Các nghệ nhân Nhật Bản trong hành trình làm mới Kimono

Đăng ngày:

Trước nguy cơ khủng hoảng thị trường Kimono, các NTK xứ xở hoa anh đào đang làm gì để “hồi sinh” bộ trang phục truyền thống này?

Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn dây tóc, nghệ nhân Yuichi Hirose nhẹ nhàng đặt mẫu khuôn in cắt tay tỉ mỉ lên nền một tấm vải trắng dùng để may Kimono. Là thế hệ thứ tư trong gia đình hành nghề này, Hirose, cũng như một số nghệ nhân và doanh nghiệp nhỏ khác tại Nhật Bản, đang nỗ lực không ngừng để cải tiến trang phục truyền thống, đối diện với ngành công nghiệp đang tuột dốc rõ rệt.

  NTK Yuichi Hirose đang cẩn thận đặt khung in lên một tấm vải trắng trong công xưởng lâu đời của gia đình. (Ảnh: Kazuhiro Noji – Gettyimage)

Cải tiến các họa tiết

Theo một cuộc khảo sát của học viện Nghiên cứu Yano, thị trường Kimono giảm mạnh xuống còn 278,5 tỉ yên (khoảng 52500 tỷ VNĐ) vào năm 2016, sau khi đạt đỉnh cao nhất vào năm 1975 với 1800 tỉ yên (khoảng 350 000 tỷ VNĐ).

Kimono, trong tiếng Nhật dịch đơn giản chính “đồ để mặc”, lại trở nên quá xa vời với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Hiện nay, Kimono thường chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết đặc biệt, như đám cưới, ngày giỗ hay lễ trưởng thành. Và bởi giá của một bộ đồ đầy đủ có thể dễ dàng lên tới hàng chục ngàn USD, việc tự mua cho mình một bộ Kimono còn hiếm hơn nữa. Rất nhiều người Nhật chọn thuê hoặc mượn Kimono từ người thân trong gia đình.

Vậy nên theo Yuichi Hirose, cần phải tạo ra họa tiết mới cũng những dịp mới, bớt trang trọng hơn để mặc Kimono, “như đi hòa nhạc hoặc tới rạp hát chẳng hạn”, anh nói. Công việc của Hirose tập trung vào sáng tạo ra những hình in mới, như hình cá mập hay thậm chí cả hình đầu lâu.

     

Các khuôn in hình họa tiết được cắt tay tỉ mỉ từ giấy washi của Nhật Bản, xuất hiện dưới thời Edo. (Ảnh: Kazuhiro Noji – gettyimage)

Thay đổi về giá thành

“Có quá nhiều rào cản khi mua một bộ Kimono”, ông Takatoshi Yajima, phó giám chủ tịch của Hiệp hội phát triển Kimono Nhật Bản, nói.

Một bộ Kimono đầy đủ bắt đầu với lớp áo lót gọi là juban, sau đó tới các lớp vải Kimono được quấn cầu kì rồi thắt lại thắt lưng lụa obi và cuối cùng hoàn thiện với một đôi tất dài tới mắc cá gọi là tabi tách ngón cái với các ngón còn lại để người mặc có thể xỏ chân vào dép ghỗ zori. Riêng chiếc thắt lung obi đã có thế lên đến hàng ngàn đô la Mỹ.

“Chí phí đắt đỏ, phương thức mặc thì phức tạp, lại quá khó để giặt tại nhà” ông Takatoshi Yajima tiếp tuc câu chuyện. Bản thân là một nhà sản xuất Kimono, ông nói rằng ngành công nghiệp phải thích nghi với những thay đổi thì mới có thể nâng cao doanh số.

Phần lớn chuyên gia vẫn tiếp tục tập trung vào các mẫu thiết kế cao cấp bằng lụa, và bán ra các sản phẩm với giá cao. Ngược lại, về phần mình, với mục tiêu hướng tới khách hàng là giới trẻ, ông Yajima sản xuất những bộ Kimono bằng linen hay coton với giá dưới 100 000 yên (khoảng 20 triệu VNĐ – một mức giá đã thấp hơn rất nhiều so với trang phục truyền thống cao cấp). Thay đổi này đã giúp ông gần như nhân đôi doanh số bán hàng của mình so với 15 năm về trước.

Một hãng Kimono trẻ khác – Double Maison cũng đi theo chiến lược của ông Takashi Yajima, ra mắt các sản phẩm với thiết kế thu hút giới trẻ và giá cả phải chăng nhờ vào việc sử dụng chất liện linen và coton. (Ảnh: doublemaison.com )

Sáng tạo trong thiết kế và chất liệu

Bên cạnh câu hỏi về giá cả, NTK Jotaro Saito nghĩ rằng thách thức còn nằm ở việc làm thế nào để trẻ hóa Kimono, mang đến cho bộ trang phục hàng trăm năm tuổi này một làn gió mới. “Kimono không hề lỗi thời. Mặc Kimono rất ngầu và vui” NTK đã từng thiết kế cho ca sĩ Lady Gaga nói.

Tại tuần lễ thời trang Tokyo vào tháng Ba vừa rồi, ông đã cho trình diễn những bộ Kimono “phiên bản Heisei” (Heisei là từ để chỉ niên hiệu hiện tại ở Nhật Bản), một sự kết hợp giữa văn hóa cổ truyền và các họa tiết, màu sắc, cũng như chất liệu không hề theo quy chuẩn truyền thống như len, jersey hay vải bò.

Jotaro Saito cùng các người mẫu trong những thiết kế Kimono cải tiến của ông tại Tuần lễ Thời Trang Tokyo vừa rồi. (Ảnh: Pierre-Emmanuel Déletrée)

Đổi mới về phương thức

Trong khi nhu cầu sở hữu Kimono của người Nhật đang thụt giảm thì các dịch vụ thuê Kimono lại đang tăng cao nhờ có lượng du khách với nhu cầu trải nghiệm văn hóa ngày càng nhiều.

“Kimono rất đặc biệt. Được mặc nó lên người là một danh dự.” – theo một du khách người Hà Lan thuê đồ tại cửa hàng của bà Kahori Ochi.

Bà Kahori Ochi đang giúp đỡ khách hàng mặc Kimono lên người. (Ảnh: Toshifumi Kitamura – getty image)

Cha mẹ của Ochi từng sở hữu một cửa hàng bán Kimono tại ở phía Bắc Tokyo nhưng khi còn nhỏ bà chưa từng nghĩ sẽ theo chân họ. “Mẹ nói với tôi rằng kinh doanh Kimono rất mạo hiểm và không ổn định” – bà chia sẻ khi kể về lúc mà mẹ bà đã phải bán những bộ Kimono cũ để giải quyết các khó khăn vào những năm 90 và điều đó đã làm tổn thương lòng tự trọng của gia đình bà như thế nào. Mặc dù đó là quyết định đúng đắn giúp họ “sống sót” trong khi rất nhiều cửa hàng khác đã phải đóng cửa vào lúc đó.

Bản thân Ochi cũng từng nghĩ rằng Kimono không hợp thời và vô cùng bất tiện. Nhưng sau chuyến du lịch tới Na Uy nơi bà đã nhận được nhiều lời khen về bộ trang phục truyền thống của mình, Ochi đã thay đổi quan đểm và quyết định trở lại giúp đỡ mẹ. “Bà ấy đã rất ngạc nhiên và nói với tôi rằng nhưng con sẽ không được trả lương đâu”, Ochi bật cười khi nhớ lại.

Hiện nay, mỗi năm cửa hàng trong khu Harajuku của Kahori Ochi tiếp đón khoảng hơn 500 khách hàng. Những người sẵn sàng trả 9000 yên để diện Kimono trong vài giờ thay vì bỏ ra hẳn 300 000 yên để sở hữu bộ trang phục tinh tế này.

Rất nhiều du khách nước ngoài hứng thú với trải nghiệm mặc Kimono khi thăm Nhật Bản. (Ảnh: adventureofanette.blogspot.com)

Dịch vụ thuê Kimono đang ngày càng bùng nổ tại Tokyo. Ochi mong rằng Thế Vận hội Olympics 2020 tại Tokyo sẽ mang tới nhiều khách hàng hơn nữa. “Nhưng mục tiêu của tôi không phải là mở rộng kinh doanh”, bà thêm vào. “Tôi mong muốn được gặp gỡ nhiều hơn với những người muốn tìm hiều văn hóa Nhật Bản.”

Xem thêm:

Jacquemus – tài năng thiết kế sớm được thừa nhận của làng thời trang Pháp

5 thách thức lớn thị trường thời trang Trung Quốc đang gặp phải

Nhóm thực hiện

Nguyễn Hương Giang (Nguồn tham khảo: scmp.com / Hình ảnh: Tổng hợp)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more