Thời trang / Thế giới thời trang

20.000 phụ nữ Nhật phản đối việc bắt buộc đi giày cao gót nơi công sở

Hàng chục nghìn người tham gia phong trào #KuToo kêu gọi chính phủ Nhật Bản ban lệnh cấm các công ty bắt buộc nhân viên nữ mang giày cao gót đi làm.

Một nhóm phụ nữ Nhật Bản đã nộp đơn đến chính phủ để phản đối việc các công ty ép nhân viên nữ mang giày cao gót khi đi làm. Phong trào mang tên #KuToo, một cách chơi chữ từ tên của chiến dịch nữ quyền #MeToo, kết hợp với từ kutsu, có nghĩa là giày, và kutsuu, có nghĩa là nỗi đau trong tiếng Nhật. Nữ diễn viên, nhà văn hành nghề tự do Yumi Ishikawa là người đã khởi xướng chiến dịch này và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của hàng chục nghìn người, đặc biệt là cộng đồng mạng.

yumi ishikawa người khởi xướng phong trào #KuToo phản đối công ty nhật ép buộc nhân viên nữ mang giày cao gót khi đi làm
Yumi Ishikawa là người khởi xướng phong trào #KuToo. (Ảnh: Charly Triballeau)

Tại Nhật Bản, việc mang giày cao gót được cho là gần như bắt buộc khi đi xin việc hoặc làm việc tại các công ty. Sau buổi gặp mặt nhân viên của Bộ Lao động, Ishikawa đã nói với các phóng viên: “Hôm nay, chúng tôi đã nộp đơn kêu gọi lệnh cấm các công ty ép phụ nữ mang giày cao gót đi làm. Hành động đó giống như là quấy rối và phân biệt giới tính vậy”.

Nữ diễn viên chia sẻ, một nữ nhân viên chính phủ đã đồng cảm với Ishikawa. Những người phụ nữ khác tham gia phong trào và nói rằng đây là lần đầu tiên tiếng nói của họ được gửi đến Bộ Lao động Nhật Bản.

phong trào kutoo phản đối mang giày cao gót tại các công ty nhật bản
(Ảnh: Kim Kyung Hoon)

Tuy nhiên, hiện tại, các quan chức của Nhật Bản vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.

Một vài chuyên gia nói rằng đây là vấn đề có nguồn gốc nằm sâu trong văn hoá Nhật Bản, cụ thể là việc trọng nam khinh nữ. Năm ngoái, một thành viên của chính phủ Nhật Bản còn nói rằng, phụ nữ nên có nhiều con, và những người phụ nữ độc thân sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội sau này.

Đầu năm 2019, Ishikawa đã đăng trên Twitter phê phán việc yêu cầu phụ nữ phải mang giày cao gót khi đi làm công việc nhà hàng khách sạn. Bài đăng này sau đó đã được chia sẻ một cách nhanh chóng và rộng rãi, giúp cô có thêm động lực để khởi xướng phong trào #KuToo.

Những người ủng hộ phong trào này nói rằng, hành động ép mang giày cao gót không khác gì tập tục bó chân ở Trung Quốc lúc xưa. Không chỉ phản đối việc ép mang giày cao gót, phong trào #KuToo còn yêu cầu nới lỏng quy định đàn ông phải luôn luôn mặc vest khi đi làm. Ngoài ra, Ishikawa còn nói rằng những ai yêu thích mang giày cao gót thì vẫn có quyền để tiếp tục làm điều đó. Thậm chí, đàn ông cũng có thể mang nếu họ muốn.

trang phục công sở phụ nữ nhật bản mang giày cao gót đen
(Ảnh: Spotmatik)

Năm 2016, một chiến dịch tương tự cũng đã được phát động ở Anh để phản đối việc mang giày cao gót khi đi làm. Hơn 150.000 người đã kí đơn để ủng hộ nhân viên lễ tân Nicola Thorp – người bị cho thôi việc chỉ vì mang giày đế bằng khi đi làm.

Trường hợp này đã khiến nhiều nghị sĩ Anh suy xét lại về quy tắc ăn mặc nơi làm việc. Bởi trước đó cũng có nhiều trường hợp khác bắt buộc phụ nữ phải mang giày cao gót khi đi làm. Thậm chí đó là những công việc bao gồm cả việc leo thang, khuân vác, xách hành lý nặng, mang thức ăn và đồ uống lên xuống cầu thang và đi bộ một khoảng đường dài.

Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn từ chối thay đổi bộ luật, khẳng định rằng việc thay đổi quy tắc ăn mặc đã có sẵn trong Đạo luật Bình đảng 2010 (Equality Act 2010).

chiến dịch kutoo phản đối mang giày cao gót tại các công ty nhật bản
(Ảnh: Unsplash)

Năm 2015, giám đốc của LHP Cannes đã phải lên tiếng xin lỗi những người phụ nữ bị từ chối bước lên thảm đỏ vì không mang giày cao gót. Thế nhưng, sau đó Cannes vẫn giữ nguyên dress code, mặc cho nữ diễn viên Julia Roberts đi chân trần đến LHP vào năm 2016 để phản đối hành động này.

julia roberts đi chân trần đến cannes 2017
Diễn viên Julia Roberts đi chân trần trên thảm đỏ LHP Cannes năm 2016. (Ảnh: Anne-Christine Poujoulat)

Năm 2017, tỉnh British Columbia ở Canada đã cấm các công ty ép buộc nhân viên nữ mang giày cao gót, nói rằng hành động này là nguy hiểm và mang tính phân biệt đối xử.

Đầu năm nay, Norwegian Air bị chỉ trích vì yêu cầu thành viên nữ trong phi hành đoàn phải mang giấy xác nhận của bác sĩ nếu như họ muốn mang giày đế bằng khi đi làm. Ingrid Hodnebo – phát ngôn viên của Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa tại Na Uy mỉa mai rằng hãng hàng không này giống như bị mắc kẹt trong “vũ trụ Mad Men ở thập niên 50 và 60”.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Kỳ Duyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Guardian
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)