Thời trang / Thế giới thời trang

Vintage và retro – Hai mảnh ghép cổ điển “thống trị” làng thời trang thế giới

Cùng "khuấy đảo" sân chơi của các tín đồ yêu thời trang bởi vẻ cổ điển đầy mê hoặc, nhưng đâu là sự khác biệt giữa phong cách vintage và retro?

Tyra Banks từng nói: “Thời trang là một chuỗi xoay vòng”. Nhờ khả năng “miễn nhiễm” với thời gian, cộng thêm tính độc đáo của bản phối hiện đại, những món đồ vintage và retro luôn chứa đựng sức hút khó cưỡng. Tuy nhiên, vintage và retro là hai khái niệm thời trang vừa giống vừa khác nhau. Cùng tìm hiểu sâu hơn về hai phong cách cổ điển này và “bỏ túi” ngay những bí quyết để diện chúng một cách sành điệu nhất!

Phong cách vintage là gì?

Với nghĩa nguyên thủy, vintage được dùng để chỉ độ lâu năm của rượu, dầu và những chiếc xe có tuổi đời ít nhất 50 năm. Về sau, vintage được lan rộng và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như thiết kế, nội thất… và mảng thời trang cũng không ngoại lệ. Những người buôn bán quần áo second-hand (đồ đã qua sử dụng) dần dùng vintage cho những bộ quần áo thuộc về thời đại cũ. Thông thường, vintage chỉ những món đồ thời trang được sản xuất trong khoảng từ năm 1920 cho đến 1960, dao động đến những năm 1980.

Phong cách thời trang vintage những năm 1950s
Phong cách vintage những năm 1950. (ảnh: Retrowaste)

Những món đồ thời trang vintage như quần áo, phụ kiện, giày dép, túi xách… thường có số lượng rất ít vì đa số đã ngưng sản xuất, bị lỗi qua thời gian hoặc rất khó mặc (phụ nữ thời trước thường sở hữu vòng eo chỉ 40-50cm như nhân vật Scarlet O’Hara trong phim Cuốn Theo Chiều Gió). Tuy nhiên, vẻ đẹp kinh điển theo năm tháng của những thiết kế vintage vẫn làm bao cô gái mê mẩn. Không ít phụ nữ hiện đại sẵn sàng “chi mạnh” không chỉ để sở hữu món đồ có chất lượng, chi tiết cầu kì hay độc lạ mà còn vì câu chuyện, giá trị lịch sử quý báu đằng sau chúng.

Bộ sưu tập túi xách theo phong cách thời trang vintage
Những thiết kế túi vintage có giá trị tương đương hay đắt hơn rất nhiều lần so với những chiếc túi trong bộ sưu tập mới nhất. (Ảnh: unniversityoffashion)

Vậy retro là gì?

Nếu như vintage là những món thời trang cũ được lưu trữ từ quá khứ, giữ nguyên hơi thở hoài cổ từ phom dáng cho đến đường kim, mũi chỉ thì retro là từ chỉ những thiết kế mới được sản xuất và tái hiện trên chất liệu mới, lấy cảm hứng từ “hot items” và xu hướng của thập niên 50, 60 và 70.

Thời trang mang phong cách retro những năm 1960s, 1970s
Thời trang mang phong cách retro những năm 1960, 1970. (Ảnh: Yousense)

Không rập khuôn những thiết kế thời kỳ cũ, sự hoà quyện giữa nét đẹp cổ điển và dấu ấn hiện đại của phong cách retro đã tạo nên những chuẩn mực mới cho thời trang. Các nhà mốt danh giá đã nắm bắt nhanh chóng xu hướng này và cho ra đời vô số bộ sưu tập mới. Trong nhiều năm qua, sàn diễn thời trang hay street style thế giới luôn tràn ngập những thiết kế mang hơi hướng retro độc đáo.

Thiết kế mang phong cách retro trên sàn diễn Marc Jacob 2019
Thiết kế mang phong cách retro trên sàn diễn Marc Jacob mùa Xuân – Hè 2019. (Ảnh: Imaxtree)

Những món đồ đặc trưng của vintage và retro

Để chinh phục được những món đồ vintage hay retro, bạn nên hiểu rõ phong cách đại diện theo từng thập niên vì mỗi thập niên sẽ có một dòng chảy thời trang khác nhau. Sau đó, hãy xác định món đồ phù hợp với cá tính, phong cách riêng.

Nét dịu dàng, gợi cảm từ những thiết kế vintage

Như đã đề cập, vintage là phong cách “gây bão” bởi những món thời trang đến từ những thập niên 20 đến 60.

Thập niên 20

Bắt đầu những năm 20, phong trào nữ quyền nổi lên mạnh mẽ. Sự tự do của phụ nữ được thể hiện qua các kiểu váy len jersey và đầm hạ eo flapper. Họ hăng say thực hiện những bước nhảy Charleston kinh điển.

Váy flapper là phong cách vintage những năm 20s
Đầm flapper là kiểu đầm với phần eo được hạ thấp tới ngang hông, hoặc phần eo hoàn toàn biến mất như những chiếc váy rộng dáng suông. Đây là kiểu váy thịnh hành những năm 20. (Ảnh: Retroent)

Thập niên 30

Thập niên 30 là sự trở lại đằm thắm của hình tượng nữ tính với thiết kế cổ khoét sâu và váy chiết eo. Những thiết kế với đường cắt giúp tôn đường cong lên ngôi. Các trang sức đá quý được kết hợp nhằm tăng thêm nét kiêu kỳ.

Diễn viên Ginger Rogers trong bộ phim “Swing Time”(1936) với thiết kế đầm đặc trưng những năm 30s.
Diễn viên Ginger Rogers trong bộ phim “Swing Time”(1936) với thiết kế đầm đặc trưng những năm 30s. (Ảnh: Getty Images)

Thập niên 40

Những năm 40, khi thế chiến thứ II diễn ra, nét tối giản chiếm trọn các thiết kế về cả chất liệu và màu sắc. Thiết kế “cầu kỳ” nhất được chấp nhận là kiểu váy peplum. Ngay khi chiến tranh kết thúc, Christian Dior tiên phong thổi một luồng gió tươi mới vào làng thời trang khi nhanh chóng đưa ra những thiết kế tôn dáng qua vai áo nhô, áo lót nâng ngực và thắt eo tối đa trong BST New Look năm 1947.

bộ trang phục nổi tiếng thuộc bộ sưu tập New Look của Dior vintage năm 1947
Bar suit, bộ trang phục nổi tiếng thuộc bộ sưu tập New Look của Dior, ra mắt năm 1947. (Ảnh: Getty Images)

Thập niên 50

Sau bức màn tăm tối của chiến tranh, màu sắc tươi sáng lại trở về với thời trang được đánh dấu bằng sự đổ bộ của kiểu váy ôm tôn lên vóc dáng đồng hồ cát, làm xiêu lòng các quý ông. Marilyn Monroe và Audrey Hepburn trở thành biểu tượng phong cách của hàng triệu cô gái.

Audrey Hepburn trong trang phục váy vintage ôm cơ thể màu sắc những năm 50s
Audrey Hepburn…(Ảnh: Getty Images)
Marilyn Monroe trong thiết kế váy ôm sát cơ thể vintage năm 1955
và Marilyn Monroe trở thành icon thời trang của thế giới những năm 1950. (Ảnh: Getty Images)

Cá tính với những thiết kế retro

Retro được chia thành 3 kiểu phong cách đặc trưng ứng với từng giai đoạn, tương tự như vintage. Mỗi giai đoạn sẽ có những xu hướng và trang phục nổi bật riêng.

Thập niên 60

Những năm 1960, thời trang được đơn giản hóa. Phom dáng và màu sắc trang phục làm bật lên cá tính người mặc. Cùng với mẫu váy shift màu kẹo ngọt và nón pillbox được đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy lăng xê, váy ngắn, áo khoác cape hay áo khoác dạng váy cũng là những món đồ thịnh hành trong giai đoạn này.

Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy diện chiếc váy shift vintage và retro "gây sốt" những năm 60s.
Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy diện chiếc váy shift và trở thành biểu tượng thời trang những năm 60. (Ảnh: Getty Images)
Hay những chiếc áo khoác cape làm “điên đảo” giới yêu thời trang những thập niên trước giờ đây đã trở lại. (Ảnh: Splash News)

Thập niên 70

Ở giai đoạn thập niên 70, phong trào hippie, glam rock và punk với đủ loại áo tunic, áo ống, quần ống loe, jumpsuit và các loại quần bó siêu ngắn phủ sóng thời trang thế giới. Những họa tiết kẻ sọc, hoa li ti nổi bật đã dệt chặt vào phong cách thời trang những năm này. Thiên đường phụ kiện bao gồm nón cỡ lớn rộng vành, túi satchel, khăn vuông xinh xắn thắt hờ hững quanh cổ, trên đầu, trang sức cỡ lớn, giày đế xuồng…

Quần ống loe đại diện cho phong cách vintage và retro những năm 1970s
Quần ống loe là món đồ “gây sốt” những năm 1970… (Ảnh: Cutypaste)
Bella Hadid diện quần ống loe theo phong cách retro thập niên 70
…nay được nhiều tín đồ thời trang thi nhau biến tấu. (Ảnh: AKM-GSI)

Thập niên 80

Vào năm 1980, trào lưu aerobic thôi thúc phụ nữ khoe phom dáng khoẻ mạnh của mình bằng các loại váy, catsuit bó sát và kết hợp cùng các loại hoa tai ngoại cỡ, cặp kính fayrarer. Tông màu neon đầy sức sống lên ngôi.

Phong cách thời trang vintage và retro với quấn áo đầy màu sắc, năng động những năm 80s
(Ảnh: Fashioncouture101)
fashionista mặc đồ thể thao màu cam và túi đeo chéo đen 2
Ảnh: The Zoe Report

Nhóm thực hiện

Bài viết: Tâm Như Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)