Thời trang / Thế giới thời trang

Làm thế nào trở thành người mua sắm có trách nhiệm?

Chỉ một vài thay đổi trong cách mua sắm, bạn đã góp phần xây ngành công nghiệp thời trang bền vững.

Nếu trước đây ngày lễ kỉ niệm Cách mạng thời trang (24/4) chỉ hướng tới trách nhiệm đối với con người thì giờ đây, ngày lễ đã được mở rộng với một quan điểm ý nghĩa khác – trách nhiệm với môi trường xung quanh. Làm sao để mỗi cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thời trang?

Cách mạng thời trang thời đại mới là gì?

Cách mạng thời trang là tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu ủng hộ phong trào thời trang bền vững, được thành lập bởi Orsola de Castro và Carry Somers, hiện đang có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Ngày 24/4 hằng năm là ngày Cách mạng thời trang (Fashion Revolution Day), được tổ chức lần đầu năm 2014. Ngày lễ nhằm tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ sập nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013. Vụ tai nạn khiến 1.133 người qua đời và hơn 2.500 người bị thương. Từ đó, các họat động của tổ chức xoay quanh việc nhấn mạnh sự minh bạch trong chuỗi cung ứng thời trang và sự an toàn của công nhân trong quá trình làm việc. Phong trào Ai may cho ta mặc? thông qua hastag #whomademyclothes là hoạt động nổi bật nhất trong dịp kỉ niệm này qua các năm.

cách mạng thời trang 1
(Ảnh: Fashion Fix Daily)

Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp may mặc trở thành nguyên nhân thứ 2 gây ô nhiễm môi trường thì vấn đề cấp thiết hơn được đặt ra, thể hiện qua lời phát biểu của Ellen Downes – Điều phối viên Quốc gia cho chương trình Cách mạng thời trang Việt Nam: “Chúng tôi yêu thời trang, nhưng không hề muốn công nhân bị bóc lột hay hành tinh này bị phá hủy”. Từ đó, Cách mạng thời trang ngày càng được nhìn nhận không chỉ là sự kiện bảo vệ quyền con người mà còn bảo vệ “quyền môi trường”, đảm bảo sự cân bằng các yếu tố con người, môi trường, lợi nhuận và sự sáng tạo trong quá trình làm thời trang.

Những ai đã “nuôi sống” cuộc Cách mạng thời trang?

Trong năm thứ 3 (2016) tổ chức ngày Cách mạng thời trang, phong trào được hưởng ứng với hơn 70.000 lượt hashtag #whomademyclothes và nhận được phản hồi #imadeyourclothes của hơn 1.200 thương hiệu. Đến năm 2017, số thương hiệu thời trang phản hồi tăng lên 2.000 lượt. Điều này cho thấy các nhãn hàng là một trong những nhân tố chính có tác động đến cuộc cách mạng thời trang. Các thương hiệu thời trang bền vững trong và ngoài nước có thể kể đến như Stella McCartney, Matt n Nat, Fashion4freedom…

Stella McCartney là một thương hiệu thời trang “sạch”, không sử dụng các vật liệu làm bằng động vật như lông thú, lông vũ hay da, đồng thời nhãn hàng luôn nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề ảnh hưởng tới môi trường như thay thế bao bì nhựa bằng nhựa hữu cơ (eco plastic), một chất liệu có khả năng phân huỷ nhanh và an toàn hơn so với nhựa thông thường.

cách mạng thời trang 2
Các thiết kế của thương hiệu vừa đảm bảo tính thời trang, vừa mang đến sự thoải mái cho người mặc. (Ảnh: Savoir Flair)

Matt n Nat là thương hiệu túi xách và phụ kiện thời trang thuần chay có trụ sở ở Canada với sản phẩm làm từ 100% vỏ chai nhựa tái chế. Bên cạnh đó, thương hiệu không ngừng phát triển những phương pháp sản xuất mới từ nylon tái chế, bìa cứng, cao su hay bần (loại vật liệu bền vững và có thể được tái chế dễ dàng). Tuy được làm từ các vật liệu thân thiện, các thiết kế của Matt n Nat vẫn đảm bảo được tính thời trang và ứng dụng cao, trở thành một trong những thương hiệu túi xách xa xỉ có giá dưới 200 đô la Mỹ.

cách mạng thời trang 3
Chiếc túi Kivasm được làm từ vật liệu thân thiện môi trường, có giá 90 đô la Mỹ. (Ảnh: Matt n Nat)

Thương hiệu thời trang Fashion4freedom hướng đến việc tạo ra phúc lợi xã hội bên cạnh sản xuất thời trang bền vững. Cụ thể, nhãn hàng tập trung vào những nghệ thuật thủ công cổ truyền đang dần bị mai một tại vùng đất cố đô Huế, dùng thời trang làm công cụ giải phóng, giúp đỡ những người thợ lành nghề xây dựng cuộc sống mới.

cách mạng thời trang 4
Fashion4freedom nổi tiếng với những đôi giày đế gỗ chạm khắc rồng phượng và hoa văn truyền thống tinh xảo, độc đáo cùng những thiết kế trang sức đúc đồng tráng men to bản ấn tượng. (Ảnh: Fashion4freedom)

Nhiều nhà mốt nổi tiếng ủng hộ xu hướng thời trang xanh như Christopher Bailey, Victoria Beckham, Christopher Kane, Erdem, Roland Mouret… Bên cạnh đó, sự hiện diện của các ngôi sao hàng đầu trong chiến dịch cũng trở thành động lực quan trọng, góp phần lan tỏa nó đến công chúng như Emma Watson, Pharrell William, Anne Hathaway, Gisele Bundchen, Olivia Wilde…

cách mạng thời trang 6
“Thời trang có thể là một “chiến binh toàn cầu” trong việc bảo vệ hành tinh”, Pharrell Williams nói với National Geographic. (Ảnh: thefashionfolks)

Trở thành người tiêu dùng theo xu hướng Eco-fashion

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn. Không cần phải là NTK thì chúng ta mới có thể tạo nên những thay đổi tích cực. Trở thành người mua sắm thông thái đánh dấu sự thay đổi trong ý thức tiêu dùng và ý thức trách nhiệm với xã hội.

Xây dựng tủ quần áo con nhộng

Tủ quần áo con nhộng giới hạn ở khoảng 35 món đồ thời trang. Luân phiên kết hợp các món đồ không chỉ rèn cho bạn tư duy thời trang mà còn yêu cầu mọi người có những kỹ thuật bảo quản quần áo nhất định. Việc này không chỉ là lời phản tỉnh mạnh mẽ cho ngành thời trang nhanh (fast fashion) mà còn khuyến khích người tiêu dùng hướng đến những mặt hàng chất lượng, những loại chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường như lụa tự nhiên, linen hay cotton tự nhiên…

cách mạng thời trang 7
(Ảnh: Unsplash)

Trải nghiệm thời trang unisex

Trang phục unisex (phi giới tính) và androgyny (lưỡng tính) là một giải pháp đậm chất thời trang bền vững. Sự hữu hiệu và tiết kiệm nằm ở chỗ thay vì phải phân biệt riêng tủ đồ của nam và nữ, các món trang phục lúc này được dùng chung cho cả hai giới. Thời trang unisex cũng mang tinh thần phóng khoáng trong phom dáng, chất liệu… mang đến cảm giác mới lạ cho người mặc.

cách mạng thời trang 8
Kanye West diện thiết kế của nhà mốt Céline theo phong cách unisex. (Ảnh: Refinery29)

Trở thành NTK cho chính mình

Thời trang tái chế nhen nhóm từ tôn chỉ tận dụng triệt để nguyên vật liệu có sẵn hoặc qua sử dụng để tạo nên sản phẩm mới. Ý tưởng này không chỉ kéo dài vòng đời của các vật liệu mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Bạn có thể thử thủ thuật patchwork (nối và chần nhiều mảnh nhỏ với nhau) để tạo nên màu sắc mới lạ cho tổng thể trang phục.

cách mạng thời trang 9
Các NTK đã tiên phong áp dụng kỹ thuật patchwork vào thiết kế của mình. (Ảnh: Refinery29)

Dù nhỏ hay lớn, sự đóng góp của mỗi cá nhân bên cạnh nỗ lực không ngừng của giới chuyên môn có ý nghĩa sâu sắc làm nên diện mạo chung đầy triển vọng cho tương lai của thời trang bền vững.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Mai Le Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)