NTK Hussein Chalayan và những tác phẩm thời trang vượt ngoài trí tưởng tượng thông thường
NTK Hussein Chalayan được xem là “phù thủy” trên sàn catwalk khi sáng tạo thời trang từ những điều tưởng chừng như không thể.
NTK Hussein Chalayan bắt đầu đến với thời trang qua bộ sưu tập quần áo bị phân hủy sau năm 1993. Kể từ đó, cựu sinh viên Central Saint Martins gắn liền với hình ảnh của những thiết kế vị lai, độc đáo và vượt ngoài trí tưởng tượng thông thường về thời trang. Anh từng nói: “Chỉ có công nghệ mới có thể tạo ra những điều mới mẻ trong thời trang. Mọi thứ khác đều đã được mọi người thực hiện”.
NTK Hussein Chalayan khởi nghiệp với bộ sưu tập được lấy ra từ… lòng đất (1993)
Bộ sưu tập tốt nghiệp của Chalayan, The Tangent Flows, là bước đệm hoàn hảo cho cuộc hành trình kể chuyện của anh. Chuyển trọng tâm vào quá trình thay vì kết quả cuối cùng, Chalayan đã trình bày một loạt các sản phẩm tơ tằm bị oxy hóa mà anh đã chôn trong khu vườn sau của bạn mình trong vài tháng trước khi ra mắt.
Mặc dù chưa sử dụng công nghệ độc đáo vào thời điểm này nhưng phương pháp xử lý dệt may sáng tạo của Chalayan đã đưa giúp anh trở thành một trí thức trẻ của ngành công nghiệp. Độ nổi tiếng của Chalayan lan rộng đến mức Browns, trung tâm thời trang danh tiếng ở London, đã mua lại toàn bộ bộ sưu tập.
Câu chuyện văn hóa đằng sau bộ sưu tập Between (1998)
Câu chuyện là những gì người ta có thể tìm thấy ở hầu hết bộ sưu tập của NTK Hussein Chalayan. Mỗi bộ sưu tập lại ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, xã hội và cả chính trị. Đối với Between ra mắt năm 1998, Chalayan kể cho giới mộ điệu câu chuyện về phụ nữ Hồi giáo và những chuẩn mực xã hội hà khắc họ phải đối mặt.
Chalayan là người nhập cư người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi đến London, anh đã sống trong một quốc gia bị bao vây bởi các hoạt động sắc tộc và tôn giáo. Cũng từ đó, Chalayan bị ảnh hưởng ít nhiều từ di sản văn hóa nơi đây và đưa nó vào các ý tưởng thời trang.
Đằng sau sự đơn giản của những chiếc áo dài và váy đan là hình ảnh những người phụ nữ khỏa thân hoàn toàn. Chalayan nói với tờ The New York Times về ý nghĩa ngầm của bộ sưu tập: “Điều này không thực sự đáng bị xúc phạm. Nó là hình ảnh minh họa cho một vấn đề cụ thể, sự mất mát của một nền văn hóa”.
Váy được làm từ vỏ bọc ghế sofa và bàn gỗ (2000)
Một tác phẩm nghệ thuật khác đúng như tên gọi “bậc thầy biến hóa” của NTK Hussein Chalayan là bộ sưu tập Thu – Đông năm 2000. Khi ấy, khán giả đã không khỏi trầm trồ và bất ngờ khi những người mẫu bước ra, mở lớp vỏ bọc ghế sofa và khoác lên mình thành những bộ váy gợi cảm nhờ kỹ thuật may cắt lớp tài tình.
Điểm nhấn của buổi diễn đến từ chiếc bàn gỗ được đặt ở góc trái sân khấu. Khi người mẫu bước vào giữa, khán giả vẫn chưa hiểu cô sẽ làm gì với nó. Nhưng cuối cùng, mọi người vô cùng ngạc nhiên và vỗ tay không ngớt khi chứng kiến cảnh cô kéo chiếc bàn lên một cách cẩn thận và mặc nó thành một chiếc váy xếp tầng độc đáo.
“Tôi lo sợ mọi thứ đã sai, nhưng rủi ro là rất đáng giá”, Chalayan nói sau buổi trình diễn. Việc hoàn vốn đã đến chỉ vài ngày sau buổi trình diễn khi anh được trao giải Nhà thiết kế của năm tại Giải thưởng Thời trang Anh trong năm thứ hai liên tiếp.
NTK Hussein Chalayan và chiếc váy “biến hình” (2007)
Chalayan đã giới thiệu 6 trong số nhiều sáng tạo của mình tại show diễn mùa Xuân năm 2007. Nhà phê bình thời trang của Vogue, Sarah Mower kể lại sự “biến hình” độc đáo này trong một bài bình luận: “Cô gái bước vào và đứng yên. Lúc đó, cô ấy mặc một bộ váy dài từ thời kỳ Victoria. Sau đó, quần áo của cô bắt đầu co giật, di chuyển và cấu hình lại theo một hình thù hoàn toàn khác”.
“Bộ váy đầu tiên mở ra, chiếc áo khoác biến mất, đường viền bắt đầu tăng lên và cuối cùng, thật đáng kinh ngạc khi cô ấy đang mặc một chiếc váy lốm đốm đính cườm. Một người được đẩy vào lịch sử thời trang từ năm 1895 đến tuổi hai mươi chỉ trong vòng một phút”.
Không chỉ tạo ra hình ảnh sinh động, mãn nhãn, NTK Hussein Chalayan còn trình bày bộ sưu tập của mình trong không gian của âm thanh từ thế kỷ 20, từ âm nhạc, nhạc kịch, tiếng động cơ phản lực đến tiếng đánh bom trên không… Không đơn giản là một buổi trình diễn thời trang, điều Chalayan mang đến còn là một câu chuyện ý nghĩa – hồi tưởng về thảm cảnh khủng bố 11/9 và cái nhìn lạc quan hơn về tương lai.
Màn thay trang phục bằng nước (2016)
Trong bộ sưu tập mùa Xuân năm 2016 Pasatiempo (tiếng Tây Ban Nha cho “pasttime”: trò tiêu khiển), NTK Hussein Chalayan đã giới thiệu một sáng tạo độc đáo “đóng đinh” trong sự nghiệp thiết kế. Đó chính là màn thay trang phục dưới vòi sen trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Khoảng giữa show diễn, hai người mẫu bất ngờ bước lên giữa sân khấu và đứng dưới vòi sen. Nước từ trên vòi chảy xuống làm tan lớp phủ bên ngoài, làm lộ ra chiếc váy được cắt may tinh xảo với những viên Swarovski lấp lánh. Đến nay, vẫn còn nhiều giả định về chất liệu làm nên lớp váy bên ngoài là từ giấy, cồn polyvinyl hay axit alginic.
Bộ sưu tập này, một lần nữa, khẳng định vị trí tiên phong của thiên tài biến hóa Chalayan, người luôn nhìn về phía trước thay vì ảo tưởng về thực tại hay níu kéo quá khứ. Cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, sân khấu và kỹ thuật, triết lý và thực tiễn, đến nay, NTK Hussein Chalayan là một trong những nhà thiết kế của thời trang tương lai.
Xem thêm:
Vải chần họa tiết giúp NTK Raf Simons được Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ vinh danh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Lifestyleasia
Hình ảnh: Tổng hợp