Sáng tạo tái sử dụng trong thời trang và cú bắt tay ngoạn mục của John Galliano và Tomo Koizumi
Không chỉ thành công trong việc khẳng định tầm quan trọng của sáng tạo tái chế trong thời trang, sự kết hợp giữa John Galliano và Tomo Koizumi còn đem đến những góc nhìn mới đầy độc đáo và mới mẻ cho những thiết kế mang tính biểu tượng của chính mình.
Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp tỷ đô, các nhà mốt danh tiếng trên toàn cầu đã có những động thái tích cực nhằm giảm lượng rác thải hằng năm cũng như hướng tới tương lai của một nền thời trang bền vững. Bên cạnh việc sử dụng các nguyên liệu bền vững và thân thiện với môi trường, các NTK cũng bắt đầu tái sáng tạo các sản phẩm thời trang cũ của mình để giảm thiểu chất thải và hao phí tài nguyên. Tái chế các thiết kế của bản thân đã không còn là điều xa lạ, nhưng sử dụng và làm mới lại tác phẩm của một nhà mốt khác gần như là chuyện chưa từng có tiền lệ trước đây. Chính vì vậy, màn kết hợp upcycling (sáng tạo trong tái chế) giữa John Galliano và Tomo Koizumi đã thành công trở thành nguồn cảm hứng cho tương lai của quy trình tái chế vốn là “bài toán nan giải” của ngành công nghiệp thời trang.
Trong lần hợp tác đầy thú vị này, hai NTK John Galliano và Tomo Koizumi sẽ trao đổi tác phẩm cho nhau và sáng tạo tái chế chúng theo tư duy nghệ thuật của riêng mình. Tuy nhiên, khác với việc chỉ sử dụng lại chất liệu vải của quy trình tái chế (recycle), trang phục upcycle sẽ được biến hoá thành một sáng tạo thời trang mới ngay trên một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
“Đó là một ngày thật kì diệu: một ngày với ánh nắng vàng chiếu rọi, và rồi, tôi nhận được chiếc váy cưới đẹp tuyệt vời này…”, Galliano chia sẻ trong hào hứng. Ngoài chi tiết tùng váy phồng lộng lẫy, thiết kế “lọt vào mắt xanh” của Galliano còn được phủ kín bởi những đường diềm xếp nếp với màu sắc tươi vui đặc trưng cho NTK trẻ Tomo Koizumi.
Để áp dụng phương pháp Giải cấu trúc (Deconstruct) – một trong những di sản lâu đời của Maison Margiela, đội ngũ thiết kế đã mất đến 5 ngày để gỡ từng đường diềm trên thân váy, và đồng thời thực thi quá trình giải phóng sự sáng tạo của John Galliano.
Dù việc sử dụng phương pháp Deconstruct sẽ khiến toàn bộ cấu trúc của chiếc váy bị thay đổi, song Galliano vẫn muốn giữ lại trọn vẹn những giá trị “linh hồn” nguyên bản của thiết kế. Dựa trên những đường bèo nhún loang màu làm từ chất liệu tartalan (một loại vải canvas mỏng nhẹ, có khả năng tạo độ phồng) đặc trưng của Koizumi, John đã tạo nên một chiếc áo sweater phi giới tính với phom dáng oversized đến “phóng đại” đầy độc đáo. Theo NTK, ông đã lấy cảm hứng từ dòng ký ức dưới ánh trăng và tái sáng tạo nên thiết kế gợi nhớ đến nơi gặp gỡ của một cặp đôi trên hành trình chữa lành những vết nứt trong tâm hồn.
Với Tomo Koizumi, tác phẩm đến từ Galliano sẽ được anh sáng tạo tái chế bằng con mắt nghệ thuật duy mỹ của mình chính là bản thử nghiệm cho bộ trang phục của nhà mốt Maison Margiela được Rihanna diện tại Met Gala 2018.
Dẫu đã cắt rời từng mảnh trang phục và thay toàn bằng những layer bèo nhún mong manh biểu tượng của mình, Koizumi vẫn tạo nên sự hài hoà và đồng nhất giữa hai tư duy sáng tạo trong thiết kế tái sáng tạo này. Để mang lại vẻ tươi mới và phóng khoáng của những bộ váy đậm chất Koizumi, NTK đã sử dụng kĩ thuật tô và phẩy màu lên những đường diềm nhún trắng ở những bước sau cùng của quy trình tái thiết kế. Cuối cùng, những mảnh vải tartalan màu neon sẽ được đính chồng chéo ở phần thân áo, tạo nên điểm nhấn vui nhộn và truyền tải nguồn năng lượng tích cực trong “cái tôi” thời trang trẻ trung, đầy sáng tạo của anh.
Theo chia sẻ từ Koizumi, lần hợp tác này thật sự là một vinh hạnh lớn đối với anh bởi NTK đã luôn là một người hâm mộ nhiệt thành của John Galliano kể từ khi lần đầu nhìn thấy sáng tạo của ông cho Dior vào năm anh 14 tuổi. Tomo đã thành công trong việc upcycling và tạo ra một tác phẩm mang theo sự giao thoa hài hoà giữa tinh hoa sáng tạo và tư duy thẩm mỹ của anh và Galliano.
Bài: Thi Lê
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: Vogue
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE