Thương hiệu được sáng lập bởi 3 người bạn là Tú Quân, Thảo Trang và phụ trách chính là Kiều Anh (vừa làm thiết kế UX, túi xách thời trang, cô giáo đại học kiêm tái chế nhựa và là mẹ của em bé Miên Anh cùng 5 con mèo).
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, Kiều Anh nhìn thấy vẻ đẹp của thành phố này ở khắp mọi nơi. Chợ búa, đền chùa, hẻm nhỏ, đường to, nhà chọc trời hay chung cư xưa cũ. Đời sống thành thị đâu đâu cũng đậm đà. Đây chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những thiết kế đầy màu sắc với mong muốn đem sự kết hợp giữa những lộn xộn hàng quán, người, xe đó với những thiết kế mang tính công nghiệp, tinh gọn, hiện đại mà hài hước, như tính cách người Việt Nam.
Càng ngày càng có nhiều công nghệ tái chế mới, phương thức sản xuất xanh sạch hơn. Đây cũng chính là điều khiến Kiều Anh và cộng sự hứng thú hơn với con đường đã chọn.
BÀI LIÊN QUAN
Làm tái chế cần nương theo chất liệu tìm được, từ đặc tính cứng mà dẻo dai của nhựa, đến màu sắc sặc sỡ, tưng bừng của mái hiên, bảng hiệu quán xá. Những sản phẩm của Dòng Dòng vì thế thường có kiểu dáng đơn giản để tôn lên họa tiết trên bạt và bền bỉ, chống mưa, chống sốc. Quá trình cắt may cũng không tránh né các vết trầy, phai sờn bởi đây là một phần câu chuyện của nắng mưa nhiệt đới và nhịp sống người Sài Gòn mà thương hiệu muốn viết tiếp.
Bạt cũ hoặc bạt vụn được tìm mua từ cửa tiệm, nhà máy bạt hoặc tư nhân, sau đó phân loại để dành loại bạt còn bền chắc, thú vị nhất may lên sản phẩm chính. Các loại bạt còn lại được may thành túi giao hàng. Tùy tình trạng mà bạt có quy trình vệ sinh riêng, ưu tiên dùng các chất tẩy rửa không gây hại môi trường và người làm như nước rửa lên men từ thực vật, cồn, baking soda… May trên bạt yêu cầu những kỹ thuật riêng mà sau 2 năm ra đời, team đã nghiên cứu và dần hoàn thiện.
Tìm kiếm nguyên vật liệu, vệ sinh, may sản xuất trên vật liệu tái chế, tất cả đều khó hơn so với dùng nguyên liệu mới. Tuy nhiên thử thách lớn nhất là việc tận dụng được tối đa lượng bạt cũ thu về. Hiện tại, thương hiệu còn đang nghiên cứu các cách sử dụng luôn cả lượng bạt đã quá giòn nát, không thể dùng làm túi với phương pháp may hiện tại.
Dòng Dòng có rất nhiều sản phẩm lớn nhỏ để có thể tận dụng triệt để bạt vụn thải ra. Những phần bạt quá nhỏ không thể sử dụng hiện đang được lưu lại cùng với bạt giòn nát để nghiên cứu cách tái chế khác.
Đã có một số công ty nước ngoài liên hệ và nhận phân phối sản phẩm Dòng Dòng tại thị trường châu Âu, nơi người tiêu dùng có ý thức khá cao về thời trang bền vững. Phản ứng người mua khá tích cực. Có bạn khách người Anh sau khi sử dụng balô đã liên hệ lại để gửi lời khen và động viên.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: Dòng Dòng Sài Gòn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE