Văn sĩ và phong cách thời trang – Hơn cả những màn hóa thân

Đăng ngày:

Joan Didion, nữ văn sĩ người Mỹ vừa qua đời vào ngày 23/12/2021, là cảm hứng cho vài dòng suy nghĩ sau đây về văn học và thời trang. Nhà văn Hiền Trang trong bài viết tri ân Joan trên trang cá nhân cũng đã viết: “Phụ nữ có thể vừa đẹp vừa thông tuệ được không?”, như lời gợi mở về một đề tài đáng suy ngẫm.


 PHONG THÁI CỦA JOAN DIDION

“Style is character”, câu nói nổi tiếng của tiểu thuyết gia và nhà tiểu luận Joan Didion, trích từ bài phỏng vấn trên tạp chí văn học The Paris Review năm 1978, là sự biểu lộ trọn vẹn hai khía cạnh gắn liền với tên tuổi của bà. Có lẽ bạn đã nhìn thấy hình ảnh Joan trong chiến dịch thời trang Xuân-Hè 2015 của Céline dưới thời Giám đốc Sáng tạo Phoebe Philo. Ở tuổi 80, nữ văn sĩ lừng danh của văn học Mỹ thế kỷ 20 với mái tóc bạc nhẹ như tơ vương, kính mát tuyền đen, mặt dây chuyền vàng nhẹ nhàng ửng sáng trên chiếc áo nỉ đen mềm mại – dưới lăng kính của nhiếp ảnh gia Juergen Teller – là sự biểu đạt hoàn hảo khí sắc của “người phụ nữ Céline” trong giai đoạn giữa thập niên 2010: trí thức, thanh lịch, thông minh, sâu sắc và trưởng thành.

văn sĩ Joan Didion trong quảng cáo Celine

Joan Didion trong quảng cáo của Céline qua ống kính của Juergen Teller. (Ảnh: Céline)

Ở khía cạnh văn chương, câu nói “Style is character” trong bài phỏng vấn với The Paris Review nằm trong ngữ cảnh khi bà và người phỏng vấn đang bàn về văn phong, hay cảm quan và lý tính cùng những mối lưu tâm của các tác gia nữ trong quá trình sáng tác và đàm luận. Tương tự như thời trang – vốn bị phần đông xã hội mặc định là phạm trù riêng biệt của nữ giới – vai trò, tiếng nói, và giá trị của phụ nữ trong sáng tác văn chương, nghệ thuật, hay là nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh, văn học… vẫn đang gợi mở nhiều câu hỏi trong giới trí thức, học thuật, lẫn công chúng, và là đề tài tranh luận sôi nổi.

Sự thành danh của Joan trong thập niên 1960-70 gắn liền với một thời kỳ hoàng kim, khi giới trí thức được trọng vọng và xem như là “siêu sao” trong xã hội Mỹ. Giữa bầu không khí sôi nổi mà nhà văn là hiện tượng (cũng như là thần tượng) trong mắt công chúng, hình ảnh Joan Didion bộc lộ cho người xem trên những trang báo hay phóng sự đưa tin là sự giản đơn cùng cực mà ngày nay, ta hay gọi là “tối giản”. Trong bộ ảnh chân dung nổi tiếng do Julian Wasser chụp cho bài viết về bà trên tạp chí Time năm 1969 (sau thành công vang dội của Slouching Towards Bethlehem, tập tiểu luận được bà ra mắt một năm trước đó), Joan mặc chiếc váy suông dài cùng đôi dép sandal, điếu thuốc thường trực trên tay, lọn tóc dài chấm vai buông lơi trên gò má. Thân hình mảnh dẻ, ánh nhìn trầm mặc, những bộ quần áo giản dị nhưng không xuề xòa – là “công thức” tưởng chừng dễ dàng vận dụng để làm nên một huyền thoại. Nhưng ở Joan, cốt lõi làm nên sức hút mà giới mộ điệu cho đến nay vẫn không khỏi khắc khoải, không chỉ nằm ở phong cách ăn mặc của bà, mà là người phụ nữ diện lên những bộ đồ ấy.

văn sĩ Joan Didion phong cách tối giản

Bức ảnh Joan Didion do Julian Wasser chụp với phong thái thời trang “đặc trưng” của bà: trang phục tối giản, mái tóc xõa tự nhiên và điếu thuốc thường trực trên tay. (Ảnh: Time)

Hay nói cách khác, cốt cách là tinh thần, và tinh thần là cốt cách. Joan Didion nổi danh nhờ lối viết sáng sủa đậm chất thơ, sự chuẩn xác mạch lạc trong từng câu chữ cảm hoài được trái tim và tư duy dẫn lối mà cho đến nay, sức ảnh hưởng của bà vẫn còn in dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng của các cây viết trẻ đương đại. Dù đó là luận bàn về dòng chảy lịch sử, chính trị, văn hóa – xã hội đương thời, hay những dòng suy tưởng về nỗi đau mất mát cá nhân, các tác phẩm tiểu luận hay tiểu thuyết của Joan luôn ánh lên một phẩm cách thuần hậu, thông tường nhưng không ngạo nghễ, chân tình nhưng vẫn tinh anh.

chân dung Joan Didion trong trang phục ở nhà

Chân dung Joan Didion trong trang phục đơn giản tại nhà. (Ảnh: Julian Wasser)

Và có chăng, nhân cách ấy không chỉ phản chiếu trong lời văn của bà, mà còn được bộc lộ một cách tài tình nhưng vô cùng tự nhiên trong phong thái ăn mặc. Trong cuốn tiểu luận The White Album (1979), Joan đã ghi ra một danh sách những món đồ mà bà luôn sửa soạn trước mỗi chuyến công tác trong vai trò nhà báo, gồm: “2 chân váy, 2 áo jersey hay leotard, 1 áo nỉ, 2 đôi giày, vớ, áo lót, đầm ngủ, dép đi trong nhà, thuốc lá, rượu bourbon, […], chăn len, máy đánh chữ, 2 sổ ghi chép và bút viết, tài liệu, chìa khóa nhà”. Bà chỉ ra, chúng là những vật dụng thiết yếu trang bị cho mọi hoàn cảnh: trang phục bình thường đến nỗi bà có thể hòa mình vào bất kỳ môi trường văn hóa nào cần tác nghiệp, chăn len để giữ ấm trên máy bay hay phòng trọ với điều hòa luôn bật, rượu bourbon cũng là để dùng trong căn phòng ấy, máy đánh chữ để dùng tại sân bay và khi về lại thành phố.

Joan Didion năm 1977

Joan Didion năm 1977. (Ảnh: AP)

VĂN SĨ VÀ CÁCH ĂN MẶC

Văn sĩ có thể không để tâm nhiều đến cách họ ăn mặc, nhưng nếu nói họ không lưu tâm đến thời trang lại không hẳn là đúng. Giữa văn sĩ và thời trang tưởng chừng hiện diện một khoảng cách khá lớn, rằng công việc sáng tác của họ luôn được xem là nghiêm túc và thuần về tri thức, trái ngược với vẻ hào nhoáng và phù phiếm của thời trang. Nhưng nhìn lại trên những trang sách mà ta hằng trân trọng, chẳng phải các tác giả luôn dành không ít thời gian mô tả trang phục, dáng vẻ, và điệu bộ của nhân vật hay sao? Và chính từ những nét gợi tả chân thực hoặc ngay cả cường điệu hóa ấy, tâm trí ta luôn tự khắc mường tượng ngay được tâm tính, vai vế, và cả thế giới xung quanh nơi các nhân vật đang sinh tồn.

văn sĩ và những phong cách thời trang

(Ảnh: ELLE Vietnam)

Thời trang ở đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt tưởng như không xóa nhòa được giữa tính ứng dụng của quần áo thường nhật với những bộ cánh diễm lệ ở các sự kiện thời trang hay thảm đỏ. Chắc hẳn trong không ít tâm trí bạn đọc, hình ảnh của các văn sĩ trong quá trình sáng tác thường gắn liền với những bộ quần áo sờn cũ, tóc tai rối bời, hay phòng làm việc có phần rối rắm chất đầy những tài liệu tham khảo. Hoặc trong Từ điển Tiếng Việt (Lần xuất bản thứ năm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997), “xuề xòa” được định nghĩa là “dễ dãi và giản dị”. Nhưng trong trường hợp của Joan Didion và không ít các văn sĩ khác, “giản dị” không thực chất đồng nghĩa với “dễ dãi”.

Tom Wolfe (1930-2018) là tác gia và nhà báo người Mỹ nổi danh không chỉ với những bài tiểu luận và tiểu thuyết mang tính châm biếm và phê bình sắc sảo về chính trị, xã hội, nghệ thuật và kiến trúc Mỹ, mà còn bởi những bộ suit trắng mà ông luôn trung thành vận lên người mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Ông từng nói: “Gia cảnh hay thân thế của bạn luôn được phản ánh và bộc lộ trên từng đường kim mũi chỉ làm nên thứ quần áo mà bạn diện lên người”. Tom Wolfe không hẳn xuất thân từ một gia đình thượng lưu, nhưng ông nhận ra tầm quan trọng của lối ăn mặc không chỉ chỉn chu mỗi khi xuất hiện trước công chúng, mà còn phần nào phác họa hình tượng hay phản ánh những giá trị mà người viết tin tưởng đại diện, đồng thời củng cố thêm độ cảm nhận và những hình dung trong tâm tưởng của người đọc về giọng văn, đề tài, hay “phong cách” mà người viết thể hiện trong các tác phẩm sáng tác.

văn sĩ Tom Wolfe

Nhà văn Tom Wolfe luôn xuất hiện với bộ suit trắng chỉn chu. Đó cũng là cách ông thể hiện những giá trị văn hóa mà mình theo đuổi. (Ảnh: Dave Buresh)

Sự biểu lộ ấy không nhất thiết gắn liền với những bộ cánh đo may đỏm dáng hay đắt tiền, vì mỗi nhà văn, cây viết sẽ sở hữu một phong thái riêng trong cách hành văn lẫn bản thể mà họ chọn phô bày trước công chúng. Ở thế kỷ 21, công chúng yêu văn học nghệ thuật chắc hẳn đã quen với niềm đam mê của Haruki Murakami với những chiếc áo thun mà gần đây, là đề tài của cuốn sách Murakami T: The T-shirts I Love ông ra mắt vào tháng 11/2021, kèm BST áo thun hợp tác cùng thương hiệu Uniqlo. Hay việc nữ văn sĩ người Anh Zadie Smith là gương mặt trang bìa của tạp chí The Gentlewoman (năm 2016). Zadie thường xuất hiện cùng dải vải quấn quanh đầu đại diện cho danh tính gốc Jamaica vì mẹ cô là người nhập cư ở Anh.

thời trang của văn sĩ Haruki Murakami

Haruki Murakami. (Ảnh: Corbis)

thời trang của văn sĩ Zadie Smith

Zadie Smith. (Ảnh: Eamonn McCabe/ Getty Images)

Nhà văn – nhà tiểu luận người Mỹ David Foster Wallace (1962-2008) vốn gắn liền với cặp kính thư sinh, khăn bandana, quần shorts, áo thun và giày thể thao dân dã như phần nào thể hiện bản tính phóng khoáng tưởng chừng xuề xòa. Nhưng thực tế, bao hàm trong những lựa chọn ăn mặc ấy, dù ít hay nhiều, vẫn là sự nhận thức sâu đậm về giá trị hình ảnh mà thời trang góp phần định hình – rằng ẩn sau bề ngoài chân phương này là một bộ óc trí thức lỗi lạc, hay vẻ ngoài “không quan tâm đến thời trang” vẫn là một tuyên ngôn giá trị về thời trang và phong cách cá nhân.

phong cách thời trang của David Foster Wallace

David Foster Wallace. (Ảnh: Steve Liss/Time Life/Getty)

Gần đây nhất, hình ảnh nhà thơ trẻ Amanda Gorman khẳng khái đọc bài thơ của cô trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 01/2021 cũng không thể tách rời với sắc vàng tươi sáng của chiếc áo khoác Prada mà cô diện lên người. Thông điệp mà cô muốn mang lại là cái nhìn hy vọng hướng về tương lai, niềm tự hào dân tộc bước lên từ lịch sử đau thương trong quá khứ. Sắc vàng “hoàng yến” ấy cũng được lặp lại và trở thành hình ảnh biểu tượng khi Amanda là nhân vật trang bìa của tạp chí Time vào tháng 02/2021.

thời trang của Amanda Gorman

(Ảnh: Chris Kleponis/ CNP/ ABACA/ Reuters)

Nhắc đến đây, hẳn bạn đọc đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa thời trang và văn hóa, rằng tầm ảnh hưởng của Joan Didion, Zadie Smith, Amanda Gorman… không chỉ gói gọn trong các tác phẩm văn chương, mà họ còn là những nhân vật đại diện cho tinh thần và tiếng nói của thời đại đến nỗi, giới trí thức và làng mộ điệu thời trang quốc tế – vốn say mê với lịch sử văn hóa và những trạng thái biểu đạt của các nghệ sĩ đương đại – luôn không ngừng tò mò, háo hức và kiếm tìm cảm hứng từ những cá thể nội lực này. Bởi sức hút từ giọng văn của họ không chỉ được biểu đạt trên trang sách, mà còn được thể hiện ở những lựa chọn tinh tường trong hình ảnh và cách diễn ngôn thể hiện đến công chúng, được tôn vinh trên những trang báo, phương tiện truyền thông trong nền văn hóa đại chúng.

Nhóm thực hiện

Bài: Quyên Hoàng
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more