựu đạn
Ảnh: @luudan_official

Nhưng thành công cũng có thể là một cái bẫy. Là một thương hiệu mới đại diện cho tiếng nói của những người thiểu số trong thế giới thời trang, không gì hạnh phúc hơn khi có người đến và nói rằng họ thấy được sự đồng cảm ở Lựu Đạn. Có thể Hùng sẽ thấy ít lẻ loi hơn lúc trước chăng? Nhưng với Hùng, Lựu Đạn sẽ mạnh mẽ hơn khi là “người ngoài cuộc”, vì từ những ngày đầu, Lựu Đạn đã là một kẻ yếu thế đi tìm tiếng nói trong thế giới rộng lớn, bằng cách đấu tranh cho chính mình, cho những người giống mình, bằng cách kể chuyện và kết nối với cộng đồng.

Tôi đã hỏi Hùng về một chia sẻ của anh với tạp chí GQ, rằng nếu có cơ hội làm việc ở vị trí cao nhất ở những thương hiệu lớn nhất, chắc chắn anh sẽ nắm lấy thời cơ đó. Hùng giải thích rằng “Thay đổi có thể đến từ bên trong. Nếu tôi hay bất cứ người châu Á khác được giữ vị trí cao nhất, điều đó có nghĩa rằng những tài năng sáng tạo châu Á sẽ được chú ý nhiều hơn, từ đó ta có thể kết nối với nhiều người hơn, và thay đổi sẽ trở nên khả thi hơn. Dù có sẵn sàng hay chưa, môi trường, con người xung quanh có sẵn sàng hỗ trợ hay không, tôi cũng sẽ không bỏ qua cơ hội đó để vươn đến được vị trí cao nhất. Vì ở đó, bạn trở thành một phần của thể chế có thể mang đến những thay đổi có tính hệ thống, và từ đó có thể thay đổi cách ngành thời trang vận hành. Hãy tưởng tượng mô hình như một cây lớn, khi gốc rễ lớn mạnh và bám sâu vào lòng đất, những nhánh cây sẽ mọc xa hơn và tươi tốt hơn”.

Ảnh: @luudan_official
Ảnh: @luudan_official

Có thể hiểu, kinh nghiệm với Pheobe Philo ở Celine chính là gốc rễ của những nhánh cây là Hùng La, Peter Do, là Daniel Lee và Mathieu Blazy… “Ngày nay, quyền lực nằm ở khách hàng và kết quả kinh doanh. Khách hàng có thể quyết định trao quyền lực cho một tài năng châu Á, và nếu cộng đồng cùng chung tay ủng hộ những tài năng và thương hiệu gốc châu Á, chắc chắn sẽ càng có nhiều tài năng được ghi nhận hơn. Hãy nhìn ngành ẩm thực và tầm ảnh hưởng của ẩm thực châu Á trên thế giới to lớn thế nào. Tất cả đều cần thời gian, để số đông có thể hiểu và nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của những đóng góp đó”.

Hóa ra, với một NTK sáng lập thương hiệu thời trang bắt nguồn từ sự tức giận vì không được công nhận và chối từ, Hùng La của Lựu Đạn lại là một người rất lạc quan. Và biết đâu, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được gặp Hùng La tại Sài Gòn, trong một buổi pop-up đặc biệt, hay một show trình diễn BST Lựu Đạn ngay tại quê hương của anh. Đó chắc chắn sẽ là một chuyến đi về nhà rất ý nghĩa và đáng nhớ!

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Chi
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)