Phong cách đặc trưng thời trang thập niên 60
Thập kỷ này được đánh dấu bằng sự thay đổi trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ mạnh mẽ của văn hóa thanh thiếu niên – những người trẻ từ chối sự ràng buộc và tạo nên phong cách thời trang cho riêng mình
Phong cách ăn mặc có thể phản ánh những quan điểm đặc trưng của thời đại, và điều này chắc chắn đúng với thời trang thập niên 60. Thập kỷ này được đánh dấu bằng sự thay đổi trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ mạnh mẽ của văn hóa thanh thiếu niên – những người trẻ từ chối sự ràng buộc và tạo nên phong cách thời trang cho riêng mình. Các nhà thiết kế cũng tiếp cận thời trang một cách tự do và táo bạo hơn. Quần áo thời kỳ này đã phá vỡ những quy tắc, luật lệ cứng nhắc của các thập kỷ trước. Xã hội không còn quyền quyết định trang phục nào được mặc, khi nào và do ai; không còn sự phân chia “trang trọng” và “đời thường”; không còn sự phân biệt nam hay nữ. Nó mở ra một thời kỳ phát triển sôi động và đầy cảm hứng sáng tạo cho thời trang.
Mod Fashion
Mod là từ viết tắt của “modern”, đề cập đến một lối sống của thanh thiếu niên nổi lên ở Luân Đôn trong suốt những năm 1960s và nhanh chóng lan rộng ra châu Âu, Mỹ và Úc. Là trung tâm của văn hóa nhạc pop, nghệ thuật và cảm hứng thời trang ở Luân Đôn, Mod nhấn mạnh sự cách tân và những thứ mới mẻ.
Thời trang Mod nổi bật với yếu tố slim-fit (hướng đến sự vừa vặn, phù hợp), nhấn mạnh các kiểu dáng, họa tiết hình học và màu sắc tươi sáng. Đặc biệt, thời kỳ này bắt đầu xuất hiện quần áo may sẵn được sản xuất hàng loạt với giá cả phải chăng.
Nhiều nhà thiết kế cũng nổi lên trong thời kỳ này, đặc biệt là Mary Quant – người góp phần đưa chân váy mini trở thành món đồ must-have của mọi cô gái Mod.
Thời trang Mod đạt đến đỉnh cao trong khoảng giữa những năm 60s và bắt đầu suy giảm vào những năm 1966 – 1967.
Váy mini (mini-skirt)
Một trong những điều đáng nhớ của thời trang thập niên 60 chính là sự ra đời của chiếc váy mini (mini-skirt). Cho đến thời điểm đó, váy và đầm vẫn dài qua đầu gối, việc một chiếc váy ngắn để lộ đùi chưa từng được nhìn thấy ở nơi công cộng và khi xuất hiện, nó gây ra nhiều tranh cãi.
Tại Cup Melbourne năm 1965, người mẫu Jean Shrimton mặc một chiếc đầm suôn màu trắng cao hơn đầu gối, cô cũng không mang tất, găng tay và mũ. Trang phục của Shrimton bị xem là khiếm nhã và gây xôn xao trên khắp các đầu báo. Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ, trang phục này lại trở nên phổ biến rộng rãi.
Váy mini không chỉ đại diện cho một dấu ấn thời trang mà nó còn trở thành biểu tượng của một nền văn hóa đầy tính nổi loạn trong những năm 1960s. Những người trẻ tuổi từ chối các tiêu chuẩn xã hội trong quá khứ và thể hiện thông qua cách ăn mặc của họ. Nhiều thành viên của phong trào nữ quyền xem váy mini như một yêu sách về quyền của phụ nữ, là cách mà phụ nữ tự hào về cơ thể và phơi bày chúng như mong muốn.
Hippie Fashion
Đối lập với thời trang Mod là phong cách Hippie. Văn hóa Hippie xuất hiện từ bờ Tây của châu Mỹ và lan rộng từ giữa những năm 60s trở đi. Các khu vực Haight-Ashbury ở San Francisco và Greenwich Village tại thành phố New York là điểm nóng về thời trang Hippie.
Thời trang Hippie đại diện cho phong trào chống lại chủ nghĩa tiêu thụ hay chủ nghĩa vật chất, chính vì vậy quần áo và phụ kiện thường được làm bằng tay hoặc mua từ chợ trời. Trang phục đặc trưng là đầm maxi, quần jean ống loe, áo vải rũ, áo cánh, các họa tiết, màu sắc, chất liệu lấy cảm hứng từ phương Đông, Ấn Độ, từ cuộc sống du mục. Sandals là lựa chọn phổ biến, đàn ông thường để tóc dài, râu dài còn phụ nữ từ chối trang điểm, họ rũ bỏ mọi chuẩn mực về chưng diện. Tất cả là những gì tự nhiên nhất, hoang dại nhất, tự do nhất, không còn phụ thuộc vào sự phán xét xã hội, vật chất hay ham muốn cá nhân, những điều đó khiến cho Hippie luôn là một nguồn cảm hứng bất tận cho cả lối sống lẫn sáng tạo thời trang ngày hôm nay.
Xem thêm:
Tìm hiểu xu hướng thời trang thập niên 50
1 món đồ 2 phong cách: Thời trang thập niên 70
Sự trở lại của phong cách thời trang thập niên 60
Một ngày mới với cảm hứng thời trang thập niên 60
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: Tư liệu