Đám cưới cổ tích và những chiếc váy cưới huyền thoại của hoàng gia Anh

Đăng ngày:

Trước thềm hôn lễ của hoàng tử Harry và nữ diễn viên Meghan Markle, cùng ELLE Việt Nam nhìn lại những “huyền thoại” váy cưới hoàng gia Anh.

Lần đầu tiên tôi biết trên đời này có một nàng công chúa bằng xương bằng thịt, đó là Diana, vương phi xứ Wales. Nàng xuất hiện lộng lẫy trên những trang tạp chí có tiêu đề “Đám cưới cổ tích” mẹ mang về cho tôi. Trong mắt một bé gái mới biết đọc thì thế giới mà những tờ báo kia trải ra thực sự là cổ tích giữa đời.

Với mái tóc vàng cắt ngắn, những gợn nhẹ trải đều hai bên tai, chiếc vương miện chải vào tóc hiền lành giữ cho lớp von trắng bung tỏa sau lưng, nàng cười khẽ, cặp mắt xanh biển long lanh. Màu trắng ngà trên váy của nàng được in dài hết hai trang tạp chí. Tôi cảm tưởng khi nàng bước sẽ có từng tiếng xột xoạt êm ái phát ra. Các cô gái khi kết hôn sẽ đều trở thành nàng công chúa như vậy sao? Tôi ôm lấy quyển báo và hỏi mẹ.

Váy cưới của công nương Diana với phần bèo nhún và xếp bồng ấn tượng nơi cổ, vai áo. (Ảnh: Pinterest)

Hôn lễ của công nương Diana và thái tử Charles diễn ra vào năm 1981 tại Luân Đôn và hàng triệu người đã theo dõi cặp đôi hoàng gia qua truyền hình trực tiếp. Vậy mà đến những năm gần thiên niên kỷ 2000, báo chí vẫn dành nhiều lời lẽ đặc biệt cho chiếc váy huyền thoại dài 8 mét này. Điều đó chắc chắn không chỉ bởi câu chuyện cổ tích chưa trọn vẹn của Diana mà còn vì thiết kế cô mặc năm ấy đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thăng hoa của phụ nữ, trở thành một kiểu váy xu hướng suốt thời gian dài.

Sự đặc biệt của váy cưới Dianna đến từ những câu chuyện li kì của cặp đôi nhà thiết kế Elizabeth và David, chiếc váy cũng được người ta “trang hoàng” lên muôn vàn ý niệm, phong tục cổ xưa. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất đã thêu dệt nên huyền thoại này là vì hoàng gia Anh – một vương triều lâu đời và có tầm ảnh hưởng lớn nhất so với các vương quốc trên thế giới còn duy trì chế độ quân chủ trong lòng xã hội hiện đại.

Đám cưới cổ tích của công nương Dianna năm 1980. (Ảnh: eonline.com)

Vương quốc Anh dưới sự trị vì của nữ hoàng Elizabeth II còn có ảnh hưởng và lợi ích với 53 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, được gọi là khối Thịnh vượng chung. Mặc dù thiên về tính biểu tượng hơn là thực quyền, nữ hoàng Anh là nguyên thủ của các quốc gia thành viên; 53 nước trải khắp các lục địa, chiếm một phần tư diện tích địa cầu và một phần ba dân số thế giới.

Với tầm ảnh hưởng lớn, sự kiện như đám cưới của những người đứng hàng đầu trong danh sách kế vị ngai vàng ở vương quốc Anh luôn được công chúng quan tâm, vượt biên giới Anh. Hoàng gia cũng vì thế coi đây là sự kiện văn hóa khẳng định vị thế trường tồn và ca ngợi các giá trị truyền thống. Từ nhiều thế kỷ trước, đám cưới hoàng gia đã phần nào biểu dương được tinh thần này. Và thông qua những chiếc váy cưới, thông điệp, bản sắc Anh được duy trì, truyền bá mạnh mẽ. Người ta không thể quên váy cưới huyền thoại của nữ hoàng Victoria, công nương xứ Windsor, nữ hoàng Elizabeth, công nương Dianna, công nương Kate và sắp tới đây có thể là công nương Meghan.

Nữ hoàng Elizabeth II ngắm nhìn lại đầm cưới của bà hiện được lưu giữ tại bảo tàng. (Ảnh: Heartstapps)

Váy cưới của nữ hoàng Victoria năm 1840

Tháng 2 năm 1840, nữ hoàng Victoria của Anh quốc kết hôn với hoàng tử Albert xứ Saxe. Trước đó, theo nghi thức hoàng gia, chính nữ hoàng đã nói lời cầu hôn. Nữ hoàng Victoria là một quân vương nổi tiếng trong lịch sử nước Anh. 63 năm cai trị của bà được người dân xứ sương mù gọi là “thời đại Victoria”.

Nữ hoàng có vóc người nhỏ bé, bà chỉ cao khoảng 1m50 vì vậy, trong hôn lễ, đầm cưới dài được thiết kế với phần cổ thấp, có dáng vẻ khá giản đơn nhưng vẫn toát lên hình ảnh quyền quý, lãng mạn. Họa sĩ William Dyce là người thiết kế tác phẩm thời trang này với những mong muốn đặc biệt của người đứng đầu vương quốc.

Sau cuộc cách mạng công nghiệp, nhiều ngành nghề thủ công bị suy giảm do giá thành cao và năng suất thấp. Nghề dệt không nằm ngoài vòng xoáy đó, Victoria muốn đánh thức nghề thêu ren của nước Anh vì thế bà chọn loại ren cổ truyền mang tên Honiton. Những nốt ren tinh xảo và quý giá của thợ thủ công Anh sau đó được dùng để trang trí cho chiếc váy bằng lụa xứ Spitalfields.

 

Váy cưới của nữ hoàng Victoria được cho là góp phần mở ra một kỷ nguyên mới của thời trang cưới, góp phần định hình diện mạo của trang phục cô dâu hiện đại bởi chính màu trắng của thiết kế này. Vào thời kỳ đó, các cô dâu thường chọn váy cưới ngoài màu trắng, trong đó màu xanh da trời được coi là phổ biến.

Màu trắng trên trang phục khi đó được coi là biểu trưng cho sự giàu sang, quyền lực. Bởi chỉ ở một địa vị và gia sản nhất định người ta mới có thể phủ lên mình vải vóc sáng trưng, không cần lo đến hạn kì sử dụng ngắn hơn so với các màu khác.

Nữ hoàng Victoria và hoàng tử Albert trong ngày cưới năm 1840. (Ảnh: Elcomercio.pe)

Thay vì đội vương miện, nữ hoàng Victoria mang một vòng hoa nhỏ trên đầu trong ngày trọng đại. Điều này là hoàn toàn phá cách trong bối cảnh thời kỳ đó, nhất là khi Victoria đã lên ngôi nữ hoàng trước đám cưới một thời gian dài.

Công nương xứ Windsor năm 1937

Váy cưới của công nương xứ Windsor (Wallis Simpson) đánh dấu một sự đột phá trong thời trang cưới hoàng gia và tạo nên một nhận thức mới, xu hướng mới cho cô dâu hiện đại. Chiếc váy màu xanh nhạt với thiết kế ôm dáng, không tùng xòe hay đuôi váy lộng lẫy. Phần nhún chân ngực với hàng nút chính giữa và tay áo dài tạo nên một hình tượng cô dâu hoàng gia thanh lịch, trang nhã và hiện đại.

Chiếc váy được thiết kế bởi Main Bocher, một nam nhà thiết kế couture ở New York. Bà Wallis là khách hàng thân thuộc của Main Bocher và đã tin tưởng giao phó hình ảnh công nương của mình.

Đầm cưới giản dị của cô dâu Wallis Simpson còn được đánh giá cao bởi nó phù hợp với hoàn cảnh kết hôn và một lễ cưới bị vấp phải phán đối gay gắt từ hoàng tộc Anh. Wallis Simpson đã có hai đời chồng khi gặp vua Edward VIII, người đem lòng yêu bà say đắm. Hôn nhân của nhà vua không được hoàng gia đồng thuận và dân chúng Anh cũng không ủng hộ. Edward VIII quyết định thoái vị, nhường ngai vàng cho em trai trở thành công tước xứ Windsor, đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Đám cưới của công nương và công tước xứ Windsor sau đó diễn ra tại Pháp. Hôn lễ ít màu sắc hoàng gia của cặp đôi vẫn nhận được sự ngưỡng mộ của hậu thế không chỉ vì tình yêu đẹp mà còn vì cả gu thời trang tinh tế của cô dâu. Một kiểu đầm cưới mang tên Wallis Simpson đã được định danh từ đây. Kiểu đầm này sau đó được sao chép hàng loạt ở Mỹ với các phiên bản có giá bình dân cho tới cao ngất ngưởng.

“Waillis blue”, váy cưới của nữ công tước xứ Windsor được cho là mẫu váy cưới bị sao chép, học hỏi nhiều nhất vào thời kỳ đó. (Ảnh: neitshade5)

Nữ hoàng Elizabeth II năm 1947

Lễ cưới ngày 20/11/1947 tại Tu viện Westminster của công chúa Elizabeth và hoàng tử Philip là một trong những đám cưới được tổ chức long trọng nhất của hoàng gia Anh với hai ngàn khách mời và truyền trực tiếp trên radio tới hàng trăm triệu người trên thế giới. Có lẽ hoàng gia Anh muốn xua tan đi bầu không khí ảm đạm sau Chiến tranh thế giới II, cuộc chiến đã khiến Anh cũng như châu Âu hoang tàn, đổ nát.

Norman Hartnell là nhà thiết kế đảm nhận chiếc váy cho nữ hoàng tương lai khi đó. Theo truyền thống, ren vẫn được dùng để trang trí cho tuyệt phẩm. Chất liệu satin hảo hạng của Anh dùng để thể hiện dáng dấp chủ đạo.

Váy cưới của nữ hoàng Elizabeth không có kiểu dáng phá cách và giữ trọn những nguyên tắc của hoàng gia như tay dài, không hở vai, độ sâu cổ áo vừa phải. Thân và đuôi váy được trang trí bằng những bông hoa thêu nổi lấp lánh. 10 000 viên ngọc trai được đính kết thủ công tạo nên một hình ảnh quyền quý, lộng lẫy cho cô dâu.

Cô dâu Elizabeth đã đeo vòng cổ ngọc trai, đội vương miện kim cương mà nữ hoàng Elizabeth I truyền lại.

Khi kết hôn với hoàng tử Philip, công chúa Elizabeth chưa lên ngôi nhưng bà đã sẵn sàng để kế thừa ngai vàng. (Ảnh: Pinterest)

Công nương Diana năm 1981

Váy cưới của công nương Diana được làm từ lụa taffeta màu trắng ngà với phần tay bồng ấn tượng và đuôi váy dài tới 8 mét. Được thiết kế bởi cặp đôi NTK David và Elizabeth Emanuel, họ phải đảm bảo chiếc váy đáp ứng được bốn điều nhỏ theo phong tục là: một chút gì cũ, một chút đi mượn, một chút mới và cái gì đó màu xanh.

Theo đó thì một mảnh ren đặc biệt được lấy từ trang phục của nữ hoàng Mary đã được dùng trang trí cho váy, vương miện là đồ đi mượn, những thước lụa màu ngà là đồ mới và một chiếc nơ xanh nhỏ được giấu trên cạp eo của váy.

Cũng như váy của nữ hoàng Elizabeth trong hôn lễ năm 1947, váy cưới của Diana cũng có 10 000 viên ngọc trai trang trí. Phần voan chùm đầu còn dài hơn đuôi váy 8 mét, được may từ hơn một trăm mét vải tulle. Nhà thiết kế đã phải chỉnh sửa phần eo váy vì tân nương đã giảm cân rất nhiều trong 7 tháng trước đám cưới.

Trong hôn lễ, Diana mang một đôi giày đế bệt màu trắng được đính 524 hạt kim tuyến cùng 132 viên ngọc trai. Phần chính diện của đôi giày được tô điểm bởi một hình trái tim có viền ren. Thậm chí phần đế giày, các hoa văn đã được vẽ tay đầy công phu.

Giày cưới của công nương Diana.

Chiếc váy của Diana năm 1981 đã nhận được sự ngưỡng mộ lớn bởi hôn lễ được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người trên thế giới. Khi cô dâu ngồi trong cỗ xe ngựa để đến nhà thờ làm lễ cưới thì những nếp gập vì đó đã xuất hiện trên váy. Chất liệu taffeta quả thực rất dễ nhàu.

Công nương Diana cùng nữ hoàng Elizabeth và các phù dâu nhí. (Ảnh: Getty)

Công nương Kate năm 2011

Đám cưới của Kate và hoàng tử William được coi là đám cưới xa hoa bậc nhất trong lịch sử hoàng gia Anh và ước tính khoảng 2 tỉ người theo dõi sự kiện này. Chiếc váy cô dâu Kate mặc khi tiến vào lễ đường của Tu viện Westminster đã được chuẩn bị bởi NTK Sarah Burton từ nhà mốt Alexander McQueen. Và chính cô dâu cũng đồng hành trong quá trình thiết kế bộ váy này.

Váy cưới của công nương Kate tuy có độ dài khiêm tốn hơn rất nhiều so với nữ hoàng và công nương Diana nhưng đây là một tuyệt phẩm và bất cứ cô gái hiện đại nào cũng ngưỡng mộ.

Thiết kế của Sarah Burton thể hiện được nét đẹp cổ điển, kế thừa các nguyên tắc hoàng gia nhưng không quên tinh thần hiện đại. Phần thân và ngực váy ôm sát kiểu cooc-xê gợi cảm được khéo léo tô điểm bằng lớp ren từ cổ xuống tay, tạo nên cổ chữ V duyên dáng.

Cặp đôi hoàng gia Anh năm 2011. (Ảnh: marthastewartweddings)

Lụa satin giữ cho dáng váy sóng mềm, ren được đáp tinh tế từ thân dưới xuống chân váy. Kĩ thuật thêu ren cổ xưa của Ireland được áp dụng với ý nghĩa gắn kết các giá trị chung của Liên hiệp Anh. Điểm hiện đại và cởi mở của mẫu váy này nằm ở phần ren mỏng nhẹ tuyệt vời ở thân trên. Mặc dù nguyên tắc váy cưới hoàng gia không cho phép cô dâu hở vai nhưng tình tiết khéo léo này đã chinh phục tất cả.

váy cưới của hoàng gia Anh

Phần đuôi váy bầu tròn với những hoa ren nổi vô cùng tinh tế. (Ảnh: hearstapps)

váy cưới của hoàng gia Anh

Váy cưới của công nương Kate sớm trở thành thiết kế cưới được yêu thích nhất thế giới. Và ngày 19/5 tới, công nương Meghan có thể làm được điều tương tự? (Ảnh: Pinterest)

Xem thêm:

Những quy tắc về váy cưới mà cô dâu hoàng gia Meghan Markle phải tuân thủ

Khả năng xoay chuyển ngành thời trang của Công nương tương lai Meghan Markle

Nhóm thực hiện

Bài: THÙY TRANG

Thiết kế: NGUYỄN QUÂN

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more