Thời trang / Thế giới thời trang

Sang trọng mà nổi loạn, thế nào là thanh lịch kiểu Đức?

Sự thoải mái là điểm bắt đầu, chất thể thao len lỏi như một nguồn năng lượng ngầm còn thanh lịch là tôn chỉ của phái đẹp nước Đức.

Trong nhiều thập kỷ, giới thời trang cùng các “con chiên ngoan đạo” đã thể hiện tình yêu cho phong cách quý cô nước Pháp và xuất bản hàng triệu bài viết xoay quanh chủ đề Parisian Chic. Biểu tượng thời trang dưới tháp Eiffel trở thành một trong những hình mẫu được sao chép nhiều nhất. Phải chăng, đã đến lúc làm mới cảm hứng mặc đẹp ở các địa danh ít phổ biến hơn? 

Trên cùng một lục địa, Berlin, Hamburg và Munich đang gây chú ý với những hình ảnh cực chất đến từ các fashionista như Leonie Hanne, Caro Daur hay Alexandra Lapp.

(Ảnh: Christian Vierig)
(Ảnh: Søren Jepsen)
(Ảnh: Leonie Hanne x Liu Jo)

“Nhìn chung, phụ nữ Đức đều sang trọng và tươm tất” – Alexandra Lapp

Không như miếng hài của người Đức, tư duy thẩm mỹ của những tín đồ nơi đây đơn giản và dễ nắm bắt. Kết đôi thời trang theo một cách bất ngờ, chẳng hạn như một món đồ xa xỉ với một món đồ bình dân là ý tưởng được lặp đi lặp lại. Một số fashionista không thể sống thiếu màu sắc nhưng xanh chàm, xanh lá đậm và nâu sẫm là những gì làm nên phần lớn thời trang Berlin. 

Sự ra đời của các thương hiệu như Hugo Boss, adidas, PUMA, Jil Sander, Marc O’Polo… đã biến Berlin thành một trong những điểm nóng của streetwear. Các nhà mốt này có xu hướng tập trung vào tính năng thay vì ý tưởng siêu thực gắn liền với thời trang cao cấp ở Pháp và Ý.

Theo phóng viên Catherine Schaer: “Thoát khỏi dòng chảy xu hướng, phong cách Berlin nằm ở điểm giao giữa âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc và cuộc sống về đêm.” Phụ nữ Đức với những bản phối gọn gàng, tao nhã và quyền lực ngày nay cùng bối cảnh thú vị tạo nên phong cách ấy, hứa hẹn là một nguồn tham khảo đáng cân nhắc. 

(Ảnh: Jeremy Moeller)
(Ảnh: Søren Jepsen)
(Ảnh: Pepe Mendez)

Vì sao thời trang Đức không nở rộ như Pháp và Ý?

Bắt đầu từ những năm 1920, thời trang Đức bước vào thời hoàng kim nhờ các nhà thiết kế người Do Thái, những người đã mở đường cho thời trang hiện đại và táo bạo khi xã hội khao khát được giải phóng sau Thế chiến thứ Nhất. Cách mạng của người Do Thái trên địa hạt thời trang thành công rực rỡ khi giới truyền thông săn đón và mô tả sáng tạo của họ như phác thảo tương lai. 

Tuy nhiên, bất kỳ ai biết về lịch sử nước Đức vào thời kỳ này đều có thể chắc chắn rằng trạng thái đỉnh cao ấy đã nhanh chóng sụp đổ dưới chế độ của Hitler. Những năm 1930, chính phủ Đức quyết liệt xóa sổ mọi văn hóa du nhập và dấu vết của người Do Thái. Đức Quốc Xã lên kế hoạch bôi nhọ thương hiệu của người Do Thái, đồng thời khuyến khích người Đức mặc trang phục của Đức do bàn tay người Đức làm.

Sự kiểm soát gắt gao đối với tất cả các khía cạnh của cuộc sống dưới chế độ độc tài toàn trị của Hitler được thể hiện bằng việc thành lập Deutsches Modeamt, một học viện thời trang của Đức do các sĩ quan Đức Quốc Xã lãnh đạo và được mô tả là “nơi phát xít hoá thời trang”. Do đó, thời trang đã trải qua một sự thay đổi đáng kể dưới thời Đệ tam Đế chế, khi “gu của Hitler” trở thành xu hướng. 

Và Hitler ghét thời trang Paris. Các kiệt tác của thế hệ nhà thiết kế tiên phong như Coco Chanel đã vô tình lăng xê dáng người mảnh khảnh với vòng hông thon, đi ngược dáng hình lý tưởng để sinh nhiều con cái theo quan niệm lúc bấy giờ. Nhưng một cách mâu thuẫn, Hitler vẫn tham vọng: “Phụ nữ Berlin phải trở thành những người sành điệu nhất châu Âu.”

Hai phong cách được chấp nhận dưới thời phát xít ở Đức là trang phục truyền thống (Tracht) hoặc đồng phục. (Ảnh: ullstein bild)
Chính phủ khuyến khích phụ nữ mặc Tracht như lời thúc giục họ quay trở lại với vai trò người nội trợ của gia đình. (Ảnh: German Federal Archives)

Nhưng tại sao thời trang Đức vẫn không đuổi kịp Pháp và Ý là một câu hỏi kinh điển. Một trong những lý do chính là Đức có truyền thống mạnh về kỹ thuật và sản xuất, vốn là trọng tâm chính của nền kinh tế nước này trong nhiều năm. Sự tập trung vào tính thực tế và chức năng không phải lúc nào cũng phù hợp với thế giới thời trang xa xỉ, vốn đề cao tính sáng tạo và thẩm mỹ.

Tuy phong cách của phụ nữ Đức vào thế kỷ XX mang một phần thanh lịch và cổ điển đến từ nước Pháp nhưng vẫn đâu đó nam tính và bảo thủ thay vì buông thả, uyển chuyển như French Chic nguyên bản. Escada – đế chế may mặc những năm 80 là một ví dụ điển hình cho sự quý phái kiểu Đức. 

Được thành lập bởi Margaretha Ley và Wolfgang Ley vào năm 1978 ở Munich, Escada tiếp thêm tự tin người phụ nữ với các chi tiết như cầu vai quyền lực, chiết eo sắc gọn và nút vàng đắt giá. (Ảnh: Escada)
Người mẫu Đức Claudia Schiffer trong thiết kế của thương hiệu những năm 90. (Ảnh: Escada)

Thứ hai, Catherine di Medici – hoàng hậu nước Pháp thế kỷ XVI đồng thời là con gái của một thương gia Ý đã tạo ra lợi thế áp đảo cho cả hai quốc gia. Khi lụa thượng hạng châu Á được vận chuyển sang châu Âu, những gia đình giàu có ở Ý là nơi đầu tiên tiếp nhận và tiêu thụ chúng, De Medici là một trong số đó. Khi được gả đến Pháp, Hoàng hậu Catherine đã mang theo sở thích phù phiếm của mình là thời trang và nước hoa đến Paris như một “của hồi môn” được chia sẻ rộng rãi. 

Nữ hoàng Catherine de’ Medici nổi tiếng với việc sử dụng thời trang như một sức mạnh mềm. (Ảnh: Alfredo Dagli Orti)

Bên cạnh đó, lối sống tiết kiệm của người dân Đức, được chứng minh bằng mức chi tiêu cho ngành hàng may mặc luôn thấp hơn các quốc gia châu Âu khác, đã kìm hãm sự bùng nổ của thời trang nước này, dù sở hữu những nhà thiết kế đại tài như Karl Lagerfeld và nhiều người mẫu huyền thoại bao gồm Claudia Schiffer, Tatjana Patitz, Nadja Auermann, Heidi Klum…

Sức sống mới của thời trang Đức thế kỷ XXI 

Thời trang Đức ngày nay vẫn đặt tính ứng dụng lên trên nghệ thuật với các thương hiệu thể thao như adidas và Puma dẫn đầu thị trường. Vào ngày thường, người Đức thích giữ một vẻ ngoài khiêm tốn và an toàn. Bạn sẽ thấy bốt, mũ len và kính râm xuất hiện khắp mọi nơi. Nếu đó không phải tuần lễ thời trang, màu sắc trang phục đều được hạ xuống một tông. Tuy nhiên, phụ nữ Đức là những bậc thầy trong kết hợp chất liệu lẫn họa tiết, tôn sùng trường phái tối giản và luôn đòi hỏi kỹ thuật may đo hoàn hảo. 

(Ảnh: @lisahahnbueck)
(Ảnh: @nina.schwichtenberg)

Khi đặt câu hỏi cho các tín đồ thời trang về quy tắc lên đồ của họ. Nina Schwichtenberg hé lộ: “Bí mật nằm ở chi tiết. Tôi phát cuồng với những mẫu túi và giày bắt mắt, những thứ tuyệt vời để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.” 

Còn với Sofie Valkiers: “Một đôi giày mule mũi nhọn và bông tai to bản sẽ giúp bạn chuyển mình.”

(Ảnh: @lizkaeber)
(Ảnh: @sofievalkiers)

Cũng như Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh, Đức đã không nằm ngoài làn sóng punk với những cuộc nổi dậy bằng thời trang và nghệ thuật của giới trẻ. Theo Jeff Hayton, punk đến Tây Đức lần đầu tiên vào năm 1977 sau khi chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Ảnh hưởng bởi xu hướng DIY của những năm 50 và 60, punk của Đức nặng tính cá nhân. Dấu vết của cú gào thét năm ấy vẫn còn sót lại trong cách người Đức ăn diện và xuống phố để hòa mình vào cuộc sống về đêm. Dù thời trang mang tính chủ quan, chiều sâu của lịch sử và những biến động trong quá khứ giải thích cho danh tiếng của quốc gia này.

(Ảnh: @stefaniegiesinger)
(Ảnh: @tonigarrn)
(Ảnh: @carodaur)

 

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)