Thời trang / Thế giới thời trang

NTK Vũ Thảo và niềm tin vào thời trang nhân văn

Là người tiên phong thực hành thời trang bền vững ở Việt Nam, NTK Vũ Thảo tin rằng bước vào thập kỷ mới cùng những "giá trị" đặc biệt tạo nên hình ảnh một ngành thời trang đầy khát vọng và ý nghĩa.

Vào thời điểm này, cuộc vật lộn với đại dịch toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Sự hạn chế trong di chuyển, trong giao tiếp… vì mục đích an toàn đang kẻ những đường biên rạch ròi khoanh vùng cho mỗi cá thể, và vì thế cũng đang khoanh vùng không gian dành cho thời trang của tất cả chúng ta. Đó là thời trang trong nhà!

Đến cả khi chúng ta có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì lại phải tiếp xúc qua cái khẩu trang – một món đồ thời trang “sống khỏe” nhất trong thời đại dịch. Khẩu trang vốn dĩ chỉ là phụ trang bỗng chốc trở thành biểu tượng mới cho bộ mặt thời trang toàn cầu thời lây nhiễm. Quyền năng che chắn, bảo vệ của khẩu trang chưa khi nào được phát huy tối đa như lúc này. Thời kỳ tiền COVID-19, chức năng chính của khẩu trang là chống ô nhiễm với khói bụi, tia cực tím, khí độc, chống lây nhiễm trong môi trường y tế… Món đồ vốn là biểu tượng về sự ngăn cách nhưng giờ đây lại nhắc nhớ chúng ta về sự liên kết và gắn bó giữa con người với nhau. Sự gắn kết đó đâu chỉ chuyển tải qua nói năng, nhìn ngắm, ôm ấp, hôn hít mà còn qua cả hơi thở. Khi chúng ta còn đang lóng ngóng trước sự bùng phát của đại dịch, chiếc khẩu trang nhỏ bé ở một mức độ nào đó đã giúp cản trở sức hủy diệt của loài virus mang tên COVID-19. Cả trong những lúc nguy nan tưởng chẳng thiết tha gì nữa, chúng ta vẫn cần “Thời trang – Cái khẩu trang”.

thời trang ntk Vũ Thảo

COVID-19 đã dạy cho chúng ta một bài học phải trả bằng cả tính mạng của rất nhiều người, vì thế bài học đó càng trở nên thấm thía, giúp nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật. Nó nhắc nhở rằng chúng ta cũng chỉ là những cá thể trong một trật tự của hệ sinh thái đang rất khủng hoảng, nếu chúng ta cứ tiếp tục phung phí nguồn tài nguyên vốn giới hạn thì cũng có nghĩa chúng ta đang rút ngắn thời gian có mặt trên trái đất này. Thói quen tiêu dùng hàng loạt đặc hữu trong xã hội đã tước đoạt sự cân bằng tự nhiên cần thiết, và đến lúc này chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài sự thay đổi.

thời trang phụ kiện khẩu trang
Từ trước khi đại dịch bùng nổ, ngành thời trang đã tiên phong trong việc đưa khẩu trang lên sàn diễn trong các BST, để rồi khẩu trang trở thành một món phụ kiện thời trang được sáng tạo đầy bất ngờ.

Tái Chế, Không Rác Thải

“Phát triển bền vững” trở thành một đề tài trọng điểm, là chiếc đòn bẩy để khởi động lại của ngành thời trang sau cuộc khủng hoảng từ đại dịch. Trào lưu sử dụng vật liệu tái chế đang đồng loạt diễn ra trên khắp các lĩnh vực từ nghệ thuật, kiến trúc đến thiết kế sản phẩm, thời trang trên thế giới và cả ở Việt Nam. Sản phẩm được làm bằng vật liệu tái chế, từ thùng chứa hàng hóa, đồ nhựa, rác thải, đến những loại vật liệu sinh học như phân gia súc, khuẩn, nấm, thực phẩm… Dường như mọi thứ đều có thể tìm được mục đích mới thông qua việc tái sử dụng.

thời trang bst của Kilomet109
Một thiết kế trong BST Miên của Kilomet109 sử dụng chất liệu gai, tơ tằm canh tác tại địa phương, dệt thủ công, nhuộm tự nhiên bởi đồng bào dân tộc H’Mông Đen ở miền núi phía Bắc. (Hình ảnh: Lê Nguyên Nhật & Bảo Khánh cho Kilomet109).

Sự phổ biến của trào lưu thời trang second hand rõ ràng là một liệu pháp cấp tốc giúp giảm thiểu tiêu dùng bùng phát. Trao đổi, cho thuê, bán lại, nhượng lại quần áo đã qua sử dụng trở thành một cứu cánh cho cơn khủng hoảng kéo dài của nền công nghiệp thời trang, khiến cho hình ảnh thời trang trở nên thiện cảm hơn sau nhiều thập kỷ lạm dụng tiêu dùng. Tạm gạt mối nghi ngại sang một bên, có thể thấy một số tập đoàn đa quốc gia đã và đang có những động thái tích cực trong việc tiếp cận với các chất liệu và quy trình sản xuất bền vững. Thương hiệu H&M công bố sắp cho ra mắt những BST sử dụng da thuần chay từ cây xương rồng của Desserto, Mexico. Các thương hiệu cao cấp cũng không thể thờ ơ trước sức ép phát triển bền vững. Hermès sẽ có túi xách làm bằng da với nguồn gốc từ nấm. Bottega Veneta hiện đang bày bán một dòng túi sách chế tác từ giấy phế liệu. Salvatore Ferragamo đã khiến cả thể giới trầm trồ với BST sử dụng lụa từ vỏ cam. Chlóe dưới sự dẫn dắt sáng tạo của Gabriela Hearst đã sử dụng lại hàng loạt túi xách và áo khoác cũ cho BST Thu – Đông 2021 mới nhất. Ralph Lauren ở New York vừa tung ra dịch vụ cho thuê những thiết kế của thương hiệu với giá thành hợp lý.

thời trang túi xách chất liệu tái sử dụng
Chiếc túi xách trong BST Thu – Đông 2021 mới nhất của Chlóe được NTK Gabriela Hearst tái sử dụng chất liệu từ những BST cũ.

Thẩm Mỹ hay Giá Trị?

Đại dịch đã củng cố vị trí trọng tâm của tính bền vững trong chuỗi sản xuất, thiết kế thời trang và càng làm lộ rõ những vấn đề bất cập của hệ thống cung ứng thông thường. Các tuần lễ thời trang cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đang trải qua một giai đoạn chuyển hóa tích cực mang tính toàn diện. Chúng ta đang được chứng kiến những sàn catwalk hạn chế lượng chất thải ra môi trường, trình diễn trên sân khấu ảo, tái sử dụng sân khấu…

thời trang nghệ nhân sản xuất handmade

Thời trang nói chung đang nỗ lực tạo nên những kết nối có tính nhân văn hơn. Thời trang đang trở nên đa sắc thái hơn, không còn bị chi phối nặng nề bởi những quan điểm, định kiến về giới tính, tầng lớp, về cái đẹp, về kích cỡ. Thời trang đang trở nên thiết thực hơn, ứng dụng hơn, công năng hơn, tiết kiệm hơn. Từ đó, thời trang sẽ có khả năng san sẻ những giá trị sáng tạo và giá trị lợi nhuận một cách công bằng hơn. Ngoài nhiệm vụ tạo công ăn việc làm cho các lực lượng lao động, thời trang còn có những trọng trách khác như bảo tồn nghề chế tác, hàn gắn những đứt gãy của bộ máy cung ứng, làm lành những vết thương của môi sinh, xã hội mà nó đã gây ra. Lộ trình chế tác, sản xuất của thời trang ngày càng phải minh bạch hơn và phát huy khả năng kể chuyện tốt hơn. Khoảng cách giữa người thợ, NTK, người tiêu dùng cũng như nguồn gốc nguyên liệu với thiết kế hoàn thiện nhờ đó mà được rút ngắn.

thời trang các nghệ nhân Hmong
Các nghệ nhân H’Mông Đen đang chế tác vải gai mài tại Sapa, Lào Cai. Họ đã trở thành những “đối tác”, những người cộng tác lâu dài và góp phần quan trọng trong quy trình sản xuất của Kilomet109, từ công đoạn phát triển chất liệu đến hoàn thiện thành phẩm.

Tôi tin rằng với những “giá trị”, chứ không chỉ tính thẩm mỹ, thời trang sẽ mang lại cảm xúc, thuyết phục hơn trước những đòi hỏi chính đáng của một thế hệ người tiêu dùng mới có ý thức trách nhiệm với từng hành vi mua sắm của mình, bởi vì chỉ có giá trị mới thúc đẩy lòng trung thành với các thương hiệu mà thôi.

Nhóm thực hiện

Bài: Vũ Thảo 

Hình ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Phái đẹp ELLE 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)