Cha đẻ của quần jeans xanh
Cụm từ “quần jeans” xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1795 khi một nhân viên ngân hàng người Thụy Sĩ Jean-Gabriel Eynard và anh trai Jacques đến Genova. Năm 1800, quân đội của Massena tiến vào thị trấn, Jean-Grabriel nhận được nhiệm vụ tiếp tế, trang bị cho họ những bộ đồng phục may từ một loại vải màu xanh có tên gọi là “bleu de Genes”, sau được gọi là “quần jeans màu xanh”.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1871, nhờ cuộc bắt tay của Jacob W. Davis hay Levi Strauss, kiểu quần jeans có nút đóng ở mép túi như ngày nay mới ra đời. Kiểu quần này thường được làm từ loại vải denim hoặc vải trúc bâu thô Ấn Độ.
Levi Strauss là ai?
Năm 18 tuổi, Levi Strauss, doanh nhân mang hai dòng máu Mỹ – Đức, rời Đức để làm việc cho cửa hàng quần áo may sẵn của anh trai ở New York. Năm 1853, sự kiện Cơn sốt vàng California (khi James W. Marshall là người đầu tiên phát hiện vàng ở Sutter’s Mill, Coloma, California dẫn đến hơn 300.000 người từ khắp thế giới kéo đến vùng đất này) đưa Levi đến San Francisco và mở chi nhánh phía Tây thuộc thương hiệu gia đình. Tại đây, ông kinh doanh thêm loại vải cotton cùng các mặt hàng cũ.
Nơi bắt nguồn ý tưởng cho chiếc quần jeans xanh hoàn chỉnh
Trong thời gian ở San Francisco, Levi Strauss gặp được vị khách hàng, sau này là bạn hợp tác tiềm năng – Jacob W. Davis, một thợ may đến từ Reno, Nevada chuyên làm lều, yên ngựa hay túi đựng vũ khí. Khi khách hàng của Jacob muốn mua một loại quần chất liệu bền, cứng cáp để mặc lúc làm việc, ông đã dùng vải denim mua từ Levi Strauss & Co và thêm phần dây kéo bằng đồng ở nơi dễ rách nhất là túi và nút ruồi của quần để thêm phần chắc chắn.
Năm 1872, Davis đã viết thư cho Strauss, bày tỏ ý muốn hợp tác để có bằng sáng chế và bán quần áo được gia cố bằng đinh tán ở góc túi. Sau đó, họ trở thành đối tác, cùng thành lập một phân xưởng sản xuất lớn và đánh dấu sự ra đời của chiếc quần jeans hoàn chỉnh, được Levi đặt tên là “waist overalls”. Ngày 20/5/1873, cả hai nhận được bằng sáng chế của Mỹ số 139.121 cho việc “Cải thiện việc mở túi nhanh”. Cũng kể từ đó, ngày 20/5 được chọn là sinh nhật của quần jeans xanh.
Davis và Strauss đã thử nghiệm các loại vải khác nhau, sau đó phát hiện denim là chất liệu phù hợp cho trang phục dùng trong công xưởng. Họ bắt đầu dùng denim để sản xuất quần kết hợp cùng đinh tán đã được cấp bằng. Ban đầu, quần jeans chỉ phổ biến với những công nhân nhà máy, thợ mỏ, nông dân và người chăn bò trên khắp Tây Bắc Mỹ. Kể từ năm 1873, quần jeans được thiết kế lại với 5 túi, bao gồm 1 túi đồng hồ nhỏ được cố định bằng đinh tán bằng đồng.
Sản xuất một chiếc quần jeans như thế nào?
Bắt nguồn từ loại vải nhung kẻ được tìm thấy ở Ý, thợ gia công đã phát triển nó thành loại vải cứng cáp và bền hơn là denim, một loại vải dệt chéo đắp chồng nhiều lớp lên nhau tạo độ dày và bền cho chiếc quần.
Các sợi dọc được nhuộm màu chàm trong khi các sợi ngang vẫn giữ màu trắng, điều này làm cho chiếc quần có màu xanh ở một mặt và mặt kia màu trắng. Denim là một trong những chất liệu có tính bền cao, vì thế thường được dùng làm quần áo lao động.
Về quá trình nhuộm màu, thuốc nhuộm chàm là loại phổ biến có nguồn gốc từ Ấn Độ với màu xanh denim đặc trưng. Từ đó, chàm được xuất khẩu qua nhiều nước như Ai Cập, Hy Lạp, Ý rồi lan đến Anh Quốc hay các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc… Thế nhưng, bột chàm là thứ đắt đỏ đối với các nước châu Âu thời kì Trung Cổ vì phải phụ thuộc nhiều vào người trung gian. Đến khi tuyến đường biển đi đến Ấn Độ được phát hiện thì chàm du nhập dễ dàng hơn vào thuộc địa.
Bột chàm được sản xuất từ cây chàm nhuộm (Indigofera tinctoria). Nhuộm bằng bột chàm là phương pháp đơn giản nhất nhưng lại không bền màu, vấn đề này dần được cải thiện khi có sự phát triển về kỹ thuật và công nghệ. Bột chàm hữu cơ trở nên hạn chế khi bột chàm tổng hợp xuất hiện cuối thế kỷ 19 với mức giá rẻ hơn.
Chặng đường nhiều thăng trầm của quần jeans
Hình ảnh của James Dean xuất hiện trong bộ phim Rebel Without a Cause với quần jeans xanh, áo thun trắng và áo khoác đỏ đã trở thành biểu tượng cho phong cách của giới trẻ. Trong suốt những năm 1960, quần jeans được chấp nhận rộng rãi và đến thập niên 70, nó trở thành trang phục hằng ngày của giới trẻ Mỹ.
Sau khi văn hóa hippes và phản kháng có dấu hiệu thoái trào, quần jeans cũng mất dần đi vị thế. Nó trở thành trang phục dành cho các nhóm xã hội bình thường. Lúc này, các nhà mốt thay nhau vào cuộc cải cách quần jeans với nhiều kiểu mẫu như quần ống rộng, quần bó mông và đa dạng cách washed màu, mài rách, đính đinh tán…
Dù có lịch sử nhiều thăng trầm qua gần 150 năm nhưng đến nay, quần jeans vẫn giữ được sức cuốn hút, nét cổ điển pha lẫn chút phá cách của thời trang đương đại. Chưa kể, tính xoay vòng của thời trang còn mang những kiểu quần ống loe, quần cạp trễ của thập niên trước quay trở lại, nhờ sự lăng xê của các fashionista nổi tiếng.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Mai Le, Thùy Dung Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE Tham khảo: History of Jeans