Không đơn thuần là yếu tố phục vụ phần nhìn, thời trang trong phim còn đóng vai trò là những “Easter Eggs” chứa đựng nét tính cách, nội tâm nhân vật, từ đó truyền tải câu chuyện đến người xem một cách rõ ràng nhất. Dù là thước phim trắng đen của thế kỷ trước hay phim màu sắc nét ở hiện tại, yếu tố thời trang vẫn luôn được các nhà thiết kế, nhà làm phim trau chuốt tỉ mỉ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn nhất. Cùng ELLE điểm qua 10 bộ phim thời trang truyền cảm hứng đến tín đồ yêu thích phong cách cổ điển.
Roman Holiday (1953)
Sau khi xuất hiện trong một số bộ phim và tác phẩm nhạc kịch, Audrey Hepburn lần đầu tiên có cơ hội đảm nhận vai chính với bộ phim Roman Holiday (1953). Trong phim, cô vào vai nàng công chúa Ann chạy trốn khỏi cung điện, bước vào hành trình phiêu lưu cùng chàng nhà báo lãng tử. Ở phần đầu, hình ảnh Hepburn gắn liền với những bộ váy ballgown sang trọng và lộng lẫy. Đến nửa sau bộ phim, cô hóa thân thành một cô gái năng động, tinh nghịch nhưng vẫn không mất đi nét kiêu sa, sang trọng. Giày đế bệt, chân váy midi và áo sơmi trắng là những món đồ khắc họa nên chân dung của một cô gái phóng khoáng, khao khát tự do.
Dù chỉ là những thước phim trắng đen, nhưng cá tính và gu thời trang nổi bật của nữ chính vẫn cuốn hút người xem qua từng khung hình. Hình ảnh nàng công chúa vô tư cười đùa trên chiếc Vespa đã trở thành biểu tượng nổi tiếng, khiến nhiều người phụ nữ học theo cử chỉ duyên dáng và cách phối đồ đơn giản nhưng tinh tế của nữ minh tinh. Bộ phim không chỉ thắng giải Thiết kế trang phục xuất sắc mà còn mang về cho Audrey Hepburn giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar năm 1954.
High Society (1956)
Bên cạnh Audrey Hepburn, Grace Kelly là tượng đài thời trang thứ hai của những năm 50. High Society (1956) là bộ phim cuối cùng Grace Kelly tham gia trước khi trở thành Vương phi xứ Monaco. Trong phim, nàng công chúa Tracy Samatha thường xuyên xuất hiện với những bộ cánh thướt tha, tôn lên đường cong cơ thể cũng như phong thái thượng lưu. Trong đó, bộ váy cưới họa tiết hoa cổ điển của NTK Helen Rose được đánh giá cao về sự sáng tạo, tạo nên xu hướng sử dụng mũ đội đầu và găng tay trắng nhiều năm sau đó. Không những thế, bộ đồ bơi một mảnh với tà váy xẻ hai bên cũng trở thành một trong những thiết kế đỉnh cao trong phim và khiến giới mộ điệu “điên đảo” một thời gian dài.
BÀI LIÊN QUAN
Breathless (1960)
Bộ phim kể về cuộc rượt đuổi của cảnh sát với anh chàng tội phạm liễu lĩnh tên Michel. Song song với đó là mối tình kỳ lạ của Michel với cô phóng viên giàu tham vọng Patricia, do nữ diễn viên người Mỹ Jean Seberg thủ vai. Breathless đã cho người xem thấy được hành trình trải nghiệm đầy ngẫu hứng và “quậy phá” của những người trẻ trong một thế giới với những khuôn khổ cứng nhắc. Gắn liền với những thước phim kinh điển là hình ảnh Patricia cùng loạt item họa tiết kẻ sọc “bất bại” trước thời gian.
Breakfast at Tiffany’s (1961)
Nói về phim thời trang, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến quý cô Holly Golightly do Audrey Hepburn thủ vai trong tác phẩm kinh điển mọi thời đại Breakfast at Tiffany’s (1961). Hình ảnh cô gái trẻ với chiếc đầm đen dài Givenchy, găng tay opera, vòng cổ ngọc trai nhiều lớp và chiếc vương miện nhỏ dạo bước trên đại lộ vào buổi sớm tinh mơ chắc hẳn không thể nào phai mờ trong trí nhớ người hâm mộ. Cũng từ đó, khái niệm “little black dress” chỉ những mẫu váy đen đơn giản, tinh tế, thanh lịch, phù hợp với các sự kiện sang trọng hay thậm chí để diện hàng ngày đã trở thành biểu tượng trong cuốn từ điển thời trang. Bên cạnh, vẫn còn rất nhiều những bộ cánh thời thượng khác bạn cần khám phá trong tác phẩm đẹp đến từng khoảnh khắc này.
Pretty Woman (1990)
Dù đã hơn 30 năm trôi qua, Pretty Woman vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong danh sách những bộ phim về thời trang kinh điển trong lòng người hâm mộ. Bộ phim kể về mối quan hệ tình cảm giữa “gái bán hoa” Vivian Ward với Edward Lews. Bộ sưu tập quần áo của nữ chính trải dài từ những thiết kế quyến rũ, nổi loạn cho đến những trang phục thanh lịch nhưng đầy cá tính.
Atonement (2007)
Khúc tình ca buồn Atonement (2007) dường như là sàn diễn thời trang của bông hồng nước Anh Keira Knightley. NTK Jacqueline Durran đã tỉ mỉ lựa chọn trang phục phù hợp với tính cách nhân vật, với thời đại và cả bối cảnh diễn ra trong phim. Nhờ đó, sau khi lên sóng, bộ phim được giới mộ điệu chào đón nồng nhiệt, tìm cách đưa tủ đồ của nữ chính ra khỏi màn ảnh. Trong phim, Keira Knightley thường xuyên diện trang phục với chất liệu voan hoặc lụa, họa tiết in hoa để tỏa ra sự mềm mại, nữ tính.
Bên cạnh đó, chiếc váy da hội satin màu xanh ngọc lục bảo do NTK Jacqueline Durran thiết kế cho tiểu thư Cecillia Tallis đã được bình chọn là một trong những “Trang phục đẹp nhất mọi thời đại” và khiến bộ phim trở thành tâm điểm của sự chú ý. Chiếc đầm dài có đường xẻ cao phía trước, lộ bờ vai và lưng trần gợi cảm. Sợi dây thắt ngang eo tôn lên vóc dáng mảnh mai của người mặc. Dù khiêm tốn vòng 1, Keira Knightley thực sự gợi cảm trong bộ cánh này.
Inglourious Basterds (2009)
Inglourious Basterds được xem là tác phẩm gói gọn những tinh hoa của nhà làm phim đại tài Quentin Tarantino, ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình. Không những thế, bộ phim còn chiêu đãi cho các “thực khách” một bữa thời trang giàu có và xa hoa bên tiếng súng đạn. Lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai, các nhân vật trong phim cũng xuất hiện với phong cách phản chiếu rõ rệt thân phận và địa vị. Trong đó, chiếc mũ beret với tấm màn che mặt hay áo lông chính là “đặc sản” không thể thiếu với những quý bà thượng lưu.
Peaky Blinder (2013)
Những bóng hồng trong series “Bóng ma Anh quốc” của Netflix không hề bị nam giới lấn át, cũng không hề gắn liền với những triết lý nữ quyền nhưng vẫn tạo nên những dấu ấn riêng biệt đầy cảm xúc. Nếu Grace Shelby, người phụ nữ duy nhất chiếm được tình yêu của ông trùm Tommy, luôn gắn liền với phong cách trang nhã, sang trọng, thì Polly Gray và Ada Shelby, hai “nữ trụ” của băng đản khét tiếng lại nổi bật với phong cách flapper phóng khoáng và nổi loạn đặc trưng của thập niên 30 và 40.
La La Land (2016)
Lấy bối cảnh thời hiện đại nhưng xoay quanh âm hưởng nhạc Jazz, La La Land mang đến một màu sắc vintage rất riêng biệt. Để tái hiện phong cách thập niên 60, NTK Mary Zophres đã phải xem lại hàng loạt bộ phim nổi tiếng về thời kỳ đó để lấy cảm hứng. Ở đoạn mở đầu, hình ảnh các thanh niên đường phố Los Angeles nhảy múa trên nóc ô tô trong những trang phục màu sắc sinh động như đỏ, cam, xanh dương, xanh lá,… phần nào thể hiện hoài bão, khát vọng tự do, thoát khỏi ràng buộc của tuổi trẻ. Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo của thời trang những năm 60.
Phong cách thời trang của nhân vật Mia do Emma Stone thủ vai được lấy cảm hứng từ những huyền thoại như Julie Christie, Grace Kelly, Katharine Hepburn và Ingrid Bergman. Trong suốt bộ phim, Mia hầu hết mặc đầm mini thắt eo dáng chữ A cổ điển và kín đáo – kiểu đầm nổi bật nhất thập niên 1960. Màu sắc trong phim không đơn thuần là thời trang mà còn khắc họa nên chuỗi cảm xúc của nhân vật. Ở những cảnh mô tả tâm trạng tươi vui, các diễn viên sẽ “auto” diện những bộ váy màu sặc sỡ. Và khi những mộng mơ đã qua, sắc màu trên trang phục cũng bắt đầu chuyển sang trầm và tối. Ở những phân cảnh cuối phim, NTK gạo cội đã chọn cho cô nàng một chiếc váy đen nhuốm màu hiện thực tiếc nuối.
The Queen’s Gambit (2020)
Thời trang trong The Queen’s Gambit là một kim chỉ nam tinh tế, được cài cắm nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nữ Kiện tướng cờ vua do Anya Taylor-Joy thủ vai cũng bị thu hút bởi những trang phục họa tiết kẻ sọc, vốn tượng trưng cho bàn cờ. Xuyên suốt các tập phim, họa tiết kẻ ô vuông xuất hiện dày đặc trên các item khác nhau của Beth Harnon như chiếc áo sơmi ngắn tay mang phong cách pop art, váy yếm hay những chiếc áo khoác dáng dài. Bộ phim còn xuất hiện những “phát minh” thời trang nổi bật vào những năm 60 của thế kỷ trước như chân váy mini, “bảo chứng” của cuộc cách mạng về lối ăn vận của phái đẹp, hay chiếc quần cắt gấu gợi nhớ đến Audrey Hepburn.
Nhóm thực hiện
Bài: Phùng Nhi Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE