Thời trang / Thế giới thời trang

NTK Vũ Thảo: “Hạn chế của thiên nhiên là không hạn chế”

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 đã trở lại với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”. Triển lãm mang tên “Thiên, Thuỷ, Thổ: Những Cuộc Giao Thoa” thuộc khuôn khổ của cuộc thi nhằm tôn vinh di sản, trao đổi thiết kế đa văn hóa giữa Anh Quốc và Việt Nam, phối hợp với các thợ thủ công Mông Dua của bản Pà Cò đến từ tỉnh Hoà Bình và thương hiệu thời trang bền vững KILOMET109, triển lãm khám phá chủ đề thiết kế và tính bền vững thông qua các nhân tố ẩn dụ: Thiên, Thuỷ, Thổ.

Trong tiếng hát ngân nga của những người thợ thủ công Mông Dua phát ra từ bộ phim ngắn “Thiên, Thủy, Thổ: Những Cuộc Giao Thoa” của tác giả Rocio Chacon và Yesenia Thibault Picazo, những sợi thừng, chiếc áo choàng lơ lửng, mùi hương thoang thoảng của sáp ong, dầu jojoba, cỏ hương bài, trà xanh, phong lữ và hạt tiêu đen hòa quyện làm hiện lên phong cảnh của bản Pà Cò. Tất cả có thể được tìm thấy tại buổi triển lãm cùng tên, nơi đặc biệt tôn vinh thiết kế và trao đổi di sản văn hoá giữa Anh Quốc và Việt Nam. thiên nhiên

Dẫn dắt khán giả vào một “cuộc hành trình ngược” – triển lãm giới thiệu tính chất vật lý và sân khấu của quá trình biến thực vật thành sản phẩm, sử dụng dây thừng làm phương tiện và phép ẩn dụ để thể hiện các ý tưởng, kỹ năng đa văn hóa từ một nhóm nhà thiết kế, nghệ sĩ chất liệu, nghệ sĩ hình ảnh/âm thanh và nghệ nhân thủ công gắn bó mật thiết với nhau như thế nào. Tác phẩm sắp đặt  được dàn dựng tại tòa nhà Hữu Vu, khu Thái Học, nằm trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám gần 1000 năm tuổi, một di tích quốc gia đặc biệt nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội.

thiên nhiên
Ảnh: Benjamin Reich

Không gian triển lãm nhà Hữu Vu sẽ được chia thành ba phần hoặc ba cõi: Thiên, Thủy, Thổ. Trước tiên, khách tham quan sẽ bước vào cõi Thổ, nơi trưng bày các đồ vật mang tính thực tế và nghi lễ cũng như những khám phá khác từ Hà Nội, London và Pà Cò. Cuộc hành trình tiếp tục đến cõi Thuỷ, nơi trưng bày ấn tượng các đồ vật, mô hình và nguyên mẫu được chế tạo bằng dây thừng, cũng như các trạm bện để thu hút khách tham gia trực tiếp vào quá trình chế tạo. Cuối cùng, khách tham quan sẽ bước vào một rạp chiếu phim nhỏ, hay còn gọi là cõi Thiên, là nơi được sắp đặt sống động và trình chiếu phim. 

thiên nhiên
Ảnh: Benjamin Reich
thiên nhiên
Ảnh: Benjamin Reich

Dự án này là kết quả của một chuyến lưu trú nghệ thuật được thực hiện bởi ba nhóm sáng tạo tại Hà Nội vào đầu năm nay, nơi họ lần đầu tiên bắt đầu khám phá chủ đề di sản chung thông qua một loạt hội thảo thử nghiệm tại Trung tâm APD ở Hà Nội và bản Pà Cò. Cuộc lưu trú nghệ thuật đã dẫn đến một loạt các tác phẩm và đồ vật hợp tác được chế tác từ bảng chất liệu chung gồm cây gai dầu, thuốc nhuộm tự nhiên, sáp ong và sáp thực vật; và một bộ phim nghệ thuật ngắn của đạo diễn Rocio Chacon được chiếu suốt tuần. 

vũ thảo kilomet109
NTK Vũ Thảo. (Ảnh: Dvora)

Là một trong sáu giám khảo/ người hướng dẫn của khuôn khổ Tuần kễ Thiết kế Việt Nam 2023, chị Vũ Thảo, nhà sáng lập KILOMET109, đã có những chia sẻ cùng ELLE Vietnam về các trải nghiệm thú vị tại “Thiên, Thủy, Thổ: Những Cuộc Giao Thoa”.

Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, theo chị, “những hạn chế” ở đây đang đề cập đến điều gì và chị đã áp dụng chúng như thế nào trong những thiết kế của mình.

“Thiết kế từ những hạn chế” là chủ đề của cuộc thi thiết kế do Tuần Lễ Thiết Kế Việt Nam 2023 phát động. Với chủ đề này ban tổ chức muốn khuyến khích các sinh viên thiết kế, nhà thiết kế, nghệ nhân chế tác tìm cách tận dụng những vật liệu thân thuộc, thậm chí bị bỏ đi. Nhất là trong cơn khủng hoảng tài nguyên toàn cầu như hiện nay, việc tái sử dụng nguyên vật liệu sẽ làm giảm nhu cầu nguyên liệu thô để làm sản phẩm mới. Nó kích thích sức sáng tạo để đưa ra các giải pháp kịp thời. Nó giúp chúng ta đánh giá cao hơn những thứ đời thường bởi vì chúng có khả năng thôi thúc chúng ta tìm kiếm những điều tốt đẹp, những giá trị ẩn náu mà thoạt nhìn tưởng là vô tri. 

Ảnh: Benjamin Reich

Tái sử dụng cũng chính là sự tiếp nối một văn hoá sống có ý thức cao của Người Việt đã tồn tại từ xa xưa: linh hoạt và tiết kiệm. Chúng ta lớn lên bên những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “liệu cơm gắp mắm” hay “cũ người mới ta” nhưng để hiểu được trọn vẹn thông điệp của cổ nhân thì có lẽ phải sống trong những hạn chế. Và tôi nghĩ đây chính là thời điểm để thấm thía những đúc rút quý giá này! Việc thích nghi với những biến đổi của môi trường mới, đưa ra những giải pháp ứng phó trước những thách thức mới vốn là bản năng sinh tồn của con người nhưng ở giai đoạn này nó còn là một thực tiễn cần thiết và khẩn thiết. Tôi tin những giới hạn là những chất xúc tác thú vị để tạo ra không chỉ những thiết kế tốt mà là những thiết kế có giá trị vượt trội. Điều quan trọng không phải là đẩy trí tưởng tượng đi xa đến mức nào mà là chúng ta còn có thể làm chủ những giới hạn nhất định và trở nên phi thường trong giới hạn đó. 

Ảnh: Benjamin Reich

Tôi ít sử dụng chất liệu tái chế trong các sản phẩm trang phục của KILOMET109 nhưng nguyên phụ liệu trang trí hay phụ kiện thì rất nhiều. Từ vải cổ, vải cũ đến vải vụn, vải tồn tôi chẳng vứt đi cái gì. Tôi lại còn coi chúng như những gia vị đặc biệt để tô điểm cho “thực đơn” thời trang của tôi. Ví dụ như, vải cổ màn của người Thái Đen, Nghệ An tôi đã tận dụng để làm nẹp tà áo, đáp cổ và gấu cho thiết kế áo và váy lụa Vân (vốn là một sản phẩm nổi bật của KILOMET109 hơn 10 năm qua). Hay vải thừa tôi làm chuỗi các vòng Xoắn vừa dùng như khăn vừa như trang sức. Vỏ sò, vỏ ốc, tre vụn, gỗ vụn nữa tôi cũng tận dụng để làm cúc áo hay chi tiết trang trí. 

Đây không phải lần đầu tiên chị tham gia Vietnam Design Week với cương vị ban giám khảo, chị cảm nhận như thế nào về chất lượng của các tác phẩm năm nay?

Một cách rất khách quan tôi thấy cuộc thi năm nay không có những bài dự thi thực sự bứt phá. Nhưng bù lại chúng tôi nhận được một loạt sáng kiến thú vị về các cách tiếp cận và xử lý chất liệu. 

Chất liệu tái chế nâng cấp (upcycling) đã được đẩy lên cao hơn. Ví dụ: bài dự thi “Cải” mảng thiết kế trang phục, của tác giả Trần Minh Trường không chỉ sử dụng rác từ thu gom bên ngoài mà dùng ngay chính rác của bản thân mình tạo ra trong nhiều năm. Vì bạn ấy học thiết kế thời trang và đã làm ra nhiều bộ sưu tập suốt quá trình học tập. Nhưng sau khi trình diễn cho đồ án tốt nghiệp thì toàn bộ các thiết kế đó (một số ít đã bán) bị xếp xó. Tái thiết kế những thiết kế cũ mang lại một đời sống mới cho chính những vật dụng đã bị bỏ đi ấy, đồng thời tạo cơ hội cho NTK một lần nữa được dịp thăm thú lại ý tưởng cũ, tìm ra được điểm mạnh, yếu của nó và đưa ra giải pháp tối ưu. Ngoài ra, “Cải” cũng rất thành công trong việc đưa ra chuỗi sản phẩm phụ kiện tái chế đương đại và hợp thời từ áo thun cũ bằng phương pháp móc tỉ mỉ. Bạn ấy cũng biết cách chăm chút cho việc làm thương hiệu qua các phụ kiện, logo và chi tiết đính kèm. 

Bài dự thi “Cải” của tác giả Trần Minh Trường. (Ảnh: Vietnam Design Week)
Ảnh: Vietnam Design Week
Ảnh: Vietnam Design Week

Một ví dụ tiêu biểu nữa chính là bài dành được giải nhất “Ratla Xuân” của Nguyễn Khai Tâm. Chất liệu tái chế không phải lúc nào cũng mang tính bền vững. Đặc biệt là một số chất liệu hoàn toàn tổng hợp với tỉ lệ nhựa cao. Để tái chế những chất liệu nhân tạo như vậy nhiều khi tổn hao năng lượng như là điện, nước cho sản xuất hay hoá chất làm sạch chất liệu cũ còn lớn hơn nhiều so với chế tạo một sản phẩm mới từ ban đầu. Tâm đã giải quyết được rác tổng hợp khó nhằn bằng những phương pháp xử lý chất liệu mang tính tối ưu và có thẩm mỹ. Màu sắc vui nhộn và sản phẩm chất lượng. Tinh thần thời trang đường phố được bạn ấy khắc họa bắt mắt qua những thiết kế có hình dáng hiện đại, thùng thình với ôm sát, nữ tính với hầm hố, áo mũ, áo bông đơn giản kết hợp với áo dài corset điệu đà. Câu chuyện và các thiết kế của Tâm còn có khả năng tạo ra tâm trạng vui tươi cho người xem và thể hiện được “cái nghề” qua từng đường kim mũi chỉ kỹ càng. 

Bài dự thi “Ratla Xuân” của Nguyễn Khai Tâm. (Ảnh: Vietnam Design Week 2023)
Ảnh: Vietnam Design Week 2023
Ảnh: Vietnam Design Week 2023

Thiên nhiên đã luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo của chị, vậy theo chị, “hạn chế” của thiên nhiên là gì?

Hạn chế của thiên nhiên là không hạn chế. Hạn chế có chăng là do chúng ta chưa tìm ra hết các cách để tiếp cận với thiên nhiên mà thôi. Tôi đã nói về vấn đề này tại lớp thực hành nhuộm tự nhiên mà tôi đã thực hiện tại triển lãm. Chỉ với nhựa kiến đỏ trong vòng 3 tiếng đồng hồ tôi đã chỉ cho các bạn tham gia rất nhiều cách để nhuộm ra các sắc tố khác nhau trên đa dạng những chất liệu bản địa từ hồng phai, hồng hoa giấy đến đỏ huyết dụ, đỏ hổ phách. Hay như một loạt các tác phẩm mà chúng tôi đã tạo ra cho “Thiên, Thủy, Thổ: Những Cuộc Giao Thoa” đều thể hiện sức mạnh của chất liệu tự nhiên. Tính linh hoạt, dẻo dai của chúng hay tính thân thiện, bền vững của chúng. Ngoài ra, chất liệu tự nhiên chứa đựng những kết nối sâu về con người với con người, con người với thiên nhiên. Làm việc với các chất liệu tự nhiên cũng giúp tôi hiểu hơn về trật tự của thiên nhiên, sự sòng phẳng của thiên nhiên để nương tựa chứ không chăm chăm khai thác hay tận diệt. 

Ảnh: Benjamin Reich

Với chị, từng yếu tố “Thiên”, “Thủy”, “Thổ” đại diện và ẩn dụ cho điều gì?

Ba cõi Thiên, Thủy, Thổ mang tính ẩn dụ đại diện cho những nhân tố quan trọng trong công việc chế tác, thiết kế của chúng tôi. “Thuỷ” thể hiện tầm quan trọng của nguồn nước trong chế tác như tưới tiêu, nước để nhuộm, để luộc vải, rũ vải. “Thổ” thể hiện vai trò của đất đai trong canh tác, nuôi dưỡng cây cho sợi, cho màu nhuộm như cây bông, cây gai dầu, cây tầm gai hay củ nâu, cây chàm, cây cọ khiết để nuôi giống kiến đỏ… Còn “Thiên” là yếu tố mang tính ước lệ về tinh thần hợp tác hòa hợp giữa các cộng đồng khác nhau. Thiên cũng chính là cảnh quan kỳ ảo của nơi chốn mà chúng tôi đã thực hiện loạt tác phẩm cho “Thiên, Thủy, Thổ: Những Cuộc Giao Thoa” – một vùng núi non Tây Bắc xanh ngắt, trập trùng mây trắng bao phủ. Bồng lai, tiên cảnh vô cùng! 

thiên nhiên
Ảnh: Benjamin Reich

Cơ duyên nào đưa chị đến với bản Pà Cò? Chị đã có những trải nghiệm gì ở nơi này?

Tôi bắt đầu làm việc với cộng đồng Mông Xanh ở Pà Cò từ năm 2015. Một cộng đồng ít ỏi còn sót lại tại Việt Nam có sự tham gia của các cô gái trẻ ở độ tuổi 20, 30. Cộng đồng đặc biệt này có truyền thống chế tác thủ công độc đáo với các kỹ thuật xử lý vải vóc phong phú. Dệt thủ công, vẽ sáp ong, thêu thùa và nhuộm tự nhiên. Đến 2017 sau chuyến đi thực nghiệm 2 tuần tại bản Pà Cò, Hoà Bình cùng với 2 sinh viên nghệ thuật từ trường đại học Royal College of Arts, London tôi tiếp tục cùng với cộng đồng làm ra một loạt chất liệu từ sợi gai dầu, bông, tơ tằm áp dụng kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm chàm tạo ra họa tiết, hoa văn tối giản cho áo khoác, váy dài, chân váy, áo cánh. Bộ sưu tập làm từ những chất liệu này đã được giới thiệu thông qua triển lãm đa phương tiện Phiêu tại Hà Nội và sau đó là London. Chính BST này cũng được giới thiệu tại ELLE Sustainable Fashion Show 2017 – sự kiện thời trang đầu tiên chuyên về thời trang bền vững của tạp chí ELLE Viet Nam. 

BST Phiêu của NTK Vũ Thảo tại ELLE Sustainable Fashion Show 2017. (Ảnh: ELLE Vietnam)
Ảnh: ELLE Vietnam

Mạch câu chuyện của triển lãm đi từ Thổ đến Thủy và cuối cùng là Thiên. Dẫn dắt khách tham quan đi từ dưới lên trên thay vì trên xuống dưới, có chủ đích gì cho việc này không?

Thực ra chúng tôi muốn khách tham quan đi từ cõi thổ, đến cõi thuỷ và cuối cùng là cõi thiên như trật tự mà chúng tôi đã thực hiện tại Lễ Hội Thiết Kế London diễn ra trước đó. Nhưng vì không gian vốn có của phòng triển lãm tại Văn Miếu hơi nhỏ nên rất khó để làm các vách ngăn chia ra từng cõi. Vì vậy chúng tôi đã sắp đặt ba cõi kề cạnh nhau và để khách thăm quan tự quyết định thăm cõi nào trước cõi nào sau. Ba cõi khác nhau nhưng quan hệ khăng khít và hoà làm một. 

Ảnh: Benjamin Reich
Ảnh: Benjamin Reich

Chiếc áo choàng “Thủy Y” được buộc lơ lửng giữa gian nhà, cố định lại bằng những vật dụng quen thuộc của người vùng cao, có ý đồ gì trong cách trưng bày này không?

“Thuỷ Y” được làm từ vải giấy tơ tằm dệt thủ công hoàn toàn và nhuộm chàm tự nhiên trong vòng 8 tháng ròng rã. Tấm áo được chần tay và trang trí bằng sợi giấy dướng cũng nhuộm với chàm và xe thủ công. Dụng ý của việc dùng những sợi dây giấy là thể hiện tính kết nối. Những sợi dây như những dòng chảy đan cài vào nhau, chồng chéo lên nhau để gắn kết các chất liệu vào với nhau, để làm chúng bền chắc hơn khi chập lại cùng nhau. Cũng nhờ những sợi dây giấy đơn lẻ quấn quyện vào nhau, bện kết vào nhau mà “Thuỷ Y” ngoài việc thể hiện sự uyển chuyển của nước còn thể hiện sức mạnh của tập thể. 

Ảnh: Benjamin Reich
Ảnh: Benjamin Reich
Ảnh: Benjamin Reich

Nhóm thực hiện

Bài: Belle
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)