Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam: Hội nhập hay hòa tan?
Châm ngôn ăn ngon mặc đẹp vẫn luôn là câu chuyện được nhắc đến trong mỗi giai đoạn mặc dù định nghĩa của nó thay đổi theo từng thời kỳ.
Sau gần 30 năm mở cửa đất nước, câu chuyện ăn ngon mặc đẹp tiếp tục được nhắc đến nhưng với ý nghĩa được hiểu rộng hơn phạm vi cá nhân. Câu chuyện về cái ăn cái mặc giờ đây là bài toán kinh doanh của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động hàng năm. Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế gì?
ELLE Fashion Journey 2015
Cục diện thay đổi sau thời điểm hội nhập
Năm 2015 đánh dấu việc Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt các hiệp định tự do thương mại với nhiều đối tác lớn như 11 quốc gia thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay với các quốc gia châu Âu qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Đây là đòn bẩy phát triển kinh tế hiệu quả, mở đường cho ngành hàng may mặc của Việt Nam tiến vào các thị trường lớn trên thế giới. Trên phương diện xuất khẩu, theo phân tích của các chuyên gia, ngành may mặc là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi lượng hàng may mặc và giày dép xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng đến 50% trong vòng một thập niên tới [1].
Trên phương diện nhập khẩu, các cam kết về thuế xuất nhập khẩu ưu đãi giúp các nhà sản xuất tiếp cận được với nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao từ các quốc gia có ngành may mặc phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản với giá thành hợp lý góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Bên cạnh các “ông lớn” như May 10, An Phước, Nhà Bè, Thăng Long, Việt Tiến, nhiều thương hiệu thời trang do các nhà thiết kế trẻ xây dựng cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.
Thị trường bán lẻ cũng có nhiều khởi sắc, các cam kết mở cửa thị trường là “cục nam châm” thu hút nhiều đại gia bán lẻ. Những tên tuổi lớn như Mark & Spencer (Anh quốc), Robins thuộc tập đoàn Central (Thái Lan), Parksons (Malaysia), AEON (Nhật Bản) và Lotte (Hàn Quốc) đều đã nhanh chân chiếm thị phần thị trường bán lẻ nội địa. Thế mạnh của họ bên cạnh thương hiệu, tài chính còn là những bản hợp đồng độc quyền phân phối nhiều thương hiệu riêng như Autograph của Mark & Spencer hay Hush Puppies và Scholl của Robins. Thế mạnh này càng làm tăng tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ trong nước.
Với mức thu nhập và chất lượng sống ngày càng được nâng cao, thời điểm sau khi hội nhập, thị trường bán lẻ nội địa sẽ có sự phân hóa sâu sắc khi mô hình kinh doanh bán lẻ được phân định rõ ràng hơn dựa theo đặc điểm của từng nhóm khách hàng. Cái tên được chờ đón nhiều nhất hiện nay là Takashimaya (Nhật Bản) khi hướng đến mô hình bán lẻ gắn kết cùng phong cách sống.
Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cần một cuộc đại tu toàn diện từ sản xuất, thiết kế, phân phối đến chiến lược marketing để có thể đủ sức bám trụ, tồn tại sau trận đại hồng thủy đổ bộ của của nhiều thương hiệu quốc tế. Nếu không có cuộc đại tu toàn diện, các bên liên quan tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành may mặc, bên cạnh lợi ích được hưởng, sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ có thể tận dụng lợi ích một chiều và hoàn toàn bị động.
Thách thức phía trước – bài toán chưa có lời giải
Nghịch lý hiện nay ở chỗ, mặc dù sở hữu nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi” gồm kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực gia công, lực lượng nhà thiết kế trẻ, duy trì mức tăng trưởng liên tục về lượng khách quốc tế hàng năm, ngành thủ công truyền thống lâu đời và bề dày văn hóa. Tuy nhiên, tầm vóc phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn rất chậm, thiếu sự đồng bộ và mang tính chất tự phát thay vì được quy hoạch bài bản.
Thuật ngữ bản sắc luôn được nhắc đến khi hội nhập văn hóa, chú trọng việc gìn giữ những giá trị truyền thống tránh bị “hòa tan” trước làn sóng hội nhập như vũ bão. Tuy nhiên, gìn giữ văn hóa không đồng nghĩa với việc có cái nhìn cực đoan về xu hướng. Nhìn chung, các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay được chia làm 2 nhóm: tôn thờ truyền thống và chạy theo văn hóa phương Tây. Nhóm đầu tiên mải mê vinh danh văn hóa dân tộc mà quên đi dòng chảy đương đại không ngừng nghỉ của vòng quay thời trang. Trong khi đó, nhóm thứ hai là “nô lệ” của văn hóa phương Tây làm mất đi bản sắc dân tộc.
Sự thiếu hụt về tài chính và kinh nghiệm thị trường cũng khiến các nhà thiết kế trẻ gặp khó khăn trong việc kinh doanh bằng chính sức sáng tạo của mình. Điều này lý giải tại sao số lượng các thương hiệu thời trang thuộc phân khúc cao cấp Made In Vietnam thực sự chỉ chiếm tỉ lệ thiểu số. Đa phần đều hướng tới phân khúc trung lưu và bình dân do chu kỳ quay vòng vốn nhanh. Điều này rất nguy hiểm khi bản thân các nhà thiết kế dần quen với tư duy “ăn xổi ở thì”, manh mún và tự phát. Một khi thị trường chứng kiến sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế hướng đến nhóm đối tượng cùng phân khúc như Zara, Uniqlo hay H&M, các thương hiệu Việt sẽ bị thất sủng ngay chính trên sân nhà.
Chính những điều này khiến ngành công nghiệp thời trang Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ vi mô, mang tính tự phát theo tư duy “mạnh ai người đấy làm” và chưa thể trở thành một ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa. Nhà thiết kế Công Trí là một trong số ít có thể dung hòa giữa hai yếu tố trên khi khắc họa thành công tinh hoa thủ công truyền thống bằng ngôn ngữ thiết kế đương đại. Nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của anh đã được đền đáp khi chính thức trở thành ủy viên của Hiệp hội Thời trang châu Á.
Tâm thế làm chủ cuộc chơi
Thời gian gần đây thị trường thời trang trong nước chứng kiến sự trỗi dậy của những nhà thiết kế trẻ. Điểm chung ở họ là lòng nhiệt huyết, tinh thần cầu tiến, chiến lược phát triển thương hiệu bài bản, am hiểu thị trường và đặc biệt đủ tiềm lực tài chính để duy trì sức sống của thương hiệu. Ở phân khúc cao cấp, Phương My, Đỗ Mạnh Cường, Rue des Chats của An Hương Trần và Lê Minh, Lý Quý Khánh, Devon London của Devon Nguyễn, Valenciani của Adrian Anh Tuấn, được nhìn nhận là những ngôi sao sáng. Phần lớn trong số họ đều được đào tạo bài bản tại các ngôi trường nước ngoài và ít nhiều có những trải nghiệm kinh doanh nhất định.
Trong số họ, rất nhiều người đã thành công trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh. Phương My là một điển hình tiêu biểu cho thế hệ nhà thiết kế trẻ tài năng, tư duy nhạy bén của một nhà kinh doanh. Hiện nay, các mẫu thiết kế của Phương My được bán tại các trung tâm thương mại, cửa hiệu thời trang sầm uất tại Pháp, Singapore và Kuwait. Không hài lòng với những gì đã đạt được, Phương My tiếp tục sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người” tại nhiều kinh đô thời trang trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giới mộ điệu trong nước có thể tự hào khi nhìn thấy những mẫu thiết kế của Devon Nguyễn được bán tại cửa hiệu Concept Store Y, London.
Một mẫu thiết kế của thương hiệu Phương My
Ở phạm vi nhỏ hơn, thị trường trong nước cũng chứng kiến sự trỗi dậy của những thương hiệu thời trang mang đậm dấu ấn cá nhân như Lam Boutique của Lam, The Blue T-Shirt của stylist Kim Tuyền Nguyễn, Ren by Tee của stylist Lâm Thúy Nhàn, Nosbyn của Nancy Lê. Điểm chung giữa họ là lựa chọn cá tính bản thân làm vũ khí tạo nên sự khác biệt bởi chỉ có sự khác biệt mới giúp thương hiệu tồn tại. Không chỉ chú trọng vào thiết kế, tính nhạy bén của các nhà thiết kế còn thể hiện ở phương thức tiếp cận khách hàng. Các mạng xã hội như Facebook, Instagram là nhóm kênh phân phối trực tuyến giúp quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng và quan trọng hơn tương tác giữa chủ thể bán và mua.
—
Xem thêm
Phong cách thời trang suốt 1 thập kỷ trong 2 phút
Thời trang Việt Nam qua các thời kỳ
Bài: Thanhhuysing / Ảnh Tư liệu