“Re-Generation” – Thế hệ tái tạo dưới góc nhìn của NTK Vũ Thảo
Dị! Phản thời trang! Quái đản! Ấn tượng! Chất ngất! Ngầu! Đó là những tính từ được gán cho Thời trang tái tạo để thấy sức hấp dẫn vô biên của nó. Nhận định có phần mâu thuẫn về Thời trang tái tạo thể hiện tính thử nghiệm cao hơn là phủ nhận hay bài trừ.
Thời trang là một ngành công nghiệp không ngừng phát triển, thiết lập xu hướng và xác định phong cách sống của chúng ta. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thời trang siêu tốc, tác động môi trường đã trở thành một mối quan tâm lớn. Theo Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai trên toàn thế giới. Tin vui là thời trang bền vững đang gia tăng khắp nơi trong đó có Việt Nam. Chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt bằng các cách tái tạo vô cùng đa dạng. Thế hệ vàng của thời trang ở thời điểm này không còn thuộc về thế hệ những “nhà kiến tạo” – những người đặt nền móng cho thiên niên sử hào hùng của y phục mà là những “nhà tái tạo” – những người không chỉ biết đổi mới trong thiết kế mà còn hết sức trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên.
-
RE-CYCLE / RE-USE – TÁI CHẾ / TÁI SỬ DỤNG TÁI TẠO
Nghĩ đến phát triển bền vững, rất nhiều người trong chúng ta hay lập tức nghĩ đến những chất liệu sinh thái mà dễ bỏ quên những chất liệu tái chế. Chất liệu tái chế có thể không mang nguồn gốc sinh thái nhưng lại có lợi ích sinh thái. Nó bao hàm những chất liệu như nhựa, chất liệu tổng hợp hay nhân tạo. Chất liệu tái chế mở rộng biên độ thiết kế bền vững cho những NTK không có cơ hội tiếp cận với những chất liệu sinh thái. Thời trang từ chất liệu tái chế giải quyết hiệu quả việc xử lý rác thải cả công nghiệp và sinh hoạt, từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ, từ đại nhà máy đến xưởng gia công. Vải tồn kho, vải vụn đến những chất liệu không xuất xứ từ thời trang như chất liệu che chắn, chất liệu đóng gói, túi nilon, rác tổng hợp đều có thể trở thành những nguồn nguyên liệu phong phú. Văn hóa tận dụng của người Việt thể hiện rất rõ qua các hoạt động tái chế. Tại Việt Nam, những cái tên được liệt kê dưới đây đang dần dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Họ là những đại diện tiêu biểu cho một thế hệ của tái tạo. Biến phế thải thành nguồn nguyên liệu hữu hiệu. Biến hạn chế thành sức mạnh cải tiến.
Dòng Dòng (DD) là một nhãn hiệu địa phương đã khai thác rất tốt những chất liệu không từ thời trang để làm ra các sản phẩm phụ kiện rất thời trang. Phông, bạt không dùng nữa được DD thu gom để chế thành túi sách, ba lô, ví tiền, hộp bút… sinh động và dễ ứng dụng. Tính chất chống thấm của những vật liệu tái chế này cũng là một ưu điểm vượt trội cho các sản phẩm rất hữu dụng của DD.
VỤN, Archive Sashiko đều sử dụng kỹ thuật chằn chỉ – người Nhật gọi là sashiko hay boro, người Việt gọi là tích kê, vá để gia cố vải cũ, vải vụn thành những chất liệu độc đáo. Sự thô sơ phảng phất hoài niệm khiến các sản phẩm thời trang theo phương pháp này của VỤN và Archive Sashiko như những bức tranh bằng vải nhuốm màu thời gian.
Môi Điên và KHAAR là hai gương mặt không còn xa lạ với giới thời trang tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh – nơi hai nhà thiết kế đang sinh sống luôn được đánh giá cao về sức sáng tạo vượt bậc nhưng lại có những hạn chế về nguồn vải bản địa thuần tự nhiên. Sự phát triển của hệ thống gia công may mặc tại thành phố lớn nhất cả nước này ở mặt nào đó đã tạo ra một nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào. Vải vụn, vải thừa trung bình có thể chiếm đến 20% đến 35% tổng số vải mà mỗi nhãn hiệu sử dụng. Thật lãng phí nếu chúng bị ném vào sọt rác hay bị lãng quên trong kho cảng. Nếu Môi Điên ghi được dấu ấn với những trang phục phi giới tính và đậm chất đường phố thì KHAAR lại bay bổng nữ tính qua những bộ cánh được xử lý chất liệu kỹ càng. Kỹ thuật chắp vải được bồi thêm các phương pháp thủ công như thêu thùa, đan lát, đính móc hay in ấn… càng tăng thêm sức hút cho các thiết kế của hai thương hiệu này.
-
RE-DESIGN / RE-CONsTRUCT – TÁI THIẾT KẾ / TÁI CẤU TRÚC tái tạo
Một cách thức thiết kế có tính sáng tạo cao và không chỉ dừng lại ở việc tái chế chất liệu là “tái cấu trúc”. Tận dụng một hoặc nhiều cấu trúc sản phẩm đã tồn tại để thiết kế ra một sản phẩm mới với hình dạng, kết cấu mới. Sự lột xác của phương pháp này mang lại niềm thỏa mãn về khối và cả hiệu ứng chất liệu. Tái cấu trúc lột tả được tính điêu khắc, tính hình học không gian của trang phục đôi khi bị kết tội một cách oan ức là phản thời trang nhưng thực chất lại làm cho trang phục thêm phần phá cách, lôi cuốn. Tinh thần thời trang tái cấu trúc đặc biệt hấp dẫn giới trẻ vì đặc tính độc bản và độ ngẫu hứng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực hiện trách nhiệm công dân của những người quan tâm đến tiêu dùng bền vững.
Ugly Born (UB) một thương hiệu độc lập mới mẻ của Hà Nội đang nổi lên với đúng phương châm của một cái tên thời trang tái cấu trúc. “Không hướng theo khuôn khổ, hình mẫu hay tiêu chuẩn, cứ tận hưởng phiên bản tự do của mỗi cá nhân”. “Hãy giữ sự nguyên bản, hãy cứ “xấu xí” miễn đó là con người độc nhất của bạn” là những trích dẫn mang tuyên ngôn rõ rệt của UB. Tận dụng quần áo cũ của bản thân, của gia đình, bạn bè và cả thu gom từ chợ, cửa hàng bán đồ cũ, UB đã phù phép thành những bộ cánh đường phố ngầu, lạ, lấp ló tiếng cười nhạo ngạo nghễ.
Tái cấu trúc vừa kéo dài tuổi thọ của sản phẩm vừa tạo sự mới mẻ cho chính sản phẩm. Thiết kế tái cấu trúc khiến chúng ta nhìn sự vật quen thuộc hay bỏ đi với thái độ vừa trân trọng vừa trầm trồ. Nó có thể được đẩy lên cao như một dạng tác phẩm mỹ thuật đương đại. Vũ Tá Linh có lẽ là NTK đã khắc họa được đặc thù này của tái cấu trúc. Linh biết cách vận công kỹ năng làm chất liệu của bản thân để tạo ra những lớp nang thú vị cho một sản phẩm có sẵn. Một lớp màng như mạng nhện phủ lên một tấm áo vest quá khổ đã mặc hay những bộ quần áo không dùng nữa được gỡ, mài, xé, làm nhàu rồi can, chắp, đắp lên nhau để tạo nên một tác phẩm thời trang có một không hai.
RE-THINK / RE-LEARN – TÁI TƯ DUY / TÁI TIẾP NHẬN tái tạo
Thời trang tái tạo không còn là một xu hướng; nó là một phong trào tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm có trách nhiệm với xã hội, nhằm mục đích giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, khí thải trong quá trình sản xuất. Nó là một phong trào hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh và con người.
Tái chế và tái cấu trúc trong thiết kế thời trang cũng chính là những cách chúng ta đang tư duy lại, tiếp nhận lại một số các khái niệm đã từng tồn tại, đã từng được chứng thực nhưng không còn thích hợp nữa cho thời điểm khủng hoảng tiêu dùng, khủng hoảng khí hậu. Nó là bước lùi cần thiết để chúng ta có thể tiến về phía trước. tái tạo tái tạo tái tạo
Bài: Vũ Thảo
Ảnh: Tổng hợp