Thời trang / Thế giới thời trang

Ngược dòng thời gian đi tìm ý nghĩa của phụ kiện truyền thống ngày Tết Nguyên Đán

Không chỉ mang màu sắc văn hóa, phụ kiện truyền thống dịp Tết Nguyên Đán của các nước còn có ý nghĩa may mắn, tài lộc trong năm mới.

Bộ quốc phục đón Tết Nguyên Đán sẽ không thể hoàn thiện nếu không có phụ kiện phù hợp. Ngoài tính ứng dụng, những món phụ kiện truyền thống như trâm cài tóc ở Trung Quốc, túi bokjumeoni ở Hàn Quốc còn mang nhiều ý nghĩa tài lộc, may mắn và bình an trong năm mới.

Hàn Quốc

Phụ kiện không thể thiếu để hoàn thiện bộ quốc phục quen thuộc của người Hàn Quốc chính là “bokjumeoni” – chiếc túi may mắn. Hanbok tuy sở hữu nhiều màu sắc và triết lý sâu xa, nhưng lại thiếu tính ứng dụng vì không có túi, chính vì thế bokjumeoni đã ra đời. Túi bokjumeoni thường được làm bằng lụa. Túi có màu sắc sặc sỡ, đồng bộ với hanbok hoặc được may theo 5 màu của ngũ hành, tương tự như chiếc túi obangnang. 4 chữ Thọ, Phúc, P, Qthường được thêu bằng chỉ vàng trên chiếc túi có biểu tượng chứa đựng tài lộc này. Vào thời xưa, người nam sẽ sử dụng túi bokjumeoni thêu hình bướm, còn túi thêu hình hoa thuộc về người nữ.

bao lì xì may mắn của Hàn Quốc
(Ảnh: PxHere)

Ngày nay với nhiều cách tân trong thiết kế hanbok, chiếc túi bokjumeoni không còn phục vụ quá nhiều nhu cầu thực tế nhưng vẫn mang ý nghĩa biểu tượng cho may mắn và tiền tài, tránh khỏi vận xui. Người phụ nữ Đại Hàn Dân Quốc vào ngày Tết vẫn mang phụ kiện truyền thống này với quốc phục. Nhiều người còn cho con trẻ viết điều ước rồi bỏ vào túi bokjumeoni như lời cầu nguyện đầu tiên cho năm mới.

túi may mắn truyền thống hàn quốc
(Ảnh: Twitter)

Ngoài túi bokjumeoni, cheupji – phụ kiện trâm cài tóc được đặt giữa đầu cũng là phụ kiện thường được kết hợp cùng hanbok. Theo truyền thống, chỉ những phụ nữ sống trong cung điện mới được phép đeo cheupji. Ruy băng buộc tóc daenggi meori cũng là một lựa chọn phổ biến.

taeyeon đeo cheupji
(Ảnh: @taeyeon_ss)

Trung Quốc

Trâm cài tóc là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Trung Hoa. Thời xưa, trâm được cả hai giới sử dụng để có được búi tóc gọn và chặt hơn, đồng thời cũng là trang sức thể hiện địa vị xã hội. Vào đời nhà Hán, con gái khi tròn 15 tuổi sẽ tham gia “Lễ cài trâm”. Buổi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của cô, sẵn sàng cho hôn nhân và yên bề gia thất. Sau buổi lễ, người con gái sẽ không thắt tóc như trước nữa mà sẽ luôn búi tóc và sử dụng trâm.

trâm cài ngày đầu năm của trung quốc
Tranh vẽ Vương Chiêu Quân gắn rất nhiều trâm trên mái tóc. (Ảnh: Getty Images)

Trâm cũng là một biểu tượng của tình yêu. Khi nhận được lời cầu hôn, người nữ sẽ trao trâm cài tóc của mình cho người nam thay cho lời đồng ý. Cây trâm sẽ được hôn phu cài lại lên tóc hôn thê vào ngày cưới. Khi phải xa nhau trong thời gian dài, vợ chồng sẽ bẻ đôi cây trâm, mỗi người giữ một nửa như lời hứa chung thủy và ước hẹn sẽ gặp lại nhau.

phụ kiện truyền thống trung quốc trâm cài tóc hiện đại
(Ảnh: East Meets Dress)

Trong thế giới hiện đại, nhiều thiết kế và chất liệu đa dạng giúp phái đẹp có thể dễ dàng thể hiện phong cách, phổ biến văn hóa mà không quá “sến sẩm”. Biết được tầm quan trọng của trâm trong cuộc đời và địa vị của người phụ nữ, cộng thêm vẻ đẹp tinh tế và gọn gàng mà trâm giúp mang lại, lựa chọn phụ kiện truyền thống này cho ngày Tết là điều dễ hiểu.

Nhật Bản

Chỉ đơn giản với một miếng gỗ lót da cùng quai vải nhưng chiếc guốc zori là loại phụ kiện trang trọng nhất trong văn hóa Nhật. Khí hậu ẩm ướt, cộng với truyền thống bước vào nhà phải cởi bỏ giày dép khiến guốc gỗ zori truyền thống được người Nhật Bản ưa chuộng khi đi chúc Tết. Từ xa xưa, chiếc quai vải đã trở thành điểm nhấn trên món phụ kiện có thiết kế rất đơn giản này. Quai vải có màu trắng trong đám cưới, màu đỏ vào dịp lễ hội, màu đen khi dự đám tang…

guốc gỗ truyền thống nhật bản
(Ảnh: tanakawho)

Trước khi mang guốc zori, người Nhật thường xỏ vào chiếc tất tabi – loại tất có ngón truyền thống. Trước đây, chỉ giới thượng lưu mới có khả năng may tabi để giữ ấm trong ngày đông. Khi Nhật Bản bắt đầu giao thương với Trung Quốc, cotton mới đủ phổ biến để mọi giai cấp có thể may tất. Tuy nhiên, thường dân chỉ được mang tabi màu xanh, trong khi các tầng lớp cao hơn như samurai có thể tùy ý lựa chọn, thông thường họ chọn tím hoặc vàng.

phụ kiện truyền thống tết zori nhật bản
(Ảnh: Bruce Tang)

Guốc gỗ zori ngày nay có thể được làm từ nhựa tổng hợp để bước đi nhẹ nhàng và có giá thành dễ chịu hơn. Lớp lót bằng da hay vải cũng thêm phần dày và thoải mái. Màu sắc và họa tiết cũng đa dạng và hiện đại, không bị gò bó trong các nguyên tắc. Mặc dù nhiều người trẻ chuộng mặc quốc phục với sneakers hoặc boots, không gì có thể thay thế hình ảnh bộ kimono cùng chiếc guốc gỗ zori trên con đường đến đền, chùa ngày đầu năm.

Việt Nam

Đi cùng tà áo dài của người Việt phải kể đến chiếc mấn đội đầu. Bắt nguồn từ chiếc khăn vấn từ thế kỷ XVIII, mấn (cách nói trại của vấn) dần trở thành phụ kiện thường thấy vào mỗi dịp lễ, Tết và được kết hợp với áo dài. Chiếc mũ được quấn từ 5 đến 7 vòng quanh đầu, tượng trưng cho ngũ thường hoặc thất phách, để cố định búi tóc. Thế kỷ XX chứng kiến sự xuất hiện của khăn đóng sẵn, khăn xếp, người Việt không cần phải tự quấn nữa.

phụ kiện truyền thống mũ mấn việt nam hoàng hậu nam phương
Hoàng Hậu Nam Phương kết hợp áo dài với mấn và vòng cổ ngọc trai.

Màu sắc của mũ mấn không thể được lựa chọn tùy tiện. Vào thời Nguyễn, chỉ có vua chúa và hoàng hậu được đội mấn vàng. Người già trong ngày lễ mừng thọ sẽ đội mấn màu nâu, tím hoặc đỏ. Màu xanh dành cho cô dâu, chú rể còn màu trắng dành cho tang gia. Chiếc mũ được vấn đẹp và gọn gàng còn là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất con người.

nam phương hoàng hậu
(Ảnh: )

Chiếc mấn bằng gỗ hay kim loại với kích thước lớn được sử dụng nhiều trên sàn diễn thời trang hiện đại. Mấn đội đầu truyền thống được đóng sẵn, làm bằng vải nhồi bông gòn, có kích thước vừa phải phù hợp cho ngày dạo Xuân. Không chỉ với áo dài, mũ mấn còn có thể được kết hợp với áo yếm hay các loại váy suông lâu đời khác.

mấn màu vàng
(Ảnh: Pinterest)

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Bảo Châu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)