Chanel – Thiên đường mùa Đông
Buổi trình diễn đánh dấu thời kỳ chuyển giao giữa “bố già” Karl Lagerfeld và người kế nhiệm Virginie Viard. Không gian Grand Palais được biến hóa thành Bavaria, thiên đường trượt tuyết vùng núi Alps. Bên cạnh những thiết kế phát triển từ chất liệu và bộ suit kinh điển, BST thời trang mùa Thu – Đông 2019 còn có những trang phục lấy cảm hứng từ họa tiết Nordic vùng Bắc Âu và phụ kiện ấn tượng theo một cách rất “Karl Lagerfeld” mà có thể sẽ không bao giờ xuất hiện lần nữa.
LOUIS VUITTON – SÂN CHƠI CỦA NGHỆ THUẬT VÀ KIẾN TRÚC
Không gì có thể tả xiết tình yêu của Nicolas Ghesquière với thập niên 80 và lần này cũng không ngoại lệ. Những thiết kế đầy kịch tính thể hiện nhịp điệu sôi động của dòng nhạc New Wave với cầu vai ngang, chi tiết bèo nhún phóng khoáng cũng như họa tiết và màu sắc sinh động. Cao trào của buổi trình diễn là khi những trang phục bằng da có cấu trúc chắc chắn và đường cắt táo bạo bước đi trong không gian kiến trúc công nghiệp sặc sỡ mô phỏng lại Pompidou Centre của bộ đôi kiến trúc sư Renzo Piano và Richard Rogers.
DIOR – NGÔN NGỮ CỦA NỮ QUYỀN
Trong không gian trình diễn được bao bọc bằng những tác phẩm của nghệ sĩ, nhà hoạt động nữ quyền Tomaso Binga, BST thời trang mùa Thu – Đông năm nay của Dior đầy ắp thông điệp nữ quyền. Đầu tiên là sự xuất hiện của chiếc áo t-shirt với slogan “Sisterhood is Global” của nhà thơ, nhà nữ quyền Robin Morgan. Tiếp đến là cuộc diễu hành của những cô nàng Teddy cá tính của nước Anh thời thập niên 60. Ngoài ra, dấu ấn haute couture của nhà thời trang cao cấp được thể hiện khá rõ trên những chi tiết đính kết thủ công vô cùng ấn tượng trên tùng váy.
GUCCI – KHIÊU KHÍCH VÀ GAI GÓC
Alessandro Michele luôn có lý do khiến người ta phải chờ đợi BST mới của Gucci. Nếu như trong đoạn phim quảng cáo, BST đưa chúng ta về khung cảnh một buổi trình diễn thời trang thập niên 70 thì trên sàn diễn lại là sự bùng nổ kịch tính của ánh sáng, cá tính pha chút lập dị. Thế giới của Gucci lần này kể về những nàng yêu tinh, chú hề Pierrot, một chút kinh dị với chiếc mặt nạ trong bộ phim Thứ Sáu ngày 13 kinh điển và rất nhiều đinh tán gợi đầy nhục cảm.
CELINE – TÌM VỀ NGUỒN CỘI
Không rock’n’roll, không cá tính gai góc, Hedi Slimane đã tìm tòi và khai thác hình tượng quý cô trung lưu Pháp nữ tính, chỉn chu và sang trọng. Nếu có ai nói Hedi chỉ là một stylist, ông đích thị là một stylist tinh tế. Chỉ là sự kết hợp giữa thiết kế chân váy xếp pli, áo blouse thắt khăn lụa với áo khoác hoặc kết hợp quần jeans với bốt cao cổ, nhưng hình tượng hoài cổ của Celine cuối thập niên 70 lại dễ dàng đi vào trái tim những quý cô yêu phong cách Pháp.
BURBERRY – CƠN GIÔNG TỐ ANH QUỐC
Là thương hiệu “quốc bảo” của Anh quốc, Burberry không tránh khỏi tâm bão của sự kiện Brexit. Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci chia sẻ khi được hỏi về vấn đề này rằng ai cũng có quan điểm riêng. Có lẽ đó là lý do BST mang tên “The Tempest” (cơn bão lớn) được trình diễn ở hai không gian trái ngược: khán phòng xi măng với hàng rào sắt và căn phòng lát gỗ với ghế bọc nhung. Ngay cả trong BST cũng có nhiều thứ để quan tâm: từ streetwear bụi bặm cho đến thanh lịch cổ điển. Đáng chú ý là sự xuất hiện của tấm chăn lớn hình cờ Union Jack, một phụ kiện đón bão lý tưởng hay là niềm tự hào của nước Anh trong bất cứ tình huống nào.
SAINT LAURENT – BỮA TIỆC BẤT TẬN
Nếu có một bữa tiệc thời trang đáng tham dự nhất, chắc chắn đó phải là của Andy Warhol hoặc Yves Saint Laurent. NTK Anthony Vaccarello tiếp tục khai thác sự hào nhoáng và gợi tình của thập niên 80 với BST “Scandal” nổi tiếng năm 1971, kết hợp với hình tượng nàng Thơ Betty Catroux của Yves trong BST này. Tiêu điểm của buổi trình diễn là khi những thiết kế phát sáng tông màu neon dưới tác động của đèn UV, trông giống như một đêm tiệc phong cách phù hoa mà ai cũng muốn ở đó.
BOTTEGA VENETA – GÓC NHÌN MỚI
Có thể nói hướng đi mới của Bottega Veneta với giám đốc sáng tạo Daniel Lee thực sự tham vọng và mạo hiểm khi thay đổi từ phong cách sang trọng cổ điển kiểu châu Âu sang phong cách tối giản mới. Phom dáng và đường nét của trang phục đơn giản nhưng cứng cáp với chất liệu chủ đạo là da và dệt kim. Dấu ấn đặc trưng da đan của thương hiệu cũng được làm mới một cách phóng khoáng trên các thiết kế và phụ kiện.
PRADA – SỰ LÃNG MẠN U ÁM
Miuccia Prada là một trong những nhà thiết kế khiến chúng ta không ngừng hỏi “tại sao”. BST phản ánh rất nhiều nhân vật trong phim kinh dị nổi tiếng như Wednesday Addams, Frankenstein và cô dâu hay ma cà rồng nhưng trong trang phục của quân nhân, kết hợp những chiếc đầm quý phái với giày bốt hầm hố. Ngoài ra, trang phục in họa tiết đồ họa bắt mắt hay những đóa hoa hồng lụa 3D đính kết một cách ngẫu hứng. Nếu bạn đến đây để tìm sự logic mỹ miều, rất tiếc Prada chỉ có sự kỳ quặc, hỗn độn và thậm chí tàn bạo.
ALEXANDER MCQUEEN – NIỀM KIÊU HÃNH CỦA NƯỚC ANH
Ngày nay, hiếm có một thương hiệu nào trình diễn BST ready-to-wear với những kỹ thuật haute couture, dưới sự dẫn dắt của một NTK nữ như Alexander McQueen. Với BST này, Sarah Burton tự hào 100% “Made in England” từ chất liệu đến từ những xưởng dệt phía Bắc, họa tiết Prince of Wales, trang phục lấy cảm hứng từ thời kỳ Victorian cũng như binh chủng hoàng gia và kỹ thuật may đo lừng danh của Savile Row.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE