Thời trang / Thế giới thời trang

Ellewiki: Charles Frederick Worth – Người khai sinh ra Haute Couture

Charles Frederick Worth là nhà thiết kế thời trang đầu tiên trong lịch sử, luôn sáng tạo và tiên phong mốt mới nhất cho từng thời kỳ. Tên tuổi của Worth đã trở thành biểu tượng của Couture – nền móng của Haute Couture, các nhãn hiệu thời trang hiện đại sau này.

charles-frederick-worth-granger
Charles Frederick Worth (1826 – 1895)

Cha đẻ của ngành thiết kế thời trang

Charles Frederick Worth sinh ngày 13/10/1825 tại Bourn, một thành phố nhỏ thuộc Lincolnshire nước Anh, trong một gia đình nghèo, và phải đi làm từ khi mới 12 tuổi.

Bắt đầu bằng công việc vất vả 12 tiếng/ngày cho cửa hàng bán vải Swan & Adgar và Lewis & Allenby lớn nhất London, Worth đã học được những kiến thức đầu tiên về thời trang như: tính chất vải, cách chọn vải phù hợp để may trang phục, thị hiếu của tầng lớp thượng lưu,… Là con người thông minh và tham vọng, sau khi tích góp đủ kiến thức về nghệ thuật, thời trang trong công việc, từ sách báo, các cuộc triển lãm,… ông quyết tâm sang Paris để gầy dựng sự nghiệp.

Tròn 20 tuổi, không vốn liếng, Worth lại bắt đầu làm thuê cho cửa hàng vải lụa Gagelin & Opigez tiếng tăm ở Paris, gặp gỡ kết hôn cùng Marie Vernet – sau này là một trong những người mẫu đầu tiên trình diễn trang phục của ông.

 

Maria_fedorovna_dress
Vợ Worth, bà Marie Vernet trong trang phục ông thiết kế.

Sau 12 năm bán hàng và làm thợ may ở đây, tài năng sáng tạo của Worth bắt đầu có đất dụng võ khi ông khám phá ra cách may đo kiểu mới, tạo nên những chuẩn mực đầu tiên của thời trang hiện đại ngày nay: sự vừa vặn tuyệt đối của trang phục.

Năm 1858, nhờ sự hỗ trợ của một người bạn giàu có tên Otto Bobergh, ông mở nhà may Worth & Bobergh tại số 7 đường Rue De La Paix, nơi mà sau này trở thành trung tâm thời trang của nước Pháp. Thời Napoleon III, khi các nhà tư bản mới nổi không có chỗ tiêu tiền, thì một chuyên gia ăn mặc sẽ có thể giúp họ, nên việc làm ăn của nhà may rất phát đạt.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Worth là khi công chúa Metternich, vợ của đại sứ Áo mặc bộ váy dạ hội do ông may tới dự lễ hội cung đình. Qua đó Worth đã được bà hoàng Eugenie biết tới và trở thành nhà may Hoàng Cung. Từ đây, ông trở thành “người dẫn đầu” xu hướng thời trang bấy giờ ở Pháp, Worth áp đặt trang phục cho các bà hoàng, công chúa, phu nhân, tiểu thư,…và họ sung sướng nghe theo ông.

 

007_charles-frederick-worth_theredlist
Công chúa Metternich, vợ của đại sứ Áo mặc đầm của nhà may Worth

 

050_charles-frederick-worth_theredlist
Bà hoàng Eugenie trong trang phục Worth may riêng cho bà

Haute Couture được khai sinh từ đây, khi mà Worth đã thoát khỏi vai trò của một thợ may đơn thuần là may quần áo theo yêu cầu. Mà ông trở thành nhà tư vấn, thiết kế, sản xuất ra quần áo phù hợp sở thích và thỏa mãn nhu cầu của khách. Ông là người đầu tiên bắt khách hàng tuân theo quan điểm thời trang của mình. Và hình thành nên khái niệm “nhãn hiệu” khi quần áo được làm tại một nhà may danh tiếng, với kiểu mẫu được thiết kế chuyên biệt và độc quyền. Worth còn có sáng kiến độc đáo đi trước thời đại: thuê những cô gái trẻ làm người mẫu trình diễn trang phục mới của ông cho khách xem.

Quan điểm về thời trang của ông: “Một bộ trang phục không nên áp đảo người mặc. Nó chỉ nên là một cái khung thích hợp cho bức tranh. Làm nền để giúp bức tranh tỏa sáng vẻ đẹp chứ không phải là nổi bật hơn, thu hút sự chú ý về phía nó.”

Ông trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên trong lịch sử, luôn sáng tạo và tiên phong mốt mới nhất cho từng thời kỳ. Tên tuổi của Worth đã trở thành biểu tượng của Couture – nền móng của Haute Couture, các nhãn hiệu thời trang hiện đại sau này.

 

Nam tước phu nhân Mary Curzon mặc một trong những bộ trang phục thành danh nhất của Worth
Nam tước phu nhân Mary Curzon – người được xem là biểu tượng thời trang lúc bấy giờ, mặc đầm dạ hội màu đồng nổi danh nhất của Worth

Haute Couture sau Charles Frederick Worth – Tinh hoa của thế giới thời trang

Haute Couture là danh từ tiếng Pháp, với “couture” là may đo cao cấp, riêng biệt và tinh tế, và “haute” là sang trọng, thượng lưu.

Haute Couture được hiểu là những trang phục được cắt may riêng, với yêu cầu gắt gao về chất liệu, kĩ thuật và tay nghề nghệ nhân, mỗi mẫu thiết kế chỉ may độc nhất một chiếc với giá thành xa xỉ và phục vụ tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Worth – người “couturier” đầu tiên trong lịch sử – đã hòa hợp nghệ thuật cắt may truyền thống với thị hiếu thẩm mỹ của thời đại mới, để làm hài lòng xã hội thượng lưu Paris lúc bấy giờ đang muốn chứng minh vị thế và đẳng cấp bằng những bộ trang phục tinh xảo với giá trị xa xỉ. Chính từ đây, Haute Couture vĩnh viễn là biểu trưng cho với giai tầng xã hội cao cấp, là tinh hoa bậc nhất của ngành nghệ thuật thời trang.

Đến năm 2012, danh sách những nhà thời trang Haute Couture chính thức tại Paris thu gọn lại chỉ còn 12 thành viên, trong đó đình đám nhất và nhẵn mặt với fashionista Việt Nam phải kể đến gồm có: Christian Dior, Chanel, Givenchy, Jean Paul Gaultier, Stéphane Rolland, Giam-battista Valli.

Ngoài ra có các thành viên khách mời từ các nước ngoài cũng nằm trong lịch diễn chính thức của Tuần lễ Haute Couture như: Elie Saab, Giorgio Armani, Valentino, Versace, Alexis Mabille, Alexandre Vauthier, và Iris Van Herpen.

 

BST Haute Couture của Elie Saab trong Tuần lễ thời trang Paris 2013
BST Haute Couture của Elie Saab trong Tuần lễ thời trang Paris 2013

 

Xem thêm Ellewiki: Cristóbal Balenciaga và sự nghiệp Haute Couture

Xem thêm Haute Couture Thu Đông 2013 – mơ mà thực

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Vân tổng hợp Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)