Một chút thông tin về Dana Cohen: Cô tốt nghiệp tại trường Kỹ thuật và Thiết kế Shenkar vào năm 2015; cô là nhà thiết kế đoạt giải triển vọng của Green House Fashion Design – Vườn ươm thiết kế thời trang Israel bởi những thiết kế sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, mang giá trị bền vững vào các tác phẩm của mình.
NTK Dana Cohen. (ảnh: NVCC)
Tạp chí ELLE Việt Nam đã thực hiện cuộc phỏng vấn riêng với Dana Cohen để hiểu thêm hơn về công việc và cách cô xây dựng thương hiệu của mình theo hướng đi là thời trang bền vững.
1/ Tại sao bạn lại chọn hướng đi bền vững cho thương hiệu của mình?
Thời trang nhanh và ô nhiễm môi trường là những vấn đề nan giải trong xã hội hiện đại. Chính vì thế mà tôi lựa chọn thời trang bền vững như một sự cam kết cần thiết, để cân bằng với những thứ tiêu cực đang diễn ra trong ngành công nghiệp thời trang, đồng thời truyền cảm hứng đến với khách hàng của mình. Tôi muốn giúp mọi người nhận thấy tiềm năng của việc tạo dựng ra cái đẹp từ bất kể thứ gì; tuyệt vời hơn nữa là tạo ra một cuộc sống mới cho những món đồ cũ.
Vẻ đẹp của chất liệu tái chế. (ảnh: NVCC)
Ở thời điểm ban đầu, tôi từng có một năm rưỡi là du học sinh trong chương trình trao đổi sinh viên giữa Israel và Amsterdam. Quãng thời gian trải nghiệm tại Amsterdam giúp tôi nhận ra mọi thứ liên quan đến thời trang ở đây đều chú trọng yếu tố bền vững. Khi chỉ mới 16 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với việc may và biết rằng thời trang là dành cho mình. Quãng thời gian thu nhặt và sưu tầm các loại vải, chất liệu khiến tôi cảm thấy băn khoăn về việc tìm ra giải pháp để có thể tái chế phần dư thừa còn sót lại sau quá trình sử dụng. May mắn thay, tôi tìm được một nhà máy tại Israel chuyên về công nghệ tái chế vải. Tôi nhặt nhạnh và đi xin vải thừa, vải vụn từ các nhà máy xí nghiệp hay các trung tâm thu gom rác phân loại và tiến hành công cuộc tái chế của mình.
2/ Bạn có thể chia sẻ một chút về BST sưu tập mới nhất của mình? Ý tưởng đằng sau nó là gì?
BST mới nhất có tên gọi “City Growth” gồm 12 mẫu thiết kế. Ý tưởng đằng sau của BST này nhằm phản ảnh sự đô thị hóa phát triển quá nhanh ở khắp mọi nơi. Chính những tấm hình chụp từ trên không gian xuống Trái đất của NASA đã truyền cảm hứng cho tôi tạo nên BST này.
Những tấm hình chụp từ trên không của NASA thể hiện rõ sự đô thị hóa phát triển nhanh như thế nào bằng cách so sánh với những hình ảnh chụp được trong quá khứ. Chỉ trong vòng 40 năm, hiện trạng đô thị hóa diễn tiến và phát triển nhanh gấp 3 lần. Điều này tác động rất nhiều đến đời sống của tầng lớp người dân. Cha tôi là một người nông dân, việc phải chứng kiến đất canh tác của những người nông dân dần bị chuyển hóa thành nơi xây dựng nhà cao tầng trong công cuộc đô thị hóa khiến tôi cảm thấy phiền lòng. Phạm vi hoạt động của ngành nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đồng nghĩa với mật độ thực vật và cây cối cũng từ đó giảm đi, góp phần vào việc hiệu ứng nhà kính gia tăng và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh từ trên cao chỉ sự thay đổi ở khu vực canh tác của cha Dana. (ảnh: NVCC)
Bảng màu sắc của City Growth được lấy cảm hứng từ những những tấm hình chụp từ trên cao của NASA. (ảnh: NVCC)
Đối với phần thiết kế trong BST này, nếu nhìn vào các mẫu thiết kế mới thì bạn sẽ cảm thấy họa tiết thể hiện được cảm hứng sáng tạo của tôi. Sự phân tầng và tách bạch giữa các loại chất liệu cũng được thể hiện rõ. Quy trình khá đơn giản, đối với các loại chất liệu như vải dệt, len… tôi có thể tách sợi và dệt thành loại sợi mới tạo ra len hay nghiền nát và dùng thành phần này để sản xuất ra vải dạ (nỉ) bông xốp nhờ vào công nghệ nén ép các loại chất liệu có cùng tông màu tương đồng với nhau. Phong cách thiết kế của tôi thiên về sự nữ tính, lãng mạn và nhẹ nhàng.
BST “CIty Growth” được trình diễn lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay tại Tel Aviv Fashion Week. (ảnh: NVCC)
3/ Đồ án tốt nghiệp của bạn là BST “Worn Again” đã giúp bạn nhận được sự công nhận và dành được nhiều giải thưởng quan trọng. Bạn có thể chia sẻ thêm hơn về BST này?
Tôi đã mất đến 2 học kỳ (khoảng 8 tháng) để hoàn thành BST tốt nghiệp này. Khi bắt tay vào tạo dựng BST “Worn Again”, tôi đã phải cần nhờ đến sự trợ giúp của nhiều nhà máy khác nhau để có thể tái chế được các loại chất liệu. Với các BST tiếp theo của mình, tôi đã không cần phải nhờ cậy họ nhiều như trước nữa bởi tôi đã sở hữu những thiết bị này trong studio của riêng mình. Sở dĩ tôi có ngân sách để thực hiện điều này là vì “Worn Again” đã giúp tôi dành chiến thắng hai giải thưởng thiết kế quan trọng tại Israel, đó là giải thưởng Fini Leitersdorf Excellent Award trao tặng cho các tài năng thiết kế và giải thưởng Rozen Award cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào thời trang bền vững.
BST “Worn Again” đã giúp Dana giành được nhiều giải thưởng quan trọng. (ảnh: NVCC)
4/ Dựa vào kinh nghiệm của mình, bạn có thể đưa ra những nhận định về khó khăn và thuận lợi khi làm việc với chất liệu tái chế?
Việc làm việc với chất liệu tái chế khó khăn hơn nhiều so với các chất liệu thông thường vì nhiều công đoạn phải thực hiện bằng tay và công nghệ để dệt vải, xử lý chất liệu cũng khá phức tạp. Tuy nhiên, điểm thuận lợi khi làm việc với chất liệu tái chế theo phương cách của tôi thì không cần phải nhuộm vải. Các loại chất liệu tái chế khi được phân loại về cùng một màu sẽ tạo ra thành quả là màu sắc tương tự. Công nghệ và máy móc không phải là tân tiến hay mới mẻ, nhưng quy trình áp dụng nó là hoàn toàn khác biệt do tự thân tôi sáng tạo nên. Điều đặc biệt nhất là mỗi một mẫu thiết kế sẽ có bề mặt hoa văn hoàn toàn khác biệt và độc nhất. Tôi không thể nào tạo ra được hai chiếc áo có hoa văn họa tiết giống hệt nhau vì tôi không thể kiểm soát được khâu này; mọi thứ hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Vải cũ được xé sợi hay nghiền nát tùy thuộc vào chất vải. (ảnh: NVCC)
5/ Bạn có thể chia sẻ thêm về ngành công nghiệp thời trang tại Israel, một đất nước Do Thái có nền văn hóa truyền thống cố hữu và lâu đời?
Thời trang tại Israel đơn giản, trang nhã và khách hàng chú trọng tính công năng của sản phẩm, một phần vì thời tiết khí hậu nóng bức, Các loại trang phục thường làm từ chất liệu mỏng, nhẹ và thoáng mát. Có khá nhiều cửa hàng thời trang tại Tel Aviv và thành phố này đang dần vươn mình trở thành một trung tâm mua sắm thời trang sầm uất.
6/ Bạn có cảm thấy quen thuộc với thuật ngữ “Modest Clothing” chứ? Thời trang Hồi giáo/ Modest Clothing có phải đang rất thịnh hành ở châu Âu không?
Tại thành phố tôi sinh sống – Tel Aviv, phong cách ăn mặc của người dân khá truyền thống và không chạy theo xu hướng thời trang. Tại thủ đô Jerusalem thì mọi người ăn mặc phong cách hơn. Phụ nữ Do Thái tại Israel nếu càng sùng đạo thì họ sẽ mặc nhiều trang phục màu đen, còn những người bình thường họ sẽ mặc trang phục có màu đơn sắc. Trang phục có nhiều họa tiết và màu sắc nổi bật vẫn khiến nhiều người dè dặt.
Tôi nghĩ tại thị trường châu Âu, sự phát triển nhanh chóng của trang phục lấy cảm hứng từ nền văn hóa Hồi giáo và Modest Clothing là điều dễ hiểu, bởi vì số lượng người Hồi giáo tại các quốc gia châu Âu đang ngày một gia tăng.
7/ Tham vọng của bạn trong tương lai là gì?
Tôi muốn tiếp tục phát triển thương hiệu của mình theo hướng thời trang bền vững, cũng như cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất của mình để trở nên hiệu quả hơn. Tôi cũng muốn tiếp tục khám phá và trau dồi thêm những kiến thức mới mẻ vì tôi còn trẻ. Thêm hơn, tôi muốn thiết kế ra những tác phẩm để trưng bày và triển lãm tại khắp mọi nơi trên thế giới. Thông qua những thiết kế của mình, tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người.
Mẫu thiết kế và tác phẩm bức họa treo tường làm từ chất liệu tái chế được trưng bày tại bảo tàng Tel Aviv. (ảnh: NVCC)
8/ Bạn có cảm nhận gì về thành phố Hồ Chí Minh và ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam?
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Dù chỉ mới có được 3 ngày trải nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi có thể cảm nhận được tinh thần tươi trẻ của thành phố này. Những người trẻ ăn mặc dễ cảm và hoàn toàn khác biệt so với Israel. Tôi cảm nhận thành phố Hồ Chí Minh là nơi giao thoa của rất nhiều nền văn hóa khác nhau, có lẽ một phần vì lịch sử của nó. Con người nơi đây thật sự rất hiếu khách, chu đáo và nồng nhiệt. Tôi cảm thấy thích thú với thổ cẩm và họa tiết hoa văn dân tộc thiểu số của Việt Nam. Điểm chung giữa ngành công nghiệp của hai nước là sự có mặt của các thương hiệu thời trang nhanh và thương hiệu danh tiếng. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại thị trường Israel, khi các nhà thiết kế trẻ trong nước phải cạnh tranh rất gay gắt với các thương hiệu ngoại nhập để có thể bán được sản phẩm của mình.
BST “City Growth” của Dana Cohen tại VIFW. (ảnh: Hudson Ton)
9/ Bạn có nghĩ rằng thời trang bền vững chỉ là một xu hướng nhất thời của toàn ngành thời trang?
Tôi nghĩ thời trang bền vững từng là một xu hướng, nhưng ở thời điểm hiện tại thì không. Giờ đây tất cả mọi người đều nhận ra rằng Trái đất đang bị ô nhiễm nặng nề và đã đến lúc nhận thức về lối sống bền vững của mỗi người đều gia tăng.
Ngành công nghiệp thời trang có nhiều trách nhiệm để dẫn lối cho một cuộc cách mạng xanh. Từ trước đến nay, dưới tác động của thời trang nhanh, chúng ta đã tạo ra một trữ lượng rác thải lớn bằng việc sản xuất quá nhiều và quá nhanh. Chính điều này, vô hình chung tác động đến tâm lý của nhiều người, khiến cho họ cảm thấy chán ngán với quần áo sản xuất đại trà. Nhờ đó mà thị trường thời trang bền vững có cơ hội để phát triển và chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng. Điều này hoàn toàn có thể dự đoán được.
Tôi rất thích nữ diễn viên Emma Watson, tôi coi cô ấy là hình mẫu khách hàng của tôi.
Vẻ đẹp của chất liệu tái chế do Dana làm ra. (ảnh: NVCC)
10/ Bạn có niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển mạnh mẽ của thời trang bền vững trong tương lai gần chứ?
Có chứ! Tôi còn có niềm tin rằng chúng ta sẽ trở nên có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống trên Trái đất, cũng như phát triển công nghệ thêm tân tiến hơn nữa để giúp cho việc theo đuổi thời trang bền vững dễ dàng hơn.
Cảm ơn bạn vì cuộc trao đổi thú vị này!
—
Xem thêm:
Nhận thức về lối sống “bền vững”
Thương hiệu H&M và những nỗ lực góp phần tôn vinh giá trị của thời trang “xanh”
Nhóm thực hiện
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: NVCC/ Tổng hợp)