Trong hình dung của số đông, một người theo đuổi ngành thời trang thì chính bản thân họ cũng sẽ trông thật sành điệu và cầu kỳ. Không thể như Cher Horowitz trong Clueless thì cũng phải sở hữu đôi ba phần của Elle Woods trong Legally Blonde. Sinh viên thời trang đọc vị mọi xu hướng, sưu tầm những món đồ trendy và biến trường học thành tuần lễ thời trang? Cho dù có khả năng làm thế, áp lực mặc đẹp mỗi ngày từng khiến tôi ám ảnh và ái ngại.
Thời gian đầu ở trường đại học, tôi đã thất vọng vì chính mình khi nhận được đánh giá về phong cách “không hề thời trang” từ một người bạn khác ngành. Tôi cố gắng thức sớm hơn và sửa soạn chỉn chu đến trường nhưng rồi việc đó không thể trở thành một thói quen.
Người ta hay nói rằng: “Sảnh của những trường đại học có ngành thời trang luôn lung linh như một sàn diễn”, điều đó chỉ đúng vào một vài ngày đặc biệt. Đa số những ngày thường, chúng tôi mặc gì cũng không thể mặc kệ deadline! Với nhiệt độ trung bình 27 độ C ở Sài Gòn, tôi sẽ tự nung chảy mình nếu khoác lên người những bộ cánh dày cộm và nhiều lớp để đứng giữa vô số vải vóc đang chờ được “mổ xẻ”. Tôi sẽ tự kìm kẹp chính mình nếu chọn cao gót thay vì giày bệt trong quá trình dựng đồ và sử dụng máy may…
Tuy nhiên, mặc đẹp dù lấy đi sự thoải mái và linh động, với những người đam mê quần áo như chúng tôi, đó vẫn là một cách “sạc” lại năng lượng sau chuỗi ngày “vật lộn” với đồ án. Trường tôi học mỗi năm ngành Thời trang tuyển chọn hơn 50 sinh viên, tính tổng 4 khoá thì có hơn 200 sinh viên – 200 cá tính khác biệt trong một trường. Vậy, sinh viên thời trang thực sự mặc gì để vừa tự do thao tác vừa giải phóng cái tôi?
BÀI LIÊN QUAN
Second-hand, First-Choice
Cùng bạn bè hẹn nhau ra chợ Hoàng Hoa Thám săn áo quần, chợ Bàn Cờ săn phụ kiện (túi, nón, giày, đồng hồ,…), len lỏi vào những con hẻm nhỏ của Sài Gòn và vượt đường xa để tìm đến một shop đồ si mới đã trở thành “lịch trình” thường nhật của chúng tôi. Một vài cửa hàng secondhand yêu thích của tôi có thể kể đến như: Mập Thôn Village với phong cách đậm chất Hồng Kông; 2.abnormal với những chiếc corset vintage quyến rũ,… Các cửa hàng đồ si trên Instagram không thể thiếu trong danh sách following của sinh viên thời trang. Như bất kỳ tín đồ nào khác, chúng tôi cũng kiếm tìm vẻ đẹp có một không hai và luôn nhận thức rõ ràng về vấn đề môi trường.
Local-cool-Brands
Các local brand với mức giá vừa phải, đa phong cách luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của sinh viên thời trang. Tôi đã quan sát được rất nhiều bạn bè vừa “chất ngất” vừa đáng yêu với trang phục của aeie studios, vui mắt như những viên kẹo ngọt với thiết kế của TARTAN, hay đôi khi trở về với sự tối giản cùng làminapparel,… Gần đây, Chợ Trời Band đang “lọt vào tầm ngắm” của hội sinh viên quanh tôi vì cách chơi màu sáng tạo và thông điệp dí dỏm.
Bên cạnh đó, tính bền vững cũng là một điểm cộng. Các thương hiệu chú trọng vào tác động của ngành may mặc đến môi trường thực sự chiếm được cảm tình của chúng tôi. Những item độc đáo được tạo nên từ vải vụn của Môi Điên xuất hiện thường xuyên tại giảng đường.
Biến ĐỒ ÁN thành OOTD, tại sao không?
Đồ án cá nhân như những “đứa con tinh thần” của sinh viên thời trang. Thay vì cất nó vào một xó trong tủ đồ, tôi thường cố gắng kết hợp với outfit hàng ngày để khẳng định rằng, nghệ thuật cũng có thể mang tính ứng dụng. Đồ án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sự phá cách, độc nhất và là niềm tự hào của mỗi sinh viên, trên hết, mặc đồ mình thiết kế cũng chính là một cách truyền thông hiệu quả.
Trước khi tốt nghiệp chuyên ngành thời trang, tôi chưa từng muốn bỏ bê bản thân và phá tan tưởng tượng của người ngoài về thế giới “phù phiếm” của mình, nơi muôn màu những phong cách độc đáo và hào nhoáng. Nhưng tương tự như ngành biểu diễn, hậu trường là khu vực vận hành của trí óc và tay nghề thủ công, nơi sáng tạo được thăng hoa và nhờ đó, tôi mới có thể nhận được thật nhiều lời đánh giá về vẻ ngoài của mình khi kết màn ở một show diễn nào đó trong tương lai!
Nhóm thực hiện
Bài: Huỳnh Hương
Ảnh: Tổng hợp