Cùng NTK Vũ Thảo khám phá cộng đồng thủ công Việt Nam

Đăng ngày:

Nhiều năm gắn bó cùng phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc qua các công đoạn làm nên những loại vải truyền thống, NTK Vũ Thảo tìm thấy không chỉ nguyên liệu tuyệt vời cho các thiết kế của mình mà còn là cả một cộng đồng giàu đam mê.

NTK Vũ Thảo thích gọi họ, những phụ nữ làm vải thủ công, là “nghệ nhân”. Vừa trọn vẹn, vừa tôn trọng, hai từ “nghệ nhân” thể hiện được giá trị của họ. Chị Thảo tin rằng gọi họ là “thợ” như gọt đi rất nhiều lớp giá trị vô hình khác như kinh nghiệm, tri thức dân gian… mà nhờ thực hành trong một thời gian dài họ mới tích lũy được. Với một số nghệ nhân rất lão luyện thì phải gọi là bậc thầy. Những người này giỏi việc, hiểu biết sâu và đam mê với nghề, vì thế có khả năng duy trì nghề thủ công truyền thống qua nhiều thế hệ.

thủ công nung cháy sáp ong

thủ công cây lanh vừa thu hoạch

Những nghệ nhân độc nhất vô nhị

Mỗi cộng đồng thủ công ở Việt Nam đều mang sắc thái riêng. Họ có thể sở hữu một đến nhiều kỹ thuật làm chất liệu khác nhau. Trong đó từng phương pháp thuần thủ công tự nó lại mang những đặc tính độc nhất vô nhị có liên quan mật thiết đến lịch sử sắc tộc, văn hóa, bản ngã, cá tính con người họ. Chất liệu phục trang phản ảnh nhân sinh quan, thế giới quan của người bản địa rất rõ nét và vô cùng gần gũi. NTK Vũ Thảo lấy ví dụ:

“Kỹ thuật vẽ sáp ong của đồng bào H’Mông Xanh ở Hòa Bình có những điểm khá thú vị. Các phương pháp của họ khá thô sơ, từ bộ dụng cụ như bút vẽ đồng, con dấu in không hề cầu kỳ so với kỹ thuật vẽ batik của người Ấn Độ và người Indonesia nhưng sự đơn giản pha chút ngô nghê lại tạo ra một thần thái không thể lẫn lộn. Một yếu tố khác biệt nữa là các cộng đồng thủ công dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có một quy trình sản xuất khép kín. Họ tự làm hết từ đầu đến cuối, từ canh tác đến gặt hái, sơ chế và hoàn thiện sản phẩm nên tác động tích cực của nó lên kinh tế cơ sở rất đáng kể. Số lượng sản xuất vừa và nhỏ cộng với chất liệu, quy trình sản xuất thân thiện là nhân tố quan trọng giữ được cân bằng sinh thái trong các cộng đồng thủ công ở Việt Nam”.

thủ công cô gái H'Mông vẽ sáp ong

thủ công thử nghiệm mới với khuôn in sáp ong

Dấu ấn của người làm vải

Chị Thảo nhìn nhận dấu ấn của người nghệ nhân thông qua “thần thái” của tấm vải từ bề mặt tới họa tiết: “Các thao tác thủ công mang tính cá thể cao. Mỗi một nghệ nhân kể cả lão luyện đến mức nào cũng không thể tạo ra hai sản phẩm giống hệt nhau. Vì thế mỗi một tấm vải, một bộ quần áo làm thủ công sẽ là tác phẩm duy nhất. Nó thể hiện tay nghề, tính nết (là người kỹ lưỡng hay phóng khoáng), thể hiện gu thẩm mỹ, tình cảm của người nghệ nhân. Nhiều khi còn gửi gắm cả những câu chuyện cá nhân của người đó nữa”.

thủ công nhà thiết kế Vũ Thảo cùng các nghệ nhân

“Vải của bọn em đây á?”

Chị Vũ Thảo nhớ lần đầu tiên gửi ảnh chụp thiết kế một kiểu váy vẽ sáp ong kẻ của Kilomet 109 cho nhóm nghệ nhân sau hai tháng thử nghiệm thành công.

“Các chị em nhắn tin sửng sốt lắm: “Vải của bọn em đây á?”, “Thật không chị? Không thể tin nổi!”. Lần gần đây nhất, tôi gửi ảnh chụp mẫu áo choàng làm từ lụa tussah nhuộm mặc nưa cho những người nghệ nhân xem. Họ nhắn lại: “Em làm anh thấy yên tâm với nghề hơn rồi! Sao nó nét quá vậy!”.

“Tôi tất nhiên là vui lắm khi nhận được những phản ứng như thế từ chính những người làm ra chất liệu. Nhưng sung sướng hơn có lẽ là tôi đã không dùng những chất liệu vô giá đó một cách dễ dãi“, chị Vũ Thảo chia sẻ.

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Trang

Ảnh: Benyamin Reich

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more