LÀM QUẢNG CÁO ĐỂ ĐẾN VỚI THỜI TRANG
Nếu có dịp được nghe những NTK nói về các thiết kế của họ, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy mình thật may mắn. Ta không ngừng bị hút vào câu chuyện của NTK, bởi sau mỗi trang phục là một ý tưởng, một câu chuyện sâu sắc. Với NTK Thanh Nga, thiết kế không chỉ dừng lại ở việc phô diễn cái Đẹp, kỹ thuật… mà có thể trở thành một tuyên ngôn độc đáo, thông điệp về sức mạnh của giới. Chị chia sẻ rằng Defined Moment không tuân theo những cách thể hiện vẻ đẹp thông thường, mà đó phải là vẻ đẹp riêng biệt được tạo ra bằng sự phối hợp độc đáo của kỹ thuật và chất liệu mới lạ. Rõ ràng, chỉ cần nhìn qua các thiết kế Couture của Defined Moment, ta có thể nhận ra ngay chất liệu là một trong những điều tác động mạnh nhất đến ta, về mặt thị giác.
Bất kỳ một thiết kế couture nào cũng đòi hỏi sự kỳ công, kỹ thuật xử lý tinh tế bằng đôi tay, nhiều lúc dường như không tưởng. Ví dụ như để làm ra một thiết kế Couture Thu-Đông 2013 như hình ảnh bạn đọc đang xem trong bài viết này, trước tiên chị Nga cùng một cộng sự phải làm khung, dựng form, rồi chia ra từng góc độ cuốn chỉ, sao cho đường chỉ đi đẹp nhất, nhanh nhất.
“Công đoạn này tốn rất nhiều thời gian và cần sự tập trung tuyệt đối của người thợ. Khi đan phải tính toán rất kỹ để biết ánh sáng khi đi qua mỗi phần sẽ tương tác như thế nào. Ở những góc độ khác nhau, phải có chỗ thưa, chỗ dày để ánh sáng đi qua một cách sống động, lên được những hiệu ứng mà tôi mong muốn. Trong khi làm, mắt và suy nghĩ không lúc nào nghỉ ngơi vì chỉ cần lơ là một chút, chỉ cần một chi tiết nhỏ bị sai là sản phẩm sẽ hỏng, sẽ phải tháo ra làm lại. Và tháo ra còn khó hơn đan vào nhiều lần”, chị Nga vừa cười vừa chia sẻ. Cũng thật thú vị khi biết rằng tất cả những kỹ thuật này là do chị Nga chuẩn bị và phát triển, để tạo ra được sự độc đáo, độc nhất vô nhị của mỗi BST.
Thường khi nào chị bắt đầu chuẩn bị BST mỗi mùa?
Tôi có một team khá nhỏ nên ngay sau khi giới thiệu xong BST, tôi và các cộng sự chỉ nghỉ ngơi khoảng một tuần rồi bắt đầu làm tiếp ngay để tranh thủ thời gian.
Chị đã đến với thời trang như thế nào?
Trước đây tôi học cơ khí ngành dệt may, sau đó đi làm quảng cáo tại Việt Nam được 5 năm, rồi mới bắt đầu chuyển qua học thời trang ở Pháp.
Tại sao từ quảng cáo chị lại chuyển sang
ngành thời trang vậy?
Từ hồi bé, tôi đã rất thích thời trang và có thổ lộ điều này với bố mẹ, nhưng chắc do tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên bố mẹ luôn muốn tôi học những ngành cơ bản để sau đó có công việc ổn định. Tới năm 18 tuổi, tôi quả quyết nói với bố mẹ rằng mình không muốn thi đại học mà muốn làm thiết kế thời trang. “Bố mẹ có thể cho con mượn một ít tiền để mở một cửa tiệm rồi con mướn người may, sau đó sẽ bắt đầu học cắt may, vì con nghĩ không biết vẽ cũng có thể trở thành một NTK”. Thế nhưng, cuối cùng ý tưởng đó của tôi không nhận được sự tán đồng và ba mẹ muốn tôi thi vào đại học Bách khoa.
Lúc đi học, tôi chỉ ấp ủ quyết tâm là sau khi ra trường, chắc chắn mình phải làm cái gì đó kiếm tiền thật nhanh để thực hiện ước mơ về thời trang. Và công việc trong ngành quảng cáo đã giúp tôi tới gần với ước mơ của mình nhanh nhất. Trong 5 năm làm quảng cáo, tôi cảm thấy rất thích và tới tận bây giờ khi đã được làm thiết kế, tôi vẫn nghĩ rằng quảng cáo rất tốt, giúp nhiều cho công việc hiện giờ của tôi.
“TÔI NGHĨ TÔI LÀ NHÀ ĐIÊU KHẮC, BÁC SĨ PHẪU THUẬT, HƠN LÀ MỘT NHÀ THIẾT KẾ”
Khi thiết kế, chị có hình dung trong đầu một mẫu người phụ nữ nhất định nào không hay chỉ tập trung vào việc tạo ra thứ mình muốn?
Tôi rất thích câu hỏi này của bạn vì tôi cũng muốn chia sẻ, tại sao tôi không lấy tên thương hiệu theo tên riêng của mình theo xu hướng của nhiều NTK. Bản thân tôi không muốn biến đổi (transform) bất cứ một người phụ nữ nào để trở thành người phụ nữ của Nga, cũng như tôi chưa bao giờ có một người phụ nữ nào nhất định cho thiết kế của mình. Bởi tôi nghĩ, bản thân mỗi người phụ nữ sẽ có những nét đặc biệt riêng, tôi chỉ là người review họ, tìm kiếm vẻ đẹp sâu sắc trong họ, chứ không phải biến họ thành mẫu người khác.
Như bạn có thể thấy, đồ thiết kế của Nga rất lãng mạn, còn đồ Nga mặc lại rất đơn giản, thậm chí buồn chán.
Nhìn lại tất cả các BST của mình, chị thích thiết kế nào nhất?
Chưa bao giờ tôi thích một thiết kế cụ thể nào nhất, vì sau khi làm một BST mới, tôi thích tất cả các thiết kế. Nhưng đến khi làm bộ tiếp theo, nhìn lại thì lại thấy thích BST mới hơn. Chắc vì Nga rất khó tính với bản thân, mỗi lần làm một BST, mình đều muốn có gì đó mới hơn, lạ hơn nên thật lòng thì không có gì là thích nhất cả (cười).
Trong công việc thiết kế, với chị, quá trình hay sản phẩm quan trọng hơn?
Tôi nghĩ là quá trình quan trọng hơn, vì tất cả mọi công đoạn phải dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo nhất. Nếu như sản phẩm không hoàn hảo, có thể Nga sẽ bỏ hết để làm lại.
Một thiết kế, một sản phẩm hoàn hảo như vậy của chị có giá bao nhiêu?
Nga có bán những thiết kế trên 3.000 đôla Mỹ, nhưng so với công sức mình đã bỏ ra để làm thì tiền công gần như là zero. Coi như là chưa kiếm được tiền thực sự từ công việc này.
Gặp rất nhiều khó khăn như thế, không được ba mẹ ủng hộ, không có nhiều tiền, vậy tại sao tới giờ chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề thiết kế thời trang?
Nga nghĩ có lẽ bởi vì mình si mê, hoàn toàn si mê cái Đẹp, và việc thích làm đẹp cho phụ nữ.
BST Couture Thu-Đông 2013 của chị lấy cảm hứng từ nước. Đó có phải là xu hướng chung cho các BST Couture của mùa không?
Thường thì khi đang hoàn thiện BST, Nga không để ý đến những NTK khác. Đến khi xong show rồi Nga mới xem người ta làm gì, và dù có chung ý tưởng là nước thì mỗi người có một cách cảm nhận và diễn đạt riêng. Nếu làm đúng xu hướng thì cũng là điều tốt cho mình thôi.
Chắc chắn có một NTK nào đó mà chị ngưỡng mộ chứ?
Nga không bị ảnh hưởng nhất định bởi ai hết, nhưng nếu nói tới người gây cảm hứng nhiều nhất cho mình thì đó là Alexander McQueen.
Chị sẽ lấy cảm hứng cho BST Couture Xuân-Hè 2014 từ đâu?
Cảm hứng cho BST sắp tới khởi nguyên từ nghệ sĩ Naum Gabo, một nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga nổi bật trong Chủ nghĩa tạo dựng (Constructivism). Ông chủ trương lược bỏ mọi chi tiết không cần thiết, chú trọng vào những hình khối, cấu trúc. Cách mà Naum sử dụng hình khối để thể hiện con người và nội tâm luôn đầy sự khác biệt và sâu sắc.
Cũng là một người trong cuộc nên Nga hiểu được phụ nữ hiện đại phải trải qua những điều gì trong cuộc sống ngày nay. Khi những giá trị đẹp đẽ, đích thực mà tiền bạc không mua được như tình yêu, lòng trung thành ngày càng phai mờ, phụ nữ luôn đau đáu câu hỏi rằng “Will you still love me if I’m no longer beautiful?” (Còn ai yêu ta khi sắc đẹp tàn phai?). Cá nhân Nga luôn tin vào vẻ đẹp bên trong và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Phụ nữ cần phải hiểu sâu sắc những giá trị và sức mạnh đó, phần nội tâm nằm sâu bên trong con người họ.
Qua những thiết kế của mình, tôi muốn đem “không gian nội tâm” đó ra bên ngoài, biến nó trở nên hữu hình. Đó là sự bung phá của cái Đẹp, của những giá trị thực sự. BST mới của tôi vẫn tập trung vào chủ đề này, dẫu là theo một cách thể hiện khác trên thiết kế thông qua hình khối và chất liệu.
Sắp tới chị có kế hoạch gì ở thị trườngViệt Nam không?
Hiện giờ, tôi vẫn tập trung vào các BST Couture, chứ chưa bắt đầu với Ready-to-Wear. Thực tâm tôi rất muốn làm một điều gì đó ở Việt Nam nhưng vẫn phải ổn định kinh doanh ở Pháp trước rồi mới tính về nước.
Một câu hỏi cuối, điều gì khiến chị không thích nhất
khi làm NTK thời trang?
Sau mỗi show diễn, tôi luôn cảm thấy kiệt sức hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Profile nhà thiết kế Thanh Nga
• Tốt nghiệp ngành Chất liệu may mặc – Đại học Bách khoa TP.HCM (2003)
• Creative Copywriter tại một số công ty quảng cáo hàng đầu tại Việt Nam và Singapore (2003-2008)
• Lọt vào chung kết cuộc thi thời trang do Aquafina tổ chức (2008)
• Tốt nghiệp loại ưu với BST couture tại trường ESMOD Paris (2010)
• Giải NTK Triển vọng tại hội chợ hàng cao cấp “French Excellence”
• Tham gia giới thiệu BST couture tại nhiều Tuần lễ thời trang quốc tế
Nhóm thực hiện
Phỏng vấn Nguyễn Danh Quý - Ảnh Gerald Le Van - Chau Trang điểm Daria (từ Atomo) - Làm tóc Na Bil (từ B-Agency) Người mẫu Anna Zasada (từ Women Management)