Đã từ nhiều thập kỷ qua, “thời trang nhanh” đã trở thành xu hướng chiếm lĩnh thị trường nhờ giá thành dễ chịu, dễ tiếp cận cùng nhiều mẫu mã hợp xu hướng. Tuy nhiên “thời trang nhanh” cũng trở thành một vấn nạn khi biến ngành thời trang trở thành một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, 10% lượng khí thải carbon, 20% lượng nước thải trên thế giới bắt nguồn từ ngành may mặc. Cũng trong bối cảnh đó, những khái niệm như “thời trang bền vững” (sustainable fashion) bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây và ngày càng trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông, cho thấy một hướng đi mới hơn của ngành công nghiệp tỉ đô này.
Trái ngược với “thời trang nhanh”, “thời trang bền vững” tập trung hướng đến những cách thức để ngành thời trang giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Cụ thể bao gồm giảm hao hụt tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải, giảm ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc mang tính nhân văn cho người lao động, tạo điều kiện để người sử dụng có thể góp phần tạo ra các tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Nếu “thời trang nhanh” dẫn đến sự hao hụt nguyên vật liệu khi thường xuyên sản xuất những đơn hàng số lượng lớn để giảm giá thành trên mỗi sản phẩm thì “thời trang bền vững” lại tập trung vào việc tìm kiếm những nguồn nguyên thân thiện với môi trường cũng như những giải pháp tận dụng nguyên vật liệu tối đa. Các thương hiệu thường ưu tiên những loại vải hữu cơ có thể phân hủy thiên nhiên hoặc dễ tái chế như cotton, đay, lanh, lụa tơ tằm… và hạn chế hoặc ngừng sử dụng những vật liệu gốc dầu mỏ như sợi nylon, polyester, spandex… và những phụ kiện như kim tuyến, cườm, kim sa… Các thiết kế của “thời trang bền vững” thường không chạy theo xu hướng mà nhắm đến những vẻ đẹp đơn giản, không bị ảnh hưởng bởi thời gian để cùng với chất lượng của nguyên vật liệu, các thương hiệu có thể đem đến những sản phẩm có vòng đời dài hơn.
Ra đời vào năm 2011 tại Hội An, giữa làn sóng những thương hiệu thời trang đang ồ ạt tiến vào Việt Nam, Metiseko vẫn chọn một lối đi rất riêng. Nhà đồng sáng lập thương hiệu, anh Erwan Perzo, đã kết hợp hai chữ Métissage – sự giao thoa văn hóa với Écologie – bền vững và thân thiện với môi trường để tạo thành Metiseko. Và như thế một trong những thương hiệu thời trang bền vững đầu tiên của Việt Nam ra đời, thấu hiểu được sự sáng tạo và cái đẹp của thời trang phải song hành với trách nhiệm bảo vệ môi trường và con người.
Với Metiseko, những công đoạn sản xuất có nguy cơ gây hại tới môi trường lẫn nhân công đều được giảm thiểu. Vải và các họa tiết được nhuộm/in bằng những phẩm nhuộm truyền thống, thân thiện với môi trường thay vì hóa chất độc hại. Thương hiệu cũng ưu tiên sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên nhất có thể. Chính vì thế, thời gian để sản xuất một đơn hàng lụa hoặc cotton thường kéo dài khoảng vài tháng trước khi có thể đưa đến tay những người thợ để có thể tiến hành công đoạn cắt/may. Đặc biệt, tại Metiseko, gần như không tồn tại khái niệm “vải thừa” khi tất cả vải vụn, thay vì bị vứt bỏ đều được tận dụng để làm ra những phụ kiện như khăn quàng cổ, dây buộc tóc hay khẩu trang. Sản phẩm tồn kho cũng sẽ được gửi về xưởng để tái sử dụng trong đợt sản xuất và thiết kế mới thay vì tiêu hủy hướng tới mục tiêu “Không rác thải” – “Zero Waste”. Và khi số lượng sản phẩm bán ra gần hết, thương hiệu mơi bắt đầu đặt sản xuất một đơn hàng lụa mới để sẵn sàng cho đợt hàng tiếp theo.
Không chỉ “bền vững” từ nguyên vật liệu và các công đoạn sản xuất, Metiseko còn để tâm đến những chi tiết như những chiếc túi bao bì của sản phẩm. Thương hiệu đã dành hơn 10 năm để có thể tìm được một đơn vị sản xuất tại Việt Nam cung cấp túi phân hủy thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Là một người mang hai dòng máu Việt – Pháp, anh Erwan Perzo luôn mơ ước sở hữu một thương hiệu thời trang có thể phản ánh được cả hai phần con người mình. Chính vì thế ngay khi vừa tốt nghiệp, anh đã chọn Việt Nam làm nơi khai sinh cho đứa con tinh thần đầu tiên. Đặt mục tiêu đề cao văn hóa Việt, Metiseko cũng muốn góp phần bảo tồn, vinh danh những làng nghề truyền thống và đưa người thợ thủ công lên một tầm cao mới. Trong bộ sưu tập Lãnh Mỹ A, Metiseko đã sử dụng lụa Lãnh Mỹ A, vốn được thương hiệu ưu ái gọi tên “Nữ hoàng của Lụa” với nguồn gốc từ đồng bằng sông Cửu Long. Thương hiệu đã khởi động một chương trình tài trợ và hồi sinh một làng nghề gần như đã biến mất với hơn 90 nghệ nhân để sản xuất lụa Lãnh Mỹ A. Metiseko cũng cho phép những người thợ của mình tham gia trực tiếp vào mọi quy trình sản xuất, trái ngược với ngành công nghiệp thời trang nhanh khi mỗi người thợ chỉ phụ trách một công đoạn. Khi hoàn tất, mỗi người thợ sẽ được ký tên vào sản phẩm của mình như một cách thương hiệu vinh danh tay nghề của người nghệ nhân.
“Sự phát triển bền vững với tôi là một điểm tối quan trọng,” nhà sáng lập Erwan Perzo chia sẻ, “Thời gian trước, khi nói về sợi bông hữu cơ, đa phần mọi người sẽ thấy khá lạ lẫm. Không có quá nhiều người thực sự hiểu về khái niệm “hữu cơ”. Giờ đây, ta có thể thấy được Việt Nam đang dần quan tâm đến yếu tố bền vững hơn. Và với cương vị một người làm thời trang, tôi cảm thấy rất vui khi được chứng kiến sự thay đổi này. Tôi muốn chứng minh một doanh nghiệp, một thương hiệu có thể vừa kinh doanh, vừa tuân theo quy tắc bền vững, có đạo đức, kiểm soát nguồn cung hợp lý để bảo vệ môi trường, chỉ cần bạn luôn trung thành với mục tiêu của mình và luôn không ngừng tìm kiếm các giải pháp.”
Nhóm thực hiện
Ảnh: Metiseko