Sự nổi lên của thị trường đồ hiệu cũ
Nhiều nhà phân tích đang cố gắng hiểu vì sao thị trường đồ hiệu cũ có thể tăng tốc nhanh chóng và mang tính cạnh tranh cao hơn cả những mặt hàng mới.
Dựa trên một cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 2/2014 bởi Gumtree, hơn 80% người được khảo sát tại Singapore đang mua các mặt hàng cao cấp đã qua sử dụng. Không chỉ vậy, 76% số người được khảo sát cũng đang bán hàng hóa mà họ không còn cần nữa.
Trong khi doanh số bán ra của đồ hiệu cũ phá vỡ kỷ lục bán hàng năm này qua năm khác, nhiều nhà phân tích thị trường đang cố gắng hiểu vì sao thị trường “bán lại” có thể tăng tốc nhanh chóng và mang tính cạnh tranh cao hơn cả những mặt hàng mới.
Giá cả lý tưởng
Một trong những yếu tố dễ thấy nhất chính là: hàng tốt – giá thấp. Jonathan, CEO của cửa hàng cao cấp Opulent Jewelry & Fine Watches nhận ra rằng: “Bất cứ ai cũng muốn tiết kiệm tiền hết mức có thể, và đó là cách tôi bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Sau khi nhận ra rằng hầu hết các cửa hàng trang sức thiết kế đều không giảm giá, tôi quyết định mang đến cho khách hàng điều họ muốn: một món đồ cao cấp tương tự với giá thấp hơn”. Emily đến từ sàn giao dịch SnobSwap cho biết: “Nhiều khách hàng luôn muốn có giá tốt hơn. Việc giảm giá đến 90% mặt hàng của các nhà thiết kế nổi tiếng như Chanel, Christian Louboutin và Isabel Marant có thể tạo ra sự cạnh tranh với giá của các cửa hàng bán lẻ”. Những mặt hàng cao cấp dù đã qua mùa hoặc đã qua sử dụng vẫn rất tốt và bền. Một chiếc túi xách xa xỉ thực sự có giá trị sử dụng lên đến 20 năm, trang sức thì còn lâu hơn thế. Nếu bạn không quá khắt khe trong việc chạy theo xu hướng và ngân sách có hạn thì có thể cân nhắc những món đồ cũ giá hời như thế.
Sức mạnh của Internet
Trong khi giá cả cạnh tranh đóng vai trò chủ chốt thì sự phát triển của mạng Internet cũng tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng chóng mặt của thị trường đồ hiệu cũ. Ngày nay, con người dành phần lớn thời gian trong ngày để tương tác với Internet, nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp tạo lợi nhuận nhanh chóng thông qua thương mại trực tuyến. Chưa bao giờ việc mua bán lại diễn ra thuận tiện như thế. Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận hàng hóa xa xỉ với mọi thông tin, hình ảnh cụ thể nhất, thậm chí còn có thể tham khảo, so sánh giá cả và có dư dả thời gian suy nghĩ trước khi quyết định mua một món hàng. Không thể phủ nhận rằng thế giới “ảo” đã mang lại doanh thu “thật” cho ngành công nghiệp hàng xa xỉ, nhất là thị trường bán lại vốn đã sôi động từ trước.
Sự phát triển của mạng xã hội
Ngoài việc giúp cho quá trình mua bán trở nên dễ dàng hơn, Internet cũng cho phép doanh nghiệp tương tác với khách hàng trên khắp thế giới thông qua các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Pinterest, Instagram… CEO Jonathan cực kỳ có niềm tin về việc sử dụng mạng xã hội để tiếp cận với khách hàng: “Khi có hàng mới, chúng tôi thông báo cho khách hàng bằng Twitter, Instagram và Facebook ngay lập tức. Khách hàng cũng thường xuyên khoe thứ họ mua được trên mạng xã hội, điều này khiến cho mọi người luôn vui vẻ”. Mua sắm trên mạng xã hội trở nên thú vị hơn khi bạn có thể chia sẻ tủ quần áo của bạn với tất cả mọi người!
Xem thêm:
Giới thượng lưu mua sắm hàng hiệu thế nào?
Tại sao chúng ta mua sắm hàng hiệu?
10 điểm mua sắm hàng hiệu ít khách du lịch biết đến ở London
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: Tư liệu