Ngày thứ hai diễn ra lễ trao giải CFDA hay còn được ví von là Oscar của thế giới thời trang quy tụ những nhân vật tầm cỡ của làng thời trang tại bảo tàng Brooklyn. Một cái tên quen thuộc lại tiếp tục được xướng danh: Nhà thiết kế Marc Jacobs. Ông tiếp tục được đề cử ở hạng mục Nhà thiết kế thời trang nữ kể từ năm 2013 và thậm chí ông đã từng giành vinh dự đoạt giải vào năm 2016.
Những giải thưởng này và sự hiện diện liên tục của Jacobs trong danh sách các nhà thiết kế thành công và sáng tạo nhất trong ngành công nghiệp thời trang dường như lại đặt ra dấu chấm hỏi cho bất cứ ai đã từng dõi theo sự nghiệp của ông trong vài năm qua.
Nhà thiết kế Marc Jacobs. (Ảnh: Instinct Magazine)
Cuộc khủng hoảng dưới quyền Marc Jacobs
Có một thời gian dường như Jacobs đã nắm bắt được tâm lý của những người phụ nữ đương đại, bởi vậy nên những thiết kế pha trộn giữa nét đẹp quyến rũ và vẻ hiện đại dễ dàng chiếm được cảm tình. Những ngôi sao nổi tiếng thời bấy giờ như Sofia Coppola và Winona Ryder không chỉ lựa chọn trang phục gắn mác Marc Jacobs mà thậm chí còn hoá thân thành nàng thơ trong những “tác phẩm” thời trang của ông.
Chiến dịch quảng bá năm 2015 của Marc Jacobs có sự góp mặt của hai gương mặt sáng giá của làng điện ảnh lúc bấy giờ: Sofia Coppola và Winona Ryder. (Ảnh: Models)
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, NTK người Mỹ dường như mất đi phương hướng của chính mình. Chính ông đã tự trải lòng rằng bản thân không còn hiểu khách hàng mong muốn điều gì, kéo theo những thiết kế và phụ kiện của thương hiệu mang tên ông cũng dần mất đi bản sắc cá nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với các nhà đầu tư vào đầu năm 2017, khi trả lời các câu hỏi về môi trường kinh doanh trong thời kỳ tổng thống Donald Trump, Bernard Arnault – chủ tịch và giám đốc điều hành của LVMH (tập đoàn thời trang Pháp xa xỉ) chia sẻ rằng Marc Jacobs là cái tên khiến ông trăn trở còn hơn cả Tổng thống Mỹ. Sau đó không lâu, tập đoàn LVMH đã chấm dứt mảng kinh doanh thời trang nam giới của Jacobs như một biện pháp cắt giảm chi phí.
BÀI LIÊN QUAN
Trong năm 2015, NTK Marc Jacobs đã khép lại hành trình của dòng thời trang cao cấp Marc by Marc Jacobs. Bước chuyển mình đột ngột này để lại nỗi hoài nghi trong lòng những tín đồ thời trang bởi vì chỉ hai năm trước đó, bộ đôi giám đốc sáng tạo người Anh Luella Bartley và Katie Hillier đã tạo nên những bước đi đột phá, mang nhãn hàng đến gần hơn với nhiều đối tượng khách hàng.
Những hình ảnh sáng tạo trong chiến dịch của dòng thời trang Marc by Marc Jacobs. (Ảnh: Shutter Stock)
Thương hiệu cũng đã đóng cửa hàng chục cửa hàng trong vài năm qua, cả ở châu Âu và New York. Giờ đây nhà mốt nước Mỹ lại chẳng thể có một cửa hàng flagship nào tại thành phố New York ngoài một cửa hàng khiêm tốn ở SoHo. Không chỉ thế, sự xáo trộn còn xảy ra ngay trong nội bộ công ty với hàng loạt nhân viên châu Âu bị sa thải, chưa kể đến sự ra đi của những gương mặt đứng đầu – Bartley và Hillier hay thậm chí là Robert Duffy – đồng sáng lập và chủ tịch thương hiệu Marc Jacobs.
Ông Duffy gặp gỡ Jacobs lần đầu tiên vào năm 1983 tại bữa ăn tối chúc mừng lễ tốt nghiệp của các nhà thiết kế từ học viện thiết kế Parsons. Khi đó Duffy là một giám đốc trẻ tại Reuben Thomas và đang trên con đường tìm kiếm tài năng mới. Trong ba thập kỷ tiếp theo, Duffy là đối tác kinh doanh lớn nhất cũng như là người bạn đồng hành của Jacobs trong suốt quá trình gây dựng tên tuổi. Nhưng ông đã từ giã vai trò lãnh đạo của mình vào năm 2015.
Ngoài mối quan hệ đồng nghiệp, NTK Marc Jacobs và ông Duffy còn duy trì một tình bạn đẹp. (Ảnh: Nicholas Hunt/PatrickMcMullan)
Từ BST Grunge đến thành tựu tại Louis Vuitton
Trong hơn hai thập kỷ kể từ khi những người mẫu của Marc Jacobs diện thiết kế áo flannel trong BST Grunge năm 1992 sải bước trên sàn diễn thời trang, ông được nhiều nhà phê bình nhận định là NTK người Mỹ thú vị và tài năng nhất trong thế hệ của ông. Thậm chí Jacobs còn được ca ngợi như người kế thừa xứng đáng của Calvin Klein và Ralph Lauren.
BST Grunge năm 1992 của Marc Jacobs dành cho Perry Ellis nhận nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây là tín hiệu tích cực cho thấy tài năng sáng tạo phá cách mang hơi thở hiện đại của Jacobs. (Ảnh: Kim Gamick)
Năm 1997, Jacobs đã vinh dự được đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton. Với bộ óc sáng tạo vô hạn, ông đã góp phần thổi một làn gió mới vào trong cảm hứng cổ điển của nhà mốt với những màn trình diễn phóng khoáng và đầy sức sống trên sàn diễn. Đồng thời, nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của tập đoàn LVMH, Jacobs và Duffy đã mang thương hiệu Marc Jacobs tiến xa đến toàn cầu, với doanh thu ước tính khoảng 300 triệu đô la vào năm 2006 và các cửa hàng mới bùng nổ trong các khu mua sắm cao cấp từ Paris đến Tokyo.
Cửa hàng trước đây của dòng thời trang nổi tiếng Marc by Marc Jacobs. (Ảnh: HappB)
Thế nhưng trong guồng quay khắc nghiệt của ngành công nghiệp phù hoa, không dễ gì để giữ vững phong độ. Vào năm 2014, Jacobs đã từ giã vị trị giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton sau 16 năm để tập trung vào phát triển nhãn hiệu của riêng mình. Phát biểu với tờ The New York Times vào thời điểm đó, Michael Burke – giám đốc điều hành của Louis Vuitton đã tỏ ý không hài lòng trước thái độ làm việc “hỗn loạn và tốn kém” của Mar Jacobs. Ông tiết lộ rằng chỉ vài ngày trước khi diễn ra buổi trình diễn BST, Jacobs hoàn toàn có thể thay đổi thái độ và ý kiến.
Marc Jacobs chào tạm biệt nhà mốt nước Pháp Louis Vuitton sau 16 năm gắn bó. (Ảnh: Petroff/Dufour/Getty Images)
Marc Jacobs “vùng vẫy” trong “biển lớn” thời trang
Trong nhiều năm, Jacobs dường như loay hoay không thể xác định phương hướng hay tìm kiếm được bất cứ nguồn năng lượng sáng tạo nào. Điều này có lẽ được lý giải do sự ra đi của Duffy, người không chỉ là đối tác của Jacobs trong kinh doanh mà còn là bạn đồng hành luôn theo sát ông trong sự nghiệp. Giới điệu mộ thời trang nhận định rằng từ lâu thương hiệu Marc Jacobs đã thiếu bóng một giám đốc sáng tạo mạnh mẽ và có đủ khả năng truyền cảm hứng của Marc đến với các NTK.
Nhiều người mến mộ Marc Jacobs vẫn bỏ tiền để xem những show diễn thời trang của ông và hi vọng có thể quay trở lại cảm giác sống động ngày trước. Thế nhưng họ lại hoàn toàn cảm thấy thất vọng khi những thiết kế dường như ngày càng xa rời thực tế và thiếu nguồn cảm hứng.
Show diễn gần đây nhất vào tháng 2 được tổ chức tại Park Avenue Armoury bị các nhà phê bình thời trang đánh giá là thiếu chuyên nghiệp bởi cách dàn dựng sơ sài cộng hưởng trên nền âm nhạc ảm đạm. (Ảnh: Imaxtree)
Trong khi đó, các NTK như Alexander Wang hay Alessandro Michele của Gucci lại khéo léo làm chủ phương tiện truyền thông xã hội, hay các nhãn hiệu thời trang đường phố như Supreme cũng nắm bắt cơ hội để chứng tỏ vị thế hiện tại. Những thương hiệu khác cũng đồng thời tranh giành nhau “miếng bánh ngon” trên thị trường bán lẻ đầy rẫy những cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Gucci và chiến dịch quảng bá đầy tính nghệ thuật và khơi gợi sức sáng tạo từ giới điệu mộ. (Ảnh: Fashionista)
Bởi vậy, mặc dù được công nhận bởi hội đồng của giải thưởng CFDA, thương hiệu Marc Jacobs không còn nắm giữ được lòng tin của khách hàng. Trên trang web thương mại điện tử của Marc Jacobs, giá của toàn bộ sản phẩm mới đã giảm từ mức trung bình gần 700 đô la trong năm 2015 xuống còn khoảng 350 đô la vào năm 2017, theo nghiên cứu từ EDITED – một công ty công nghệ bán lẻ.
Mặc dù những thách thức đặt ra cho nhà mốt nước Mỹ để khôi phục vị trí trong lòng giới điệu mộ thời trang rất khó khăn, thậm chí cần đòi hỏi những sự mạo hiểm để thay đổi cả tầm nhìn, tư duy sáng tạo lẫn cách vận hành một thương hiệu thời trang. Thế nhưng nhiều người vẫn tin tưởng rằng Marc Jacobs sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này và tiếp tục khẳng định dấu ấn của mình trên bản đồ thời trang thế giới.
—-
Xem thêm:
Chỉ trong 1 tuần Lady Gaga biến đổi hình ảnh thời trang đầy ngoạn mục.
Taobao – Trang web bán hàng online lớn nhất Trung Quốc hướng tới khách hàng trẻ.
Nhóm thực hiện
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Lược dịch: New York Times/ Ảnh: Tổng hợp)