Không phải London, Milan hay Paris mà là New York, nơi tập trung đông đảo nhất những nhà thiết kế (NTK) thời trang châu Á nổi tiếng. Phải chăng yếu tố đa chủng tộc đặc trưng của nước Mỹ, bản tính cần cù và sáng tạo của người châu Á cùng với “giấc mơ Mỹ” đã làm nên sự thành công của họ?
Công thức trên có lẽ đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ. Người ta cho rằng “khẩu vị” thời trang của New York đơn giản, thực dụng và thiếu sự sáng tạo nhưng chính thành phố này lại là mặt trận thời trang cạnh tranh và vô cùng khốc liệt. Tựa như câu khẩu hiệu quen thuộc của show truyền hình nổi tiếng Project Runway, “One day you’re in. But the next day you’re out” (Hôm nay bạn còn trong cuộc chơi. Nhưng ngày hôm sau có thể bạn đã bị loại). Đối với những nhà thiết kế thời trang gốc Á, để tồn tại và phát triển thương hiệu tại New York cần hơn rất nhiều những yếu tố trên, bao gồm cả sự may mắn và thời thế.
Thế hệ “OG” vàng son
Mở màn cho sự trỗi dậy của những nhà thiết kế thời trang gốc Á tại New York lại là bốn cái tên nữ giới: Anna Sui với phong cách boho đầy màu sắc; Kimora Lee Simmons gợi cảm cùng sức ảnh hưởng của văn hóa da màu đậm chất R’n’B; Vivienne Tam yêu thương hết mình với bộ xườn xám cổ truyền và Vera Wang với những bộ đầm cưới cực kỳ sành điệu. Chỉ có một quý ông duy nhất, đó là Zang Toi.
Trong bốn cái tên này, Vera Wang được coi là thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại. Bà không chỉ là một trong những niềm tự hào của thời trang Mỹ mà còn của những nhà thiết kế gốc Á khác tại New York. Đầm cưới của Vera Wang là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ trên toàn thế giới. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của bà lớn thế nào trong ngành thời trang.
Trên thực tế, một người như Vera Wang muốn thất bại cũng không dễ. Xuất thân là biên tập viên của tạp chí Vogue trong 15 năm và giám đốc thời trang cho Ralph Lauren trong ba năm, Vera Wang có đủ mọi yếu tố làm nên thành công của một NTK: gu thẩm mỹ của một NTK và một biên tập viên thời trang; kỹ thuật, kinh nghiệm và cả những mối quan hệ. Năm 1990, Vera Wang mở cửa tiệm đầu tiên của mình và sau 10 năm thành công với dòng đồ cưới, bà cho ra mắt dòng Ready-to-wear để thỏa mãn góc nhìn cá tính, sành điệu của thời trang hi-fashion. Tính đến thời điểm này, Vera Wang đã tạo nên một đế chế bao gồm quần áo thường ngày, đồ dạ hội, đồ cưới cho đến đồ ngủ, phụ kiện, nước hoa, mỹ phẩm, trang sức và cả đồ nội thất.
Đến năm 2007, New York đón nhận đợt sóng các nhà thiết kế thời trang gốc Á tiếp theo. Ngược lại với thế hệ 1.0, lần này là những chàng trai trẻ gồm Phillip Lim, Jason Wu, Richard Chai, Alexander Wang, Peter Som, Derek Lam, Altuzarra, Prabal Gurung… Trong số đó, Thakoon Panichgul là cái tên được nhiều kỳ vọng bởi anh là NTK gốc Á hiếm hoi được “bà đầm băng giá” Anna Wintour nâng đỡ. Anh thậm chí còn được xuất hiện trong bộ phim tài liệu The September Issue lừng danh.
Sự bùng nổ số lượng các nhà thiết kế thời trang gốc Á làm việc tại New York vào thời điểm này diễn ra bởi hai lý do chính. Đầu tiên là sự tăng trưởng về số lượng sinh viên tại những trường thời trang nổi tiếng bao gồm Parsons School of Design và Fashion Institute of Technology (FIT). Năm 2010, Parsons thống kê có khoảng 70% sinh viên quốc tế đến từ châu Á còn FIT có 25% sinh viên là người gốc Á. Đây cũng là thập niên đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc với vai trò là thị trường lớn mới nổi của ngành thời trang. Năm 2012, Jason Wu trình làng BST lấy cảm hứng từ nhiều nét văn hóa đặc trưng Trung Quốc để thể hiện niềm tự hào cũng như truyền tải thông điệp về sự hào nhoáng, vương giả và tầm quan trọng của Trung Quốc. Đến cả ông hoàng thời trang Mỹ Ralph Lauren cũng dành riêng BST Thu – Đông 2011 để chiều lòng khách VIP nói tiếng Hoa ngữ.
Trong thế hệ NTK gốc Á 2.0, Alexander Wang có phần nổi trội hơn cả. Nổi tiếng với phong cách thể thao với những đường cắt hiện đại, Wang nhanh chóng tạo được tiếng vang và nhận được giải thưởng CFDA/Vogue Fashion Fund năm 2008. Thế nhưng danh tiếng của anh cũng đi cùng tai tiếng. Đã từng có thời điểm Alexander Wang liên tục bị tố đạo nhái những thiết kế của Nicolas Ghesquière và nhiều NTK khác. Những tưởng scandal này sẽ hủy hoại sự nghiệp của anh nhưng khôi hài thay, Kering lại chọn anh là người thay thế Nicolas Ghesquière tại Balenciaga. Sự kiện này đem lại không chỉ danh tiếng cho Wang mà còn là niềm tự hào và ước mơ cho những cái tên châu Á. Dù sao đi nữa, Alexander Wang cũng là nhà thiết kế thời trang gốc Á đầu tiên vào vị trí giám đốc sáng tạo cho một nhà thời trang Pháp lâu đời.
Cùng thế hệ với Alexander Wang còn có những cái tên làm nên chuyện, hay chí ít là duy trì phong độ cho đến ngày nay. Khởi nghiệp sớm hơn vài năm, đôi bạn thân Carol Kim và Humberto Leon của Opening Ceremony cũng đã có 8 năm làm việc tại Kenzo; Jason Wu giành được vị trí giám đốc sáng tạo ở Hugo Boss, Altuzarra với sự hậu thuẫn của Carine Roitfeld đã tham gia Paris Fashion Week được ba năm; Prabal Gurung và Phillip Lim trở thành hai trong những cái tên được mong chờ tại New York Fashion Week. Thế nhưng cũng có người không đạt được thành công như mong muốn. Peter Som ngưng cho ra BST tại New York Fashion Week từ năm 2015 hay Thakoon với sự nghiệp không tương xứng với bệ phóng của Anna Wintour. Nhưng dù sao đi nữa, tất cả đều đã để lại dấu ấn và mang đến những màu sắc thú vị cho bức tranh thời trang tổng thể của New York nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Thử thách khắc nghiệt cho thế hệ 3.0 triển vọng
Với hai lý do chính đã nêu trên, New York vẫn không ngừng tiếp nhận những tài năng thiết kế gốc Á mới. Khác với thế hệ tiền bối, những nhà thiết kế thời trang gốc Á trẻ ngày nay có nhiều lợi thế để xây dựng thương hiệu hơn nhờ internet và mạng xã hội. Những khóa học online trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận hơn. Instagram, Facebook hay Twitter trở thành kênh tiếp thị hữu hiệu cho các thương hiệu từ nhỏ đến trung bình. Với sự tiếp sức của e-commerce, việc kinh doanh cũng trở nên dễ dàng hơn. Đó cũng là những lý do làm cho sự cạnh tranh càng khắc nghiệt hơn. Ngoài duy trì sự tồn tại giữa những thương hiệu sáng lập cùng thời điểm, những NTK trẻ cũng có nguy cơ bị những thương hiệu lớn hơn đè bẹp. Để tạo dấu ấn và tiếng nói riêng trên một sân chơi quá đông đúc chính là khó khăn lớn nhất.
Điều đó không có nghĩa là không có ai thực sự nổi bật. Nắm vai trò một nửa linh hồn của thương hiệu nổi tiếng Oscar de la Renta, NTK gốc Hàn Laura Kim đã giành được sự công nhận của truyền thông lẫn người yêu thời trang khi vừa bắt đầu đảm nhiệm vị trí đồng sáng tạo tại nhà thời trang này. Ngoài ra, Laura còn đảm nhiệm thêm vị trí Giám đốc sáng tạo tại Monse. Ji Oh, một NTK Mỹ gốc Hàn khác cũng đã để lại dấu ấn trong làng thời trang New York bởi phong cách Androgyny và những bộ đồng phục biến tấu lạ mắt. Nhiếp ảnh gia thời trang đường phố gốc Việt nổi tiếng Tommy Ton cũng tham gia lĩnh vực thiết kế với vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu theo phong cách tối giản xa xỉ Deveaux.
Lực lượng NTK gốc Hoa vẫn chiếm số lượng áp đảo với chất lượng đáng kể. Sở hữu một loạt thành tích đáng kể như đạt giải thưởng Swarovski & Vogue Talents New Generation Award năm 2017, được lọt vào danh sách đề cử của LVMH Prize năm 2018, nằm trong danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes châu Á, Snow Xue Gao với phong cách avant-garde đặc trưng. Snow biến tấu những bộ suit may đo, phá vỡ cấu trúc và kết hợp chất liệu, họa tiết tinh tế, mang đến một màu sắc đặc biệt và nổi bật tại New York Fashion Week. Sandy Liang cũng là một cái tên nổi bật quen thuộc với thời trang New York bởi phong cách “quirky” và unisex. Kim Shui nổi tiếng với những bộ xườn xám phá cách, gợi cảm và Jenny Cheng tại thương hiệu underground Esther Gauntlett đang được giới trẻ New York quan tâm.
Dấu ấn nhà thiết kế thời trang Việt trong lòng New York
Dù không chiếm số lượng đông đảo như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng sân chơi thời trang New York đã xuất hiện một số “anh tài” gốc Việt đáng được nhắc đến. Tiêu biểu nhất phải nhắc đến đầu tiên là Peter Do. Trước khi thành lập thương hiệu năm 2018, Peter đã nhận được giải thưởng LVMH Graduate Prize năm 2014, làm việc tại thương hiệu Derek Lam và Céline dưới sự dẫn dắt của Phoebe Philo. Thừa hưởng phong cách tối giản hiện đại của Phoebe Philo, sự ngưỡng mộ với Margiela và Helmut Lang cùng kỹ thuật cắt may đỉnh cao, Peter nhanh chóng thu hút được sự chú ý và đánh giá cao của giới thời trang, trong đó có Net-A-Porter, Dover Street Market về Bergdorf Goodman. Đầu năm nay, Peter Do được công bố là 1 trong 8 NTK lọt vào danh sách chung kết của giải thưởng LVMH Prize. Peter Do sẽ thành công đến mức nào vẫn còn là một ẩn số, nhưng có lẽ thành công đó sẽ vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ bởi anh từng chia sẻ tham vọng muốn trở thành Phoebe Philo.
R13 – cái tên mới mẻ lạ lẫm với phong cách Punk bụi bặm chỉ mới trình diễn tại New York Fashion Week cách đây 4 năm nhưng thực ra thương hiệu này có tuổi đời 10 năm và được thành lập bởi NTK gốc Việt Chris Leba. Nhân tố bí ẩn này thực ra là một nhân vật lão làng của thời trang New York với kinh nghiệm dày dặn từ J.Crew, American Eagle và đáng kể nhất là 20 năm làm việc tại Ralph Lauren. Đó cũng là lý do Chris chịu ẩn mình sau R13 để không ảnh hưởng đến công việc tại hai thương hiệu mãi đến năm 2016, khi anh nghỉ việc tại Ralph Lauren để tập trung cho thương hiệu riêng. Phong cách Punk trẻ trung và nổi loạn của R13 đến từ ấn tượng của Chris về New York khi anh mới di dân đến đây vào những năm 80, thời điểm mà văn hóa nhạc rock ngông nghênh, bất cần là lẽ sống của giới trẻ. Khi được hỏi về tương lai, Chris không đặt ra một đích đến nào vì theo anh, tương lai không thể nói trước nhưng chắc chắn phải luôn không ngừng phát triển.
Nếu phong cách của Peter Do hay Chris Leba mang ảnh hưởng của thời trang Âu Mỹ thì hai cái tên sau lại mang văn hóa, hồn Việt trong những thiết kế của mình.
CFGNY (Concept Foreign Garments NY) được thành lập bởi hai thành viên Tin Nguyen và Daniel Chew với những thiết kế thời trang kết hợp nghệ thuật theo hơi hướng “kitsch”. Show diễn mới nhất của bộ đôi thiết kế được lấy cảm hứng từ Phú Quốc, quê hương của Tin và được mô tả là sự kết hợp của một chút phương Tây, một chút tinh thần Á Châu. Với Tin và Daniel, thế hệ người Mỹ gốc Á trẻ lớn lên tại Chinatown, tiếp nhận cùng lúc hai nền văn hóa. BST là sự thể hiện nhận thức của họ về châu Á: pha trộn, biến hóa và cũng thật mơ hồ. Dấu ấn Việt trong BST này còn hiện hữu ngay trên trang phục bởi tất cả đều được làm bởi những người thợ may Việt Nam. Chúng ta không khỏi động lòng khi thấy thiết kế làm liên tưởng đến bộ đồ chống nắng của người đi xe máy, đôi giày rọ bộ đội, những chiếc hạt nhựa màu sắc hay những lá bài trò chơi tuổi thơ… Thật “Việt Nam” làm sao!
Ai cũng có một niềm tự hào truyền cảm hứng cho riêng mình. Với ba chàng trai Jin Kay (đã từng làm việc tại Gucci và Narciso Rodriguez), Dylan Cao (từng làm việc tại 3.1 Phillip Lim và R13) và Huy Luong của thương hiệu Commission thành lập năm 2018, đó là hình ảnh của những người mẹ của mình trong thập niên 80, 90. Kay đến từ Hàn Quốc, Dylan và Huy từ Việt Nam, nhưng cả ba đều tìm thấy điểm chung là trang phục của những người phụ nữ trong thời điểm chuyển giao giữa hai thập niên. Dylan chia sẻ: “Chúng tôi muốn nói về giai đoạn mà ít ai nói đến hoặc lãng mạn hóa nhất”. Có lẽ đó là ký ức đẹp đẽ của hầu hết chúng ta, khi mẹ, cô, dì của mình đặt may lại những bộ âu phục hàng hiệu trên catalogue với vải vóc và tiền công rẻ hơn. Mặc dù mới thành lập không lâu, Commission đã được nhìn nhận nghiêm túc và đón nhận khi thương hiệu được bán trên hai trang e-commerce thời trang lớn là Net-A-Porter và Ssense. Cuối năm 2019, Commission cũng lọt vào danh sách top 20 của LVMH Prize.
Tạm kết
New York là một thành phố bận rộn và vô cùng cạnh tranh, nhưng đó cũng chính là môi trường và cơ hội để phát triển dù bạn đến từ đâu hay mang màu da nào. Sự xuất hiện của những nhà thiết kế thời trang gốc Á làm nên chuyện tại thành phố này như một niềm tự hào và cũng là cảm hứng để thế hệ thiết kế trẻ châu Á ở bất cứ đâu có thể cố gắng và thực hiện ước mơ thời trang của mình. Như Chris Leba nhận định: “New York giống như giải đấu Super Bowl của mọi thứ và sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Điều quan trọng là những tài năng trẻ cần dành thời gian để học hỏi, đầu tư và nuôi dưỡng tài năng của mình, để rồi có thể đóng góp cho xã hội lẫn cộng đồng. Cũng như lời Frank Sinatra trong ca khúc New York, New York kinh điển, nếu bạn thành công ở New York, bạn có thể thành công ở bất cứ đâu.
Giờ đây, cũng như các NTK và thương hiệu khắp nơi, tất cả đều đang phải đối diện với những thử thách khó khăn khôn lường của đại dịch Covid-19. Hãy cùng hy vọng rằng những tài năng thực thụ sẽ đủ tiềm lực, sức mạnh để tiếp tục trụ vững và phát triển.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tư liệu