NTK Việt đang tiếp cận thời trang bền vững như thế nào?
NTK Việt đã và đang bắt nhịp với xu hướng thời trang bền vững thế giới bằng những sự thay đổi, điều chỉnh trong việc tìm kiếm nguyên liệu, quá trình sản xuất, thiết kế.
Sự phát triển bùng nổ của “thời trang nhanh” làm thay đổi thói quen tiêu dùng của số đông, gây ra nhiều hậu quả đối với môi trường như lượng hàng tồn kho bị tiêu hủy không đúng cách, quần áo bị lãng phí ngày càng nhiều hay quy trình sản xuất sử dụng hóa chất có hại… Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, các NTK Việt đã có những bước đi thiết thực nhất để ủng hộ phong trào thời trang bền vững đang được hưởng ứng trên toàn cầu.
NTK Vũ Thảo – Tiên phong trong việc tự sản xuất nguyên liệu thô đến thành phẩm
Tiếp cận thời trang bền vững ngay từ những ngày đầu ra mắt thương hiệu thời trang Kilomet109, NTK Vũ Thảo là NTK Việt đầu tiên tự trồng nguyên liệu thô, dệt, trang trí (vẽ sáp ong, thêu thùa), nhuộm tự nhiên, thiết kế, dựng mẫu, sản xuất và ra mắt bộ sưu tập (bao gồm triển lãm, trình diễn, hội thảo, nói chuyện). Quá trình sản xuất của Kilomet109 còn gắn kết mật thiết với một loạt các nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một ở Việt Nam như dệt lụa, dệt bông, dệt lanh, nhuộm chàm, nhuộm mặc nưa, mài đá, thêu thùa…
Các thiết kế của Kilomet109 làm thay đổi cách nhìn về thời trang bền vững. Nó không phải một trường phái trừu tượng hay những thiết kế xa rời thực tế. Thời trang bền vững có thể đi vào cuộc sống một cách dễ dàng nhờ những thiết kế mang tính ứng dụng.
Chia sẻ về giải pháp phát triển thời trang “xanh” ở Việt Nam, NTK Vũ Thảo cho biết: “Để thay đổi được những hạn chế này tôi nghĩ trước hết ngành giáo dục phải đi đầu. Các trường học cả trong nước và quốc tế nên có môn dân tộc học trong đó sinh viên, nghiên cứu sinh có thể tiếp cận những kiến thức về trang phục, chất liệu truyền thống của Việt Nam ở nhiều góc độ lịch sử, văn hoá, chính trị….Để sau này họ không thấy lạ lẫm với chính văn hoá của họ và có một nền tảng vững vàng để bước tiếp. Bên cạnh đó giới truyền thông cũng đồng thời nên có những điều chỉnh khi nhìn nhận và đánh giá truyền thống, cụ thể là các chất liệu truyền thống”.
NTK Diệu Anh – Tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới
Thời trang bền vững là một khái niệm rộng, bao gồm trong đó là cách NTK tìm về với nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, chất liệu truyền thống hay tái sử dụng trang phục, chất liệu cũ… NTK Diệu Anh lại theo đuổi hướng đi khác. Sau nhiều năm theo đuổi chất liệu quen thuộc là cotton, linen và lụa tơ tằm, NTK phát triển chất liệu mới là bamboo denim có nguồn từ tre và tencel denim có chiết xuất từ bột, thân thiện với môi trường.
“Tôi rất thích quan điểm thiết kế và quan điểm sống của NTK Nhật Bản Yohji Yamamoto, một sự đồng cảm rất lạ lùng. Ví dụ như quan điểm: “Thời trang không khiến bạn trở nên gợi cảm. Chính trải nghiệm và khả năng sáng tạo mới làm nên sức quyến rũ. Bạn phải học tập, trau dồi và sống cuộc đời của bạn. Tôi hướng mắt về những giá trị trong quá khứ và đi ngược lại với tương lai. Tôi ghét nghĩa của từ thời trang nếu chỉ nói về sự lộng lẫy, hào nhoáng và xa xỉ. Tôi không đi theo hướng đi chính của thời trang. Tôi chỉ bước bên lề của thời trang từ những ngày khởi đầu nên đôi khi tôi cảm thấy mơ hồ”.
NTK Nguyễn Hoàng Tú – Gắn bó với chất liệu thiên nhiên
Chất liệu thiên nhiên, vải vóc là nguồn cảm hứng bất tận của Nguyễn Hoàng Tú trong thời trang. Anh tìm tới nhiều vùng khắp đất nước có các nguồn nguyên liệu tự nhiên nổi tiếng như Vạn Phúc, Bảo Lộc… Với Nguyễn Hoàng Tú, làm việc cùng chất liệu nguồn gốc tự nhiên khiến anh được đắm chìm và thăng hoa hơn.
“Là một người yêu chất liệu, Tú muốn bảo vệ và sử dụng chúng một cách hợp lý. Đồng thời, Tú muốn truyền tải thông điệp đến khách hàng rằng sản phẩm thời trang như một vật có linh hồn. Nếu chúng ta yêu quý chúng, chúng sẽ giúp chúng ta tỏa sáng. Nếu không có thời trang bền vững, con người sẽ không phát triển lâu dài”, NTK Nguyễn Hoàng Tú chia sẻ quan điểm về thời trang bền vững.
Thời gian gần đây, anh cũng đang thử nghiệm việc tái sử dụng những chất liệu cũ từ BST trước để tạo ra các thiết kế mới. Kỹ thuật ghép những mảnh vải thừa được thực hiện tỉ mỉ, công phu để mang đến các thiết kế có giá trị thẩm mỹ cao.
NTK Tom Trandt – Tái chế những chất liệu cũ
Là cái tên còn khá mới trong thị trường thời trang Việt Nam nhưng Tom Trandt, chủ thương hiệu thời trang Môi Điên, được nhiều bạn trẻ thích thời trang underground biết đến nhiều hơn bởi các thiết kế độc đáo. Tom Trandt hiểu rằng bản thân cần có trách nhiệm hơn với các thiết kế và tái sử dụng chất liệu thừa trong sản xuất là cách anh thực hiện điều đó.
Vải thừa từ các BST trước được anh tổng hợp lại, sau đó lên ý tưởng, cắt ghép tỉ mỉ để tạo nên bộ trang phục mới. Hành trình thời trang của NTK Tom Trandt cũng chính là hành trình đi tìm lời giải đáp làm sao để không còn vải thừa trong sản xuất.
“Sử dụng vải tái chế tưởng chừng dễ dàng nhưng lại rất phức tạp, ngay cả khi bạn sử dụng vải thừa vẫn có thể tạo ra vải thừa khác. Mỗi sản phẩm đều có yêu cầu khác nhau. Do đó, tôi phải thực hiện từng bước một. Những vải thừa có kích thước lớn sẽ được dùng để may quần áo, túi xách. Những mảnh vải nhỏ nhất, không còn sử dụng được nữa sẽ được nhồi vào gối”, NTK Tom Trandt cho biết.
“Thay vì sản xuất một chiếc túi lớn, tôi sẽ thiết kế một chiếc túi khác nhỏ hơn vừa vặn với phần vải còn sót lại. Như vậy, chúng tôi có thể điều hòa được sự cân bằng cho sản phẩm thông thường và sản phẩm tái chế”, anh chia sẻ thêm.
NTK Võ Công Khanh – Tái chế chất liệu jean yêu thích
Trước khi tham gia ELLE Fashion Show 2017, NTK thừa nhận khái niệm “thời trang bền vững” còn khá xa lạ. Tuy nhiên, khi xu hướng thời trang bền vững trên toàn cầu “chảy” vào Việt Nam, vấn đề này mới được anh nhìn nhận một cách thực tế hơn.
“Thoạt đầu nghĩ đến thời trang bền vững tôi cảm thấy ngột ngạt. Đối với những người thiết kế đề cao thẩm mỹ phá cách, giới hạn của tính bền vững khác gì ‘án tử’ cho ý tưởng. Và ở Việt Nam, người ta còn đang lo mặc đẹp chưa xong, mà sao đã phải vội bền vững xa xôi. Đến bản thân tôi còn mới cảm nhận được tình hình như vậy thì chắc rằng đại đa số người Việt vẫn chẳng ai quan tâm về thời trang xanh.
Nhưng đây lại là trách nhiệm của chúng tôi, những người thiết kế, phần trách nhiệm mang xu hướng này giới thiệu đến khách hàng để họ cảm nhận, họ tự suy xét. Tôi sẽ làm hết sức cho một BST với ý tưởng tái chế, là phần đóng góp nhỏ bé mang xu hướng này hiện hữu ở Việt Nam”.
NTK Võ Công Khanh đặc biệt yêu chất liệu jean, song đây cũng là chất liệu không thân thiện với môi trường vì quá trình sản xuất và tẩy loại chất liệu này phải sử dụng nhiều hóa chất có hại. Để cân bằng giữa sáng tạo thời trang và bảo vệ môi trường, Võ Công Khanh chọn cách tái chế jeans là giải pháp khả thi nhất. BST Giấc mơ Lily trình diễn tại ELLE Fashion Show 2017 là thành quả của quá trình sáng tạo đó.
BST thể hiện khả năng xử lý chất liệu và kỹ thuật cắt may điêu luyện của NTK với 15 năm kinh nghiệm. Thủ pháp patchwork, ghép nối nhiều sắc độ của màu xanh jean và kỹ thuật thêu, chần vải tạo nên bề mặt chất liệu thú vị. Kết cấu bất cấu trúc trên áo sơmi, đầm thể hiện tư duy thời trang phóng khoáng, phá cách.
—
Xem thêm:
Mặc lại và tái chế quần áo cũ là hướng đi thiết thực của thời trang bền vững
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp