Thật không ngoa nếu khi ví họ – những Giám đốc Sáng tạo của dòng trang sức – như những vị phù thủy của thế giới đá quý. Bằng niềm đam mê, trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo bay bổng và hiểu biết trong lĩnh vực chế tác, họ đã tạo ra những món trang sức đẹp đến không tưởng có giá trị ngất ngưởng, và những ai sở hữu đều cảm thấy tự hào.
BÀI LIÊN QUAN
Đẹp xa hoa lấp lánh là thế, nhưng chế tác trang sức lại là ngành nghề có khởi nguồn thuộc về nam giới bởi công việc này đòi hỏi người nghệ nhân ngoài am hiểu về khoáng sản còn phải tiếp xúc với nhiệt độ cao và những dụng cụ chuyên biệt cần đến thể lực. Theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của xã hội, ngành thiết kế trang sức đã có sự góp mặt nhiều hơn của những người phụ nữ. Đó là Elsa Schiaparelli, Suzanne Belperron hay Margaret De Patta. Đáng chú ý hơn cả là Tiffany & Co. với hầu hết các NTK là nữ giới, trong đó nổi bật có Elsa Peretti với những món trang sức mang hình dáng nghệ thuật đương đại và cơn sốt trang sức bạc; hay Paloma Picasso nổi tiếng với trang sức lấy cảm hứng từ graffiti.
Ở bối cảnh hiện đại, nhiều thương hiệu thời trang đã bắt đầu tham gia thị trường trang sức cao cấp mà ở đó, đảm
nhiệm vị trí lãnh đạo sáng tạo là những NTK tài ba bất kể nam hay nữ.
BÀI LIÊN QUAN
FRANCESCA AMFITHEATROF
Từng đảm nhiệm vị trí giám đốc thiết kế nữ của Tiffany & Co. cũng như tại Chanel và Fendi cùng bề dày học vấn
sâu rộng trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật, Francesca đã trở thành gương mặt sáng giá mà LVMH lựa chọn cho
vị trí Giám đốc nghệ thuật mảng đồng hồ và trang sức của Louis Vuitton vào năm 2018.
Cũng như những thương hiệu thời trang khác, trang sức là vùng đất mới giàu tiềm năng với Louis Vuitton và sứ
mệnh của Francesca là tiếp tục thành công đó và tạo ra những thiết kế mang trọn vẹn tinh thần của thương hiệu.
Đây là một mối lương duyên hoàn hảo bởi dường như tính cách người phụ nữ Louis Vuitton mới và Francesca có nhiều điểm tương đồng. Đó là hình tượng phụ nữ thành thị hiện đại, độc lập, táo bạo và nổi bật nhưng không hề khoa trương, thể hiện rõ nét qua cách BST kinh điển B Blossom được tăng kích thước lớn hơn hay những đường nét tinh giản góc cạnh trên BST LV Volt.
Ngay cả với dòng trang sức high jewelry cao cấp nhất, Francesca cũng lồng ghép những cá tính mạnh mẽ và hiện đại vào từng đường nét chi tiết của đá cắt cho đến tổng thể. Đó là chuyến du hành ngoài vũ trụ trong BST Stellar Times hay nguồn cảm hứng từ sự quả cảm mang tính nữ quyền của Joan of Arc trong BST Riders of the Knights. Với BST Spirit vừa ra mắt năm nay, Francesca bộc lộ sự thăng hoa trong câu chuyện được kể bằng trang sức. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại và những sinh vật thần bí trong bối cảnh xuất hiện lại là thế kỷ 21, các thiết kế truyền đi thông điệp về sức mạnh, năng lượng và tinh thần lạc quan.
Nhưng dù có chu du về quá khứ hay tương lai, hiện thực hay ảo mộng thì tinh thần khát khao khám phá trong “The Art of Travel” của Louis Vuitton vẫn ngự trị trong những sáng tạo của Francesca. Có lẽ bởi chính bản thân cô cũng là một công dân toàn cầu với ba dòng máu Mỹ, Ý, Nga với nơi sinh Nhật Bản và làm việc tại châu Âu, châu Mỹ đã phần nào tạo nên bản tính mạnh mẽ, luôn tò mò và chấp nhận mọi thử thách trong cô. Hợp nhau đến như vậy, nếu không phải Francesca Amfitheatrof tại Louis Vuitton thì còn ai?
BÀI LIÊN QUAN
VICTOIRE DE CASTELLANE
Khoảng thời gian Victoire de Castellane làm việc tại một trong những nhà mốt lớn nhất thế giới là con số mà rất nhiều NTK ao ước nhưng hiếm ai đạt được. Nếu ví Dior là viên ngọc sáng nhất trên vương miện LVMH thì người làm ra châu báu ở đó chính là bảo vật quý giá của thương hiệu. Hơn 20 năm nắm giữ vai trò phụ trách mảng trang sức cao cấp của Dior, Victoire de Castellane đã chắp cánh thêm cho sự vững mạnh của thương hiệu “con cưng” của ông trùm Bernard Arnault.
Đến với Dior từ năm 1999, Victoire là người đặt nền móng cho dòng trang sức cao cấp của nhà mốt Haute Couture. Giữa những cái tên khổng lồ lâu đời khác của thế giới trang sức Paris, cô đã từng bước đưa được vị thế của Dior Haute Joaillerie vào sân chơi ít người nhưng cũng không dễ để kết nạp thêm. Phong cách thiết kế của Victoire kết hợp giữa thế giới thực và ảo, đưa những yếu tố đẹp mỹ miều trong những giấc mơ ra đời thực và thổi hồn vào những chất liệu thô quý của tự nhiên để chúng trở thành những món trang sức nghệ thuật sinh động.
Trở thành một nhà chế tác trang sức có lẽ là định mệnh của Victoire ngay từ khi sinh ra. Gia đình có quan hệ mật thiết với giới quý tộc, doanh nhân và thời trang, cô đã được làm quen và sống trong thế giới của những vật phẩm lấp lánh và giá trị từ thuở bé. Được gửi gắm vào studio thiết kế của Chanel và được dẫn dắt trực tiếp bởi Karl Lagerfeld từ tuổi 14, Victoire từng bước trở thành người phụ trách mảng trang sức thời trang của nhà mốt trong 14 năm trước khi đến với Dior. Dẫu có nhiều sự hậu thuẫn, song tên tuổi của Victoire được khẳng định bởi chính tài năng của cô khi ngành chế tác trang sức và đồng hồ vốn là lãnh thổ của nam nhân, và để tồn tại trong thế giới này điều cần thiết nhất vẫn là thực lực.
Tình yêu của Victoire với đá quý và trang sức dào dạt như trí tưởng tượng bay bổng của mình. Đó là cách cô ấy nhìn thấy cầu vồng lẫn mặt nước đại dương xanh thẳm lấp lánh ánh mặt trời khi nhìn ngắm từ trên cao trong loại đá opal Peruvian Blue yêu thích nhất. Hay cách cô vẫn trung thành và tin vào vẻ đẹp khác biệt được làm từ những kỹ nghệ chế tác thủ công truyền thống, thay vì áp dụng những công nghệ tân tiến đang phổ biến.
Hai thập kỷ đã trôi qua và sự nghiệp của Victoire de Castellane trong thế giới nữ trang đã bước vào một thập kỷ mới. Tương lai là điều không thể đoán trước, nhưng với một người luôn muốn thay đổi và làm mới như Victoire, chúng ta có thể kỳ vọng được chiêm ngưỡng những siêu phẩm đầy bất ngờ của cô ấy trong các năm tới.
BÀI LIÊN QUAN
PATRICE LEGUÉREAU
Là “khai quốc công thần” của dòng trang sức cao cấp của Chanel, Patrice Leguéreau được xem là nhân tố quan trọng không kém cạnh Karl Lagerfeld tại nhà mốt này. Không dễ dàng gì để một thương hiệu thời trang “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực mới vốn cực kỳ khắt khe, nhưng dường như Chanel đã có một quyết định đúng đắn khi chọn Patrice làm người mở đường.
Với nền tảng sâu rộng về nghệ thuật nói chung và lĩnh vực chế tác trang sức nói riêng, cùng nhiều năm kinh nghiệm
tại các nhà mốt trang sức nổi tiếng như Cartier và Van Cleef & Arpels, tên tuổi của Patrice Leguéreau vốn đã được
khẳng định từ lâu. Tại Chanel, đó là cơ hội và cũng là thử thách bởi ông được tự do trên cuộc phiêu lưu của mình và bắt đầu những khái niệm trang sức cao cấp đầu tiên cho nhà mốt.
Patrice tìm thấy nguồn cảm hứng từ người sáng lập, Gabrielle Chanel, từ cung hoàng đạo của bà, nước hoa, sở thích về ngọc trai hay hoa trà, mô-típ may chần hay vải tweed, cho đến địa danh “duyên nợ” như nước Nga. Về định hướng trang sức, ông hướng đến sự trẻ trung và tinh tế. Patrice nhận thấy người mặc đồ Chanel ngày càng trẻ và năng động, thích đi lại nhiều nơi. Vì vậy, trang sức họ đeo cũng cần phải thật dễ phối hợp với nhiều kiểu trang phục và ở bất cứ đâu.
Với góc nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ, Patrice đã biến trang sức trở thành một tác phẩm nghệ thuật như tranh hoặc phù điêu. Sắc sảo, tinh tế và thật lấp lánh, những món trang sức của Patrice như một vật phẩm xa xỉ giúp chủ nhân của chúng tỏa sáng hơn mà không giành lấy ánh hào quang ấy.
Khi được hỏi về những gì ông muốn người ta nhớ về ông ở Chanel, Patrice nhắc lại rằng Gabrielle chỉ có một BST trang sức cao cấp duy nhất trong sự nghiệp của bà và nó được làm ra cho phụ nữ. Theo đúng tinh thần trang sức cao cấp nhưng vẫn phải ứng dụng cho phái đẹp, ông muốn người ta nhớ đến ông như một kẻ hậu bối kế thừa và tiếp tục những gì người sáng lập đã từng bắt đầu và làm điều đó một cách thấu hiểu trọn vẹn.
BÀI LIÊN QUAN
PIERRE HARDY
Trong thế giới trang sức, có thể ví NTK đa tài Pierre Hardy như một chú tắc kè hoa. Đam mê nghệ thuật, thiết kế và
khiêu vũ, nhưng Pierre lại bắt đầu bằng nghề vẽ minh họa thời trang. Công việc thiết kế giày đến với ông sau khi làm việc tại Christian Dior và tiếp sau đó là phụ trách cả dòng giày dép cho nam và nữ tại Hermès trước khi ra mắt thương hiệu riêng. Cú twist sự nghiệp làm nên bước ngoặt xảy ra vào năm 2001 khi ông được tiến cử vào vị trí Giám đốc sáng tạo dòng trang sức của Hermès.
Mặc dù không có nền tảng vững chắc về chế tác kim hoàn như những đồng nghiệp khác, Pierre Hardy vẫn làm nên thành công cho dòng trang sức cao cấp của thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất Paris bằng phong cách và gu thẩm mỹ độc đáo, hiện đại của mình. Với niềm đam mê điện ảnh, kiến trúc, đồ họa, xe hơi và chuyển động, ông đã thổi vào những món trang sức của Hermès một tinh thần thanh lịch, sang trọng và tinh tế.
Với Pierre, trang sức có mối quan hệ mật thiết với con người bởi chúng ta tiếp xúc với chúng trực tiếp và gần hơn cả quần áo. Vì vậy, mỗi sáng tạo của ông đều là sự tính toán và lựa chọn kỹ lưỡng về chất liệu cũng như màu sắc để sao cho tác phẩm cuối cùng có thể hòa quyện hoặc tôn lên tông da của người đeo. Đam mê về giải phẫu học và chuyển động của cơ thể cũng thôi thúc ông tạo ra những món trang sức một cách thấu đáo sao cho người đeo cảm thấy luôn thoải mái và cử động thật tự nhiên. Ví dụ như trang sức đeo tay được ông ví như những mạch máu, hay dòng chảy của nước mềm mại di chuyển qua những kẽ tay.
Sự mềm mại uyển chuyển trong trang sức của Pierre Hardy thể hiện rõ nhất trong BST The Lignes Sensibles, đặc biệt là chiếc vòng cổ Contre la Peau. Được ông ví như làn da thứ hai, chiếc vòng cổ được tạo thành từ nhiều mấu nối bằng vàng mà mỗi giao điểm là một viên kim cương lấp lánh, ôm vừa vặn theo phom cổ của người đeo.
Không chỉ giày dép, trang sức mà Pierre còn thiết kế cho cả dòng mỹ phẩm của Hermès ra mắt vào năm 2020, cho thấy một nguồn cảm hứng dồi dào và năng lượng không ngừng nghỉ của ông với thời trang. Đó cũng chính là tinh thần làm nên sự khác biệt của dòng trang sức cao cấp Hermès giữa những nhà mốt trang sức lâu đời cũng như những “tay chơi” gia nhập cùng thời điểm.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE