Ngay cả trong thế giới thời trang hào nhoáng và xa hoa vẫn luôn tồn tại những góc tối đáng lên án. Đó là hiện trạng xảy ra trong những năm gần đây khi tác động của ngành công nghiệp thời trang đối với con người, động vật, thiên nhiên và môi trường đã chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Bằng chứng là vô số báo cáo và hàng loạt bản tin phơi bày sự thật về những vụ ô nhiễm môi trường tràn lan, hiện trạng săn bắn động vật để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất, bóc lột sức lao động của công nhân hay thậm chí những vụ cáo buộc bạo lực tình dục của những người mẫu trẻ.
Nếu muốn có một hình ảnh chân thực về cái giá phải trả của các hãng thời trang sẵn sàng vì lợi nhuận mà bỏ qua những khía cạnh an toàn thì phải kể đến thảm kịch đầy kinh hoàng tại Dhaka năm 2013 khi hàng nghìn người cứu hộ lẫn người thân gia đình các nạn nhân đào bới tìm những người sống sót trong đống đổ nát của thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất Bangladesh. Số liệu ước tính có khoảng 300 người chết và hơn 1 ngàn người khác bị thương trong vụ sập toà nhà Rana Plaza – nơi chứa 5 xưởng may đang hoạt động. Đây được coi là thực tế tàn khốc của nền thương mại toàn cầu khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ tranh thủ tìm cách đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thời trang ở mức giá rẻ mạt. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân may mặc phải chấp nhận mức lương bóc lột dù phải lao động quần quật trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng trăm công nhân đang làm việc ở các xưởng may trong toà nhà Rana Plaza. (Ảnh: The Guardian)
Những công nhân trong “xưởng sản xuất mồ hôi” thường phải chịu cường độ làm việc dài nhưng số tiền họ được trả thường không đủ để phục vụ cho nhu cầu mưu sinh cuộc sống. (Ảnh: Odyssey)
Kể từ sau thảm hoạ Rana PLaza, các tổ chức phi chính phủ đã quyết định có động thái lên tiếng và kêu gọi những biện pháp thiết thực để yêu cầu các doanh nghiệp thời trang và thương hiệu đưa ra bản báo cáo cụ thể về các hoạt động và chuỗi cung ứng. Đây là cuộc kiểm tra nhằm đánh giá sự minh bạch trong ngành công nghiệp thời trang, nhưng câu hỏi đặt ra chính là: Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp dám cởi mở và thành thật về những hoạt động lao động và quy trình giám sát mà họ đang vận hành?
Đây cũng là nỗi băn khoăn của những nhà hoạt động đứng sau tổ chức phi lợi nhuận Fashion Revolution nhằm đấu tranh cho nền thời trang minh bạch và tân tiến. Để khuyến khích tính minh bạch, hàng năm họ sẽ đối chiếu Chỉ số minh bạch (Transparency Index) – công cụ tính toán số lượng thông tin mà các thương hiệu báo cáo và sau đó tổng hợp lại thành một hệ thống xếp hạng.
Sarah Ditty – người đứng đầu Fashion Revolution giải thích rằng các nghiên cứu như thế này đã thúc đẩy các thương hiệu cởi mở và dám thẳng thắn đưa ra nhiều thông tin giá trị hơn. “Khi so sánh 98 thương hiệu và nhà bán lẻ trong toàn bộ chỉ số vào năm 2017 và 2018, chúng tôi nhận thấy mức tăng trung bình khoảng 5% về mức độ minh bạch“, Sarah chia sẻ. Ngoài ra, có hơn 64% các thương hiệu đã tiết lộ và cam kết nhiều chính sách hơn so với năm ngoái, và có cả thảy 10 thương hiệu khẳng định sẽ hành động theo ít nhất một chính sách xã hội hoặc môi trường.
Thông điệp ấn tượng của chiến dịch do tổ chức Fashion Revolution khởi xướng được lan toả mạnh mẽ. (Ảnh: Fashion Revolution)
Thế nhưng cũng cần lưu ý rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc chạy đua cho nền thời trang trong sạch. Mặc dù các thương hiệu như Adidas và Reebok đạt được số điểm cao nhất là 58% thì vẫn còn một chặng đường dài để hướng tới sự thay đổi tích cực và tính minh bạch của tất cả các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn.
Dưới sức ép từ phía người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp thời trang dường như đang phải chịu sự dò xét và hoài nghi lớn từ phía các quan chức chính quyền. Đồng thời trong thế giới phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của truyền thông xã hội thì việc phơi bày sự thật về các thương hiệu không phải là điều khó khăn. Vì vậy, các thương hiệu phải thận trọng, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty phấn đấu để duy trì danh tiếng trong thị trường bán lẻ khốc liệt.
BÀI LIÊN QUAN
Trong năm 2015, Modern Slavery Act – một điều luật nhằm chống lại những hành vi bóc lột sức lao động đã được ban hành tại vương quốc Anh. Không thể phủ nhận rằng điều này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại những sai phạm trong quy trình tổ chức và phân công lao động, thế nhưng đạo luật này lại mang tính tự nguyện và do đó các thông tin về nhiều thương hiệu không được tiết lộ một cách đầy đủ. Thêm vào đó, khó khăn còn phát sinh khi thu thập số liệu của người lao động về môi trường nơi họ làm việc. Theo đó, các công nhân may mặc chủ yếu là phụ nữ và họ thường không hé mở nhiều thông tin bởi họ phải chịu sự quản lý sát sao từ phía các giám sát viên là nam giới.
(Ảnh: @fash_rev)
Gần đây, các phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ đã thực sự trỗi dậy, nhưng vẫn còn những giới hạn cần đề cập đến. Điển hình như việc những người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực hiện đại thường nhận được sự hỗ trợ và nhiều hình thức lên án khi xảy ra vấn đề lạm dụng tình dục, còn đối với lời kêu cứu từ tầng lớp lao động nghèo trong xã hội thì dường như không trọng có trọng lượng và nhận được ít sự quan tâm.
Là nhà xuất khẩu hàng may mặc thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, ngành công nghiệp dệt may tại Bangladesh đóng góp tới 80% trong tổng doanh thu xuất khẩu hằng năm của nước này. Nhưng đằng sau những con số hào nhoáng đó là một bức tranh đầy tối tăm, u ám. Cơ hội việc làm thấp, thiếu hụt kinh nghiệm và bằng cấp đồng nghĩa giới nữ công nhân ở Bangladesh không có sự lựa chọn nào khác ngoài chôn vùi cuộc đời trong các xưởng may ngục tù. Thậm chí không ít nữ công nhân còn bị quản đốc hoặc chủ xưởng xâm hại tình dục ở cả bên trong và bên ngoài xưởng.
Sau vụ sập toà nhà Rana Plaza năm 2013, các cuộc biểu tình liên tiếp được khởi xướng bởi nhiều phụ nữ đang phải chịu đựng điều kiện làm việc khắc nghiệt trong các công xưởng dệt may tại Bangladesh. (Ảnh: Medium)
Ngành thời trang hiện nay dường như đang đi theo lối mòn và không thể tìm ra biện pháp trong các cuộc tranh luận phức tạp về phạm vi nhân quyền cũng như các quy định để bảo vệ người lao động. Vậy nên, cần thiết phải có một cuộc cách mạng được tiến hành nhằm thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp hiện hành, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới môi trường làm việc an toàn, tích cực, góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển của cả xã hội.
(Ảnh: Icon.com.vn)
Các thương hiệu đa quốc gia lớn cần có nhiều nghiên cứu để thấu hiểu các quy trình vận hành của chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, phân chia hoạt động trên quy mô nhỏ sẽ giúp việc theo dõi và điều hành sản xuất kinh doanh dễ dàng, điều này cũng đồng nghĩa với việc quản lý lao động minh bạch và hiệu quả hơn.
Xem thêm:
Thị trường thời trang thể thao Trung Quốc – “miếng bánh ngon” mang lại lợi nhuận khủng.
Taobao – Trang web bán hàng online lớn nhất Trung Quốc hướng tới khách hàng trẻ.
Nhóm thực hiện
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: Refinery29/ Ảnh: Sưu tầm)