Câu chuyện về nữ Trung cung cuối cùng của nhà Nguyễn chắc hẳn đã trở thành giai thoại vang vọng và phong cách thời trang của bà cũng từng là biểu tượng trong mơ của vô vàn cô gái thành thị. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc người hoàng gia sẽ có những “nguyên tắc” ăn mặc như thế nào, trang phục có ý nghĩa gì trong sự xuất hiện của nàng hậu và khuôn phép có thật sự là một cánh cửa đóng kín? Với cách ăn diện hợp thời hợp cảnh, Nam Phương Hoàng Hậu sẽ viết lại câu chuyện cho những cái tôi duy mỹ bị trói buộc sau lớp màn quy củ, giải phóng vừa đủ cho một làn gió Tây phương nhẹ nhàng len lỏi.
LỄ PHỤC và trang phục cưới định nghĩa truyền thống
Xuất hiện đơn sơ với chỉ độc một chiếc áo dài lụa đen tại dạ hội ở Đà Lạt năm 1933, cô thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Hoàng hậu Nam Phương sau này) đã lay động trái tim của Hoàng đế Bảo Đại nổi tiếng phong lưu. Sau một năm hò hẹn, vị vua trẻ quyết định kết hôn với người con gái duyên dáng và thông tuệ này. Tuy gặp nhiều chướng ngại bởi hoàng hậu là người đạo Công giáo, mối tình hy hữu vẫn đúc kết êm đẹp trong một đám cưới xa hoa rộn ràng. Ngày về kinh thành làm lễ, cô Lan đằm thắm trong chiếc áo dài lụa điểm xuyến kiềng vàng và bông tai ngọc trai đơn giản. Phục sức truyền thống của nàng toát lên vẻ mặn mà yêu kiều của người con gái Việt Nam, trông không có vẻ gì là “cô dâu Tây hóa” như bao lời phản đối của người ngoài thời bấy giờ. Khúc ca lả lướt của chiếc áo dài điểm hoa hòa tấu nhịp nhàng theo từng bước xuân nở rộ của cô thiếu nữ vừa tròn 21 vào cửa hoàng gia.
Từ đây nàng hậu nghiêm trang mẫu mực hơn trong Lễ tấn cung với áo Nhật bình màu đỏ thêu, đầu đội mấn xanh, chân đi giày phụng. Trong bộ trang phục truyền thống lộng lẫy với vạt cổ họa tiết lớn và nút to ở tâm, nàng Nam Phương toát lên cái thần thật lạ, chẳng phải cái uy nghi bề thế của nữ chủ hậu cung hay cái vui tươi giản dị hồi đón dâu, đó là cái thần trang trọng của người hoàng gia chính thức.
“Cô dâu phương Tây” là một biệt lệ, và triều phục màu vàng của nàng thậm chí là một đãi ngộ lớn hơn. Nam Phương là hoàng hậu đầu tiên được trang hoàng ánh vàng chỉ dành riêng cho hoàng đế. Trong sự hậu thuẫn vững chắc từ vua Bảo Đại, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan tiến đến ngôi vị Hoàng hậu trong bộ triều trang với mão cửu phụng uy nghi và rực rỡ, ngụy trang cho những biến cố tương lai.
BÀI LIÊN QUAN
Vẻ đẹp sang trọng trong những sự kiện NGOẠI GIAO
Sự xuất hiện của Nam Phương Hoàng Hậu mang ý nghĩa lớn phản ánh bộ mặt chính trị và văn hóa dân tộc, do đó bà luôn đầu tư trang phục chu đáo khi sánh bước cùng vua Bảo Đại trong các buổi gặp mặt chính khách và công du nước ngoài. Áo Nhật Bình trang trọng hay áo dài diễm lệ tháp tùng mỗi bước đi ở nước bạn như lời giới thiệu đầy tự hào của Hoàng hậu về vẻ đẹp truyền thống xứ Nam. Trong chuyến viếng thăm Vatican năm 1939, bà gặp mặt Giáo hoàng trong bộ áo Nhật Bình màu vàng đầy quyền quý. Thẩm mỹ thời trang tinh tế hồi ở Pháp còn ẩn hiện trong cách kết hợp áo dài lụa với vòng cổ ngọc trai xếp lớp cùng túi xách màu đen thanh lịch.
Chẳng mấy bất ngờ khi Hoàng hậu ham đọc Pháp văn trở về với bản ngã thời trang nước Pháp cổ điển trong những cuộc gặp gỡ thân mật cùng các Phu nhân Tổng thống. Nàng hậu đón gió tân thời trong những trang phục vương dư vị Parisian Chic trang nhã và thời thượng. Từ màn hòa tấu của váy chữ A dáng dài cùng áo tay chuông đến buổi độc diễn bar suit cùng vòng ngọc trai và nón bucket hợp thời, Hoàng hậu Nam Phương cho người ta thấy vị thế nước Nam với lối thẩm mỹ không hề kém cạnh.
ÂM HƯỞNG Tây phương trong những bộ thường phục
Thoát đi dáng vẻ uy nghi trịnh trọng, Nam Phương Hoàng Hậu khéo léo thể hiện nét cuốn hút riêng biệt trong những thiết kế áo dài và vòng ngọc đơn giản. Chẳng cần quá nhiều phục sức, bởi vẻ đẹp kiêu hãnh của gấm lụa nước nhà đã được chứng minh qua từng vòng xoay quy luật trong bánh xe “dát vàng” của phong cách hoàng gia. Tuy nhiên khi cánh cửa khuôn phép không còn đóng kín, ai mà ngờ rằng trong cái thẩm mỹ tân tiến của bà hoàng Nam Phương, một hình mẫu Á Đông lại hòa sắc tài tình với áo khoác dáng dài vương giả hay khăn choàng phương Tây bằng lông sang trọng.
Với Hoàng hậu, dường như lề lối thời trang không nằm ở bộ quần áo Tây hay ta, mà nó thể hiện ở cốt cách tao nhã qua cách ăn mặc tinh tế phù hợp của mình. Nhiều khi người ta vẫn thấy bà diện những kiểu áo blouse cùng váy chữ A thanh lịch hay đầm liền với hàng khuy ngay thẳng vạch rõ khát vọng tân thời của người phụ nữ sống trong lồng son phong kiến.
BÀI LIÊN QUAN
Phong cách Phóng khoáng của Nam Phương Hoàng Hậu trong những chuyến du ngoạn
Nam Phương Hoàng Hậu nương theo làn gió phong trần của các chuyến đi thông qua những bộ Tây phục nền nã. Bởi tình yêu thời trang nước Pháp trong một cốt cách hoàn toàn Việt Nam, người ta dễ dàng bắt gặp những bộ váy lệch chuẩn Tây Âu trong mỗi lần xuất hiện của bà. Nàng hậu nước Nam kiêu kỳ trong áo tay phồng cùng chân váy đứng phom rồi lại năng động tân thời trong áo dài tay và quần ống rộng điểm xuyến thắt lưng to bản. Tháp tùng xuyên suốt các cuộc dạo chơi của bà là chiếc nón rộng vành cùng giày búp bê nữ tính.
Không dừng lại ở đó, cứ thi thoảng bà Nam Phương lại làm người ta đắm say với phong cách thời trang sành điệu trong các thiết kế blazer ngắn tay, hay cái lần bà đưa áo dài vào cùng một chỗ với mắt kính phương Tây trông rất “kiêu” của nàng hậu nước Việt.
Nhóm thực hiện
Bài: Mỹ Kiều Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE