Nhận thức về lối sống “bền vững”
Thời trang bền vững chỉ là một mảng tranh nhỏ trên tổng thể của một bức họa lớn. Để thế hệ kế cận được thừa hưởng một tương lai xanh đáng sống thì việc mỗi người trong chúng ta áp dụng lối sống bền vững là điều vô cùng thiết thực.
Ở công ty nơi tôi đang công tác, mọi người đã bắt đầu có ý thức hơn trong việc sử dụng chai nhựa và túi nilon. Mọi người đã bàn với nhau lập ra một cái quỹ đóng phạt nhỏ để có công cụ “cưỡng chế”, khiến cho mọi người phải lưu tâm hơn trong vấn đề mang theo những vật phẩm bằng nhựa sử dụng một lần hay túi nilon vào văn phòng. Không hẳn là 100% nhân viên đều đã vào guồng xoay “ý thức”, nhưng đa phần mọi người đã bắt đầu mang theo bình cách thủy, bình thủy tinh hay cặp lồng để mang đựng đồ ăn. Những chiếc túi vải canvas, tote xinh xinh cũng được dịp để xúng xính theo các chị em trong công ty.
Túi nhựa nên được thay thế bởi túi vải tote hay túi làm từ nhựa tái chế. (ảnh: Shutterstock)
Đợt thương hiệu H&M giới thiệu BST “Conscious Exclusive” mới nhất, tôi có may mắn được tham gia buổi tọa đàm về việc rác thải môi trường biển đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến môi trường sống của mỗi người trong chúng ta và thời trang bền vững nên trở thành một tiêu chí phát triển của các thương hiệu thời trang. Tham dự những buổi tọa đàm này rất có ích với những người trẻ như tôi, luôn sống vôi mà quên đi những thứ nhỏ nhặt như việc cái bao nilon vẫn được tặng kèm để đựng khi mua vật phẩm sẽ mất đến 500-1000 năm để phân hủy. Cuối buổi tọa đàm và ra mắt BST mới, mỗi người được tặng một chiếc túi tote bằng vải bố bền chắc và một bao nhỏ chứa ống hút làm bằng tre cực thân thiện với môi trường. Một hành động đẹp và nhân văn của H&M toàn cầu đã được tiếp tục ở Việt Nam.
H&M Việt Nam đã tổ chức tuần lễ nhận thức từ 17/4 – 25/4 vừa qua.
Reduce – Reuse – Recycle (giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế) là ba từ khóa quan trọng của lối sống bền vững. Thế nhưng việc này còn khá được xem nhẹ ở nước mình. Tôi có một người bạn nước ngoài là nhà thiết kế cũng hết mực quan tâm và đeo đuổi thời trang bền vững. Bạn tôi bảo ở những nước phương Tây, việc phải phân loại rác thải là một việc làm cưỡng chế; bất kỳ một công dân nào không thực hiện sẽ đều bị phạt tiền tùy theo điều lệ của từng chính phủ. Tại châu Á, gần hơn là ở Singapore thì việc xả rác sẽ phải lãnh chịu hậu quả là bị phạt tiền lên tới 300$, nước bạn cũng không cho phép sự tồn tại của kẹo cao su, những người sử dụng loại kẹo này mà bị bắt gặp sẽ bị phạt tiền lên tới 1000$. Tôi có đồng nhận thức và luôn ủng hộ việc phải tìm ra những phương cách hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Nhựa gây ô nhiễm môi trường nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống con người. (ảnh: nypost)
Những câu chuyện ở trên đều là những gì thuộc về nhận thức của cá nhân tôi. Tôi không phải là một người hoài nghi hay luôn tiêu cực khi nói đến chủ đề này. Thực chất là tôi vẫn cảm thấy lạc quan về tương lai và có niềm tin rằng có rất nhiều người cũng đang dần hướng mình đến lối sống bền vững như tôi. Bạn có biết rằng các nhà khoa học Hà Lan đã sáng tạo ra phương cách để điều chế nhựa tái chế, làm bằng chất liệu hữu cơ là rong biển? Họ cũng thành công trong việc sử dụng chất liệu này để tạo ra những món đồ hàng ngày (vốn luôn được làm bằng nhựa) với máy in 3D. Hay là việc các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại enzyme có khả năng đẩy nhanh quá trình phân hủy của nhựa vào năm 2016 tại Nhật Bản với tên gọi PETase, và đang trong quá trình nghiên cứu thêm hơn để sớm ứng dụng loại enzyme này trên diện rộng. Quả là những thành tựu khoa học rất đáng ngưỡng vọng, khiến tôi có thêm niềm tin vào một tương lai xanh và một thế hệ người trẻ có cùng nhận thức về lối sống bền vững.
Các nhà khoa học Hà Lan đã thành công trong việc tạo ra chất liệu nhựa từ rong biển. (ảnh: PSFK)
“Không có một hành tinh nào khác trong hệ mặt trời này có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của loài người. Chỉ có thể là Trái đất này hay là không còn gì. Đây thực sự là một nhận thức rất quan trọng.”, theo trích dẫn của Carl Sagan – nhà khoa học, phi hành gia, tác giả của những cuốn sách khoa học nổi danh như The Dragons of Eden, Broca’s Brain... Không có sự thật nào hay có điều gì là đúng sai tồn tại, tất cả chỉ là nhận thức của mỗi người trong chúng ta. Nhưng quả thật nền khoa học hiện đại có cấp tiến và đạt được nhiều thành tựu lớn như thế nào, chúng ta vẫn chưa thể tìm thấy được một hành tinh nào có thể trở thành nơi cư trú cho nhân loại. Theo như thống kê, vào năm 2050 thì Trái đất của chúng ta sẽ tồn đọng đến 12 tỷ tấn nhựa rác thải nếu loài người không có hành động nào làm giảm thiểu việc tiêu thụ nhựa như hiện tại. Mỗi người cần phải phải thay đổi nhận thức để bảo vệ hành tinh này là một điều rất hệ trọng, bởi mọi việc chúng ta dự tính hay chỉ đang bắt đầu đều đang dần trở nên quá muộn. Thật sự đã quá muộn.
—
Xem thêm:
Công nghệ thời trang hiện đại đã có những đột phá như thế nào?
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Sưu tầm)