Mặc lại và tái chế quần áo cũ là hướng đi thiết thực của thời trang bền vững
Thời trang bền vững đang đến gần hơn với đại đa số người dùng nhờ sự “lột xác” trong tư duy thời trang của các nhà thiết kế trên thế giới.
Tại Liên hoan phim Cannes diễn ra vào tháng 5 vừa qua, nữ minh tinh Cate Blanchett đã gián tiếp truyền đi thông điệp về thời trang bền vững trước sự ngạc nhiên của cả giới truyền thông và những người hâm mộ. Cate Blanchett xuất hiện lộng lẫy trong bộ đầm ren xuyên thấu từ nhà mốt Armani Privé – thiết kế từng đồng hành cùng cô tại giải thưởng Quả Cầu Vàng 2014.
Chia sẻ về bộ trang phục “4 năm tuổi” trên thảm đỏ Cannes, Cate Blanchett cho biết: “Thật buồn cười khi mọi người dường như đang cố tình bỏ quên những thiết kế đáng lẽ phải được trân trọng và mặc đi mặc lại trong khoảng thời gian dài”.
Từ câu chuyện váy cũ của Cate Blanchett, làng mốt có cơ hội nhìn nhận lại những lối mòn trong tư duy thời trang thực dụng của bản thân. Khi cả giới thời trang “ngủ quên” trên những bộ trang phục đã qua sử dụng thì nhiều nhà thiết kế đã tiến tới việc tham chiếu khái niệm thời trang tái chế.
Trong đó, những bộ trang phục cũ được phối kết và tái tạo thành những điều mới mẻ. Khi xét tới tính bền vững, các thương hiệu thời trang, nhà thiết kế và người tiêu dùng đều phủ nhận ý tưởng tuổi thọ của một sản phẩm may mặc nên được quyết định bởi xu hướng.
Theo fashionmagazine, trên thực tế, 73% khách hàng thuộc thế hệ Millennials cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đến từ những thương hiệu thời trang bền vững và các thiết kế theo phong cách vintage hoàn toàn phù hợp với thị hiếu của phân khúc khách hàng đặc biệt này. Thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo về mặt lợi nhuận chính là chiến lược kinh doanh mà rất nhiều nhãn hiệu thời trang trên thế giới đang hướng đến.
Thương hiệu thời trang Vetements với trụ sở đặt tại Zurich, Thụy Sỹ được sáng lập bởi NTK Demna Gvasalia vào năm 2014. Trong đó, các thiết kế được gia công hoàn toàn bằng tay từ chất liệu lông thú và những chiếc quần jeans đã qua sử dụng của Levi’s. Tại mùa mốt Thu – Đông 2018, nhà mốt Ý Missoni đã cho ra mắt bộ sưu tập giới hạn bao gồm 25 thiết kế được chế tác từ vải dệt kim tái chế.
Sau khi trình làng hai bộ sưu tập được may đo hoàn toàn bằng chất liệu tái sử dụng, thương hiệu đến từ Hà Lan Viktor & Rolf tiếp tục gây kinh ngạc cho giới thời trang khi biến tấu những chiếc đầm cũ thành những tác phẩm giàu tính tạo hình.
Được biết đến với những thiết kế váy mỏng nhẹ thoáng mát từ các chất liệu thân thiện với môi trường, thương hiệu Reformation cho rằng, việc tái sản xuất sản phẩm may mặc có thể cắt giảm 6.000 kg lượng khí thải CO2 hàng năm. Với trụ sở đặt tại Los Angeles, Reformation hướng đến mục tiêu sử dụng 2 – 5% vải đã qua sử dụng trong các bộ sưu tập của nhãn hàng.
Tại Toronto, Canada, nhà sáng lập thương hiệu Dust of Gods Antonio Tadrissi chính là ví dụ điển hình cho tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi sở hữu quá nhiều quần áo trong tủ đồ thời trang. Thay vì đưa chúng đến bãi rác, Antonio đã nảy ra ý tưởng hợp tác cùng người bạn của mình – Anthony Ricciardi – nhằm biến áo quần cũ thành những tạo tác giàu tính nghệ thuật.
Vốn xuất thân là một kiến trúc sư, Tadrissi đã nhanh chóng mở rộng nguồn cung ứng sang các cửa hàng quân phục cũ và những thị trường tiềm năng như Notting Hill, London. Với tư duy thời trang đầy ngẫu hứng, Tadrissi pha trộn mọi chất liệu trên những chiếc áo khoác denim và áo khoác military, từ những mảnh vải nhiều màu sắc, thảm thêu họa tiết, sơn cho đến hình ảnh những người nổi tiếng và chữ viết thủ công.
Tại trụ sở chính của nhãn hiệu Triarchy đặt tại Los Angeles, Giám đốc sáng tạo Adam Taubenfligel đã bắt tay vào thiết kế BST Atelier Denim từ 100% jeans đã qua sử dụng. Chia sẻ về tuổi thọ của những chiếc quần jeans, Adam cho biết: “Bản chất của chúng là những chất liệu cứng cáp, bền bỉ và trường tồn mãi với thời gian”. Những thiết kế độc đáo nằm trong BST Atelier Denim được chế tác hoàn toàn từ những mảnh vải 30 năm tuổi và điều đó phản ảnh chính xác tôn chỉ của thương hiệu Triarchy.
—
Xem thêm:
Công nương Meghan truyền thông điệp thời trang bền vững trong chuyến công du Úc
Dzũng Yoko: Thời trang Bền vững là quá trình tốn kém về mặt tư duy
Lược dịch: Khánh Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Fashion magazine
Hình ảnh: Tổng hợp