Sàn diễn Tuần lễ Thời trang Xuân – Hè 2019 đã chứng kiến sự hồi sinh của các chất liệu gợi cảm kinh điển khi dàn người mẫu nữ sải bước cùng những chiếc quần shorts, các thiết kế thiếu vải táo bạo cho đến những đôi giày cao gót. Cùng với những quan điểm đa chiều về sự thiếu tôn trọng phụ nữ và bình đẳng giới trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay, tư duy thời trang đương đại đang dần có sự biến chuyển.
Tải khoản Instagram đình đám Diet Prada thể hiện lập luận của mình về vấn đề này: “Có lẽ chúng tôi vẫn chưa hiểu hết những ẩn ý đằng sau bộ sưu tập Xuân – Hè của nhà mốt Thom Browne, tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm thấy khó nắm bắt được nguyên do tại sao họ lại để người mẫu nữ xuất hiện trên sàn diễn với hình ảnh bị “trói” và “bịt miệng” bằng chính trang phục của mình giữa thời điểm nhạy cảm như thế này.
Trong thời đại mà mọi cáo buộc liên quan đến phụ nữ luôn bị đặt nghi vấn và tiếp tục đào sâu, những ẩn dụ trong buổi trình diễn của Thom Browne đã trở nên thiếu tế nhị. Nếu ý tưởng của họ là “chấm dứt sự im lặng của phụ nữ và lên tiếng bảo vệ bản thân” thì họ đã không đạt được hiệu ứng như mong đợi”.
Tại buổi trình diễn ra mắt bộ sưu tập đầu tay của Giám đốc Sáng tạo Hedi Slimane, Giám đốc Thời trang kiêm nhà phê bình nổi tiếng của tờ New York Times Vanessa Friedman chia sẻ trong tiếc nuối: “Phoebe Philo đã cùng Celine thay đổi thế giới thời trang bằng những sáng tạo dành riêng cho phụ nữ cùng những tư duy khoáng đạt về những phụ nữ có lối sống đa chiều”. Bộ sưu tập Xuân – Hè 2019 của Celine khiến giới mộ điệu không khỏi ngạc nhiên khi những di sản thời trang đầy mỹ cảm và mang hơi hướng nghệ thuật đương đại của Phoebe Philo đã nhường chỗ cho các thiết kế lấy cảm hứng từ giới trẻ và phong cách unisex. Điều này được xem như một hình thức “tầm thường hóa” phụ nữ ngay trong thời điểm họ cần được tôn trọng nhất.
Vấn đề cốt lõi nằm ở việc làng thời trang thế giới đang quan sát và phán xét sự gợi cảm của phụ nữ thông qua lăng kính của một người đàn ông. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc điều gì truyền cảm hứng cho phụ nữ thay vì tập trung vào việc làm hài lòng cảm quan thời trang của phái nam.
Điều này không nhằm mục đích giới hạn sự sáng tạo của các nhà thiết kế mà mong muốn đánh vào “lỗ hỏng” của ngành công nghiệp thời trang và tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Phụ nữ thật sự muốn gì?”. Mỗi phụ nữ đều khao khát được trân trọng bởi những người xung quanh, nhưng họ muốn thể hiện bản ngã của mình như thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Việc thể hiện khía cạnh gợi cảm của phụ nữ dường như không nằm cùng phạm trù phân tích câu hỏi trên.
BÀI LIÊN QUAN
Sự gợi cảm trong thời trang thường bị đánh đồng với những cảm quan không mấy tốt đẹp. “Người kế nhiệm” vị trí Giám đốc sáng tạo của Slimane tại Saint Laurent – Anthony Vaccarello bị thu hút đặc biệt bởi di sản thời trang của hãng những năm 1960 cùng các xu hướng mang tính cách mạng vào thập niên 1970 khi phụ nữ đắm chìm trong những thiết kế đầy nhục cảm.
Bà Vanessa Friedman nhấn mạnh: “Việc tận dụng tối đa các chất liệu xuyên thấu và phô diễn nhiều hơn những đường cong của đôi chân hay khe ngực được lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng thời trang thế kỷ 20. Sẽ rất khó để phụ nữ thay đổi tư duy thời trang, tuy nhiên, dòng chảy thời trang có thể dẫn lối để phụ nữ tự tin thể hiện bản thân nhiều hơn”.
Liệu những người mẫu nữ sẽ cảm thấy được truyền cảm hứng khi khoác lên các thiết kế từ chất liệu thuộc da hay những bộ trang phục mang chi tiết nơ phóng đại của nhà mốt Saint Laurent? Câu trả lời có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phụ nữ nên ngừng hay tránh xa bất cứ thiết kế trang phục nào sinh ra là để dành riêng cho họ. “Vấn đề ở đây chính là cho dù bạn có muốn theo đuổi phong cách mà Vaccarello sáng tạo dành cho phụ nữ hay không, bạn cũng nên tôn trọng những người yêu mến tư duy thời trang đó”. Nhà phê bình Sarah Mower viết trong bài nhận xét về bộ sưu tập Xuân – Hè 2019 của Saint Laurent cho tạp chí Vogue.
Trong bài nhận xét bộ sưu tập của Dries Van Noten, Friedman viết: “Tôi đã rất ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập truyền tải tư duy thời trang đa chiều của Dries Van Noten thay vì những hình dung đơn thuần trong trí tưởng tượng của tôi”. Các nhà thiết kế đương thời sẽ không thể tạo ra những bộ trang phục dành cho phụ nữ nếu xu hướng nữ quyền không nở rộ. NTK Maria Grazia Chiuri của Dior và Rick Owen đều mang đến cho giới thời trang những cách tham chiếu đa dạng thay vì chỉ khai thác một chiều cảm hứng thời trang nữ quyền.
Sự hồi sinh của chủ nghĩa nữ quyền trong văn hóa đại chúng lý giải sự gợi cảm bằng cụm từ “tự chủ” thay vì sử dụng những từ “thiếu vải” hay “không đúng mực”. Phụ nữ đang rất cần những thay đổi mang tính cách mạng trong tư duy của những người xung quanh. Phô diễn nét đẹp gợi cảm là quyền của mỗi người phụ nữ và chúng ta cần nỗ lực đấu tranh cho sự thiếu minh bạch trong việc giải quyết các cáo buộc liên quan đến phụ nữ ở mọi lĩnh vực.
Tác giả người Anh, Rebecca Traister viết: “Đã 27 năm trôi qua kể từ vụ việc quấy rối tình tục gây chấn động của Giáo sư Luật Anita Hill, 12 năm kể từ dòng hashtag #Metoo của Tarana Burke xuất hiện lần đầu trên mạng xã hội và 1 năm sau khi phong trào #Metoo trở thành hiện tượng toàn cầu. Sau tất cả những thay đổi trong hơn 30 năm qua, phụ nữ hiện đại đang dần tự tin lên tiếng về những trải nghiệm cũng như những góc khuất của bản thân. Bằng cách đó, chúng ta đang mở rộng những giới hạn và mang đến một bức tranh chân thật hơn về phụ nữ và sự nhân đạo trong xã hội”.
Dũng cảm là chia sẻ những câu chuyện của bản thân, những sự thật xoay quanh việc bị chèn ép hay không được nhận mức lương xứng đáng với năng lực. Sự phơi bày trần trụi đó được lý giải như nỗ lực giải thoát bản thân khỏi những xúc cảm tiêu cực.
Dù phụ nữ là đối tượng khách hàng chính, đồng thời là nguồn cảm hứng bất tận của ngành công nghiệp thời trang, thế nhưng họ vẫn chưa nhận được sự đãi ngộ tốt nhất. Với lượng chất thải môi trường khổng lổ và nạn phân biệt chủng tộc nặng nề, ngành thời trang vẫn luôn hứa hẹn và được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, sự thật lại ít “màu hồng” hơn thế.
Rất khó để dự đoán liệu Tuần lễ Thời trang Paris có mang lại những thay đổi tích cực liên quan đến các vụ việc quấy rối tình dục ngay trong ngành công nghiệp thời trang hay không. Cùng với những tranh luận xoay quanh các kết luận của Tòa án Tối cao và vụ việc quấy rối tình dục của Bill Cosby, chúng ta có dịp được nhìn lại bức tranh toàn cảnh nhuốm màu chính trị. Bản chất của phong trào #Metoo sẽ thay đổi khi tham chiếu ở Mỹ và châu Âu bởi sự khác nhau về lịch sử cũng như tư duy về tình dục và sự gợi cảm. Tuy nhiên, thời trang là ngành công nghiệp toàn cầu, vì vậy, vai trò của phụ nữ nên được xem xét như một câu chuyện văn hóa.
__
Xem thêm:
Người mẫu nữ thấp có chỗ đứng ở làng thời trang chuyên nghiệp?
Giám đốc sáng tạo của Chanel – NTK Karl Lagerfeld lên tiếng đả kích chiến dịch #MeToo
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Khánh Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Refinery 29 Hình ảnh: Tổng hợp