Thời trang / Thế giới thời trang

Phong trào #MeToo và những thay đổi tích cực trong nghề người mẫu

Giới hạn người mẫu trên 16 tuổi, phòng thay đồ riêng dành cho người mẫu và tần suất xuất hiện của người mẫu da màu là những thay đổi của ngành công nghiệp thời trang nhằm nâng cao điều kiện sức khỏe và môi trường làm việc của người mẫu.

Phong trào #MeToo và những thay đổi tích cực trong nghề người mẫu

Phong trào #MeToo với xuất phát điểm nhằm chống quấy rối và lạm dụng tình dục phụ nữ

Nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ tháng 10 năm 2017, hiệu ứng lan rộng của phong trào #MeToo đã tạo nên thay đổi nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực xã hội. Ngành công nghiệp thời trang không nằm ngoài những tác động đó. Tháng 10 năm 2017, người mẫu – nhà hoạt động Cameron Russel đã lên tiếng về tình trạng quấy rối tình dục trong giới thời trang và chia sẻ những câu chuyện thật về người mẫu trên tài khoản Instagram.

Phong trào #MeToo mở ra những cơ hội để mặt trái của nghề người mẫu, đặc biệt với nữ người mẫu trên khía cạnh điều kiện sức khỏe và tính an toàn được đề cập cởi mở, đối thoại và tìm ra giải pháp.

Người mẫu trên 16 tuổi và phòng thay đồ riêng

Giới hạn độ tuổi và nâng cao điều kiện sức khỏe cũng như môi trường lao động là những thay đổi nổi bật của ngành công nghiệp thời trang khi ngày càng hướng tới bảo vệ người mẫu và chống lại nạn lạm dụng, ngược đãi. Điều đặc biệt, những chính sách, điều luật, quy định từ nhiều phía như hãng thời trang, hiệp hội các nhà thiết kế đến hiệp hội người mẫu đã thúc đẩy thay đổi tích cực trong ngành công nghiệp, và thông điệp của phong trào #MeToo là một ví dụ.

LVMH và Kering, hai tập đoàn sở hữu những thương hiệu nổi bật nhất như Gucci, Louis Vuitton, Saint Lauren, Givenchy, Balenciaga, Celine đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt như cấm người mẫu dưới 16 tuổi thể hiện phần trình diễn người lớn. Người mẫu dưới 18 tuổi phải đáp ứng các yêu cầu học tập tại nhà trường và có người giám hộ.

phong trào #Metoo người mẫu Kaia Gerber
Kaia Gerber, năm nay 17 tuổi, là gương mặt trình diễn ưu ái của Chanel, Calvin Klein và nhiều hãng lớn. (Ảnh: People)

Ngoài giới hạn độ tuổi, các yêu cầu nhằm đảm bảo sức khỏe như cấm người mẫu size 0 tham gia trình diễn, chứng nhận sức khỏe của người mẫu trong vòng 6 tháng, các hãng cung cấp phương tiện đón người mẫu trình diễn sau 8 giờ tối. Đặc biệt, người mẫu có quyền bày tỏ những điều chưa vừa ý về công ty quản lý, giám đốc tuyển chọn hay nhãn hàng. LVMH và Kering hy vọng sức ảnh hưởng của 2 tập đoàn sẽ tạo ra đổi thay trong ngành công nghiệp thời trang và chào đón sự ủng hộ của các thương hiệu thời trang khác.

#MeToo Người mẫu New York
Người mẫu trình diễn tại Tuần lễ Thời trang New York (Ảnh: Imaxtree)

Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) cũng có động thái liên quan đến giới hạn tuổi và đảm bảo điều kiện sức khỏe người mẫu trước Tuần lễ thời trang New York. CFDA khuyến khích các thành viên của mình không sử dụng người mẫu dưới 18 tuổi tham gia trình diễn, tương tự với tuyên bố gần nhất của Conde NastVogue về việc không làm việc với người mẫu dưới 18 tuổi.

Kết nối với phong trào #MeToo, 18 tuổi được tính là độ tuổi đủ khả năng để nhận biết một cách chín chắn những điều đang diễn ra xung quanh, cũng như khả năng giải quyết tình huống của người lớn. Ngoài ra, Sáng kiến Sức khỏe của CFDA cập nhật thông tin đường dây hỗ trợ các nạn nhân bị quấy rối tình dục.

#MeToo người mẫu New York
Người mẫu trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York (Ảnh: Imaxtree)

Trong thời gian diễn ra Tuần lễ thời trang New York, CFDA kết hợp với câu lạc bộ thể thao cung cấp địa điểm yoga và thư giãn cho người mẫu. Điều đặc biệt gây chú ý và nhận được sự hưởng ứng của Hiệp hội Người mẫu là việc đề nghị nhà sản xuất xây dựng phòng thay đồ riêng cho người mẫu nhằm tạo ra không gian cá nhân, tránh trường hợp bị quay phim hoặc chụp ảnh sau hậu trường. Sáng kiến này tương thích với tác động mạnh mẽ của phong trào #MeToo và đảm bảo ngăn chặn bóc lột trong môi trường lao động.

#Metoo người mẫu Savage x Fenty
Phần trình diễn cho bộ sưu tập Savage x Fenty của Rihanna với sự đa dạng về người mẫu, không phân biệt thân hình hay màu da…(Ảnh: Imaxtree)

Hiệp hội Người mẫu, đại diện cho những người trực tiếp đối diện mặt trái của ngành công nghiệp thời trang, đã thúc đẩy chương trình RESPECT nhằm chống lại sự phân biệt đối xử và lạm dụng trong thời trang, giải trí và truyền thông. Khởi động trong tháng 5 năm 2018 với sự ủng hộ của 100 người mẫu, trong đó có những người mẫu nổi tiếng như Karen Elson, Doutzen Kroes, Teddy Quinlivan, Nathalia Novaes và Mila Jovovich, RESPECT đem đến bộ quy tắc ứng xử với sự điều phối của tổ chức phi chính phủ trung gian nhằm đảm bảo sự cam kết của các doanh nghiệp và các hiệp hội trong ngành.

RESPECT xây dựng kênh thông tin độc lập để nhận phản ánh và điều tra những quấy rối diễn ra trong ngành. Tính thực thi là điểm đặc biệt của RESPECT với Hội đồng Định hướng đánh giá, nhằm xây dựng hệ thống phản ảnh chân thực điều kiện lao động. RESPECT không chỉ bảo vệ người mẫu trực thuộc các công ty quản lý mà còn hướng tới người mẫu tự do không được hỗ trợ bởi luật lao động.

Bản thân các công ty quản lý bảo vệ người mẫu của mình qua việc tổ chức các buổi trò chuyện đề cập về tình trạng thực tế như biếng ăn, sức khỏe tinh thần, điều kiện tài chính.

Đa dạng trong nhận diện cá nhân

Ngành công nghiệp thời trang chứng kiến những thay đổi tích cực về tính đa dạng trong nhận diện cá nhân nhờ vào thành công của người mẫu như Adut Akech và Adesuwa Aighew. Vẻ đẹp không phụ thuộc vào màu da chủng tộc nhấn mạnh qua việc Vogue lựa chọn Beyoncé cho hình bìa tháng 9 được chụp bởi nhiếp ảnh gia da màu đầu tiên, cũng như Rihanna được lựa chọn là gương mặt trang bìa cho Vogue Anh, Naomi Campbell và Adwoa Aboah cùng xuất hiện trên bìa tạp chí Love hay Lupita Nyong’o duyên dáng trong số tháng 9 của Porter.

phong trào Metoo lupita nyong'o
Lupita Nyong’o là gương mặt trang bìa trong số tháng 9 của tạp chí Porter (Ảnh: Porter)

Bethann Hardison, nhà hoạt động xã hội nhận ra sự xuất hiện ngày một đông đảo của người mẫu Tây Phi trên các sàn diễn thời trang. Đây cũng là cách các nhà thiết kế nắm bắt vẻ đẹp đa dạng của người mẫu như một phần độc đáo của bộ sưu tập. Sự lựa chọn thông minh của các công ty tuyển chọn sẽ góp phần duy trì và phát triển sự đa dạng trong nhận diện cá nhân của ngành công nghiệp.

#MeToo Winnie Harlow catwalk Coach
Winnie Harlow đưa đến nhìn nhận mới về vẻ đẹp (Ảnh: Imaxtree)
phong trào metoo ngành người mẫu
Dàn người mẫu đa dạng đến từ 40 quốc gia trong buổi trình diễn của Pradal Gurung (Ảnh: Imaxtree)

Karl Lagerfeld, Giám đốc sáng tạo của Chanel đã có phát ngôn trái chiều về ảnh hưởng của phong trào #MeToo. Ông cho rằng, phong trào này sẽ khiến nhiếp ảnh gia không được phép yêu cầu người mẫu thực hiện những tạo dáng nhạy cảm và dễ gây hiểu lầm. Nhìn ở khía cạnh khác, phong trào #MeToo có thể tạo cảm hứng cho chính các nhà thiết kế thông qua việc đưa thông điệp tôn vinh nữ quyền vào các bộ sưu tập. Tính bền vững của phong trào #MeToo sẽ là câu hỏi trong tương lai. Điều đó cần sự đánh giá của bản thân người mẫu về việc những sáng kiến thay đổi có đem lại tác động tích cực đến điều sức khỏe và môi trường làm việc của họ hay không.

Tuy nhiên, chắc chắn đó không chỉ là thay đổi của một cá nhân hay nhóm mà là sự thay đổi toàn diện của nhiều nhóm đối tượng từ nhãn hàng, nhà thiết kế, công ty quản lý cho đến chính người mẫu, từ hệ thống đến nhận thức.

Xem thêm:

Người mẫu không tóc: Câu chuyện truyền cảm hứng về giá trị của ngoại hình khác biệt

Giám đốc sáng tạo của Chanel – NTK Karl Lagerfeld lên tiếng đả kích chiến dịch #MeToo

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: WWD, Huffington Post Ảnh: Tổng hợp  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)