Tôi học Đại học Bách khoa ngành Công nghệ dệt may theo nguyện vọng của bố mẹ. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, một nghề khác đã cuốn hút tôi, cái nghề mà người ta nói viết một câu slogan đáng giá 30 triệu – nghề copywriter. Tôi làm việc nhiều năm trong ngành này nhưng vẫn biết đó không phải là đích đến của mình trong công việc, vì tôi thích cắt may quần áo từ bé. Tôi may váy từ màn cửa, cắt áo dài của mẹ chỉ để thỏa mãn một thiết kế trong đầu mình. Lúc đó trong nhà cái gì nhìn cũng nham nhở cả và tôi thường xuyên bị đòn.
Tôi cũng từng có ý định mở tiệm may, đi học cắt may lúc tốt nghiệp lớp 12, nhưng đã bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Sau đó tôi gặp bạn trai của mình và chia sẻ ước mơ thời trang. Anh ấy muốn quay trở lại Pháp và rủ tôi đi cùng để học thời trang. Bỏ lại tất cả lúc 28 tuổi, tôi một lần nữa bị gia đình phản đối.
Theo học trường thời trang Esmod Paris, tôi vừa học vừa làm cho một nghệ sĩ độc lập và photographer Oscar Y Astiz, người đã “giải phẫu” não cho tôi về nghệ thuật, thời trang và sáng tạo. Lúc ấy tôi còn không biết Coco Chanel là ai. Ở trường tôi được sự hướng dẫn và ủng hộ của thầy Kanae Taniwaki, là designer thành công cùng thời với Yohji Yamamoto. Thầy Kanae truyền cho tôi cảm hứng và hiểu được giỏi kỹ thuật sẽ phá vỡ được giới hạn cho sáng tạo.
Thật may mắn khi gặp được hai người thầy như họ!
BÀI LIÊN QUAN
Thế nào là Haute Couture tiêu chuẩn?
Sau khi tốt nghiệp, tôi làm thiết kế tự do cho một langeries brand, tham gia một vài cuộc thi thời trang, sau một năm mới làm nhãn hiệu riêng, lấy tên là Defined Moment. Mỗi năm tôi tham gia trình diễn tại Haute Couture Paris Fashion Week off official calendar. Vì để được là thành viên chính thức, ngoài các quy định về chất lượng, độ sáng tạo, kỹ thuật, nhà mode phải có văn phòng ở Paris, có ít nhất là 20-30 nhân viên full time, có boutique, showroom, volume sale… Mỗi năm cần trình diễn ít nhất hai BST, mỗi bộ khoảng 40 mẫu, ngoài ra còn tiêu chuẩn về người mẫu..
Defined Moment được hai năm, tôi có thêm dòng thời trang cưới là White Moment. Đây là dòng áo cưới cao cấp
bởi quá trình thiết kế và tạo phom được tuân thủ nghiêm ngặt quy định về haute couture, tập trung vào các kỹ thuật hoàn thiện như không vắt sổ, không độn bằng khung gọng cứng ngắc, vải được sử dụng từ trong ra ngoài đến các lớp lót là 100% tự nhiên. Vải lót sử dụng loại có thể giải phóng mùi mồ hôi, bề mặt vải ít nhăn, dễ phẳng. Vải được sáng tạo riêng và hoàn toàn made in Paris. Các sản phẩm hầu hết được may bằng tay. Phom dáng không dùng keo công nghiệp để dựng, vài chi tiết phải dùng keo cao cấp.
Quan điểm thời trang
Với tôi thời trang không phải là về quần áo, nó là khát vọng về cái đẹp và hiện thực hóa khát vọng đó. Đẹp là sự hài hòa giữa màu sắc, hình khối mang đến thỏa mãn cho não bộ. Sáng tạo không thể dự đoán và sắp xếp ở kết quả. Đó là quá trình mà khởi đầu là một ý tưởng, kết thúc bằng quá trình trải nghiệm, thực hành cho đến khi cái đẹp được nhìn thấy. Đó cũng là lý do mà tôi lấy tên thương hiệu là Defined Moment chứ không phải là tên riêng của mình.
Quan trọng hơn với tôi chất liệu là sống, nhưng thiết kế là chết, tuy vậy nó sẽ được sống tiếp nếu được ai đó mặc. Do đó người mặc là quan trọng! Nói cách khác, các sản phẩm của tôi sau khi được tạo ra sẽ chết lâm sàng cho đến khi tìm được người mặc nó.
BÀI LIÊN QUAN
Thời trang Ở Việt Nam
Thời trang Việt Nam đang phát triển rầm rộ với tốc độ chóng mặt. Có những cái phát triển tích cực và có những
cái chưa chín chắn. Có điều tôi cảm thấy ở Việt Nam ai cũng có thể dễ dàng thành NTK. Ngoài ra, cách hiểu về thuật ngữ Haute Couture và sử dụng nó như “free wifi” cũng dễ dãi không kém. Nhưng nhìn chung tôi nghĩ thời trang Việt rất tiềm năng và sẽ phát triển có hệ thống hơn ở tương lai. Khách hàng ở Việt Nam hay quốc tế tôi không thấy nhiều khác biệt. Họ tìm đến tôi vì sự sáng tạo, tỉ mỉ, chất lượng. Họ là những người yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật. Và chắc rằng khách hàng của tôi ở đâu thì tôi sẽ phát triển ở đó. Không nhất thiết cứ phải là Paris hay địa điểm cụ thể nào đó.
Chia sẻ với NTK Việt trẻ
Tôi nghĩ mình khai thác và hưởng lợi từ cái gì thì nên đóng góp và chung tay phát triển nó. Đó là lý do chính để tôi về Việt Nam trò chuyện chia sẻ với các bạn đồng nghiệp trẻ và đồng nghiệp tương lai.
Tôi không ủng hộ copy và sự phát triển quá rầm rộ theo kiểu hiện tượng, kiểu sản phẩm của truyền thông. Do đó tôi nghĩ chỉ cần các bạn trẻ xác định hướng đi của mình, cố gắng và nỗ lực đi trên con đường đó thì dù có đến đích được hay không bạn vẫn được trân trọng.
Thời trang nếu làm bài bản và làm đúng là một lĩnh vực khó, khó thành danh và thành công về lợi nhuận. Ngoài tài năng còn cần nhiều yếu tố khác. Đó là thực tế. Nếu chơi cờ bạn sẽ hiểu được thú vị là quá trình chơi chứ không phải lúc kết thúc bằng thắng hay thua. Nên có thể vui vẻ với công việc mình làm cũng đã là một kiểu thành công rồi. Hãy làm việc, học hỏi, tiền sẽ tự đến đúng thời điểm. Trưởng thành nhanh thì cũng sẽ mau già. Đó là vòng đời. Học hỏi là cách để chậm già. Tự nhiên là vậy.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: Bincio, Florian Saez Make up: Đinh Trần Sản xuất: Nhân Huỳnh Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE