Phục trang lập dị đầy mê hoặc của Emma Stone trong “Poor Things”
Được thiết kế bởi Holly Waddington, những bộ trang phục trong “Poor Things” đã tự thiết lập một câu chuyện riêng cho nhân vật Belle Baxter của Emma Stone.
Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Alasdair Grey, Bella Baxter (Emma Stone) trở thành sản phẩm của nhà khoa học điên Godwin (Willem Dafoe) khi ông ta hồi sinh cô với bộ não của một đứa trẻ. Poor Things của đạo diễn Yorgos Lanthimos là hành trình khám phá thế giới, thức tỉnh xã hội và giải phóng tình dục của Bella. Thời trang trong phim góp phần quan trọng trong việc mô tả quá trình trưởng thành và bứt phá của nhân vật.
Trang phục thiết lập nhân vật emma stone
Những bộ trang phục của nhà thiết kế Waddington dõi theo quá trình phát triển của tâm trí Bella từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh đến khi trở thành một người phụ nữ trưởng thành.
Sau thí nghiệm cấy ghép não, Bella thực sự là một đứa trẻ mới biết đi, bắt đầu học cách đi lại, nói chuyện và tìm hiểu về thế giới thông qua những chiếc váy babydoll tay phồng, quần áo kiểu Victoria, váy lót và quần áo ngủ. Mỗi buổi sáng, Bella được người giúp việc của mình mặc đồ cho. Nhưng như mọi đứa trẻ khác, những bộ trang phục nhanh chóng trở nên thiếu chỉnh tề. Vì vậy, nhân vật thường xuyên xuất hiện với những chiếc áo rất phức tạp, rườm rà nhưng phía thân dưới lại được lược bỏ tối đa.
Khi Bella phải lòng và theo Duncan Wedderburn (Mark Ruffalo) đến Lisbon, không còn bà giúp việc hỗ trợ mỗi ngày, Bella như một cô gái nhỏ thỏa thích sử dụng tủ quần áo của người lớn. Trang phục của nhân vật cũng trở nên rực rỡ màu sắc và độc đáo với những chiếc váy xếp nếp, áo tay phồng, quần lửng được kết hợp một cách kỳ lạ, đầy ngạc nhiên như cảm giác của Bella về thế giới mới.
Thời gian ở nhà chứa, nhà thiết kế đã loại bỏ hoàn toàn những chiếc áo nịt ngực – một vật dụng quen thuộc ở thời kỳ Victoria. Thay vì sử dụng màu đen, đỏ hay những gam màu mạnh mẽ mà chúng ta thường liên tưởng đến sự gợi dục, Waddington đã lựa chọn cho nhân vật một bảng màu tông da đẹp đẽ, tinh tế và mang tính “con người” hơn. Những bộ ngực trần tôn vinh đường nét cơ thể khiến những trang phục màu da mềm mại, gợi cảm trở thành một tạo vật sống động và phóng khoáng. Ý tưởng này không chỉ làm cho bộ phim có cảm giác hiện đại mà còn khiến cho toàn bộ cơ thể của nhân vật được giải phóng hoàn toàn.
Càng về cuối bộ phim, màu sắc trang phục của Bella càng tối dần, nhất là khi cô thực sự dấn thân vào chủ nghĩa xã hội và trở thành một y tá. Nhân vật chính khoác lên mình những chất liệu “nghiêm túc” hơn để hoà nhập vào với môi trường ở trường y. Nhưng Bella vẫn là Bella, kỳ lạ theo cách riêng của mình, chiếc áo khoác dạ tối màu được kết hợp với đôi chân trần và bốt thay vì váy dài.
Sự va chạm của thời trang, lịch sử và văn hoá
Khi bắt đầu dự án phim, đạo diễn Yorgos Lanthimos đã khuyến khích Holly Waddington bỏ qua các chuẩn mực về thời gian và không gian để tạo nên một câu chuyện kỳ ảo. Tuy bộ phim lấy bối cảnh thời đại Victoria nhưng nguồn cảm hứng của nhà thiết kế còn đến từ nhiều giai đoạn khác nhau từ thời kỳ Elizabeth đến những năm 1980.
Đặc trưng của phong cách Victoria là những thiết kế đồ sộ, nặng nề, trang trí bằng rất nhiều hạt cườm, lông vũ và ren. Ekip phục trang đã kết hợp các tinh thần thời đại Victoria với kiểu dáng phồng lớn và các loại vải hiện đại, trong suốt để giảm tải trọng lượng, thậm chí sử dụng cả chất liệu nhựa. Các chi tiết phụ kiện rườm rà được thay thế bởi vải lụa hoặc lanh dệt hoạ tiết và xếp nếp cầu kỳ.
Trong những bộ phim cổ trang truyền thống, trang phục thường phản ánh chân thực phong cách của giai đoạn lịch sử đó, nhưng Poor Things lại phá vỡ mọi giới hạn để tạo nên những thước phim lộng lẫy đầy mê hoặc. Không có sự kết hợp nào quá lỗi thời, không có sự phù hợp nào quá táo bạo, tủ quần áo của Bella không chỉ góp phần thể hiện sự thức tỉnh xã hội và tình dục mà còn thiết lập một câu chuyện riêng cho nhân vật.
Bài: Thanh Ngọc
Ảnh: Tổng hợp