Bạn đang đau đầu không biết nên tái sử dụng những món đồ có sẵn hay mua quần áo mới cho dịp Tết sắp đến? Bắt tay vào dọn dẹp tủ quần áo, sau đó bổ sung một vài món đồ cơ bản là gợi ý giúp bạn “vẹn cả đôi đường”.
Hiểu rõ tủ quần áo từ trong ra ngoài
Những món đồ được xếp hoặc được treo khuất tầm nhìn thường sẽ “khuất” luôn khỏi trí nhớ của chúng ta. Điều này dễ dẫn đến việc mua lặp lại kiểu quần áo đang có. Thế nên trước khi đi mua sắm, hãy dành thời gian ngắm nghía lại “kho báu” và ghi chú lại những gì đang có, đang thiếu.
Ghi nhớ tủ quần áo cũng giúp chúng ta mua sắm thông minh hơn, ví dụ chiếc áo này có thể mặc được với chiếc váy nào mình đã có; đôi giày này có hợp với tủ đồ của mình hay không… Hiện nay, đã có nhiều ứng dụng trên điện thoại giúp bạn quản lý tủ đồ của mình.
phân loại những món đồ có thể tái sử dụng trong tủ quần áo
Sau khi đã có được danh sách những món đồ đang có và cần mua mới, bước tiếp theo bạn cần làm là sàn lọc những món đồ cũ, hư hoặc bị một vài lỗi nhỏ mà bạn vô tình quên mất. Bạn chỉ cần giữ lại những món đồ còn khả năng sửa lại, có thể làm mới bằng cách kết hợp với kiểu dáng trang phục khác. Nếu cả hai cách trên đều không thể, bạn nên nói lời chia tay với những món đồ không còn vừa vặn hoặc không còn phù hợp với phong cách hiện tại.
Dù vậy, không phải ai trong chúng ta cũng dễ dàng bỏ đi những món đồ cũ. Việc rời xa một món đồ nào đó đôi lúc đồng nghĩa với việc bỏ đi những kỉ niệm đẹp gắn liền với nó. Nếu bạn chần chừ không biết có nên bỏ đi một món đồ cũ hay không, hãy treo nó ra ngoài và làm một cuộc theo dõi, xem bạn mặc nó được bao nhiêu lần. Nếu số lần mặc lại quá ít hoặc hầu như không, hãy mạnh dạn nói lời tạm biệt với nó.
bí quyết mua sắm “một vào – một ra”
Một cách thông minh để giữ sự cân bằng cho tủ quần áo là công thức “một vào – một ra”: Cứ mỗi lần bạn “rước” một món đồ mới toanh vào tủ, hãy thử tìm xem có món nào có thể loại ra hay không. Thay vì vứt đi, bạn có thể bán lại, tặng hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Cách làm này vừa giúp tủ đồ được gọn gàng vừa giúp bạn tự tin hơn vào món đồ mới mua. Bạn sẽ chỉ mua món bạn thật sự yêu thích, vì nó đồng nghĩa với việc một món đồ cũ nào đó sắp phải ra đi. Và đương nhiên, bí quyết mua sắm này chỉ có hiệu quả khi bạn thật sự nghiêm khắc với bản thân mình.
Hãy thử trao đổi một vài món đồ trong tủ quần áo với bạn bè của mình
Bạn có bao giờ nghĩ đến việc đổi đồ với cô bạn thân chưa? Hãy thử áp dụng nguyên tắc “một vào – một ra” ở trên bằng cách trao đổi với bạn của mình. Biết đâu bạn sẽ tìm được một món đồ ưng ý từ tủ quần áo của cô ấy và ngược lại. Không nhất thiết phải là một đổi một, bạn có thể tụ tập cả hội bạn, mở một “bữa tiệc đổi đồ” tại gia. Bằng cách này, chúng ta vừa thanh lý được đồ cũ, bảo vệ môi trường vừa tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp với bạn bè.
cân nhắc số lần sử dụng
Những dịp đặc biệt như Tết, lễ cưới hỏi, họp lớp dễ làm chúng ta cảm thấy mình cần một thứ gì đó đặc biệt và mới mẻ. Từ đó, chúng ta quên mất việc cân nhắc số lần sử dụng của món đồ đó. Nếu không thường xuyên tham gia các buổi tiệc, thay vì một chiếc đầm dạ hội chỉ có thể mặc vài lần, bạn có thể thay thế bằng chân váy, áo, giày, áo khoác,… Như vậy, bạn sẽ có nhiều cách phối hợp khác nhau cho mỗi lần xuất hiện. Đừng ngần ngại thực hiện những “phép thử” mới lạ với phụ kiện. Bằng cách thay một chiếc thắt lưng, thêm một đôi hoa tai, bạn đã có một diện mạo hoàn toàn khác với cùng một bộ đồ đã mặc trước đó.
Đừng ngần ngại thực hiện những “phép thử” mới lạ với phụ kiện. Bằng cách thay một chiếc thắt lưng, thêm một đôi hoa tai, bạn đã có một diện mạo hoàn toàn khác với cùng một bộ trang phục đã mặc trước đó.
Đừng bao giờ mua một món đồ chỉ vì giá “hời”
Những dịp giảm giá lớn trong năm là một cái bẫy rất cám dỗ đối với các tín đồ mua sắm. Chúng mang lại cảm giác đắc thắng và vui vẻ khi mua được đồ giá tốt. Điều này thúc đẩy chúng ta “thừa thắng xông lên”, chi tiền mất kiểm soát. Tuy nhiên, việc mua sắm này chỉ thật sự “hời” khi những món đồ đó hợp với bạn và bạn thật sự cần chúng. Vì khi cơn mua sắm thỏa thích qua đi, điều còn sót lại là bạn và núi quần áo không biết bao giờ mới mặc đến. Vì thế, vào mùa giảm giá, hãy thật tỉnh táo và chi tiêu vào những món thật xứng đáng.
Hạn chế những buổi mua sắm “thịnh soạn”
Cuối cùng, thay vì thực hiện những chuyến mua sắm “khủng”, bạn thể lên kế hoạch mua sắm định kỳ hoặc vào một nhân dịp đặc biệt. Và dĩ nhiên trước khi quyết định mua một món đồ mới, đừng quên áp dụng quy tắc “một vào – một ra”. Cách làm này giúp bạn cập nhật liên tục tủ quần áo nhưng không quá tốn kém.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Khánh Thy Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE