Thời trang / Thế giới thời trang

Một thế kỷ thăng trầm của điện ảnh Âu Mỹ qua những lớp váy áo xa hoa

100 năm đi qua với những thăng trầm được khắc hoạ rõ rệt trong từng thước phim tân thời. Sự trợ giúp đắc lực từ thời trang càng làm rõ những ẩn khuất cần được cảm thông.

Với sự ra mắt của loạt phim “The Idol” (2023), một lần nữa, ngành giải trí lại trở thành chủ đề bàn tán khi ẩn chứa nhiều góc khuất. Không thể phủ nhận rằng, điện ảnh, âm nhạc và thời trang đã mang lại nhiều tuyệt phẩm – những nốt thăng đầy tính nghệ thuật – nhưng cũng có nhiều biến tướng đáng phê phán – nốt trầm tĩnh lặng cho người làm nghề. Ngành giải trí được khắc họa trong một thế kỷ qua sự phối hợp giữa điện ảnh và thời trang, đưa giới mộ điệu đi qua những câu chuyện “không như là mơ” của ngành, để hiểu rõ và cảm thông với “người của công chúng”.

1920s: Thập niên “thay áo” của điện ảnh và thời trang trong “Babylon” (2022)

Những năm 1920 là giai đoạn đặc biệt khi sự thịnh vượng của nền kinh tế dẫn đến nhiều thay đổi trong ngành công nghiệp điện ảnh và thời trang. Khi “Roaring Twenties” (tạm dịch: Những năm 1920 gầm vang) khiến thời trang kiệm vải hết mức với những cô nàng flapper phóng khoáng, thì điện ảnh có bước tiến vượt bậc khi “talkies” (phim có âm thanh) ra đời. Về phần nhìn, Babylon (2022) xuất sắc hoà mình vào kỷ nguyên jazz đầy âm hưởng tiệc tùng qua trang phục của Nellie (Margot Robbie thủ vai), với những đường cut-out mạo hiểm và phục sức lấy cảm hứng từ bà tổ “IT-Girl” Clara Bow.

dien-anh-3
Trang phục của Margot Robbie trong “Babylon” (2022) gợi nhớ về thời đại hoàng kim của jazz. (Ảnh:
Paramount Pictures)
dien-anh-4
(Ảnh: Paramount Pictures)

Về thông điệp, bộ phim tiếp cận thử thách vô cùng phổ biến với người đứng dưới ánh hào quang: thích nghi với sự thay đổi của dòng phim mới hoặc bị lãng quên. Những diễn viên chuyển dịch từ phim câm đến phim có tiếng, giọng nói của họ có thể là một khuyết điểm, hoặc việc phải thích nghi với cách diễn xuất mới có thể gây ra những áp lực nặng nề trên trường quay. Chính Clara Bow, người truyền cảm hứng để xây dựng nhân vật Nellie, cũng “chào thua” trước thử thách này và nghỉ hưu ở tuổi 25 dù sự nghiệp còn nở rộ, chỉ 2 năm sau khi “talkies” chính thức trở nên phổ biến.

1930s: Tái hiện hoàn hảo văn hoá flapper với “The Artist”(2011)

Tiếp nối thập niên 1920, những năm 30 chào đón sự tung hoành của phim có âm thanh trên phòng vé. “The Artist” (2011) chạm vào những khía cạnh tích cực hơn trong thời kỳ chuyển giao của điện ảnh, mang đến một câu chuyện nhân văn khi những ngôi sao của dòng phim câm chấp nhận sự thay đổi và học hỏi từ các tên tuổi mới. Chịu ảnh hưởng của văn hoá flapper, những bộ trang phục của nhân vật Peppy (do Bérénice Bejo thủ vai) sát với thực tế và mang tính đại diện hơn. Với mũ chuông, áo lông và váy dài đến đầu gối, đội ngũ trang phục đã khắc họa hoàn hảo hình ảnh của một ngôi sao điện ảnh đẳng cấp đương thời.

dien-anh-5
(Ảnh: Warner Bros. France)
dien-anh-2
(Ảnh: Warner Bros. France)
dien-anh-1
(Ảnh: Warner Bros. France)

1940s: “Trumbo” (2015) và thời trang chiến sự ĐIỆN ẢNH

Không chỉ những người đứng dưới ánh hào quang mới làm nên “thăng – trầm” Hollywood, những nhà biên kịch cũng có nhiều câu chuyện đáng khai thác của riêng mình. Trong giai đoạn đầy biến động như thập niên 1940 với vô số quan điểm chính trị đối lập, tiểu sử về biên kịch Dalton Trumbo hé lộ mối liên kết không hề đơn giản giữa ngành giải trí và chiến sự.

dien-anh-8
Diễn viên Hedda Hopper với bộ sưu tập mũ đồ sộ được tái hiện bởi Helen Mirren. (Ảnh: Bleecker Street)

Là một bộ phim tiểu sử, “Trumbo” (2015) mang trọng trách khắc họa chính xác diễn viên Hedda Hopper (do Helen Mirren đóng) qua tủ đồ vô cùng đặc trưng của bà, lấp đầy bởi nhiều kiểu dáng nón ấn tượng. Cũng trong thời kỳ này, thời trang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những cuộc chiến, thể hiện qua những cầu vai độn lấy cảm hứng từ quân phục.

dien-anh-6
(Ảnh: Bleecker Street)
dien-anh-32
(Ảnh: Bleecker Street)

1950s: Chuyện cổ tích Hollywood với New Look của Christian Dior và “Funny Face” (1957)

“Funny Face” (1957) là một nốt thăng tươi sáng của ngành giải trí, kể câu chuyện nàng Lọ Lem Jo Stockton (do Audrey Hepburn thủ vai) tình cờ trở thành người mẫu nổi tiếng khi đang làm việc tại một tiệm sách. Đúng với mạch truyện, bộ phim ướm lên nhân vật chính nhiều bộ cánh dạ hội đẹp như cổ tích, với găng tay và váy bồng đặc trưng “New Look” của Christian Dior trong thập niên 1950. “Funny Face” cùng những phục sức sắc màu đã tạo nên nhiều khoảnh khắc đầy tính biểu tượng cho minh tinh Audrey Hepburn, cùng nhiều lời tán thưởng dành cho cốt truyện và trang phục.

dien-anh-9
(Ảnh: Paramount Pictures)
dien-anh-120
(Ảnh: Paramount Pictures)
Audrey In The Louvre
(Ảnh: Paramount Pictures)

1960s: “Last Night in Soho” (2021) và mặt tối của ngành giải trí trong giai đoạn “Swinging Sixties” ĐIỆN ẢNH

Đến với Soho – khu phố thời trang bậc nhất London dành cho giới quý tộc trong giai đoạn “Swinging Sixties” qua “Last Night In Soho” (2021), giới mộ điệu sống lại thập niên gây tranh cãi nhất của món đồ được bình thường hoá thời hiện đại – váy mini. Cùng với váy Trapeze (váy suông xoè), bản in động vật…nhân vật Sandie (do Anya Taylor-Joy thủ vai) mang đến hình ảnh một ca sĩ trẻ gây dựng sự nghiệp từ hộp đêm, phải đối mặt với những điều tiêu cực trái ngược hoàn toàn vẻ ngoài xa hoa của phục sức. Đó cũng là thực tế mà nhiều cô gái trẻ buộc phải đương đầu khi chập chững bước vào ngành giải trí phức tạp. “Last Night In Soho” đã khắc hoạ tốt sự thật trần trụi, một sự tương phản thú vị với tạo hình tươm tất của diễn viên chính.

dien-anh-13
(Ảnh: Universal Pictures)
dien-anh-12
(Ảnh: Universal Pictures)
dien-anh-14
(Ảnh: Universal Pictures)

1970s: “Dreamgirls” (2006) và sàn diễn disco lấp lánh trong thời kỳ biến động ĐIỆN ẢNH

Đặt bối cảnh xuyên suốt từ những năm 1960 đến thập niên 1970, “Dreamgirls” mang đến những bộ cánh disco tuyệt đẹp và kể câu chuyện về nhóm ca sĩ R&B cố gắng làm nên tên tuổi qua dòng nhạc pop đại chúng. Lồng ghép trong hành trình sự nghiệp của 3 cô gái da màu là cạm bẫy sử dụng chất kích thích, sự kỳ thị chủng tộc – mặt tối đáng sợ của hào quang ngành giải trí. Song, những chiếc váy “bling-bling” mang đậm âm hưởng disco đã phần nào giải tỏa người xem khỏi những diễn biến căng thẳng, hoà vào kỷ nguyên vàng son nhất trong lịch sử ngành giải trí.

dien-anh-17
(Ảnh: DreamWorks Pictures)
dien-anh-16
(Ảnh: DreamWorks Pictures)
dien-anh-15
(Ảnh: DreamWorks Pictures)

1980s: thời trang cường điệu của giọng ca Freddie Mercury trong “Bohemian Rhapsody” (2018)

Sau những giai điệu đầy đam mê của Queen là một câu chuyện thăng trầm về tình bạn giữa ban nhạc và những trăn trở của giọng ca chính Freddie Mercury. Giữ đúng tinh thần đó, đội ngũ trang phục mang đến Freddie trên sân khấu với nhiều bộ cánh cường điệu, ngông cuồng, mang đến Queen của đời thực cũng hòa vào dòng chảy thời thượng của văn hoá disco.

dien-anh-21
(Ảnh: 20th Century Fox)
dien-anh-19
(Ảnh: 20th Century Fox)

Bộ phim mang trọng trách kể và phác hoạ về sự nghiệp của một huyền thoại được cả thế giới theo dõi, và đội ngũ của bộ phim cũng đã chăm chút đến từng chi tiết khi tạo nên trang phục cho nam chính. Zandra Rhodes, người thiết kế chiếc áo xếp ly đầy tính biểu tượng cho Freddie Mercury, cũng làm việc với đoàn làm phim để tái hiện lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất.

dien-anh-18
(Ảnh: 20th Century Fox)

1990s: Có một Hollywood ngọt ngào và gần gũi trong “Notting Hill” (1999)

Thập niên 90 chào đón nhiều bộ rom-com (thể loại phim hài lãng mạn), cách tiếp cận nhẹ nhàng này cũng được áp dụng trong những bộ phim về đời tư diễn viên. Không phê phán, “Notting Hill” (1999) mang đến chuyện tình cảm nhẹ nhàng giữa minh tinh Anna Scott và chủ tiệm sách William Thacker, song vẫn khéo léo cài cắm một vài chi tiết về những áp lực vô hình đặt lên “người của công chúng”.

notting hill julia roberts
(Ảnh: Universal Pictures)
dien-anh-22
(Ảnh: Universal Pictures)

Không hào nhoáng, “Notting Hill” khai thác những bộ trang phục đời thường của minh tinh. Tạo hình của Julia Roberts xuất hiện trong nhiều xu hướng “ngược dòng thời gian” vô cùng quen thuộc của năm 2023, và cũng dễ dàng bắt gặp qua tủ đồ của nhiều “IT-Girl” mê vintage tân thời, như chiếc áo blazer da đậm chất Bella Hadid.

2000s: Chuyện không như cổ tích của nàng “công chúa nhạc Pop” Britney Spears trong “Britney Ever After” (2017) 

Không chỉ có âm nhạc được công chúng đón nhận, đời tư của người nổi tiếng cũng được quan tâm không kém, đặc biệt là những khía cạnh kém hoàn hảo. Nàng “công chúa nhạc pop” Britney Spears là một trong những ví dụ đáng buồn nhất về ảnh hưởng của cánh săn ảnh và báo giới đến sức khỏe tinh thần. “Britney Ever After” (2017) chạm đến những nốt trầm trong sự nghiệp của Britney, một trong vô số những nạn nhân của dư luận. Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều về kịch bản, song phải thừa nhận rằng bộ phim hoàn thành tốt việc khắc hoạ thời trang đậm chất 2000 của biểu tượng nhạc pop khi tập hợp được những món đồ biểu tượng nhất: quần cạp trễ, áo bra và những chiếc crop top khoe trọn vòng hai săn chắc.

dien-anh-26
(Ảnh: IMDB)
britney spears
(Ảnh: IMDB)

2010s: Địa ngục lấp lánh của ngành giải trí trong “The Neon Demon” (2016)

Sự cạnh tranh là một chủ đề không bao giờ có thể khai thác hết trong ngành giải trí. “The Neon Demon” (2016) tiếp nối về ngành công nghiệp hào nhoáng bên ngoài nhưng nhiều ẩn khuất bên trong. Bộ phim đã vấy máu tanh lên những bộ cánh sequin lấp lánh nhất để làm rõ sự thật đau thương về làng mốt.

dien-anh-25
Chiếc váy Giorgio Armani của Elle Fanning trong phim. (Ảnh: Amazon Studios)
the neon demon
(Ảnh: Amazon Studios)

Những bộ cánh kín đáo đến ngộp thở của Jesse (do Elle Fanning thủ vai) khi mới vào nghề cho thấy sự tôn sùng của nghề mẫu dành cho tuổi trẻ. Khi lấn sâu vào thế giới thời trang đầy toan tính, cô dần trút bỏ những lớp áo nữ tính, khai phóng bản thân và để mình phơi bày trước những âm mưu trong hậu trường làng mốt. Đội ngũ trang phục đã sử dụng những bộ cánh từ nhiều thương hiệu nổi tiếng như Yves Saint Laurent để tô đậm hơn nữa sự xấu xí ẩn sau những thước vải xa hoa.

2020s: The Idol (2023) và những thần tượng không hoàn hảo

Ngay từ tập đầu tiên, loạt phim mới nhất của HBO – “The Idol” (2023) đã độc chiếm các phương tiện truyền thông nhờ nhiều phân cảnh gây sốc và thời trang táo bạo. Xu hướng khoe chân ngực, cởi bỏ nội y và cắt xẻ liều lĩnh được sử dụng triệt để cho nhân vật của Lily Rose Depp, thiết lập nên hình ảnh một nữ thần tượng không theo khuôn mẫu: hoang dại, phóng túng và gợi cảm.

dien-anh-29
(Ảnh: HBO)
lily rose depp the idol
(Ảnh: HBO)

Đằng sau tầng tầng lớp lớp những tranh cãi về trang phục, kịch bản, diễn xuất,… là một câu chuyện xứng đáng nhận được sự đồng cảm từ khán giả, khi nhân vật chính là xuất thân từ một gia đình không hạnh phúc, một đam mê buộc phải chịu sự chi phối của các nhà sản xuất và những âm mưu lật đổ danh tiếng. “The Idol” (2023) là một bức tranh trần trụi nhưng cần thiết để phản ánh về mặt tối của ngành giải trí chóng nở sớm tàn, và một khuôn mẫu thần tượng vô thực được công chúng áp đặt lên người nổi tiếng.

dien-anh-31
(Ảnh: HBO)

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)