NTK Kenzo Takada – “Ngọn hải đăng” dẫn lối thời trang Nhật vươn ra bản đồ thế giới
Với hơn 55 năm hoạt động trong thời trang và nghệ thuật, NTK Kenzo Takada đã để lại kho di sản cùng nguồn cảm hứng khổng lồ cho những nghệ sĩ thế hệ tiếp nối.
Ngày 4/10, chỉ vài giờ sau buổi trình diễn Kenzo Xuân – Hè 2021, trái tim nhiều tín đồ thời trang bỗng hẫng đi một nhịp khi nhận tin NTK Kenzo Takada, “cha đẻ” của thương hiệu đã qua đời do biến chứng liên quan đến dịch Covid-19. Không chỉ là “ngọn hải đăng” mở đường cho thời trang Nhật Bản đến với toàn thế giới, Kenzo Takada còn là một NTK có sức ảnh hưởng trong ngành sản xuất nước hoa và thiết kế nội thất. Hành trình sự nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng ông luôn dành trọn tâm huyết, sức sáng tạo vào những thiết kế của mình.
NTK Nhật Bản hiếm hoi tại Paris
Là NTK Nhật Bản lập nghiệp tại kinh đô thời trang Paris, Kenzo Takada có một khởi đầu khá khiêm tốn. Rời quê vào 1965, ông kiếm sống bằng cách vẽ tranh, ảnh minh họa cho những NTK Pháp. Đến 1970, khi có đủ tiền thuê một cửa hàng xập xệ tại Galerie Vivienne, ông quyết định cho ra mắt BST đầu tiên của mình mang tên Jungle Jap. Bên cạnh giá trị vải may chỉ vỏn vẹn 200 đô, Kenzo cùng vài người bạn đã phải tự tay sơn sửa sân khấu và trang điểm cho những người mẫu nghiệp dư để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Với màu sắc táo bạo và họa tiết lạ mắt, những sáng tạo của Kenzo Takada để lại ấn tượng sâu sắc khi vừa ra mắt. Sức lan tỏa của BST được đông đảo khán giả công nhận và mang về trang bìa tạp chí đầu tiên cho NTK – ấn phẩm tháng 6/1970 của ELLE Pháp. Sau “cú hích” này, thương hiệu bắt đầu gặt hái được nhiều thành công hơn. Đơn hàng liên tục kéo đến nhưng Kenzo và đồng nghiệp chỉ có thể may thủ công từng chiếc áo do chưa có máy móc sản xuất hỗ trợ.
Sàn diễn Kenzo 1972 tuy kỳ vọng khoảng 800 khách tham dự nhưng lại thu hút đến hơn 3.000 người. Năm 1973, NTK Kenzo Takada trở thành một trong những thành viên gạo cội của Liên đoàn Thời trang Pháp. Đến 10/1974, khách hàng đã phải chen lấn để giành lấy cơ hội tham dự những buổi ra mắt BST của Kenzo.
Phong cách lãng mạn cùng cách kết hợp màu sắc, họa tiết và kỹ thuật thêu truyền thống của Kenzo đã chiếm được tình cảm của nhiều tín đồ trong thập niên 70 sôi động. Tạp chí Vogue nhận xét: “Chỉ trong vài mùa mốt, không gian buổi diễn của Kenzo được lấp đầy bởi giới truyền thông, khách hàng và người hâm mộ. Tất cả đều hào hứng trông chờ đến những thiết kế mới, những người mẫu tràn đầy năng lượng đang nhảy múa trên sàn diễn”. Nhờ sự thành công của Kenzo, những NTK Nhật Bản như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo… có thể dễ dàng bước chân vào ngành thời trang nước Pháp nói riêng cũng như châu Âu nói chung.
Tình yêu bất tận với nước hoa
Trong khi NTK Kenzo Tadaka vốn rất yêu thích nước hoa và đã tự làm nên một sản phẩm “thí nghiệm” vào 1978 mang tên King Kong, phải mất 10 năm sau ông mới ra mắt dòng nước hoa của thương hiệu, bắt đầu với Kenzo by Kenzo. Bên cạnh thiết kế chai nước hoa như những hòn đá cuội, Kenzo by Kenzo sở hữu nốt hương của vani, hoa nhài và trái cây nhiệt đới. Tuy không còn được sản xuất nhưng phiên bản vintage của sản phẩm này vẫn được rất nhiều tín đồ săn đón và đánh giá cao.
Sau khi tập đoàn LVMH mua lại thương hiệu Kenzo vào 1993, NTK cũng chia tay “đứa con tinh thần” vào 1999 để tập trung vào những loại hình nghệ thuật khác. Tuy vậy, tình yêu của ông đối với nước hoa dường như vẫn nguyên vẹn. Năm 2016, sản phẩm nước hoa Avon Life do ông hợp tác cùng thương hiệu Avon đã phá kỷ lục kinh doanh của tập đoàn, trở thành nước hoa bán chạy nhất trong quý đầu tiên sau khi ra mắt. Hai năm sau, Avon Life Color tiếp tục nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều người hâm mộ.
Kenzo takana – Từ thời trang đến nội thất
Kenzo Takada là một NTK có tầm ảnh hưởng rộng lớn, luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong bất kỳ ngành nghệ thuật nào ông quyết định bước chân vào. Sau thành công trong ngành thời trang, ông dồn mọi tâm huyết vào thiết kế và trang trí nội thất. Ông thành lập thương hiệu Gokan Kobo (五感工房 – Xưởng của 5 giác quan) vào 2002, nhiều lần hợp tác với thương hiệu nội thất Pháp cao cấp Roche Boibos. Trong những thiết kế gối, ghế sofa và gốm sứ, ông vẫn sử dụng vải, họa tiết, màu sắc mang đậm nét Á Đông, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật với tính ứng dụng. Đầu 2020, khi đã bước sang tuổi 81, ông vẫn say đắm với ngành thiết kế nội thất khi ra mắt thương hiệu lifestyle K3.
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào trên, NTK Kenzo Tadaka còn thiết kế trang phục cho vở nhạc kịch Madama Butterfly, thiết kế đồng phục cho đội tuyển Olympic Nhật Bản vào 2004, viết kịch bản và đạo diễn bộ phim Yume, yume no ato (1981) đồng thời là họa sĩ và nhiếp ảnh gia. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, NTK đa tài này luôn giữ được nét độc đáo, phóng khoáng của riêng mình. Di sản của ông chính là cách suy nghĩ sáng tạo đột phá, kết hợp nét đẹp Nhật Bản truyền thống với phong cách Paris hiện đại, thanh lịch. Chắc hẳn đây sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sĩ thế hệ tiếp nối.
Thị trưởng thành phố Paris, bà Anne Hidalgo đã bày tỏ sự thương tiếc trên mạng xã hội Twitter trước tin NTK Kenzo Takada qua đời: “Ông ấy là một nhà thiết kế có tài năng xuất chúng, ông đã đem màu sắc và ánh sáng đến với thời trang. Hôm nay, thành phố Paris đang để tang người con trai của mình”.
Bài viết: Bảo Châu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The New York Times, WWD