Issey Miyake – Bậc thầy origami của làng thời trang
Issey Miyake là một “nhà cách mạng” thời trang. Những kĩ thuật và chất liệu đầy tính đổi mới mà ông để lại chứng tỏ tầm nhìn cũng như tư duy khác biệt, hoàn toàn đi trước thời đại.
Ngày 5/8 vừa qua, chúng ta phải nói lời vĩnh biệt với một nhà thiết kế huyền thoại người Nhật – Issey Miyake, cha đẻ của kỹ thuật xếp ly trang phục. Ông qua đời trong một bệnh viện ở Tokyo vì căn bệnh ung thư gan. Theo nguyện vọng của cố NTK, sẽ không có bất kỳ tang lễ hay lễ tưởng niệm nào được tổ chức dưới tên ông.
Sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, Issey Miyake là một trong những tài năng người Nhật đầu tiên thành công ở thị trường thời trang Châu Âu, vốn nổi tiếng về sự khắt khe với các nhà thiết kế ngoại quốc. Chính sự khác biệt này đã mang đến cho ông một lợi thế – đó là được tự do, tự do cách tân bản sắc truyền thống, tự do đi ngược những “thâm căn cố đế” của thời trang châu Âu. Điều này đã dẫn đến tư duy thời trang táo bạo, đầy cấp tiến và mang tính avant-garde.
NTK tiên phong của avant-garde đương đại
Issey Miyake và những thiết kế của mình đi ngược lại tiêu chuẩn về cái đẹp, về thời trang phương Tây của những thập kỷ 70 đến 90. Thay vì khoe da thịt và đường cong, ông chọn vẻ đẹp tối giản cùng phom dáng bồng bềnh, hoàn toàn “che lấp” cơ thể của người phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc chối bỏ mọi khuôn mẫu của quần áo bình thường và hướng tới những thiết kế vượt qua ranh giới của giới tính và văn hoá.
–
“Sự hiếu kỳ và hạnh phúc chính là cốt lõi trong thiết kế của tôi. Quần áo, đối với tôi, phải chạm tới được những cảm xúc sâu thẳm nhất, kích động được những giác quan nhạy bén nhất của người mặc.”
–
a piece of clothing (a-poc) – chỉ một mảnh vải che thân
Quá trình bắt đầu nghiên cứu cho A-POC được khởi xướng vào năm 1997. Đây là ý tưởng của Issey Miyake kết hợp cùng Dai Fujiwara khi muốn làm quần áo từ một mảnh vải quấn quanh người. Tất cả quy trình đều được làm hoàn toàn bằng máy dựa trên chiếc máy dệt kim công nghiệp đã được lập trình. Nó có thể tự động sản xuất ra hàng loạt các thiết kế từ áo đến váy dính liền với nhau. Ngoài ra, khi mặc lên người, lớp vải dưới cùng sẽ co lại, tránh tình trạng bung chỉ. Bằng cách phát triển một “công thức” cho các loại vải, ông đã thành công trong việc làm ra những thiết kế không cần đường may.
A-POC đã xuất hiện như một giải pháp góp phần cắt giảm chi phí nhân công và nhu cầu nguyên vật liệu, thông qua đó giảm thiểu tác động đến môi trường. Với tư duy “quần áo sinh ra là để phục vụ chúng ta và phục vụ cho nhu cầu hàng ngày”, tất cả các thiết kế này đều có thể được cắt và quấn theo nhiều cách khác nhau. Đây có lẽ là “thí nghiệm” thời trang thách thức làng Haute Couture châu Âu lúc bấy giờ, nơi tư tưởng “quần áo mới là thứ định hình cơ thể” vẫn luôn “cắm rễ”.
di sản để đời – pleats please
Thành tựu làm nên tên tuổi của Issey Miyake không thể thiếu pleating (xếp ly) trên chất liệu polyester. Khác với quy trình truyền thống là may quần áo từ các loại vải xếp ly sẵn có, NTK người Nhật bắt đầu với cắt, rập và may, sau cùng mới bắt đầu quá trình xếp ly. Phương pháp này yêu cầu sự tính toán cẩn thận và chi tiết vì sau khi pleating, thành phẩm luôn bé hơn một nửa hoặc một phần ba so với kích thước vải ban đầu.
Điều khiến phương thức này khác biệt chính là những nếp gấp này tồn tại được mãi mãi nhờ vào tác động nhiệt mà không cần “re-pleat” sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định. Như một giải pháp mang tính cách mạng, Issey Miyake đã cách tân toàn bộ quá trình xếp ly, biến chất liệu này trở thành một sản phẩm của công nghiệp hoá. Điều đặc biệt hơn thảy là tất cả các sản phẩm thuộc dòng Pleats Please đều có thể giặt bằng máy, khiến đây là kỹ thuật và chất liệu chạm đến mục tiêu thời trang phục vụ con người của ông.
Từ cuối thập niên 80 đến đầu 90, Issey Miyake liên tục thử nghiệm và cải tiến kỹ thuật này. “Cái gật đầu” với dây chuyền sản xuất hàng loạt đã mang đến mức giá “mềm mại” hơn cho công chúng yêu thời trang. Không chỉ vậy, những thiết kế này là ví dụ tiêu biểu cho tầm nhìn của ông khi giải phóng cơ thể người mặc vốn đã chịu nhiều gò bó, ràng buộc từ những lý tưởng hình thể thiếu thực tế của làng mốt lúc bấy giờ. Người phụ nữ cũng vì thế mà như được “thở”, được tự do cử động trong chính bộ trang phục của mình.
khi nghệ thuật gấp giấy “chơi đùa” cùng thời trang
“East meets West” có lẽ là từ khoá được tìm thấy xuyên suốt trong các BST của Issey Miyake. Ông được cả thế giới công nhận bởi khả năng diễn giải tài tình “hồn cốt” phương Đông trên tinh thần phương Tây. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là nguồn cảm hứng từ origami – nghệ thuật gấp giấy truyền thống của Nhật Bản. Những thiết kế origami như chơi cùng cơ thể người mặc, biến sản phẩm may mặc hai chiều đơn thuần thành những tác phẩm điêu khắc sống động trên da thịt. Và lại một lần nữa, Issey Miyake phác họa những đường cong đầy gợi cảm của phụ nữ như hình học 3D.
–
“Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ và tay nghề truyền thống chính là giải pháp cho tương lai của ngành công nghiệp may mặc.”
–
Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE