NTK Ngô Hoàng Kha: Chậm lại cũng là “xanh”
NTK Ngô Hoàng Kha đã có lúc ám ảnh với việc mình phải sống xanh. Để sau đó anh “ngộ” ra những khác biệt giữa suy nghĩ và thực tế, để ngừng “theo đuổi”, và thay vào đó là tự mình “chậm lại”.
Thời gian đầu khi mới tiếp cận với khái niệm “bền vững”, NTK Nguyễn Hoàng Kha thường có khái độ khắt khe với bản thân lẫn những người xung quanh về những “tiêu chuẩn” để đạt được sự bền vững. Nhưng sau đó, thực tế đã mang lại cảm giác hụt hẫng, thậm chí dẫn đến sự căng thẳng, đôi lúc là cảm giác tội lỗi khiến Kha không dám làm việc, mua sắm hay sử dụng món đồ nào vì luôn nhìn thấy sự phát thải của mình trong những hành vi đó. Bởi thực tế là không có vật liệu nào là thân thiện với môi trường tuyệt đối, cũng không có chuỗi hành vi nào là không dẫn đến phát thải.
THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM…
Do đó Kha đã thay đổi quan điểm của mình, ngừng lại việc “theo đuổi”, mà thay vào đó là tự mình “chậm lại”, điều chỉnh hành vi và giải quyết những vấn đề đang hiện hữu từng chút một. Cũng giống như việc dọn dẹp một căn phòng bề bộn, được chừng nào thì tốt chừng nấy. Cắt giảm từng chiếc túi nylon khi đi mua hàng, hay thu nhặt lại từng mảnh vải cũ để đem đến studio sử dụng vào các mảnh chất liệu tái chế. Ngay cả trong suy nghĩ, Kha cũng hay luyện tập nghĩ về những lựa chọn vật liệu thay thế thân thiện với môi trường hơn mỗi khi xem hoặc dùng một sản phẩm nào đó…
Hơn nữa, Kha cũng sẽ lắng nghe cơ thể mình, xem mình đang thật sự cần gì để từ đó tiêu thụ có cân nhắc và vừa đủ với nhu cầu, tránh lãng phí cho kinh tế bản thân lẫn phát thải thêm vào môi trường.
TỦ ĐỒ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Đại dịch vừa qua (và có thể còn thêm nữa trong tương lai), cùng vấn đề biến đổi khí hậu đã khiến tầm quan trọng của “sự chăm sóc”-“care” trở nên sắc bén hơn bao giờ hết. Chăm sóc sức khỏe cá nhân, self-care, quan tâm và sửa sang những vật phẩm và đồ dùng quanh ta, gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống hoặc những gì mang tính di sản… tất cả đều trở thành mega-trend cho những thập kỷ tới.
Thời trang hay cả tủ đồ của mỗi người cũng sẽ đi theo xu hướng đó. Tôn vinh những món đồ linh hoạt, đa công năng – công dụng, nhiều cách mặc, hàm chứa những giá trị văn hóa – dân tộc, hoặc kỹ nghệ thủ công được làm mới và hiện đại hơn.
Những chất liệu và thiết kế cần có khả năng chữa lành (về cả y học như vải kháng vi khuẩn, chống tia UV… hay về tinh thần, đem lại giấc ngủ ngon, như hạt gai dầu…); hoặc đánh thức được cảm giác ấm áp, dễ chịu, thân thuộc như “ở nhà”, homewear, leisurewear…
Kha vẫn thích những chiếc quần, chiếc áo, dailywear – dễ phối cho các hoạt động ngày thường, nhưng cấu trúc đặc biệt, vừa phục vụ cho phần nhìn, vừa có thể linh hoạt mặc được nhiều kiểu cách. Các món đồ được may bằng những chất liệu thiên nhiên hoặc nguồn gốc thiên nhiên, thoáng mát mà bền chắc như linen, đũi, tencel, viscose, organic cotton… có thể pha chút phần trăm spandex để co dãn và giảm độ nhăn.
Kha có một chiếc quần wrapping vải linen của thương hiệu Kilomet109 hội đủ những yếu tố như vậy, là món đồ yêu thích nhất trong tủ quần áo của Kha.
Được truyền cảm hứng
Mâu thuẫn giữa người thiết kế – kinh doanh thời trang với lối sống bền vững?
Kha không nghĩ đó là sự mâu thuẫn. Về phía NTK hoặc chủ thương hiệu, có nhiều cách và direction khác nhau để thực hành thời trang bền vững. Sản xuất những sản phẩm theo mô hình slow-fashion là một ví dụ, nhưng vẫn có thể tính toán để đem đến cho khách hàng những dịch vụ khác được cá nhân & riêng tư hóa, mang tính độc quyền, trải nghiệm đặc biệt để tạo ra và giữ chân những khách hàng trung thành cũng như tối ưu nguồn thu, như: “mặc” & sở hữu trang phục ảo trong metaverse, tư vấn về hình ảnh và phong cách cá nhân, cho thuê trang phục, hay kết hợp với chăm sóc sức khỏe & trị liệu…
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, về phía khách hàng, không phải chỉ đơn thuần là mua sắm ít lại, mà chính là mua sắm một cách thông thái, sâu sắc hơn. Những món trang phục họ chọn sẽ mang những phong cách hay hình thức cơ bản, trung tính (neutral) để linh hoạt và dễ mặc mọi hoàn cảnh, hoặc timeless và heritage để vượt qua những thử thách về vòng xoay của mốt. Chất liệu lại bền bỉ trường tồn, tất cả điều đó khiến cho vòng đời của món trang phục được kéo dài tối đa, hoặc khiến cho giá trị (cả vật chất lẫn tinh thần, văn hóa) của nó tăng lên. Từ đó chạm đến ý thức của khách hàng trong cũng như sau khi mặc món đồ, “chăm sóc”, “nâng niu”, “gìn giữ” trở thành từ khóa. Thay vì những món đồ giá rẻ sản xuất hàng loạt được mua và thay thế nhiều lần, tủ quần áo của họ sẽ là những món đồ giá trị cao, được mua bằng sự cân nhắc.
Bài: Thuỳ Trang
Ảnh: Tổng hợp