Xã hội phát triển với sự lên ngôi của nền tảng tương tác mạng xã hội. Những trang mạng xã hội như Instagram, Facebook, Twitter, Snapchat… chính là công cụ giao tiếp thường nhật của phần lớn chúng ta. Hình ảnh trở thành hình thức giao tiếp thay cho ngôn từ và đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc truyền tải thông tin. Chính vì lẽ đó, rất nhiều công cụ chỉnh sửa hình ảnh (filter) được giới thiệu để giúp ích cho việc tiếp nhận hình ảnh trở nên hiệu quả hơn.
Nhưng chính bởi sự phát triển của các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không thể phân biệt được thật giả, rằng những thứ đã qua chỉnh sửa kia, bản chất sự thật là bao nhiêu phần. Mới đây, sự xuất hiện của hai người mẫu ảo Shudu và Miquela trên Instagram đã khiến dư luận xáo động vì vẻ đẹp dị biệt, không-thực (unreal) của họ.
Vẻ đẹp ‘unreal’ của người mẫu Shudu. Bạn có nhận ra đây chỉ là người mẫu ảo? (Ảnh: @shudu.gram)
Cô nàng người mẫu ảo Miquela nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các fan hâm mộ. (ảnh: @lilmiquela)
Shudu là một người mẫu ảo trên Instagram nổi đình đám trong khoảng thời gian gần đây. Làn da đen bóng đến-không-tưởng là thứ khiến cho người khác không khỏi ngưỡng mộ. Ngay cả thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của cô nàng Rihanna – Fenty Beauty cũng đã đăng tải hình ảnh của Shudu, với đôi môi căng bóng nhờ sử dụng tông màu son Saw-C của thương hiệu. Vẻ đẹp không-thực và làn da đen bóng quá hoàn hảo là những gì dư luận hết mực buông lời tán tụng.
Tấm hình của Shudu được đăng tải trên kênh Instagram chính thức của Fenty Beauty (ảnh: @shudu.gram)
Đằng sau vẻ đẹp không tưởng đó là sự thật sẽ khiến cho nhiều người ngã ngửa. Shudu thực chất chỉ là một nhân vật hư cấu, được tạo dựng từ phần mềm đồ họa máy tính CGI (computer-generated imagery), 100% bởi nhiếp ảnh gia Cameron-James Wilson.
“Thực ra, Shudu là một sản phẩm đồ họa do tôi thiết kế”, nhiếp ảnh gia hiện đang làm việc tại London chia sẻ trong một bài phỏng vấn. “Shudu không phải là người thật. Tuy nhiên, hình ảnh tạo dựng cho Shudu được dựa trên khuôn mẫu của những người mẫu thành danh đang hoạt động. Trào lưu sủng ái những người mẫu có làn da đen bóng chính là cảm hứng để tôi tạo ra Shudu”, Wilson rụt rè chia sẻ. Suy cho cùng, công cuộc tạo ra Shudu tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, mục đích là để đánh lừa được giác cảm của người nhìn, khiến họ tin rằng sự tồn tại của người mẫu Shudu là thật.
(ảnh: @shudu.gram)
Cận cảnh vẻ đẹp đánh lừa nhận thức của cô nàng người mẫu ảo Shudu (ảnh: @shudu.gram)
“Tôi không muốn lừa dối bất kỳ một ai cả. Việc tạo dựng ra Shudu và chia sẻ thành quả của mình lên Instagram đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui thú. Shudu hoàn toàn là một hình mẫu truyền cảm hứng và là hình mẫu đại diện cho vẻ đẹp theo nhận thức của số đông ở hiện tại.”, anh chia sẻ. Việc tạo ra tấm hình Shudu được đăng tải trên Instagram của Fenty Beauty tốn nhiều ngày liên tục để làm ra.
Trở thành người mẫu đại diện cho chiến dịch quảng bá của thương hiệu thời trang cao cấp như bao người. (ảnh: @shudu.gram)
Instagram của Shudu hiện tại cán mức 38 nghìn lượt theo dõi. (ảnh: @shudu.gram)
BÀI LIÊN QUAN
Shudu không phải là người mẫu ảo duy nhất ở trên Instagram, Miquela – tài khoản Instagram LilMiquela có hơn 560 nghìn lượt người theo dõi cũng gây nhiều tranh cãi, thậm chí có phần gay gắt hơn bởi sự xuất hiện của Miquela có trước cả Shudu.
Tràn ngập trên trang cá nhân của mình, Miquela – tự nhận mình là một người mẫu 19 tuổi, lai giữa hai dòng máu Tây Ban Nha và Brazil, là nhiều hình ảnh streetstyle trong các mẫu thiết kế của Chanel, Proenza Schouler, Supreme, Vetements và Vans. Cô nàng người mẫu ảo này thậm chí còn đã cho ra mắt ca khúc đầu tay với tên gọi “Not Mine” và đạt được thứ hạng thứ 8 trên bảng xếp hạng của trang nghe nhạc trực tuyến thịnh hành nhất trên thế giới là Spotify vào tháng 8 năm ngoái.
(Giữa) Cô nàng người mẫu ảo Miquela. (ảnh: @lilmiquela)
Thành công đạt được của Miquela trong làng thời trang ở thời điểm hiện tại? Được xuất hiện trên tạp chí thời trang Paper và Novembre Magazine đình đám; trở thành người mẫu cho thương hiệu trẻ tuổi tại New York – Area. Theo nhận định, sức ảnh hưởng của nhân vật giả tưởng như Miquela không hề thua kém những influencer trên mạng xã hội là bao nhiêu.
Miquela trong trang phục của KENZO, xuất hiện trên tạp chí Novembre Magazine. (Ảnh: @lilmiquela)
Cô nàng người mẫu ảo này cũng đồng thời được vinh dự xuất hiện trên tạp chí thời trang Paper Magazine đình đám của New York. (ảnh: @lilmiquela)
Có lẽ chính bởi lẽ đó mà cô nàng người mẫu ảo này mới có cơ hội được trở thành KOL (gương mặt đại diện) trước thềm show diễn của Prada mùa Thu – Đông 2018 vừa diễn ra tại Milan Fashion Week, theo như chia sẻ mới nhất của cô nàng này trên Instagram.
(ảnh: @lilmiquela)
Thực chất, việc sử dụng nhân vật ảo thay cho một cá nhân là điều không phải quá lạ lẫm trong làng giải trí. Phải kể đến thành công của band nhạc có 4 thành viên từng đoạt giải Grammy 2006 – Gorillaz. Band nhạc này được thành lập vào năm 1990, bởi bộ đôi nhạc sĩ Damon Albarn và nghệ sĩ Jamie Hewlett. Thêm một dẫn chứng khác, vào năm 2013, Marc Jacobs lúc bấy giờ vẫn đang trị vì ngôi vị giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton, đã từng thiết kế trang phục cho nữ ca sĩ Hatsune Miku.
Ban nhạc nổi danh từng đoạt giải Grammy vào năm 2006 – Gorillaz với bản hit Feel Good Inc. (ảnh: @gorillaz)
Hatsune Miku – cô nàng ca sĩ ảo trong mẫu phác thảo thiết kế của Marc Jacobs cho thương hiệu Louis Vuitton. (ảnh: intofashion)
Miku là nhân vật thực tế ảo được thực tế hóa nhờ vào việc áp dựng thành tựu kỹ thuật số tiên tiến nhất – công nghệ Hologram. Chính công nghệ này đã giúp Miku có được những màn trình diễn mãn nhãn trên sân khấu lớn, trước hàng triệu khán giả và nhận được sự mến mộ, yêu thích của các fan hâm mộ. Miku cũng từng được hợp tác cùng những nghệ sĩ tài danh từng dành giải Grammy như Pharrell và Lady Gaga.
Miku từng là ca sĩ diễn mở màn cho Lady Gaga trong tour diễn quảng bá album Art Pop của mình. (ảnh: youtube)
Trong số báo tháng 5 năm 2016 của tạp chí Vogue Mỹ, giám đốc sáng tạo của thương hiệu Givenchy – Riccardo Tisci đã thiết kế một mẫu đầm Haute Couture làm từ chất liệu ren cao cấp, được đính kết tỉ mẩn bằng đá Swarovski. Chính Miku đã diện mẫu thiết kế này và tạo dáng bên cạnh Riccardo Tisci tại studio của Givenchy tại Paris.
Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci bên cạnh Miku trong bộ hình thực hiện cho tạp chí Vogue Mỹ. (ảnh: Vogue)
Cũng theo dòng sự kiện, thương hiệu Louis Vuitton đã sử dụng nhân vật Lighting với mái tóc hồng nổi bật trong loạt game giả tưởng ăn khách Final Fantasy để làm người mẫu diện những thiết kế mới thuộc BST Xuân-Hè 2016 của nhà mốt.
Giám đốc sáng tạo Nicolas Ghesquiere của thương hiệu Louis Vuitton hào hứng chia sẻ về việc hợp tác cùng nhân vật Lighting trong loạt series game Final Fantasy đình đám. (ảnh: @nicolasghesquiere)
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, thị giác và nhận thức của những người dùng mạng xã hội như chúng ta sẽ dễ dàng bị thử thách khi phải diện kiến những người mẫu ảo như Shudu và Miquela. Có lẽ đây sẽ sớm là một trào lưu mới trong ngành thời trang: kiến tạo ra một chuẩn mực, một vẻ đẹp không-thực đáng ngưỡng mộ, đồng thời vẫn truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng chẳng kém gì người thật!
(ảnh: @shudu.gram)
(ảnh: @lilmiquela)
—
Xem thêm:
Tuần lễ thời trang nam Thu-Đông 2018/19 Moschino: Đội quân quỷ dữ phát tán sự nổi loạn.
Anna Wintour kiên quyết không làm việc với những kẻ quấy rối tình dục, dù là bạn thân.
Nhóm thực hiện
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)